Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Sửa Luật Tần số vô tuyến điện góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia

  

01:55 08/06/2022

Sáng 3/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quan điểm của Luật là quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện…

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Minh Đạt

Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan, trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo.

Về nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch băng tần để làm rõ trong quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng có quy định giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần một doanh nghiệp được cấp phép.

Sửa đổi quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá để làm rõ doanh nghiệp nhận chuyển nhượng phải kế thừa đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức chuyển nhượng với điều kiện bảo đảm tổng độ rộng băng tần sau khi nhận chuyển nhượng không vượt quá giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng.

Bổ sung quy định yêu cầu tổ chức đề nghị cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển hoặc khi được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần phải có cam kết triển khai mạng viễn thông và nộp tiền bảo đảm thực hiện cam kết này; khi vi phạm cam kết thì bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, hoặc bị thu hồi giấy phép, nhằm bảo đảm tần số được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển viễn thông của Nhà nước.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về điều kiện được tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện như yêu cầu tổ chức phải có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông, phải có cam kết triển khai mạng viễn thông sau khi được cấp phép theo quy định (như vùng phủ, chất lượng, tiền đầu tư...); bổ sung quy định điều kiện được cấp lại giấy phép sau khi hết hạn như phải sử dụng có hiệu quả băng tần, kênh tần số đã cấp...

Nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số, bổ sung quy định về các trường hợp phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; giao Chính phủ quy định cụ thể mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Ngoài ra, sửa đổi quy định về cơ sở xác định mức thu phí sử dụng tần số để làm rõ nội hàm của phí không căn cứ vào giá trị kinh tế của phổ tần.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định trường hợp các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh khi sử dụng tần số phân bổ cho quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế thì cũng phải thực hiện các khoản phí, lệ phí và tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho ngân sách nhà nước.

Liên quan nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh, dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép cơ quan quản lý chuyên ngành, Thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính.

Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ TT&TT và của tổ chức được cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh trong việc kiểm tra các đăng ký tần số và quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống vệ tinh của Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp có tình huống ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được phép quyết định việc sử dụng thiết bị vô tuyến điện và việc sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài các tần số vô tuyến điện đã được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh; các tổ chức, cá nhân khác phải dừng sử dụng nếu có khả năng gây nhiễu có hại cho các trang bị, khí tài phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh…

Cần đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện

Trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, UB tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy. Ảnh: Quốc hội

Về việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt, ông Huy cho hay, một số ý kiến tán thành bổ sung khoản 4 Điều 45 trong dự thảo Luật vì cho rằng đây là quy định mới được bổ sung trong quá trình xây dựng dự thảo Luật này để nâng cao hiệu quả sử dụng tần số vô tuyến điện; khi có yêu cầu, việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế là hợp lý.

Ủy ban này nhận thấy, đây là vấn đề hệ trọng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện. Trước mắt, chưa nên quy định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong dự án Luật.

Một số lý do được Ủy ban đưa ra là: Khi sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, đồng nghĩa với việc chuyển đổi cơ chế ưu tiên, bảo mật đặc biệt sang cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật quốc phòng, an ninh và bí mật Nhà nước.

Việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế là chưa đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện. Băng tần được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh là băng tần bí mật nên cơ quan quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện cũng như các cơ quan quản lý về tài chính sẽ khó tiếp cận để kiểm tra, giám sát khi sử dụng băng tần, kênh tần số phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế…

Theo VietNamNet

Link gốc: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/153949/Sua-Luat-Tan-so-vo-tuyen-dien-gop-phan-tao-nen-tang-chuyen-doi-so-quoc-gia.html


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Đặt hàng mẫu

 Đơn đặt hàng của bạn đã được gửi thành công. Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn ngay khi có thể.
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện