Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

50 NĂM CHIẾN THẮNG ĐỒNG LỘC: GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ HIỆN THỰC

  

02:08 10/07/2018

    Biết nhìn lại quá khứ là cách chuẩn bị hành trang tốt nhất để đi tới tương lai! Với phương pháp tư tưởng trên, cho phép tôi, một cựu chiến binh của Trung đoàn Phòng không 210, Quân chủng Phòng không - Không quân - Đơn vị đã trụ bám chiến đấu 147 ngày đêm từ 8-6 đến 3-11-1968 tại địa danh lịch sử này được góp bàn về một sự kiện, về một chiến thắng có giá trị lịch sử và hiện thực nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc.

    Để nhận thức đúng tầm vóc ý nghĩa của chiến thắng lịch sử này, chúng ta hãy tìm hiểu bối cảnh lịch sử dẫn tới cuộc chiến đấu tại ngã ba Đồng Lộc:

    - Năm 1967 - Năm thứ tư của cuộc chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ; quân dân miền Bắc đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết hiệp đồng trong thế trận phòng không nhân dân với lực lượng nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân đã đánh bại hoàn toàn nấc thang cao nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và rất nhiều mục tiêu kinh tế, chính trị, quốc phòng, các trọng điểm giao thông trên toàn miền Bắc.

    - Đầu năm 1968, quân dân miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân đợt 1 từ 30-1 đến 28-3, đã giành được chiến thắng oanh liệt, các lực lượng vũ trang cách mạng đồng loạt tiến công 6 thành phố lớn, 44 thị xã, hàng trăm quận lỵ, phát động quần chúng nổi dậy đồng loạt và làm chủ nhiều vị trí quan trọng khắp miền Nam.

    - Bị thất bại nặng nề trên cả hai miền Nam, Bắc, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn buộc phải ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra, không tái cử tổng thống và chấp nhận đàm phán với ta ở Pa-ri. Mỹ buộc phải ném bom hạn chế từ Vĩ tuyến 20 trở vào còn để xoa dịu phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ, lừa bịp nhân dân thế giới. Với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, âm mưu “Ném bom hạn chế” là để tập trung toàn bộ lực lượng không quân và hải quân đánh phá toàn miền Bắc nay dồn toàn bộ lực lượng này đánh phá ác liệt vào các trọng điểm giao thông chiến lược trên dải đất hẹp. Từ tháng 6-1968, Mỹ tập trung đánh phá từ Vĩ tuyến 19 - nam sông Lam, tức là từ Hà Tĩnh trở vào.

    Địa bàn Quân khu 4 là dải đất hẹp hình “cán xoong”, địa hình rất phức tạp, một bên là dãy Trường Sơn hiểm trở, một bên là biển Đông. Nơi đây tập trung nhiều tuyến giao thông chiến lược quan trọng nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam và nước bạn Lào. Dọc theo bờ biển là quốc lộ 1, song song với quốc lộ 1 là trục quốc lộ 15 chạy qua địa hình đồi núi, xen kẽ rừng già của dãy Trường Sơn. Đây là hai tuyến giao thông huyết mạch vận chuyển vào chiến trường miền Nam. Nếu trước tháng 4-1968, mỗi ngày Mỹ huy động 150-160 lần/chiếc đánh phá toàn miền Bắc, thì từ tháng 4-1968, bình quân mỗi ngày Mỹ huy động 300-350 lần/chiếc đánh phá quyết liệt các trọng điểm giao thông trên quốc lộ 1 và 15 trong vùng “cán xoong”. Sau khi các trọng điểm giao thông trên quốc lộ 1 và nhất là trọng điểm cầu Cổ Ngựa trên quốc lộ 1 bị đánh hỏng hoàn toàn thì mọi hoạt động vận tải chiến lược chi viện chiến trường buộc phải chuyển qua quốc lộ 15A. Con đường 15A đi qua ngã ba Đồng Lộc.

    Ngã ba Đồng Lộc là một vùng đất rộng khoảng 0,6km2 (hơn 50ha) trong phạm vi 4 xã Đồng Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc, Mỹ Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đây vừa là cửa ngõ vừa là trọng điểm giao thông của tuyến quốc lộ 15A. Ngã ba Đồng Lộc là một khu đất hẹp, trống trải, một bên là núi trọc, một bên là ruộng nước sình lầy vừa khó mở các tuyến đường tránh vừa khó bố trí các trận địa phòng không.

    Khi biết rõ phần lớn hàng hóa chi viện miền Bắc vào miền Nam đều phải đi qua trọng điểm hiểm yếu này nên từ tháng 4 đến tháng 10-1968, Mỹ tập trung lực lượng lớn không quân đánh phá và ném xuống ngã ba này 48.600 quả bom các loại. Bình quân mỗi mét vuông đất nơi đây đều phải hứng 3 quả bom tấn.

    Nhận rõ tầm quan trọng có tính chất chiến lược của mặt trận đảm bảo giao thông vận chuyển trên địa bàn Quân khu 4, ngày 6-6-1968, Ban Bí thư Trung ương ra chỉ thị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo giao thông vận tải tại Quân khu 4. Trong Chỉ thị, Ban Bí thư đặc biệt nhấn mạnh: “Đây là công tác chiến lược đột xuất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”. Ban Bí thư quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Đảm bảo giao thông trên địa bàn Quân khu 4, để thống nhất lãnh đạo các lực lượng đảm bảo giao thông trên địa bàn này. Đồng chí Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Hòa làm Chính ủy, đồng chí Đinh Đức Thiện làm Phó Tư lệnh, các đồng chí Chủ tịch tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cùng với hai đồng chí Lê Văn Trị, Nguyễn Xuân Mậu, Phó Tư lệnh và Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân làm Ủy viên.

    Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương chỉ đạo giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Đảm bảo giao thông: “Bất cứ bằng cách nào cũng phải đảm bảo cho kỳ được giao thông thông suốt để không ảnh hưởng đến tiền tuyến lớn. Việc đảm bảo giao thông thông suốt là công tác quan trọng nhất thiết phải thi hành cho kỳ được” (Lịch sử Lữ đoàn 210 - Nhà xuất bản QĐND, H.2009, tr.98).

    Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược đột xuất này, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh, Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân giao nhiệm vụ cho Sư đoàn Phòng không cơ động 367 cơ động chiến đấu vào phía nam Vĩ tuyến 20, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng phòng không Quân khu 4 và các lực lượng đảm bảo giao thông của Bộ Tư lệnh Đảm bảo giao thông tại Quân khu 4.

    Lực lượng của Sư đoàn Phòng không cơ động chiến lược 367 gồm có 3 trung đoàn pháo phòng không 210, 230, 224 và Trung đoàn Tên lửa 278.

    Từ ngày 10-5 đến 30-5, Sư đoàn 367 đã triển khai chiến đấu ở bắc sông Lam, tổ chức tập trung hỏa lực đánh lớn, bắn rơi 19 máy bay Mỹ.

    Sau chiến thắng lớn trên quê hương Bác, toàn Sư đoàn 367 cơ động bảo vệ các trọng điểm giao thông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình.

Trung đoàn Phòng không 210 với 6 đại đội pháo cao xạ 57ly và 1 tiểu đoàn pháo cao xạ 37ly nhận nhiệm vụ cơ động vào làm nhiệm vụ bảo vệ ngã ba Đồng Lộc. Cuối tháng 7 đầu tháng 8, Trung đoàn được tăng cường thêm 3 tiểu đoàn pháo 37ly là tiểu đoàn 22, 24, 66.

Trung đoàn 230 bảo vệ khu vực ngã ba Tân Đức (cầu Cháy, ngầm La Khê, ngã ba Tân Đức). Đây là khu vực chân hàng lớn để tiếp nhận và chuyển hàng hóa từ đường 15 sang đường 12, 20 sang Lào, rồi vào miền Nam.

    Ngày 6-6-1968, sáu đại đội và một tiểu đoàn hỏa lực của Trung đoàn 210 đã cơ bản hoàn thành việc triển khai chiến đấu trên địa bàn ngã ba Đồng Lộc và Linh Cảm. Thời điềm tháng 6-1968, lực lượng bảo vệ và bảo đảm giao thông tại ngã ba Đồng Lộc có:

- Trung đoàn Phòng không 210 và đơn vị cao xạ 37ly và 12,7ly của tỉnh đội Hà Tĩnh;

- 1.200 thanh niên xung phong của Đại đội 553 thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong 55 Hà Tĩnh;

- Một tiểu đoàn công binh rà phá bom mìn;

- Một đội máy xúc, san ủi đất;

- Lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ của các xã quanh khu vực Đồng Lộc nhất là xã Đồng Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc, Mỹ Lộc…

    Thời kỳ cao điểm tháng 7, tháng 8, Trung đoàn 210 được tăng cường thêm 2 tiểu đoàn pháo cao xạ 37ly. Lực lượng thanh niên xung phong và dân quân tự vệ được huy động tăng cường cho Đồng Lộc lên tới 16.000 người.

Nhiệm vụ của bộ đội phòng không là đánh máy bay Mỹ trong mọi tình huống để bảo vệ các đoàn xe vận tải, bảo vệ lực lượng thanh niên xung phong, công binh, bảo vệ ngã ba Đồng Lộc, bảo vệ các chân hàng trong khu vực.

    Nhiệm vụ của lực lượng thanh niên xung phong cùng với đội máy xúc, san ủi đất:

+ Quan sát bom rơi, cắm biển báo hiệu những điểm bom chưa nổ, san lấp hố bom, giải phóng mặt đường khỏi tắc nghẽn.

+ Lực lượng công binh: Kịp thời rà phá các quả bom từ trường, bom nổ chậm để đảm bảo an toàn cho các lượng bảo đảm giao thông và lực lượng vận tải chiến lược.

+ Lực lượng dân quân tự vệ các xã khu vực Đồng Lộc có nhiệm vụ chủ yếu phục vụ các đơn vị phòng không chiến đấu như đào hầm pháo, tiếp đạn, cứu thương và tăng cường lực lượng cho thanh niên xung phong san lấp hố bom, giải phóng mặt đường.

    Tất cả các lực lượng này phải đoàn kết, hợp đồng chặt chẽ dưới sự lãnh đạo chỉ huy thống nhất của Bộ Tư lệnh Đảm bảo giao thông Quân khu 4 nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến lược đột xuất: “Đánh thắng âm mưu chiến lược của Mỹ dùng không quân và hải quân đánh phá các trọng điểm giao thông trên địa bàn Quân khu 4. Đảm bảo giao thông thông suốt, chi viện cho quân dân miền Nam giành chiến thắng trong cuộc tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968, đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh”.

    Cuộc chiến đấu bảo vệ ngã ba Đồng Lộc, bảo đảm giao thông trên trọng điểm, vị trí yết hầu của tuyến giao thông chiến lược này diễn ra từ 8-6 đến 3-11-1968.

    Về phía địch: trong 5 tháng đánh phá trọng điểm giao thông Đồng Lộc, mỗi tháng không quân Mỹ đánh phá 28 ngày, bình quân mỗi ngày Mỹ huy động từ 36-50 lần/chiếc máy bay đánh phá 6 đến 8 trận. Với những ngày, những đợt cao điểm, địch huy động tới trên 100 lần bay, bắn phá 10-15 trận. Thủ đoạn  đánh rất xảo quyệt: Dùng máy bay trinh sát, máy bay nghi binh đánh lừa bộ đội phòng không, rồi dùng các tốp cường kích bất ngờ tấn công đánh phá mục tiêu. Bay thấp ở vòng ngoài, bất ngờ tăng độ cao bổ nhào đánh phá, tiếp cận mục tiêu từ hướng mặt trời để trắc thủ máy đo xa, pháo thủ hướng, pháo thủ tà rất khó bắt được mục tiêu; Dùng một số tốp bay khiêu khích ngoài tầm bắn để nhử đơn vị hỏa lực nổ súng, các tốp khác tấn công đánh phá các đơn vị hỏa lực, tiếp theo là các tốp khác đánh phá trọng điểm giao thông. Biết ta không đưa được ra-đa và khí tài vào Đồng Lộc, địch tăng cường đánh đêm. Tại ngã ba Đồng Lộc và các trọng điểm giao thông Mỹ sử dụng các vũ khí sát thương và phá hủy với sức công phá lớn. Đánh vào trận địa pháo, chúng dùng bom bi, rốc-két, súng máy 20ly, bom phát quang để gây thương vong lớn đối với bộ đội và phá hủy vũ khí, khí tài. Thí dụ ngày 16-6 bom bi đã làm 30 cán bộ chiến sĩ Trung đoàn hy sinh, 47 bị thương. Từ ngày 8-6 đến 27-6, toàn trung đoàn hy sinh 74 đồng chí, bị thương 151 đồng chí. Trung đoàn có 6 đại đội 57ly, mỗi đại đội 6 khẩu đội mà cuối tháng 6, có 3 đại đội, mỗi đại đội chỉ đủ quân số cho 2 đến 3 khẩu đội để chiến đấu. Trong đợt đánh phá trận địa cuối tháng 7, địch dùng bom phát quang đã làm cụt nòng của 5 khẩu pháo của đại đội 104 và 106…

    Khi đánh phá vào trọng điểm ngã ba Đồng Lộc, địch không chỉ dùng bom tấn để phá đường, phá cầu, phá núi để đất lở lấp nghẽn các đoạn đường qua ngã ba, chúng còn dùng bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường, bom bướm để sát thương lực lượng thanh niên xung phong, công binh và phá hủy các phương tiện vận tải vận động trên tuyến giao thông trọng điểm này.

    Nói những điều trên để giúp chúng ta nhận thức được rằng: để đi tới chiến thắng Đồng Lộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, quân dân Hà Tĩnh trực tiếp là Trung đoàn Phòng không 210, lực lượng thanh niên xung phong Hà Tĩnh, nòng cốt là Đại đội Thanh niên xung phong 552, Bộ đội công binh, công nhân viên ngành giao thông Hà Tĩnh, thanh niên, dân quân tự vệ và nhân dân của huyện Can Lộc chủ yếu là của các xã Đồng Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc, Mỹ Lộc… đã phải chiến đấu với lực lượng không quân với sức mạnh “không thể tưởng tượng” của đế quốc Mỹ - tên hung nô của thế kỷ XX.

    Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc đã ghi nhận cuộc chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, mưu trí, thông minh và tài thao lược cùng những chiến công xuất sắc trong 147 ngày đêm trên trọng điểm giao thông lịch sử này.

    Chiến thắng Đồng Lộc, chiến thắng trên trọng điểm, yết hầu của tuyến giao thông chiến lược chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đóng vai trò quan trọng đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 của không quân Mỹ “ném bom hạn chế” từ Vĩ tuyến 20 trở vào, đảm bảo chi viện kịp thời cho miền Nam tiến hành thắng lợi 3 đợt Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968, buộc Tổng thống Giôn-xơn, ngày 1-11-1968 phải tuyên bố ngừng ném bom không điều kiện toàn miền Bắc, chấp nhận Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là thành viên trong cuộc Hòa đàm Pa-ri, tạo nên bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Đây chính là ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Đồng Lộc.

Chiến thắng Đồng Lộc là một chứng minh sinh động và hùng hồn cho chiến thắng của văn hóa Việt Nam đối với xâm lược Mỹ.

    Hàng ngàn bộ đội phòng không, công binh, thanh niên xung phong và dân quân tự vệ trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ, giải tỏa giao thông ở ngã ba Đồng Lộc, tất cả đều ở tuổi mười tám đôi mươi, nhưng họ đều được giáo dục, được tiếp thu và kết tinh những phẩm chất, giá trị cao đẹp của văn hóa Việt Nam: Lòng yêu nước nồng nàn, đức hy sinh cao thượng, thương nước, thương nhà, thương người, thương mình, xả thân cứu nước, lạc quan tin tưởng, bản lĩnh kiên định vững vàng, lao động cần cù sáng tạo, chiến đấu ngoan cường mưu trí, sáng tạo, đoàn kết, hợp đồng, kỷ luật nghiêm minh…

Là cán bộ chính trị Ban Chính trị Trung đoàn 210, trong 147 ngày đêm làm nhiệm vụ ở Đồng Lộc, tôi và các đồng chí trong Ban Chính trị đã chia nhau đi đến trận địa các đại đội hỏa lực để nắm tư tưởng và cùng cán bộ chính trị tiến hành công tác tư tưởng trước, trong và sau mỗi trận chiến đấu nên tôi được tận mắt chứng kiến những phẩm chất cao quý của văn hóa Việt Nam được biểu hiện sinh động trong hoạt động chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong rà phá bom mìn, trong san lấp hố bom, trong giải tỏa các điểm nghẽn giao thông.

    Tấm gương của nữ Anh hùng La Thị Tám và mười cô gái của Tiểu đội 4, Đại đội 552 thanh niên xung phong thì nhiều sách, báo, phim ảnh đã miêu tả nhiều phẩm chất cao đẹp của các chị.

Ngày 8-6: Sáng tinh mơ mà hơn 1.000 thanh niên xung phong của Đại đội 552 đã có mặt ở mặt đường chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng ách tắc ngã ba Đồng Lộc. Anh chị em thanh niên xung phong bước vào cuộc chiến đấu ác liệt này mà nói cười rất vui vẻ và tràn ngập niềm tin. Sáng ngày 17-6, tôi đi qua khu vực Tiểu đội 4 đang làm nhiệm vụ và có dừng lại nói chuyện. Một chị nói với tôi: “Chúng em làm nhiệm vụ ở đây lâu rồi, chúng em thấy bọn giặc lái Mỹ ném bom xuống đây nhưng chưa chắc đã trúng, mà có trúng chưa chắc đã chết. Bây giờ có pháo hiện đại thế ni mà các anh ngắm thẳng vào chúng nó mà bắn thì nó chết hoặc hoảng sợ mà ném bom ra ngoài mục tiêu đó! Tôi đã kể lại ý kiến này cho bộ đội các đại đội. Tấm gương lạc quan tin tưởng, bình tĩnh, dũng cảm và đức hy sinh cao thượng của anh chị em thanh niên xung phong đã được nhạc sĩ Xuân Giao thể hiện trong bài hát Cô gái mở đường:

“Ơi biết bao cô gái đang ngày đêm vui mở đường”

“Đêm đã về khuya, sương rơi ướt áo. Tiếng hát em vẫn vọng núi rừng. Mặc bom rơi pháo sáng mịt mùng, em vẫn mở đường để xe tiến tới!

    Em đang bước tiếp chặng đường, theo những anh hùng Tổ quốc yêu thương, góp công cùng chiến thắng thù. Góp công cùng tiền phương cùng chiến thắng thù”.

Còn ở Trung đoàn phòng không 210, sau khi được quán triệt nhiệm vụ vào ngã ba Đồng Lộc bảo vệ trọng điểm giao thông, yết hầu của tuyến giao thông chiến lược chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, mọi cán bộ, chiến sĩ của các đại đội hỏa lực đều viết khẩu hiệu hành động của mình lên mũ, lên lá chắn của khẩu pháo: “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 210 đã nói và làm như thế trong 147 ngày đêm tại ngã ba - tọa độ lửa này. Sau 147 ngày đêm chiến đấu, toàn trung đoàn hy sinh 122 đồng chí, bị thương 259 người, thương vong 2/3 lực lượng tại các đơn vị hỏa lực. Vũ khí bị hư hỏng 86%, nhưng mọi người vẫn kiên cường trụ bám trận địa, có ngày phải dồn lực lượng cho đủ 2 đại đội tiếp tục chiến đấu, vì có tiếng pháo sẽ làm vững lòng anh chị em thanh niên xung phong công binh đang hoạt động trên mặt đường.

    Trong 6 đại đội trưởng của 6 đại đội hỏa lực, thì 5 đại đội trưởng đã anh dũng hy sinh. Tấm gương của Đại đội trưởng 106 Trần Ca, chấp hành nghiêm chỉnh lệnh của trung đoàn, chỉ huy đại đội cơ động chiếm lĩnh trận địa mới ngay cạnh cầu Tùng Cóc. Trận địa này có nhiều lợi thế để tiêu diệt máy bay Mỹ và bảo vệ tốt mục tiêu nên chúng cũng dùng nhiều thủ đoạn và các loại vũ khí sát thương lớn để loại bỏ đối thủ lợi hại này. Sau một ngày chiến đấu rất căng thẳng, nhưng Đại đội trưởng Trần Ca vẫn quyết tâm lãnh đạo chỉ huy cho bộ đội đào công sự pháo suốt đêm để đến sáng đưa toàn bộ 6 khẩu pháo vào công sự, chiếm lĩnh trận địa và kịp thời tổ chức đánh trả 5 đợt đánh phá của máy bay Mỹ, bảo vệ an toàn mục tiêu.

    Đến ngày 25-6, sáng sớm một tốp 2 chiếc A4 tiếp cận từ hướng đông, lợi dụng ánh sáng mặt trời, phóng rốc-két vào trận địa 106, Trần Ca bị thương rất nặng, anh vẫn không rời vị trí chỉ huy, khi biết mình không thể qua khỏi, anh còn dặn lại đồng đội phải bám trụ kiên cường, bắn rơi máy bay Mỹ bảo vệ an toàn ngã ba Đồng Lộc!

Tấm gương 2 chiến sĩ thông tin của Đại đội 105, Nguyễn Văn Hướng và La Chí Phú, trong trận chiến ngày 7-7, khi bom Mỹ làm đứt đường dây thông tin của đại đội, nơi dây đứt là bãi bom từ trường của địch thả xuống, nhưng 2 chiến sĩ Hướng, Phú vẫn bất chấp hiểm nguy mặc bộ đồ lót để đi vào nối dây liên lạc, khi các anh vừa nối thông liên lạc, thì quả bom từ trường gần đấy nổ, 2 đồng chí anh dũng hy sinh.

    Trong trận chiến đấu ngày 21-6, pháo thủ Phan Xuân Thược bị thương cánh tay trái nhưng vẫn nén đau tiếp tục chiến đấu đến khi kết thúc, lên trạm xá trung đoàn điều trị được 5 ngày, Thược đã trốn trạm xá về đơn vị tiếp tục chiến đấu.

Trong trận chiến đấu ngày 21-6, trắc thủ máy đo xa Nguyễn Quyết Tiến, Đại đội 104, một viên bom bi bắn vào quai hàm mặt, gẫy 2 răng, Tiến vẫn nén đau không rời vị trí chiến đấu, tiếp tục cung cấp phần tử cự ly mục tiêu cho đại đội trưởng chỉ huy chiến đấu.

Chiến sĩ lái xe xích Nguyễn Văn Kiên, xung phong lái xe kéo pháo qua bãi bom từ trường để chiếm lĩnh trận địa chiến đấu, bom nổ, Kiên bị chấn thương cột sống và gãy 2 răng cửa nhưng anh vẫn lạc quan điều trị khi vết thương cơ bản ổn định, Kiên lại về ngay đơn vị phục vụ chiến đấu.

    Đại đội trưởng Đại đội 104 Nguyễn Văn Bảng là tấm gương của lòng dũng cảm và tài chỉ huy: Anh đã xung phong đưa đại đội vào trận địa đồi Ngô Đồng - một vị trí rất ác liệt, nhưng có những điều kiện để tiêu diệt được nhiều máy bay, anh phán đoán rất nhanh thủ đoạn của các loại máy bay địch, linh hoạt chỉ huy đại đội đánh thắng nhiều thủ đoạn bắn rơi nhiều máy bay, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

    Tấm gương của Đoàn thanh niên dân quân tự vệ xã Trung Lộc do chị Lương làm Bí thư suốt 147 ngày đêm này, Đoàn thanh niên xã Trung Lộc bất chấp mọi gian khổ hy sinh, phục vụ chiến đấu của Trung đoàn Phòng không 210. Chiến công nổi bật của anh chị em thanh niên xã Trung Lộc là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu thương và thực hiện chính sách đối với các liệt sĩ. Sau mỗi đợt chiến đấu, đại đội pháo nào có người bị thương là anh chị em có mặt ngay tại trận địa, sơ cứu và đưa thương binh vào trạm xá.

Nếu đơn vị nào có liệt sĩ thì anh em thanh niên Trung Lộc cũng lại có mặt, cáng đưa liệt sĩ về nơi quy định, tham gia đào đắp mộ và cùng cán bộ chính trị của Trung đoàn tiến hành các lễ an táng trang nghiêm…

    Chính những phẩm chất văn hóa cao đẹp được kết tinh và thể hiện rất sinh động trong những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Phòng không 210, trong 1.200 thanh niên xung phong Đại đội 552 Hà Tĩnh, trong cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Công binh, trong cán bộ, đoàn viên thanh niên và dân quân tự vệ Hà Tĩnh… Tất cả đã làm nên sức mạnh của văn hóa Việt Nam trong chiến thắng Đồng Lộc lịch sử!Đây là nguyên nhân sâu xa và giá trị lịch sử của chiến thắng Đồng Lộc.

    Để phát huy ý nghĩa của chiến thắng Đồng Lộc trong thời kỳ mới - thời kỳ đổi mới toàn diện đồng bộ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Khi Đảng ta đã ban hành Nghị quyết: Xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đảm bảo phát triển đất nước bền vững, chúng tôi xin kiến nghị cần tổng kết một cách khoa học và hiệu quả việc hình thành và phát triển hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước nói chung và trong thế hệ những con người làm nên chiến thắng Đồng Lộc nói riêng để chúng ta có đầy đủ quyết tâm chính trị, cơ sở khoa học thực tiễn, để thực hiện có hiệu quả chiến lược xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.


PGS, TS Đào Duy Quát

[1] Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương,
 Cựu chiến binh Trung đoàn Phòng không 210



Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện