78 tuổi, chân đã yếu, tay đã run, bà Phụ (vợ của Anh hùng LLVTND Võ Triều Chung) ngồi trên chiếc ghế nơi thềm nhà nhìn ra với ánh mắt xa xăm như ngóng ai trở về. Thấy chúng tôi chào hỏi, bà ờ một tiếng nhưng vẫn cứ ngồi yên như thế. Nhưng khi nghe chúng tôi nhắc đến tên ông Võ Triều Chung, thần thái bà trở nên đổi khác. Bà hướng ánh mắt về phía chúng tôi, rồi đưa đôi bàn tay run rẩy níu lấy tay tôi đứng dậy, chập chững từng bước chân dẫn chúng tôi lại ngồi vào bàn khách.
Rồi bà mở lời: “Chuyện ông nhà tôi thì không nói hết mô. Dừ mà kể thì tôi lại khóc”...
Bà Phụ nghẹn ngào, đôi dòng nước mắt cứ thế tuôn rơi. "Ở nhà, ông ấy làm cán bộ thanh niên. Ông đi suốt, về nhà lại tranh thủ phớ thêm miếng đất hoang cấy lúa cho con ăn. Người ông thấp nhỏ nhưng ông làm mạnh lắm, việc chi cũng làm. Có lần, tham gia đi tuyển bộ đội mà không trúng, về nhà ông buồn lắm, ông nói với tôi: “Thời buổi chiến tranh ri, người ta đi chiến đấu cả mà mình thì ở nhà là không được”.
Sau đó ông đi thanh niên sẵn sàng, vào Quảng Bình, Quảng Trị, làm xong đường rồi lại tráo ra, về nhà được mấy ngày, rồi lại đi. Trước khi đi ông nói: “Dừ đi ri không biết được ngày về mô, có khi đất nước thống nhất rồi mới về cũng nên. Mà nói thật với em, anh cũng không biết anh có còn về được hay không”… Tôi cũng nói lại: “Anh đi em ở nhà sẽ rất vất vả, một mình 2 đứa nhỏ, còn một đứa trong bụng không biết trai hay gái. Thời buổi ni ra đi rồi cũng không biết được răng nhưng anh mà về đoàn tụ được là nhất”…
Ông ấy đi lúc trời chạng vạng tối, mang một túi gạo đi để ăn. Quần áo chỉ có một bộ mặc trong người. Ông đi rồi, những ngày sau đó tui rành đi đắp hầm để mẹ con trốn bom. Nhiều hôm con cứ ôm chân mẹ khóc và hỏi mẹ ơi cha răng không về? Sau này có người đến báo là ông mất tích rồi, họ tìm thấy mạo (mủ) của ông bay trên đồi mà không tìm thấy người. Nghe tin, tôi tủi thân, thương ông lắm. Ông chưa có được bữa cơm no, mặc cũng chưa được lành. Tôi nằm 3 ngày không ăn. Mọi người cứ đến động viên cố lên để nuôi con…"
Hồi ấy, con trai đầu của ông Võ Triều Chung mới 7 tuổi. Trẻ thơ chưa biết nỗi đau mất cha, chỉ biết nhớ cha (vì cha chưa về) và hỏi mẹ những câu hỏi ngây thơ khiến tâm can bà càng đau xé. Bà Phụ nói, chúng nó hỏi, tôi lại kể chuyện về cha cho chúng nó nghe. Bốn mẹ con cứ “ôm” hình ảnh của cha như thế trong mỗi buổi cơm chiều và chúng lớn lên trong những ký ức đó…
Người con trai đầu của ông giờ đã gần 60 tuổi, là Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện. Nghe mẹ kể chuyện về cha, ông xen vào: “Hồi đó còn nhỏ nên không để ý nhiều, chỉ nhớ là cha thường về buổi tối. Hồi ấy cũng không có đèn, có điện để mà nhìn thấy rõ mặt cha. Sáng ngủ dậy thì cha đã đi từ lúc nào rồi, không còn thấy nữa. Còn nhớ, hôm nào cha về mà có trăng thì được cha dẫn sang nhà hàng xóm chơi”…
Người bạn chăn trâu thửa thiếu thời Nguyễn Viết Biên năm nay đã ngoài 80 tuổi vẫn còn nhớ như in hình ảnh về Võ Triều Chung. Ông Biên nói, hồi ấy ông dạy bổ túc cho ông Chung. Ông Chung là người rất năng nổ, ai có việc chi ông đều giúp tận tình, nhất là các hoạt động đoàn thanh niên. “Năm 1961, Chung được kết nạp Đảng, nó mừng lắm, nó chạy đến “khoe” với mẹ tôi (vì mẹ tôi là đảng viên)”, ông Biên hồi tưởng.
Vì là đảng viên nên khi tham gia TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc, Võ Triều Chung được giao nhiệm vụ làm Đại đội trưởng C557 và là Bí thư chi bộ. Đại đội C557 có nhiệm vụ bảo đảm tuyến đường huyết mạch từ Ngã ba Đồng Lộc đến cầu Bạng (Nhân Lộc). Đoạn đường này dài khoảng 5km nhưng có nhiều cây cầu như Cầu Tối, cầu Đôi, cầu Tùng Cóc, cầu Máng, cống Khiêm Ích…
Hàng ngày, máy bay Mỹ dội bom đạn hòng ngăn chặn các đoàn xe của chúng ta ra tiền tuyến; là trọng điểm ác liệt. Đại đội 557 thường xuyên bám trụ mặt đường, tháo gỡ bom nổ chậm, san lấp hố bom, bảo đảm đường luôn thông tuyến. Cũng vì là đảng viên nên Võ Triều Chung đã nhận nhiệm vụ khó khăn nhất về mình và đã hy sinh.
Đồng đội của ông, bà Nguyễn Thị Hòe, ở thị xã Hồng Lĩnh rưng rưng nhớ lại: “Ngày 23-8-1968, đơn vị nhận được lệnh phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn xe quân sự đặc biệt của Trung ương đi qua Ngã ba Đồng Lộc và cầu Tùng Cóc. Rạng ngày hôm sau, máy bay Mỹ trút hàng trăm tấn bom xuống cầu Tùng Cóc. Cấp trên chỉ thị xuống, bằng mọi giá đơn vị chúng tôi trong một thời gian ngắn phải rà hết số bom chưa nổ. Một ngày ròng rã, Đại đội chúng tôi cùng với đơn vị công binh phá được 50 quả bom, còn một quả nằm ở vị trí khó khăn, đầy nguy hiểm.
Qua khảo sát, nghiên cứu, nhiều phương án phá bom đã được đặt ra. Các thành viên trong đội ai cũng hiến kế, ai cũng xung phong nhưng tất cả chưa phải là phương án tối ưu. Vì thế, anh Chung đã tổ chức cuộc họp Chi bộ bất thường. Khi đưa ra vấn đề, mọi người đều xung phong nhận nhiệm vụ nhưng đều bị anh Chung gạt đi bằng câu nói như mệnh lệnh:
“Thôi chúng ta không cần tranh luận nữa. Thời gian không cho phép, thay mặt chi ủy, chi bộ, tôi quyết định để tôi đi. Vì các đồng chí đều còn quá trẻ, tuổi đời mới 19, đôi mươi, chưa có gia đình, thiệt thòi lắm, các đồng chí cần phải ở lại để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của đại đội mình. Trong lần đi lần này, nếu tôi có mệnh hệ gì mà thanh thản ra đi thì tôi đã có người nối dõi tông đường, đã có người chống gậy rồi. Xin các đồng chí hiểu cho”.
Nghe anh nói, cả đơn vị im lặng, trào nước mắt".
Anh Chung ra lệnh cho các đồng chí trong chi bộ về để tiếp tục đi làm nhiệm vụ, còn anh và anh Bổn mang theo dụng cụ rà phá bom ra đi. Anh Chung đi trước, anh Bổn đi sau. Một lúc sau, chúng tôi nghe những quả bom đồng thời phát nổ rung chuyển cả trời đất. Linh tính chẳng lành, anh em chạy đi tìm hai anh. Sau một thời gian cùng với các đơn vị bạn ứng cứu thì tìm thấy thi thể đồng chí Bổn còn nguyên vẹn nằm ở phía nam cầu Tùng Cóc, còn anh Chung, mặc dù đã đào bới lật tìm từng gốc cây, bụi cỏ nơi hiện trường nhưng...”.
Đồng đội không tìm thấy anh Võ Triều Chung. Anh hy sinh, thi thể anh hòa vào đất mẹ. Ghi nhớ công ơn của anh, năm 2015, Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho anh trong niềm xúc động, tự hào của dân làng, người thân và đồng đội. Và anh, vẫn sống mãi trong ký ức bao người.
Thêm ý kiến góp ý