Ngã
ba Đồng Lộc gan góc, kiên cường cùng sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ trong
đó có các liệt sỹ TNXP và mười cô gái -10 vầng trăng trinh nữ, 10 đóa hoa
thiêng - đã trở thành huyền thoại, trở
thành khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc,
thống nhất đất nước. 50 năm đã trôi qua, khói đạn chiến tranh đã không còn trên
bầu trời Đồng Lộc, những hố bom chiến tranh đã không còn làm đất nhức đau, những
người con gái, con trai đã hiến dâng máu thịt mình cho đất nước cũng đã vĩnh viễn
hóa thân vào bạt ngàn sim mua cứ tím đến nao lòng mỗi độ hạ về và
những hàng thông luôn kiêu hãnh vút xanh trên triền cao Đồng Lộc. Hình ảnh chiến
tranh đã lùi xa, cả dân tộc cũng tạm gác
lại nỗi đau quá khứ để nhìn về phía tương lai tươi sáng, hòa hợp nhưng sự hy sinh anh dũng của các Anh hùng liệt
sĩ trong đó có các nữ TNXP cùng mười nữ Anh hùng ở nơi đây mãi mãi trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa Anh
hùng cách mạng Việt Nam, là niềm ngưỡng vọng thiêng liêng trong mỗi trái tim
người đang sống.
Cháy
lên từ ngọn lửa truyền thống
Những trang sử máu lửa,
hào hùng của dân tộc đã khẳng định vai trò và truyền thống của phụ nữ Việt Nam
trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhà thơ Huy Cận viết: “Khi hai Bà Trưng lửa hờn nung nấu./ Tự lòng người con gái Tổ quốc tượng
hình lên”. Từ truyền thống của Bà Trưng, Bà Triệu, từ dòng máu quật cường của
một dân tộc luôn phải đương đầu với giặc ngoại xâm, người phụ nữ Việt Nam luôn
đồng hành với chồng con, luôn đồng hành cùng dân tộc, trung trinh và dũng cảm bảo
vệ từng tấc đất cha ông:“Trên đất nước
nghìn năm chảy máu/ Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm”
Những chiến công oanh
liệt của nhân dân ta trong suốt 30 năm đấu tranh gian khổ chống thực dân Pháp
và đế quốc Mỹ xâm lược mãi mãi là thiên anh hùng ca bất diệt trong lịch sử hàng
ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong đó có công lao đóng góp to lớn
của phụ nữ. Được nuôi dưỡng bởi truyền
thống ấy của dân tộc, của của người phụ nữ Việt Nam lại được lớn lên trên quê
hương Hà Tĩnh vất vả, nhọc nhằn nhưng giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, yêu
thương và tôn trọng chữ tín, chịu khó lam làm trong sản xuất, học tập, kiên cường
và dũng cảm trong chiến đấu, những chị em TNXP đã vào trận với cả sức mạnh của
truyền thống, tình yêu thương và sự gửi gắm của quê hương, gia đình. Đó chính
là cội nguồn tạo nên lòng yêu nước, chí căm thù và lòng dũng cảm khiến những
người con gái bình thường vụt lớn lên thành những người chiến sỹ can trường
trong cuộc đối chọi với bom đạn, sắt thép của kẻ thù. Và, giữa bom đạn, giữa
cái chết kề trong gang tấc họ vẫn luôn là những người con gái nhí nhảnh, yêu đời,
tràn ngập khát vọng yêu thương và niềm tin chiến thắng.
Trong
điệp trùng đội ngũ
Ngày 21/6/1965, thực hiện
chủ trương của Đảng và Bác Hồ, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị 71 thành lập lực
lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung làm nhiệm vụ đảm bảo các công việc về
GTVT trên các tuyến đường trọng yếu. Gần
14 vạn nam nữ TNXP đã gan dạ, mưu trí, dũng cảm quên mình có mặt trên các tuyến
đường trọng yếu của đất nước, trong đó có Ngã Ba Đồng Lộc anh hùng, để đảm bảo
thông đường cho xe ra mặt trận. Khi cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất cũng là khi cả nước
lên đường vì Miền Nam thân yêu, vì thống nhất Đất nước: “Những buổi vui sao cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre từng hồi trống
giục/ Xóm dưới làng trên con trai, con gái/ Xôi nắm cơm đùm ríu rít theo nhau/
Súng nhỏ, súng to, chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở đầy sông, đầy cầu/
Bộ đội dân công chào nhau không kịp nói/ Dô hò nón vẫy theo/ Hàng ngũ ta đi dài
như tiếng hát…”(Chính Hữu). Cùng
với cả dân tộc, lực lượng TNXP băng mình vào cuộc chiến tranh chính nghĩa giải
phóng dân tộc, bảo vệ lương tri của thời đại. Đi qua cuộc chiến máu lửa hào hùng, hơn 2000 nam nữ TNXP đã hiến dâng xương máu,
vĩnh viễn nằm lại trên các tuyến đường. Hơn 5000 TNXP trong chiến đấu, lao động
đã bị thương tật, góp một phần xương máu cho độc lập dân tộc. … Trong điệp
trùng đội ngũ ấy, Lực lượng TNXP tham gia làm nhiệm vụ đảm bảo GTVT ở Ngã Ba Đồng
Lộc gồm 5 đại đội thuộc Tổng đội 55 và Tổng đội 53 do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh quản lý
trong đó có hơn 600 là nữ. Cùng với lực lượng chủ lực, cùng với các đồng đội
nam, những chiến sỹ nữ TNXP tham gia làm
nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên các tuyến đường trọng điểm, mưu trí, dũng cảm
quên mình góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “ném bom hạn chế” của Đế quốc
Mỹ hòng hủy diệt, cắt đứt con đường tiếp
tế cho chiến trường lớn Miền Nam của hậu phương lớn Miền Bắc.
Đẹp
hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép
Do tầm quan trọng chiến
lược của một ngã ba huyết mạch, Đồng Lộc đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt
của đế quốc Mỹ. Mỗi mét vuông đất nơi đây phải gánh ba quả bom tấn. Chỉ tính
riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10-1968 không quân địch đã trút xuống
đây 48.600 quả bom các loại. Dẫu vậy, hàng vạn chiến sĩ, bộ đội, công nhân giao
thông, TNXP và nhân dân vẫn bám trụ ngoan cường, đội mưa bom đánh địch, nối đường
cho những chuyến xe chở hàng ra tiền tuyến, vì Miền Nam ruột thịt, vì sự thống
nhất vẹn toàn của dải đất hình chữ S thân thương được gọi bằng 2 từ thiêng
liêng: Tổ quốc!
Thời kỳ ác liệt của cái
gọi là “ném bom hạn chế” của Đế quốc Mỹ, lực lượng TNXP gồm các đại đội 551,
552, 555, 557, 558 (hơn 70% quân số của các đại đội là nữ) của Tổng đội 55 và
53 TNXP Hà Tĩnh chốt ở các khu vực xung quanh Ngã Ba. Cùng với các lực lượng trên toàn tuyến, các nữ
TNXP đã góp phần giữ vững cho mạch máu giao thông luôn thông suốt. Bất chấp bom
đạn kẻ thù, họ luôn xung kích thực hiện mọi nhiệm vụ, bám trụ, giành giật với địch
từng giây phút để đảm bảo thông đường, thông tuyến, đảm bảo an toàn cho những
chuyến xe chở hàng hóa, quân trang phục vụ chiến trường Miền Nam. Tính bình
quân mỗi ngày ở Ngã Ba Đồng Lộc có đến 10 đến 15 lượt máy bay địch đánh phá, bầu
trời Đồng Lộc luôn ngập ngụa khói bom, mảnh đất và những tấc đường Đồng Lộc Đồng
Lộc luôn bị băm nát, lật tung lên lầy lội, đứt khúc. Trong hoàn cảnh ấy, bên cái chết luôn rình rập, với thiếu thốn trăm bề
mới thấy được lòng dũng cảm, sức chịu đựng và những cố gắng phi thường của những
chiến sĩ Đồng Lộc – nhất là các nữ TNXP.
Trong đội ngũ các nữ TNXP dũng cảm, can trường hiên ngang đối chọi với bom đạn
kẻ thù nơi Ngã Ba thiêng Đồng Lộc, tiêu biểu là tập thể Tiểu đội 4, Đại đội 552,
Tổng đội 55 TNXP với 16 thành viên do Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Tiểu đội
của A trưởng Võ Thị Tần chính là tập thể đã làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông ở
những nơi địch đánh phá ác liệt nhất. Trên các tuyến đường 15, 28, Cống 19, La
Khê, Khe Út, Địa Lợi, Cầu Tùng Cóc và Ngã Ba Đồng Lộc…đều in dấu chân của chị
em Tiểu đội 4 đêm ngày bám đường, bám cầu, san lấp hố bom, làm đường, đào hầm,
dẫn đường cho các chuyến xe…Tiểu đội 4 có 16 cô gái đều là người Hà Tĩnh, tuổi
đời còn rất trẻ: người nhiều tuổi nhất khi đó mới 24 tuổi và người ít tuổi nhất
là Võ Thị Hà khi đó mới 17 tuổi.
Trưa
ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 được lệnh san lấp hố bom sau khi máy bay Mỹ liên tục
ném bom phá nát tuyến đường vận tải để nhanh chóng thông đường cho 40 chiếc xe chở xăng vượt Ngã Ba Đồng Lộc. Hôm đó, có 6 chị đang bận nhận những nhiệm vụ
khác nên ra mặt đường chỉ có 10 chị, đó
là: Võ Thị Tần (24 tuổi, Tiểu đội trưởng, quê ở Thiên Lộc – Can Lộc), Hồ Thị
Cúc (24 tuổi, Tiểu đội phó, quê ở Sơn Bằng – Hương Sơn), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi,
quê ở Đức Lạng – Đức Thọ), Dương Thị Xuân (21 tuổi, quê ở Đức Tân – Đức Thọ),
Võ Thị Hợi (20 tuổi, quê ở Thiên Lộc – Can Lộc), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi, quê ở
Vĩnh Lộc, Can Lộc), Hà Thị Xanh (19 tuổi, quê ở Đức Hòa – Đức Thọ), Trần Thị Hường
(19 tuổi, quê ở Đồng Quế - Thị xã Hà Tĩnh), Trần Thị Rạng (18 tuổi, quê ở Đức
Vĩnh – Đức Thọ), Võ Thị Hà (17 tuổi, quê ở Thị Trấn Đức Thọ).
Cả
tiểu đội làm việc không ngơi tay trong
tiếng nói cười rộn rã. Đã 3 lần các cô bị vùi lấp trong các lượt bom nhưng đều
rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. 16h30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội
xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm - nơi 10 cô gái của tiểu
đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom. Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi
mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. Các chị đã vĩnh viễn nằm lại
Ngã ba Đồng Lộc, vĩnh viễn hóa thân vào những cung đường và đất trời Đồng Lộc như họ đã chung một chiến hào lúc còn sống.
Tên tuổi 10 cô gái thanh niên xung phong đã trở thành bất tử như họ luôn bất tử
bởi tuổi trẻ, bởi lòng dũng cảm và những khát khao có thật trong mỗi trái tim
mơ mộng mà can trường cho Tổ quốc quyết sinh: “Các cô để lại tuổi thanh niên/ mười chin, hai mươi, hăm hai tuổi/ Cho đất
nước, quê hương/ Hồn trong như suối/ Bình minh đời sang rực vừng dương”
(Huy Cận).
Điều
khiến mỗi lần nhớ tới, nghĩ tới các nữ TNXP, đến 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc mỗi
một người trong chúng ta đều cảm phục, tự hào và xúc động cay lên khóe mắt
không chỉ vì lòng quả cảm, trung trinh và sự hy sinh anh dũng của họ mà còn
chính bởi một góc khác của những “vầng trăng trinh nữ”: Họ, những cô gái tuổi đời
còn quá trẻ ấy là những cô gái bình thường, sinh ra trong những gia đình bình
thường của miền quê Hà Tĩnh. Họ đã vô tư
đi vào cuộc chiến với khát vọng cống hiến, coi công việc của mình là cơ hội để
góp phần vào việc thống nhất đất nước. Tinh thần lạc quan yêu đời và niềm tin
vào chiến thắng đã tạo nên sức mạnh để họ sống và chiến đấu. Chị Võ Thị Tần, 5 ngày trước lúc ra đi vĩnh viễn,
đã viết thư về cho mẹ, bức thư tràn
đầy tình cảm yêu thương nhớ mong mẹ và cũng tràn đầy tinh thần yêu nước, căm
thù giặc, quyết tâm sắt đá đánh thắng kẻ thù và tinh thần lạc quan cách mạng
phơi phới: "... Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp
đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải
thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm
rung chuyển những trái tim của chúng con…”. Trong gian khổ, thiếu thốn, giữa ác liệt của đạn bom và cái chết rình rập,
họ vẫn luôn sống một cuộc sống với những yêu thương và khát vọng thầm kín có thật,
với tinh thần lãng mạn cách mạng đáng khâm phục. Bên cạnh những giờ ra mặt đường
giành giật với bom đạn kẻ thù, họ học văn hóa, thêu thùa, hát hò, trêu đùa cánh bộ đội và lái xe hành quân qua đường…như
không hề quan tâm đến những hiểm nguy và cái chết mà kẻ thù đang vây bủa, rình
rập xung quanh. Đọc những dòng lưu bút của
Liệt sĩ Hồ Thị Cúc, Liệt sĩ Trần Thị Rạng, Liệt sĩ Trần Thị Hường trong sổ tay
lưu niệm của chị Nguyễn Thị Hường (Tiểu đội 4, C552), người đọc không thể không
rưng rưng cảm phục: “Chúc em luôn sức khỏe, yêu đời, đưa hết khả năng để phục
vụ trong lúc Đảng cần, dân gọi” (Hồ Thị Cúc); “Rạng ở lại hứa với Hường
làm tròn nhiệm vụ…chờ ngày thống nhất ta sẽ gặp nhau trên quê hương” (Trần
Thị Rạng); “Chúc Hường cánh bằng lướt gió ra khơi. Bay cho mau đến bến bờ,
cho rạng rỡ một đời tình nguyện” (Trần Thị Hường). Họ và hàng vạn người trẻ
khác đã không thể gặp nhau ở ngày chiến thắng để ca khúc khải hoàn. Họ đã không
thể gặp lại người yêu dấu của mối tình đầu đẹp đẽ (mối tình của chị Võ Thị Tần
và anh Hồng – người cùng quê, mối tình của chị Nguyễn Thị Xuân và anh Dương
Thanh Vĩnh). Họ đã không thể có cơ hội để đón nhận lời tỏ tình từ các chàng
trai, đón nhận “nụ hôn đầu đời, trái tim thiếu nữ” như lẽ dĩ nhiên của cuộc sống.
Họ đã thanh thản và dũng cảm ra đi, mãi mãi trẻ trung và trinh trắng hóa thân vào đất trời quê hương…
Vĩ
thanh
Trong khói hương Đồng Lộc, đứng trang nghiêm, kính cẩn trước những tấm
bia lặng lẽ và 10 ngôi mộ thiêng lặng lẽ, cúi mặt xuống hố bom của qúa khứ bi
tráng, ngước nhìn lên những hàng thông xanh, nghe gió xạc xào trên triền cao Đồng
Lộc, mỗi một người hôm nay đều thấy mình rõ nhất, “thấy tan đi những suy tư vụn
vặt/ Thấy cháy bùng bao ước nguyện thiêng liêng” (Nguyễn Đình Chiến). Đó chính
là sự tỏa sáng của tinh thần và lương tri Ngã Ba Đồng Lộc, là điều các Anh hùng
liệt sỹ thấy an yên khi sâu trong lòng Đất Mẹ họ vẫn cảm nhận được trên đầu
mình là trời xanh và nắng đỏ, là con người vẫn sống, không hề nhỏ nhen mà yêu
thương, phấn đấu. Nhà thơ Nga Robert
Rozhnestvensky đã rất có lý khi khuyên con người hãy luôn nhớ tới những người
đã ngã xuống vì tự do của dân tộc để hiểu rằng giá của cuộc sống, giá của hạnh
phúc là không hề rẻ. Chính vì thế, hãy luôn yêu quý nó, sống cao thượng và chân
thành vì nó: Hỡi
loài người trên trái đất/ Hãy nhớ:Giá hạnh phúc trên đời/ Rất đắt!/ Xin hãy nhớ!/ Và mỗi lần gửi tiếng hát đi
xa,/ Hãy nhớ/ Tới những người/ không hát
nữa/ những bài ca./ Hãy nhớ!/ Hãy kể cho con cháu mai sau/ Về họ,/ Để chúng nhớ suốt
đời./ Hãy kể cho con
cháu của con cháu mai sau/ Về họ,/Để chúng/ Cũng nhớ suốt đời./ Qua mọi thời gian/ của trái đất vĩnh hằng -Hãy
nhớ!
Cả dân tộc
này, đất nước này luôn nhớ tới Ngã Ba Đồng Lộc huyền thoại, luôn khắc ghi và
nhớ tới các Anh hùng liệt sỹ, luôn khắc ghi tinh thần và phẩm chất nữ TNXP, luôn
nhớ tới 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc bất tử!./.
Nguyễn Xuân Hải
*Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh – Tham luận Hội thảo Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ngã Ba Đồng Lộc
Thêm ý kiến góp ý