Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Dịch vụ Internet vệ tinh: Xu hướng và cơ hội cho Việt Nam

  

10:29 02/03/2024

Internet vệ tinh là loại hình dịch vụ Internet được cung cấp thông qua vệ tinh thông tin liên lạc tới người dùng cuối, đặc biệt phù hợp ở vùng sâu, vùng xa khi các hình thức thông tin liên lạc khác chưa thể vươn tới. Internet vệ tinh cũng đáp ứng nhu cầu về thoại qua Internet, âm thanh tiêu chuẩn, độ nét cao và video theo yêu cầu.


Tại sao Internet vệ tinh lại "nóng"?

Theo báo cáo dự báo ngành và phân tích cơ hội toàn cầu (Global Opportunity Analysis and Industry Forecast, 2020 - 2030), quy mô thị trường Internet vệ tinh toàn cầu được định giá 2,93 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 18,59 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 20,4% từ năm 2021 - 2030. Internet vệ tinh đáp ứng truy cập Internet tốc độ cao từ các vệ tinh quay quanh trái đất.

COVID-19 đã thúc đẩy việc tăng cường việc sử dụng Internet vệ tinh trong các cơ quan chính phủ và các cơ sở y tế để đáp ứng liên lạc tức thời và nhanh chóng. Các lĩnh vực cứu hỏa, cảnh sát… với nhu cầu liên lạc nhanh chóng cũng đã thúc đẩy tăng trưởng của thị trường Internet vệ tinh.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Uỷ viên Uỷ ban Thể lệ Vô tuyến của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), Tổng thư ký Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV), Internet vệ tinh có quá trình phát triển lâu dài và cải tiến liên tục để ngày nay dịch vụ Internet băng rộng vệ tinh trở nên phổ biến và góp phần quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách số trên thế giới. Theo thông tin do Tổng thư ký ITU Houlin Zhao đưa ra tại ITU Digital World 2021, thế giới vẫn còn 50% người dân vẫn chưa được kết nối Internet do nhiều khi vực, nhất là vùng sâu, xa, biển đảo, sóng băng rộng mặt đất vẫn chưa thể vươn tới.

Internet vệ tinh còn giúp triển khai các ứng dụng mà trước đây chỉ có thể được cung cấp qua các hệ thống thông tin cố định và di động mặt đất như giáo dục từ xa, y tế từ xa và cả IoT vệ tinh. Câu chuyện Internet vệ tinh cũng "nóng" lên thời gian qua, đặc biệt sau tuyên bố của Elon Musk, ông chủ của Starlink, về cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh phủ khắp thế giới hồi tháng 5/2021.

Là chuyên gia trong lĩnh vực này, ông Hoan chia sẻ Internet được cung cấp qua vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO) có ưu điểm là thông lượng lớn, độ trễ thấp và triển khai nhanh, đặc biệt là trong bối cảnh các tiến bộ công nghệ cho phép phóng các vệ tinh với giá rẻ hơn rất nhiều so với trước đây và việc này trở thành một đối tượng cạnh tranh quan trọng đối với các nhà mạng.

Được biết thị trường Internet vệ tinh toàn cầu được phân khúc dựa trên loại băng tần, người dùng cuối và khu vực. Phân khúc theo loại băng tần, thị trường được chia thành băng C, X, L, K và các băng khác. Phân khúc theo người dùng cuối, thị trường được phân loại thành người dùng thương mại và cá nhân. Phân khúc người dùng thương mại được chia nhỏ hơn nữa thành các cơ quan thực thi pháp luật, trung tâm cứu trợ khẩn cấp và các tổ chức y tế công cộng.

Những công ty chủ chốt đang tham gia thị trường Internet vệ tinh toàn cầu có Embratel, Eutelsat Communications SA, Freedomsat, Hughes Network Systems, LLC, OneWeb, Singtel, Skycasters, SpaceX, Viasat và Wireless Innovations. Amazon cũng dự kiến ra mắt dịch vụ này. Mới đây nhất, đầu tháng 11/2021, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) vừa chấp thuận cho một dự án Internet vệ tinh do Boeing đề xuất lần đầu tiên vào năm 2017. Boeing là cái tên mới nhất gia nhập thị trường và có thể xây dựng, phóng và vận hành mạng Internet băng thông rộng của riêng mình.

Thông tin vệ tinh đóng góp vào CĐS tại Việt Nam

Ông Phan Ngọc Quang, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel) cho biết Việt Nam là quốc gia có biển, do biến đổi khí hậu hiện tác động rất lớn, nên tại các khu vực vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, nhu cầu về thông tin liên lạc vệ tinh là rất lớn.

"Thông tin vệ tinh là cần thiết đối với Việt Nam và vẫn sẽ tồn tại song song với hệ thống mạng viễn thông trên bờ. Thông tin vệ tinh cũng đáp ứng thông tin liên lạc khi có các sự cố như thiên tai, bão lũ, tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt nếu hệ thống thông tin mặt đất gặp vấn đề", ông Quang cho biết.

Theo ông Quang, dịch vụ vệ tinh trước đây khá đắt đỏ nhưng sẽ càng ngày càng rẻ hơn. Minh chứng là ngư dân hiện nay sử dụng dịch vụ thoại vệ tinh rất nhiều. Bà con ngư dân sẵn sàng mua điện thoại vệ tinh để phục vụ đi biển đánh bắt thủy sản và các nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cũng định hướng giảm giá dịch vụ khá nhiều. Hiện nay, Vishipel đang làm việc với tập đoàn của Pháp và cước thuê bao dịch vụ chỉ khoảng 99 cent/tháng cho bà con ngư dân trong quá trình hoạt động trên biển. Bên cạnh đó, công nghệ vệ tinh ngày càng tiên tiến hơn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và công nghệ OSB cho rằng dịch vụ vệ tinh sẽ tiếp tục được phát triển ở Việt Nam. Với công nghệ mới, ứng dụng mới thì dịch vụ vệ tinh vốn không thể thiếu được trong hạ tầng viễn thông quốc gia sẽ tiếp tục phát triển.

"Trong xu hướng chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, OSB xây dựng nền tảng Seacom để đưa dịch vụ Internet băng rộng tới bà con vùng biển, ở vùng sâu, xa ở mức cơ bản như bà con có thể kết nối mạng để bán cá ngay trên biển", ông Sơn cho biết.

Ông Sơn cũng cho hay ngay từ đầu OSB xác định dịch vụ vệ tinh là thị trường ngách nên xây dựng bài toán cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau. OSB có dịch vụ Seacom cho đánh bắt xa bờ, dịch vụ cho giàn khoan, cho các hòn đảo... OSB cũng cấp dịch vụ từ bình dân đến cao cấp như dịch vụ Internet, thoại và các ứng dụng khác nhờ vệ tinh. Định hướng dịch vụ của công ty là linh hoạt, phù hợp với những nhu cầu dịch vụ vệ tinh khi được yêu cầu bởi OSB quan niệm là khi người dùng không còn phương thức liên lạc nào khác mới tìm đến vệ tinh và như vậy chúng tôi phải xây dựng bài toán phù hợp nhất, hữu ích theo yêu cầu khi khách hàng tìm đến.

DN "ngoại" có thể kinh doanh Intenret vệ tinh tại Việt Nam?

Chia sẻ thông tin sự phát triển của Internet vệ tinh trên thế giới, ông Sơn cho biết Internet vệ tinh tầm thấp phát triển rầm rộ trên thị trường toàn cầu trong thời gian vừa qua như SpaceX, OneWeb, Telesat và Trung Quốc chuẩn bị xây dựng đề án phóng hàng ngàn quả vệ tinh.

Ông Sơn cho rằng mô hình này có những bài toán, mâu thuẫn nội tại khi đầu tư hàng tỷ USD để phục vụ một số lượng người chưa được kết nối Internet và có thu nhập thấp. "Đây là bài toán khó cho việc kinh doanh dịch vụ này. OSB đã có những trao đổi, tương tác, trao đổi với các tập đoàn SpaceX, OneWeb, O3b, Telesat và các công ty này đều đặt câu hỏi nhu cầu về dịch vụ Internet vệ tinh ở Việt Nam có tiềm năng không".

Đưa ra nhận định của mình, ông Sơn cho rằng Việt Nam không phải là mảnh đất màu mỡ để các công ty này khai thác vì tỷ lệ phủ sóng di động 3G, 4G, cáp quang ở Việt Nam đã đạt mức cao và tỷ lệ dân số chưa kết nối mạng là rất ít. "Nhu cầu dịch vụ này trong tương lai ở Việt Nam là có nhưng không nhiều, không phải là một dịch vụ tiềm năng để các công ty nước ngoài có thể xây dựng những bài toán kinh doanh lớn".

Từ góc nhìn của DN kinh doanh dịch vụ, ông Sơn cho rằng DN nước ngoài, hay trong nước kinh doanh dịch vụ miễn là cân bằng quyền lợi của nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng. Nếu công ty nước ngoài vào kinh doanh dịch vụ này ở Việt Nam thì làm cách nào để bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng khi dịch vụ bị chập chờn, giảm chất lượng, thông tin giao dịch quốc tế không được bảo mật, bị tin tặc tấn công đánh cắp. "Có cơ chế nào để bảo giao dịch quốc tế và cân bằng nào giữa tự do dịch vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay không", ông Sơn nêu.

Trong khi đó, ông Phan Ngọc Quang cho rằng việc các công ty quốc tế cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam còn liên quan đến chính sách. Nhu cầu Internet vệ tinh tầm thấp trong lĩnh vực hàng hải là rất cần. Khi có Internet vệ tinh, ngư dân trên biển có thể thực hiện thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, trong một số tình huống khẩn cấp xảy ra như bão lũ, và hạ tầng có vấn đề thì vai trò vệ tinh là rất quan trọng. Theo đó, ông Quang cho rằng: "Cơ hội kinh doanh Internet vệ tinh là có ở Việt Nam. Quan trọng là chính sách. Nhà nước có cấp phép, cho phép hoạt động ở mức độ đến đâu".

Theo ông Đoàn Quang Hoan, thông tin vệ tinh, trong đó có thông tin vệ tinh quỹ đạo thấp có thể đóng góp nhiều hơn, tốt hơn vào hệ sinh thái viễn thông toàn cầu và thậm chí tham gia trực tiếp vào hệ sinh thái viễn thông 5G, 6G.

Tuy nhiên, ông Hoan cho rằng việc này không phải hoàn toàn thuận lợi mà có những khó khăn nhất định vì đối tượng của dịch vụ Internet qua vệ tinh là hướng tới những người chưa được kết nối, dịch vụ. Theo thống kê của Bộ TT&TT có đến 99% dân số Việt Nam được phủ sóng 3G, 4G. Cáp quang cũng đã phủ đến tận xã.

Tiếp theo, ông Hoan cho rằng giá cước dịch vụ Internet vệ tinh được định hướng giảm nhưng tại thời điểm này giá cước dịch vụ như SpaceX tiết lộ vẫn khá cao. Do đó, đối với những người dùng ở vùng sâu, xa chưa được kết nối mạng, thì khả năng tài chính để chi trả là khó.

"Tôi có cảm giác là thị trường dịch vụ Internet qua vệ tinh quỹ đạo thấp chưa thuận lợi, trong đó có những thị trường như Việt Nam. Còn về mặt pháp lý, khi muốn cung cấp dịch vụ này thì đòi hỏi phải được cấp phép"./.

BBT tổng hợp


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Đặt hàng mẫu

 Đơn đặt hàng của bạn đã được gửi thành công. Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn ngay khi có thể.
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện