Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Cạnh tranh quốc tế lĩnh vực Internet vệ tinh

  

10:09 22/02/2024

Là một lĩnh vực mới nổi, Internet vệ tinh tác động sâu sắc đến cạnh tranh Internet toàn cầu, tác động đến sức mạnh kinh tế và quân sự các nước, làm gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc

Theo Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA), không gian là khoảng không bên ngoài cách mặt đất hơn 100 km, bao gồm mặt trăng và các thiên thể khác. Từ góc độ địa chính trị, các vệ tinh nhân tạo và vũ khí triển khai ngoài không gian có thể khắc phục những hạn chế về khoảng cách địa lý và điều kiện mặt đất, cho phép liên lạc toàn cầu và tấn công chính xác mục tiêu trong thời gian ngắn nhất.

GS. Everett Carl Dolman, Trường Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu Không quân Hoa Kỳ từng nhận xét: “Ai kiểm soát quỹ đạo Trái đất sẽ kiểm soát không gian; ai kiểm soát không gian sẽ kiểm soát bề mặt trái đất; ai kiểm soát bề mặt trái đất sẽ kiểm soát vận mệnh của nhân loại” [2].

Vệ tinh nhân tạo, trạm vũ trụ, du hành vũ trụ và việc thám hiểm, khai thác tài nguyên trên các hành tinh khác có giá trị kinh tế rất lớn. Trong “Chiến lược Không gian quốc gia” (National space strategy; 2021) của Vương quốc Anh dự báo nền kinh tế vũ trụ toàn cầu sẽ tăng từ 270 tỷ bảng vào năm 2019 lên 490 tỷ bảng vào năm 2030 [3].

Sách trắng "Quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới 2019” [4] nêu rõ: “Không gian là đỉnh cao của cạnh tranh chiến lược quốc tế, an ninh không gian là bảo đảm chiến lược cho sự nghiệp xây dựng đất nước và phát triển xã hội; ...; Trung Quốc đẩy mạnh phát triển các công nghệ và năng lực tương ứng; theo kịp và làm chủ tình hình không gian”.

Chính sách không gian quốc gia Hoa Kỳ 2020" [5] nhấn mạnh phải duy trì vị trí bá chủ trên không gian: “Trong kỷ nguyên khám phá không gian đang trỗi dậy này, Hoa Kỳ sẽ mở rộng vai trò lãnh đạo của mình cùng với các quốc gia có chung giá trị dân chủ, tôn trọng nhân quyền và tự do kinh tế. Những giá trị đó sẽ cùng chúng ta mở rộng đến tất cả các điểm đến trong không gian khi Hoa Kỳ một lần nữa bước ra ngoài Trái đất, bắt đầu từ Mặt trăng và tiếp tục tới Sao Hỏa”.

Nga, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã đưa ra chính sách không gian của riêng mình.

Vệ tinh nhân tạo có nhiều ứng dụng nhất trong lĩnh vực không gian, gồm cả lĩnh vực quân sự và lĩnh vực dân sự. Trong lĩnh vực quân sự, vệ tinh nhân tạo có thể được sử dụng để trinh sát, giám sát, xác minh, cảnh báo sớm, liên lạc, dẫn đường và các nhiệm vụ quân sự khác. Lấy hệ thống vệ tinh dẫn đường làm ví dụ, vào những năm 1970, Hoa Kỳ bắt đầu phát triển hệ thống vệ tinh dẫn đường, hệ thống này đóng vai trò then chốt trong Chiến tranh vùng Vịnh.

Chiến dịch "Bão sa mạc" năm 1991 đã khiến cộng đồng quốc tế lần đầu tiên nhận thức được hiệu quả đáng sợ của công nghệ định vị và dẫn đường chính xác. Tuy nhiên, trong cuộc chiến này, số tên lửa dẫn đường chính xác do GPS của Mỹ cung cấp chỉ chiếm 8%; đến chiến tranh Iraq năm 2003, con số này đã lên tới 68%. Ở một khía cạnh nào đó, sự phát triển của hệ thống vệ tinh định vị đã thay đổi đáng kể cách thức và hình thức chiến tranh. Nó củng cố hơn nữa vị thế thống trị của Mỹ trong lĩnh vực kinh tế và quân sự vũ trụ.

So sánh với công nghệ dẫn đường và định vị vệ tinh, Internet vệ tinh đang là lĩnh vực đáng quan tâm tiếp theo trong “cuộc chạy đua không gian”. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã làm thay đổi sâu sắc bộ mặt thế giới, thúc đẩy nhanh chóng viễn cảnh “thế giới phẳng”.

Internet vệ tinh khắc phục được những hạn chế của truyền Internet trên mặt đất, sử dụng vệ tinh nhân tạo làm trạm chuyển tiếp, có khả năng phủ sóng đầy đủ, băng thông cao và tốc độ mạng nhanh.

Theo số liệu MIT Technology Review, Internet vệ tinh nằm trong số 10 công nghệ đột phá hàng đầu năm 2020. Công ty SpaceX của Elon Reeve Musk, lên kế hoạch từ năm 2019 - 2024 sẽ xây dựng mạng lưới “Starlink” gồm khoảng 12.000 vệ tinh để cung cấp dịch vụ Internet; 1.584 trong số chúng sẽ được triển khai ở quỹ đạo trái đất thấp cách trái đất 550 km.

Ngày 22/5/2022, kết quả kiểm tra tốc độ của dịch vụ Internet vệ tinh “Starlink” cho thấy tốc độ tải xuống của dịch vụ đạt 301Mbps. Musk tuyên bố rằng "Starlink" có thể cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao với băng thông 1Gbps. Tốc độ này nhanh hơn nhiều so với tốc độ chung hiện tại của Internet toàn cầu. SpaceX có kế hoạch phóng thêm 30.000 vệ tinh ở quỹ đạo trái đất thấp, nâng số lượng vệ tinh "Starlink" lên 42.000.

Internet vệ tinh có giá trị kinh tế quan trọng trong việc cung cấp Internet băng thông rộng và nó cũng có ý nghĩa chiến lược trong lĩnh vực chính trị và an ninh. Vì vậy, Internet vệ tinh đã trở thành vấn đề cạnh tranh giữa các cường quốc, một số quốc gia như EU, Trung Quốc, Nga đã nỗ lực thiết lập hệ thống Internet vệ tinh của riêng mình.

Từ góc độ quan hệ quốc tế, Internet vệ tinh đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi cán cân quyền lực giữa các quốc gia. Internet vệ tinh có giá trị thương mại lớn và có thể cung cấp các dịch vụ Internet cạnh tranh để truy cập băng thông rộng ở những nơi xa xôi, truy cập băng thông rộng trong cabin máy bay, dịch vụ băng thông rộng hàng hải, Internet phương tiện, dịch vụ tài chính, thăm dò dầu khí, thành phố thông minh,...

Đạt được lợi thế trên thị trường Internet vệ tinh, có nghĩa là đạt được nhiều lợi ích hơn về kinh tế. Đồng thời, công nghệ Internet vệ tinh có thể có tác động nhất định đến các ứng dụng 5G. Mặc dù công nghệ 5G có lợi thế về độ trễ thời gian, tuy nhiên, khi số lượng vệ tinh trong Internet vệ tinh tăng lên và công nghệ được cải thiện, nó có thể chiếm lợi thế trong các lĩnh vực yêu cầu dịch vụ có độ trễ thấp, chẳng hạn như xe tự lái. Do đó, Internet vệ tinh có tiềm năng thay đổi đáng kể mô hình dịch vụ Internet trong tương lai.

Ảnh: 5gworldpro

Internet vệ tinh cũng có giá trị quân sự rất lớn, có thể cung cấp thông tin liên lạc vệ tinh, viễn thám, hình ảnh, điều hướng, điện toán đám mây và các dịch vụ khác, đặc biệt ở những khu vực thiếu dịch vụ Internet trên mặt đất. SpaceX đã hợp tác chặt chẽ với quân đội Hoa Kỳ để nghiên cứu tích hợp hệ thống "Starlink" vào hệ thống liên lạc quân sự. Điều này chắc chắn sẽ nâng cao hơn nữa nhận thức về tình hình toàn cầu, khả năng triển khai linh hoạt và chiến đấu không người lái của quân đội Hoa Kỳ.

Từ góc độ an ninh chính trị, Internet vệ tinh cung cấp một công cụ Internet mạnh mẽ cho Hoa Kỳ và các nước phương Tây để tăng cường thâm nhập vào các nước khác.

Theo Musk, kế hoạch là chấm dứt tình trạng phong tỏa mạng đang tồn tại trên thế giới hiện nay vì Internet vệ tinh không bị hạn chế bởi cơ sở hạ tầng trên mặt đất. Trong ngắn hạn và trung hạn, cạnh tranh về Internet vệ tinh sẽ làm gia tăng khoảng cách quyền lực giữa các nước phát triển và đang phát triển. Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, Internet vệ tinh cũng gặp một số vấn đề, chủ yếu là do chi phí cao và thị trường ứng dụng còn tương đối hạn chế.

Hiện, SpaceX đã có được giấy phép hoạt động thương mại tại Mỹ, EU, Canada, New Zealand, Australia,... Gã khổng lồ viễn thông Vodafone của Anh đã đầu tư vào AST SpaceMobile có trụ sở tại Hoa Kỳ để hợp tác hoạch định chiến lược Internet vệ tinh, để khách hàng ở các vùng xa xôi ở châu Âu và châu Phi có thể truy cập các dịch vụ thoại và dữ liệu bằng các thiết bị di động hiện có.

Tháng 11/2022, EU công bố thỏa thuận chính trị đạt được giữa Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên về “Kế hoạch kết nối an toàn EU 2023 - 2027” với ngân sách 2,4 tỷ euro, nhằm mục đích triển khai một chùm vệ tinh EU “IRIS2". Ở một mức độ nhất định, điều này cũng phản ánh việc EU theo đuổi quyền tự chủ chiến lược, EU hy vọng có được vị thế chính trị và an ninh độc lập hơn.

Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một mạng lưới vệ tinh khổng lồ ở quỹ đạo gần trái đất để cung cấp dịch vụ Internet cho người dùng trên khắp thế giới và cạnh tranh với mạng lưới vệ tinh Starlink của SpaceX. Dự án do nhà nước hỗ trợ được ngành công nghiệp vệ tinh của Trung Quốc gọi là “GW” hoặc “Guowang”, tạm dịch là “Mạng lưới Nhà nước”, bao gồm 12.992 vệ tinh.

Nhiều khả năng chùm vệ tinh GW sẽ được triển khai nhanh chóng trước khi SpaceX hoàn thành Starlink. Các vệ tinh Trung Quốc có thể đặt ở quỹ đạo nơi chùm Starlink không thể bay tới để chiếm lợi thế về độ cao.

Internet vệ tinh là một lĩnh vực cạnh tranh chiến lược quan trọng giữa các cường quốc. Trong thời gian tới, tình hình quốc tế có những thay đổi khó lường, việc quân sự hóa lĩnh vực không gian tiếp tục gia tăng; xu hướng cạnh tranh và quân sự hóa cũng thể hiện trong lĩnh vực Internet vệ tinh. Việc xây dựng các quy định quản trị xung quanh lĩnh vực này vẫn đang được hình thành.

Trong lĩnh vực Internet vệ tinh, các quy tắc trật tự quốc tế hiện hành rõ ràng có lợi cho các cường quốc, tức là việc phân bổ tần số vệ tinh và tài nguyên quỹ đạo giữa các nước thành viên của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) áp dụng nguyên tắc “đến trước, phục vụ trước".

Các nước đang phát triển vẫn cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng một trật tự Internet vệ tinh quốc tế có tính đến sự công bằng và hiệu quả. Đồng thời, việc xây dựng Internet vệ tinh cũng thúc đẩy các nước tiếp tục hợp tác quốc tế trong quản lý lưu lượng không gian, loại bỏ mảnh vỡ vệ tinh, ...

BBT tổng hợp


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Đặt hàng mẫu

 Đơn đặt hàng của bạn đã được gửi thành công. Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn ngay khi có thể.
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện