Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Chưa thông 5G, đã lo 6G

  

15:23 06/09/2024

Mạng 6G là chuẩn kết nối tiếp bước thế hệ mạng 5G, được giới chuyên môn dự đoán khi ra mắt sẽ tạo sự bùng nổ và mang lại loại hình internet hoàn toàn mới, giúp con người chạm tay gần hơn vào thế giới số, thế giới ảo. Hiện nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Phần Lan… đã nghiên cứu, sẵn sàng triển khai công nghệ mạng 6G. Việt Nam cũng đang rục rịch chuẩn bị.

Năm 2024 được Bộ TT-TT xác định là năm thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ TT-TT đã cho đấu giá các tần số với 2 khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) và C2 (3700-3800 MHz) vào tháng 3-2024… Các nhà mạng Viettel, VinaPhone (VNPT), MobiFone đã tham gia đấu thầu các tần số để triển khai công nghệ 5G sau thời gian dài chuẩn bị, thử nghiệm.

Tuy nhiên, chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2024 nhưng các nhà mạng vẫn chưa thương mại hóa 5G. Chẳng hạn, Viettel đã phát sóng thử nghiệm 5G tại 61 tỉnh, thành phố; tháng 7-2023 đã khai trương mạng di động 5G PNM cho các nhà máy thông minh tại Việt Nam. Nhưng hiện Viettel vẫn chưa có động thái gì thêm khi đề cập đến thương mại hóa 5G. Giữa năm 2024, MobiFone cũng công bố triển khai kế hoạch phát sóng mới 1.000 trạm 5G, nâng cấp mạng lõi để truyền tải, truyền dẫn sẵn sàng cho kinh doanh công nghệ 5G. MobiFone đề ra kế hoạch phát triển hệ sinh thái giải pháp và dịch vụ số trên nền tảng 5G, hướng tới các dịch vụ cho tốc độ dữ liệu cao… Thế nhưng, mạng MobiFone hiện chỉ có sóng 4G!

Tương tự 2 nhà mạng trên, sau khi đấu giá thành công quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần 3700-3800 MHz (C2) tháng 3-2024, VinaPhone đưa ra kế hoạch triển khai 5G, như ưu tiên phát triển hạ tầng mạng 5G theo hướng nâng cao trải nghiệm của người dùng; tập trung triển khai 5G ở những khu vực đòi hỏi sự tương tác cao, giao tiếp qua mạng bằng thời gian thực; tại các khu công nghệ cao, đô thị, trường đại học… Nhưng thực tế khi nào thương mại hóa 5G thì chưa cho biết thời gian cụ thể.

VinaPhone đã phủ các trạm 5G ở nhiều tỉnh thành

Điểm nghẽn 5G nằm ở các nhà mạng

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11-1-2024. Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu là 100 Mbps cho mạng 5G. Đến năm 2030, mạng 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, năm 2024 được coi là thời điểm chín muồi để cấp phép băng tần thương mại hóa 5G và việc này đã được Bộ TT-TT thực hiện nhanh chóng. Việc còn lại là thương mại hóa 5G vẫn “nghẽn” ở phía các nhà mạng.

Rục rịch lo chuyện 6G

Mạng 5G chưa thông nhưng đã lo đến 6G là điều không thể tránh khỏi. Theo các chuyên gia, mỗi thế hệ mạng mới thường được triển khai sau 10 năm và 6G được dự đoán sẽ khai thác thương mại vào năm 2030. Một số dự đoán hy vọng việc hoàn thành tiêu chuẩn 6G và đưa vào thương mại hóa sớm nhất vào năm 2028, thương mại hóa hàng loạt diễn ra vào năm 2030.

Bộ TT-TT đã thành lập nhóm phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm với 14 thành viên. Bên cạnh việc nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy phát triển thiết bị; đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm; nghiên cứu, rà soát và đề xuất các quy định về quản lý thiết bị 6G… nhóm cũng nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế điển hình về định hướng chiến lược phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm, đề xuất thực hiện ở Việt Nam.

Trước đó, Bộ TT-TT đã thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G. Ban này tập trung nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển về tiêu chuẩn, ứng dụng, an toàn thông tin, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ thông tin di động 6G tại Việt Nam.

Mới đây, tại cuộc họp với các đơn vị, các nhà mạng để bàn việc nghiên cứu 6G, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cho biết, hiện thế giới có 5 nhà sản xuất thiết bị 5G, nhiều cường quốc trên thế giới đang bắt tay nghiên cứu 6G và Việt Nam đặt ra mục tiêu đi cùng thế giới về 6G, cụ thể là cùng nghiên cứu, cùng sản xuất, cùng triển khai. “Việt Nam sẽ nghiên cứu, đóng góp vào tiêu chuẩn 6G của thế giới. Bộ TT-TT và các doanh nghiệp cùng tham gia nghiên cứu, thúc đẩy phát triển công nghệ này. Nhà nước sẽ đầu tư phòng lab cho các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất, bởi nếu không có phòng lab sẽ khó nghiên cứu được 6G. Ngoài việc hợp tác trong nước với các chuyên gia, trường, viện nghiên cứu về 6G, Việt Nam sẽ mời chuyên gia nước ngoài để nghiên cứu về 6G”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, trong khi tốc độ mạng 5G đạt tới 20 Gbps thì mạng 6G hướng tới tốc độ Tegabit (Tbps) nhanh hơn vài trăm đến vài ngàn lần. Ngoài việc đảm bảo kết nối với số lượng lớn các thiết bị như máy tính, sensor, mọi loại thiết bị vật lý… mạng 6G còn đảm bảo tích hợp 4 thành phần quan trọng là dữ liệu, con người, quy trình và thiết bị vật lý thành một thể thống nhất.

BBT


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Đặt hàng mẫu

 Đơn đặt hàng của bạn đã được gửi thành công. Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn ngay khi có thể.
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện