Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Đẩy nhanh công tác IPv6 để hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch đặt ra

  

09:00 04/04/2024

Ngày 3/4, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch chuyển đổi IPv6 Việt Nam, IPv6 for Gov 2024 và định hướng đến năm 2025. Tham dự Hội nghị có các cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ, ban ngành, các Sở TT&TT, các DN Internet Việt Nam.

Hội nghị đánh giá lại toàn diện kết quả công tác chuyển đổi IPv6 Việt Nam; làm rõ vấn đề tồn tại; nhận định kinh nghiệm quốc tế để đưa ra các giải pháp, kế hoạch, mục tiêu năm 2024, hướng tới hoàn thành sớm các chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025.

Chủ trì và phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết: Mạng Internet IP - mạng IPv6 là hạ tầng nền tảng cho phát triển kỹ thuật số, chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Toàn cầu đang chuyển sang thế hệ mới IPv6 thay thế địa chỉ IPv4; đáp ứng nhu cầu triển khai các dịch vụ mới, chất lượng cao như IoT, thành phố thông minh, đám mây, 5G, 6G...

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: Toàn cầu đang chuyển sang thế hệ mới IPv6 thay thế địa chỉ IPv4; đáp ứng nhu cầu triển khai các dịch vụ mới, chất lượng cao.

Thực hiện chuyển đổi toàn diện Internet Việt Nam sang hoạt động với IPv6, phát triển hạ tầng số cho CĐS quốc gia, Bộ TT&TT đã điều phối các DN, đơn vị, cơ quan nhà nước (CQNN) đồng bộ thực hiện quá trình chuyển đổi IPv6.

Giai đoạn 2011-2019, thực hiện thành công Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, về cơ bản chuyển đổi mạng lưới DN, dịch vụ Internet cơ bản hoạt động với IPv6.

Năm 2020, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ CQNN. Ngày 14/01/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký phê duyệt Chương trình IPv6 For Gov với 02 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2021-2022; Giai đoạn 2 từ 2023 - 2025.

Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ xác định: “Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)”.

Thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi toàn diện Internet Việt Nam sang IPv6, Thứ trưởng cho biết đã đạt được kết quả tốt: Tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 60,07%, thứ 8 trong top 10 quốc gia tiêu biểu chuyển đổi IPv6 trên toàn cầu. Đối với khối CQNN, 82/85 (96%) Bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6; 76/85 (89%) Bộ, ngành, địa phương chuyển đổi IPv6 thành công cho Cổng Thông tin điện tử (TTĐT), dịch vụ công (DVC).

Thứ trưởng khẳng định: “Hoạt động chuyển đổi IPv6 trong khối CQNN đã thay đổi rất tích cực từ khi Bộ TT&TT phê duyệt, triển khai Chương trình IPv6 For Gov với nhiều hoạt động, phối hợp tích cực giữa Bộ TT&TT với các Bộ, ngành, địa phương, DN. Qua đó cho thấy vai trò quan trọng của các đơn vị chuyên trách CNTT, CĐS của các Bộ, ngành cùng các Sở TT&TT. Các kết quả nêu trên cho thấy cách làm, nội dung, tiến độ công tác thúc đẩy triển khai IPv6 Việt Nam và Chương trình IPv6 For Gov đã được triển khai hiệu quả”.

Mặc dù có các kết quả bước đầu, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TT&TT vẫn còn một số hạn chế như: hạ tầng và dịch vụ tới người dùng băng rộng chưa liên tục, chưa toàn diện; thiết bị hỗ trợ IPv6 nhưng chưa được cấp IPv6; thiết bị được cấp IPv6, nhưng người dùng WiFi, LAN không truy cập được qua IPv6; một số thiết bị đầu cuối chưa hỗ trợ IPv6.

Về dịch vụ đám mây, trung tâm dữ liệu (IDC), hosting, mới đạt tỷ lệ sử dụng IPv6 ước tính 5%; phần lớn chưa triển khai IPv6 cho hạ tầng mạng lõi; chưa triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 (còn phụ thuộc vào nhu cầu khách hàng, tỷ lệ IPv6 dưới 1%); mức độ quan tâm thấp, chưa đầu tư, nghiên cứu triển khai.

Về website, nội dung, OTT/Media, năm 2023 có 32.0808 trang web (.vn) đã chạy IPv6. Năm 2017, VnExpress là website nội dung lớn đầu tiên tại Việt Nam triển khai IPv6. Hiện nay, một số ít các website, trang thông tin, báo đã chạy IPv6 như: SCTV, HanoiTV, YenbaiTV, baodautu.vn, baoquocte.vn, laodongthudo.vn, phapluatplus.vn, bongda24h.vn, nghean24h.vn, hatinh24h.com.vn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trang báo điện tử, OTT/Media lớn đang dùng IPv4-only như dantri.com.vn, tuoitre.vn, vietnamnet.vn, znews.vn, thanhnien.vn, tienphong.vn, cafef.vn, vnptmedia.vn, fptplay.vn, kenh14.vn, zingmp3.vn, viettelmedia.vn… Một số DN nội dung phụ thuộc vào hạ tầng, dịch vụ của ISP, IDC lớn.

Trong khi đó, khối CQNN triển khai chương trình IPv6 for Gov phần lớn chưa hoàn thành 03 giai đoạn - 10 bước theo chương trình. 03/22 Bộ, ngành chưa có kế hoạch IPv6. 9/22 Bộ, ngành chưa chuyển đổi Cổng. Phần lớn Bộ, Ngành chưa triển khai IPv6 cho IDC, mạng truy cập, hệ thống CNTT nội bộ; chưa quy hoạch mạng hiện đại; còn phụ thuộc vào DN ISP, IDC…

Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi IPv6 Việt Nam, IPv6 For Gov năm 2024. Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị: “Công tác chuyển đổi IPv6 vẫn cần xác định tinh thần triển khai quyết liệt, kiên trì, liên tục. Chuyển đổi IPv6 là cần thiết, không thể chậm trễ, cần sự tham gia đồng lòng của tất cả các cơ quan, đơn vị, DN".

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh tại điểm đầu cầu trực tuyến

Theo Thứ trưởng, Internet rộng khắp, phổ cập, an toàn, bền vững, thông minh. Chuyển đổi IPv6 làm cho Internet lớn hơn, rộng khắp, phổ cập, đồng thời phải gắn với an toàn, chất lượng và dịch vụ mới để phát triển hạ tầng Internet, các dịch vụ trên Internet thông minh hơn, an toàn hơn và bền vững.

Chuyển đổi IPv6 là theo yêu cầu về công nghệ, theo xu thế chung của toàn cầu, là cơ hội phát triển cho mạng Internet Việt Nam, hướng tới phát triển Internet thông minh, Internet công nghiệp; mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi sang IPv6-only.

Tiếp theo, Thứ trưởng cho rằng: “Chúng ta đã làm tốt giai đoạn vừa qua, giai đoạn 2024-2025 cần dồn lực về đích, đảm bảo mục tiêu IPv6, IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025, định hướng xây dựng chương trình cho giai đoạn 2026 - 2030”.

Ngày 25/3/2024, Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 377/QĐ-BTTTT phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi IPv6 Việt Nam, IPv6 For Gov năm 2024”, giao VNNIC chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ; các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các Sở TTTT và Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, FPT Telecom, MobiFone, CMC Telecom cũng như các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, DN công nghệ thông tin, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội triển khai hiệu quả mục tiêu 2024 và chuẩn bị cho 2025.

Mục tiêu 2024, tỷ lệ chuyển đổi IPv6 đạt tối thiểu 65% và hoàn thành cơ bản Chương trình IPv6 For Gov (2021-2025). Do đó, Thứ trưởng đề nghị: "Cần đẩy nhanh kế hoạch của các cơ quan, tổ chức, DN và triển khai mở rộng cung cấp dịch vụ với IPv6".

Thứ trưởng cũng đề nghị các DN ISP, Mobile, IDC, Cloud, nội dung số, OTT/Media đảm bảo hạ tầng cung cấp dịch vụ IPv6 toàn diện, liên tục, cấp IPv6 tới toàn bộ thuê bao, có giám sát, theo dõi định kỳ, thực hiện đúng cam kết về số lượng kích hoạt thuê bao mới IPv6; Thay thế thiết bị đầu cuối không hỗ trợ IPv6 theo lộ trình chủ động của DN, hoàn thành trong giai đoạn 2024 - 2025. DN chủ động tuyên truyền trên website và cung cấp dịch vụ IPv6 mặc định cho khách hàng.

Mục tiêu 2025, định hướng 2030, triển khai IPv6 only, IPv6 cho 5G, Cloud, IoT và nghiên cứu triển khai IPv6+, IPv6 thông minh, IPv6 trong Internet công nghiệp.

Đối với CQNN (các đơn vị chuyên trách công CNTT khối Bộ, ngành và các Sở TT&TT), Thứ trưởng yêu cầu công tác chuyển đổi IPv6 của CQNN bám sát yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu của Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng số kết hợp với tái cấu trúc hạ tầng mạng theo hướng hiện đại, an toàn đồng bộ với kế hoạch phát triển hạ tầng số, CĐS của Bộ, ngành, địa phương để tiết kiệm chi phí và xây dựng hạ tầng số hiện đại, an toàn từ gốc, phục vụ phát triển lâu dài. Bộ TT&TT đã ban hành mô hình tham chiếu kết nối mạng, tổ chức nhiều chương trình tập huấn, cung cấp tài liệu hướng dẫn cho các CQNN, đề nghị tập trung thực hiện.

Năm 2024, 90 - 100% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các địa phương chuyển đổi IPv6 thành công cho Cổng TTĐT, DVC; phấn đấu hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Chương trình IPv6 For Gov.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Thứ trưởng đề nghị Cục Viễn thông nghiên cứu các quy định, cấp phép, chính sách, tiêu chuẩn để thúc đẩy chuyển đổi IPv6 cho mạng 5G, IoT, 6G, IDC, cloud…. Vụ Khoa học và Công nghệ (KHCN) nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn về IPv6.

Cục Bưu điện Trung ương chủ trì công tác chuyển đổi IPv6 cho mạng truyền số liệu chuyên dùng; hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho mạng WAN các Bộ, ngành, địa phương.

Cục CĐS quốc gia triển khai nội dung IPv6 trong các đánh giá chỉ số CĐS các Bộ, ngành, địa phương; bổ sung nội dung IPv6 trong các sự kiện, hội nghị về CĐS, chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Trung tâm Thông tin chủ trì công tác chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT của Bộ TT&TT.

Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Cục Báo chí nghiên cứu đề xuất các quy định, chính sách thúc đẩy chuyển đổi IPv6 cho mảng dịch vụ nội dung số (ứng dụng, mạng xã hội, báo điện tử, trang TTĐT tổng hợp, OTT, Media). VietNamNet hoàn thành chuyển đổi sử dụng IPv6 cho Báo điện tử và các chuyên trang trong năm 2024.

Là đơn vị đầu mối triển khai chuyển đổi IPv6, Thứ trưởng giao VNNIC chủ trì, điều phối chung việc thực hiện Kế hoạch IPv6, IPv6 For Gov năm 2024; Chủ trì đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, DN trong triển khai IPv6, trong giai đoạn 2024 - 2025 tập trung đào tạo, tập huấn về an toàn, chất lượng IPv6, định tuyến RPKI, DNSSEC để đảm bảo an toàn DNS.

Phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Tổng Công ty MobiFone, và các DN Internet, DN Cloud, IDC, các DN nội dung lớn để chuyển đổi toàn diện mạng Internet Việt Nam sang IPv6; Theo dõi, báo cáo số liệu hàng quý về tiến độ, hiện trạng IPv6 Việt Nam.

Cuối cùng, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Các cơ quan, đơn vị, DN hãy xác định tinh thần phối hợp đồng bộ, quyết tâm, đẩy nhanh công tác IPv6 để hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch đặt ra”./.

BBT


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Đặt hàng mẫu

 Đơn đặt hàng của bạn đã được gửi thành công. Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn ngay khi có thể.
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện