Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

LÀM TỐT CÔNG TÁC DÂN VẬN, HUY ĐỘNG SỨC MẠNH CỦA NHÂN DÂN, YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM NÊN CHIẾN THẮNG ĐỒNG LỘC

  

02:02 10/07/2018

Trong từng giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, công tác dân vận đều có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng. Từ cuộc vận động cao trào Xô Viết (1930 - 1931), phong trào cách mạng của quần chúng (1932 - 1939) cho đến cuộc tổng động viên toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh đuổi đế quốc Mỹ, công tác dân vận trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng của Đảng, đồng thời tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đặc biệt trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, chi viện miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân ở miền Bắc”, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân Hà Tĩnh đã phát động toàn dân tích cực đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, chắc tay súng, vững tay cày, đoàn kết chia lửa với miền Nam và chia lửa với cả nước.

Trong chiến dịch ném bom hạn chế của Mỹ với mục tiêu cắt đứt giao thông khu vực Quân khu 4 (Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình), ngã ba Đồng Lộc có vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, là nơi giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh. Từ đây có thể mở rộng các hướng, phục vụ tốt cho nhu cầu giao thông vận tải khi các tuyến giao thông ở đồng bằng bị cắt đứt. Đây cũng là nơi có địa hình phức tạp, hiểm yếu và là điểm trọng yếu đánh phá bằng không quân của đế quốc Mỹ. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, Mỹ đã tập trung hỏa lực đánh vào Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể rốc két và đạn 20 mm. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất 103 lần bay với trên 800 quả bom các loại. Suốt ngày đêm, không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn. Đất đá bị đào đi, xới lại nhiều lần, hố bom chồng lên hố bom. Kẻ thù muốn biến Ngã ba Đồng Lộc thành điểm chết, hoang tàn, người và xe không thể qua lại. Trước nhiệm vụ phải giữ được tuyến đường huyết mạch giao thông 15A (Lạc Thiện - Khe Giao) thông suốt. Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Hà Tĩnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương làm tốt công tác dân vận, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể huy động mọi lực lượng dồn sức cho Đồng Lộc để giải tỏa điểm chốt, giữ vững mạch máu giao thông. Bên cạnh lực lượng thanh niên xung phong, các lực lượng khác thì lực lượng quần chúng nhân dân đã đóng vai trò là hậu phương vững chắc cho chiến trường Đồng Lộc.

Thực hiện các nhiệm vụ do Tỉnh ủy đề ra và các đợt phát động chiến dịch thi đua lập công dâng Bác. Mặt trận, các đoàn thể đã tích cực, tuyên truyền vận động và tổ chức cho đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng, Phong trào đã tiến công vào 5 mũi chủ yếu: thủy lợi, phân bón, công cụ, giao thông, vận tải và phòng không nhân dân với khẩu hiệu “Hà Tĩnh tự túc được lương thực và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, phong trào thi đua đã tạo được khí thế cách mạng sôi nổi rộng khắp, xuất hiện hàng ngàn đoàn viên, hội viên điển hình. Riêng huyện Can Lộc, Đức Thọ thường xuyên có trên 1 vạn dân quân, tự vệ, người dân trực chiến đánh Mỹ, hộ đê đảm bảo giao thông thông suốt tại Ngã ba Đồng Lộc trong điều kiện Mỹ ném bom ác liệt. Với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược “xe chưa qua nhà không tiếc”, “Tất cả cho kháng chiến”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nhân dân các địa phương như: Thiên Lộc, Tiến Lộc (Can Lộc), Cẩm Quan (Cẩm Xuyên)… đã tạm dời làng xóm, nhà cửa đi nơi khác để lấy đất làm đường.  Đặc biệt, nhân dân xóm Hạ Lội (Tiến Lộc - Can Lộc) đã tự nguyện dỡ 130 ngôi nhà để lát đường cho xe ra tiền tuyến, có gia đình đã đưa các bộ hậu sự của bố mẹ ra để kê, lót đường cho xe qua. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã bám cơ sở, bám phong trào tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng nhân dân củng cố các nơi ẩn nấp, sơ tán, đào thêm hào, hầm, nhất là những nơi đông người, các trọng điểm giao thông, tổ chức hệ thống báo động từ xa.

Trong sản xuất, nhân dân trong tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn đẩy mạnh sản xuất, lập các đội xung kích tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh, gọn ở những nơi địch thường xuyên đánh phá, nhiều vùng sản xuất có năng suất, sản lượng lúa đạt khá cao, như: Đức Thọ, Can Lộc đạt bình quân 5 tấn/ha. Cả tỉnh đã huy động đột xuất được 5.000 tấn gạo, 1.000 tấn thịt lợn hơi, 300 tấn hàng nhu yếu phẩm cho chiến trường nhằm thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao để chuẩn bị cho cuộc trong tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hà Tĩnh đã dũng cảm, kiên cường, không quản mưa bom, bão đạn, vẫn bám ruộng, bám đồng, bám biển lao động sản xuất, thi đua thực hiện các phong trào trong kháng chiến, hết lòng chi viện sức người, sức của cho chiến trường, qua đó đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Đồng Lộc và cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Chiến thắng Đồng Lộc là dịp để chúng ta ôn lại lời dạy của Bác Hồ “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, tập trung làm tốt công tác dân vận, huy động sức mạnh toàn dân - yếu tố quan trọng quyết định vào chiến thắng của cách mạng Việt Nam.

Những bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn sâu sắc về công tác dân vận được rút ra từ chiến thắng Đồng Lộc:

Thứ nhất, Lực lượng nhân dân có sức mạnh rất to lớn, làm tốt công tác dân vận để dựa vào dân, tổ chức, phát động, lãnh đạo nhân dân tạo ra các phong trào quần chúng tích cực, tự giác, liên tục và đều khắp là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng.

Thứ hai, Công tác dân vận phải được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Thứ ba, Quan tâm xây dựng, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân hoạt động thiết thực, hiệu quả để tập hợp, thu hút được các tầng lớp nhân dân.

Thứ tư, Tất cả hệ thống chính trị: Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phải làm tốt công tác dân vận, phải gần dân, sát dân, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của nhân dân, làm tốt công tác chính trị tư tưởng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân.

Thứ năm, Phải phận thức sâu sắc về công tác dân vận vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài từ đó có kế hoạch xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Đặc biệt phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vững vàng về chính trị, tư tưởng, có trí tuệ, luôn phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, coi trọng việc lựa chọn những cán bộ trưởng thành trong phong trào cách mạng của quần chúng làm công tác dân vận.

 

Ban Dân Vận Tỉnh ủy


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện