Trước làn sóng phát triển và bùng nổ của Internet và vai trò tất yếu của Internet trong đời sống hàng ngày, việc đảm bảo an toàn bảo mật mạng Internet và định tuyến trên môi trường mạng ngày càng trở nên quan trọng. Theo thống kê của BGPStream, riêng trong năm 2021, đã có hơn 775 cuộc tấn công/ sự cố liên quan đến BGP.
Công nghệ ký số tài nguyên Internet, xác thực định tuyến (RPKI) đã trở thành xu thế công nghệ và được triển khai mạnh mẽ trên thế giới nhằm đảm bảo an toàn định tuyến, hạn chế các cuộc tấn công định tuyến trên mạng Internet.
Theo thống kê của APNIC, trong 3 năm gần đây, mức độ triển khai RPKI trên Internet toàn cầu tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 35% tới năm 2022. Các quốc gia với mức độ phát triển cao về Internet đều có tỷ lệ ứng dụng RPKI đạt trên 50% (bao gồm Hoa Kỳ, Đan Mạch, Thụy Điển, Úc, Nhật Bản,…). Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) lớn trên thế giới (AT&T, Telia, NTT, Cogent, Telstra, Quadranet, HE, IDnet, Worldstream, GTT,…) cũng chú trọng và triển khai rộng rãi công nghệ RPKI.
Tại Việt Nam, tính đến tháng 5/2022, tỷ lệ triển khai RPKI của Việt Nam đạt mức trung bình 23% (tăng 7% so với năm 2021); 150 thành viên địa chỉ IP Việt Nam đã khai báo xác thực thông tin định tuyến (khai báo thành công bản ghi ký số tài nguyên ROA) – bước cơ bản đầu tiên để triển khai thành công RPKI.
Ứng dụng công nghệ RPKI và chuyển đổi toàn diện sang địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 được xác định là 02 giải pháp ưu tiên nhằm đảm bảo phát triển an toàn, bền vững cho hoạt động mạng, dịch vụ Internet Việt Nam.
Sự kết hợp IPv6 với các công nghệ tiên tiến, hình thành các mạng “IPv6+” được nhận định sẽ tạo ra tính đột phá cho mạng Internet. Trong năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi toàn diện Internet Việt Nam sang IPv6, trong đó các ISP chủ đạo triển khai IPv6 cho 100% hệ thống mạng kết nối Internet, dịch vụ cung cấp khách hàng.
BBT
Thêm ý kiến góp ý