Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA CHIẾN TRANH CHỐNG MỸ Ở NGÃ BA ĐỒNG LỘC

  

02:21 10/07/2018

        Do những đặc điểm riêng về địa lý tự nhiên và lịch sử, suốt thời kỳ Bắc thuộc và thời kỳ Đại Việt, Hà Tĩnh là đất phên dậu của nước nhà. Các cuộc chiến tranh từ Bắc vào, từ Nam ra thường xuyên xảy ra trên mảnh đất này. Nhân dân Hà Tĩnh vừa anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giữ gìn non sông đất nước, vừa chống thiên tai khắc nghiệt để tồn tại và phát triển. Thời cận, hiện đại, Hà Tĩnh luôn đứng đầu sóng ngọn gió, đảm đương vai trò “cái đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Dường như lịch sử đã tin Hà Tĩnh, nên giai đoạn nào cũng chọn Hà Tĩnh, đặt lên vai Hà Tĩnh cái gánh nặng của sự sinh tồn dân tộc. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vai trò, vị trí ấy trở thành đặc trưng của Ngã ba Đồng Lộc. Nơi đây, từ năm 1965 đến năm 1973 đã diễn ra cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại tàn khốc, dã man của đế quốc Mỹ để bảo vệ miền Bắc XHCN, giữ vững mạch máu giao thông, chi viện chiến trường miền Nam, đánh thắng kẻ thù xâm lược.

        Ngã ba Đồng Lộc - một giao điểm của những tuyến đường giao thông huyết mạch chiến lược độc đáo không chỉ của Hà Tĩnh mà của miền Trung, của đất nước. Ngã ba Đồng Lộc - một cuộc đối đầu lịch sử giữa lòng yêu nước, ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam với sức mạnh hủy diệt của chiến tranh hiện đại. Ngã ba Đồng Lộc biểu hiện sinh động nhất, cao nhất chủ nghĩa nhân văn cao cả của quân và dân Việt Nam. Ngã ba Đồng Lộc - một địa điểm lịch sử có sức thu hút và lan tỏa các giá trị văn hóa tinh thần, có bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam bất chấp không gian, thời gian.

        Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã lùi xa hơn 43 năm, giờ đây, chúng ta đã có độ lùi để tiếp nhận và nhìn những đặc trưng của Ngã ba Đồng Lộc từ nhiều phía, để suy ngẫm sâu sắc hơn, đầy đủ hơn các giá trị tiêu biểu của nó. 

         1. Ngã Ba Đồng Lộc có vị trí đặc biệt. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 -1918), để thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, thực dân Pháp xây dựng nhiều tuyến đường ở Hà Tĩnh. Ngoài đường số 1, xây dựng từ năm 1913 đến 1925, đường tỉnh lộ 2 từ Ngã ba Ba Giang lên Lạc Thiện xây dựng vào những năm 1915 - 1930, đến năm 1952, Hà Tĩnh mở con đường mới khởi phát từ đường tỉnh lộ 3 tại Khe Giao nối với tỉnh lộ 2 tại Đồng Lộc tạo thành ngã ba Đồng Lộc. Ngã ba Đồng Lộc, một ngã lên Đức Thọ, Hương Sơn sang Lào, một ngã lên Hương Khê vào Quảng Bình sang Khăm Muộn - Lào, một ngả là tỉnh lộ 2 nối với Quốc lộ 1 tại Ba Giang. Đây là những tuyến đường quan trọng trong phát triển kinh tế thời bình và trong quốc phòng thời chiến. Trong chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ chọn Ngã ba Đồng Lộc để đánh phá nhằm cắt đứt mọi sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Quân và dân miền Bắc đã chấp nhận cuộc đối đầu lịch sử, với ý chí quyết tâm xây dựng Ngã ba Đồng Lộc thành pháo đài chống lại sự hủy diệt. Ngã ba Đồng Lộc trở thành yết hầu giao thông Hà Tĩnh, là nơi hội tụ, nơi khởi phát, nơi chuyển tiếp những giá trị văn hóa cao cả của quân và dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

        2. Ngã ba Đồng Lộc - điểm đối đầu lịch sử giữa các giá trị văn hóa, một xung đột giữa sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí kiến cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam với sự tàn bạo của giặc Mỹ xâm lược.

        Ngày 7/5/1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ ra quyết định về một số vấn đề về Giao thông vận tải ở các tỉnh Khu IV, nêu rõ: “Phải bảo đảm giao thông vận tải trên các tuyến đường chiến lược, bảo đảm tốt cho yêu cầu vận chuyển cho các tỉnh khu 4, trước hết là bảo đảm yêu cầu cho miền Nam và Lào về vũ khí, chất đốt, một phần lương thực và  một số yêu cầu cần thiết khác.” Đấy là thời điểm, sau trận bắn tên lửa xuống Đèo Con, Kỳ Anh, đánh bom Núi Nài, Nghi Xuân, Hương Khê, Mỹ liên tục ném bom xuống các tuyến đường giao thông đường bộ, đường thủy. Đấy cũng là giai đoạn, lực lượng trực tiếp đánh trả của ta rất mỏng. Ty Giao thông vận tải chỉ có 6 đội Công trình giao thông, 11 đội Chủ lực giao thông và một số đội quản lý đường sông, một số công ty vận tải. Đến tháng 6 năm 1965, thực hiện Chỉ thị 71/TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hà Tĩnh thành lập Tổng đội TNXP 25 rồi Tổng đội TNXP 53, Tổng đội TNXP 55. Tháng 9 năm 1965, thành lập thêm Tổng đội TNXP Phục vụ Thủy lợi, và Tổng đội TNXP phục vụ đường Gòong..

        Các đại đội 551, 554, 557, 552 của Tổng đội TNXP 55 và Đại đội 53 Tổng đội TNXP 53 cắm chốt tại Ngã ba Đồng Lộc. Đồng hành cùng lực lượng TNXP là lực lượng Dân quân tự vệ, Công an, Bưu điện, Y tế, Thương nghiệp, Lương thực, Văn hóa - Thông tin,... Lực lượng vũ trang có Đại đội pháo 37, tiểu đoàn 8 pháo cao xạ, Trung đoàn pháo cao xạ 210 thuộc sư đoàn 367. Họ lao động, chiến đấu trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, khốc liệt. Tính riêng trong vòng ba tháng, từ ngày 10/4 đến ngày 7/7/1965, Mỹ tập trung đánh vào tất cả cầu cống trên đường số 1, đường số 15, đường số 8. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, máy bay địch trút xuống Ngã ba Đồng Lộc gần 50.000 quả bom các loại. Bình quân địch đánh 28 ngày trong một tháng, ngày đánh nhiều nhất với 103 lần bay với trên 800 quả bom các loại.

        Ba nghìn ngày đêm, 16 nghìn con người đội mưa bom, bão đạn, vượt bão lũ, hứng nắng mưa, bám trụ trên mảnh đất 0,6 km2 hừng hực khói lửa, không ngại gian khổ hy sinh, kiên cường, mưu trí, sáng tạo bảo đảm các tuyến đường qua Ngã ba Đồng Lộc thông suốt, chuyển tải vũ khí, lương thực, thực phẩm quân trang, quân dụng của hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam phục vụ chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. 

        3. Chiến thắng Đồng Lộc là kết quả tất yếu của đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với phương châm chỉ đạo: Giao thông là mạch máu của mọi việc. Giao thông tắc thì việc gì cũng tắc. Giao thông tốt thì việc gì cũng dễ dàng, được thể hiện kịp thời, nhuần nhuyễn, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Ngay từ đầu năm 1965, khi thất bại ở chiến trường miền Nam, Mỹ chuyển sang tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: Nếu đế quốc Mỹ động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhận định: Sắp tới, đế quốc Mỹ sẽ dùng máy bay đánh vào Hà Tĩnh và đã chỉ đạo khẩn trương tăng cường lực lượng vũ trang, lực lượng đảm bảo giao thông vận tải, tổ chức, huy động lực lượng chiến đấu gắn với nhiệm vụ sản xuất xây dựng đời sống. Đường lối chiến tranh nhân dân đã phát huy tối đa tính sáng tạo của mỗi cá nhân, mỗi tập thể. Rất nhiều sáng kiến ra đời từ thực tế đánh trả máy bay Mỹ, sáng kiến “phá thế độc tuyến” mở thêm hàng chục con đường mới’ sáng kiến “cầu dẫn ở các bến phà”, sáng kiến “ủi bom”, “ phá bom nổ chậm bằng ắc quy điện”, “trồng cây trên cầu che mắt địch”. Còn bao nhiêu sáng kiến có giá trị khác mà chưa được thống kê, nghiên cứu.

        Bên cạnh lực lượng trực tiếp chiến đấu bảo đảm giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc còn một lực lượng hùng hậu không có gì có thể thay thế là nhân dân. Trải qua hai lần chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1965 - 1968 và 1972), các xã chung quanh khu vực Đồng Lộc bị bom đạn Mỹ giết hại 336 người, bị thương 346 người, cháy 3.738 ngôi nhà, thiệt hại 2.400 tấn gạo, chết 420 con trâu, bò. Khi giặc Mỹ thực hiện lối đánh có tính chất hủy diệt xuống 20 xã và 45 hợp tác xã ở ba huyện Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, nhiều vùng, miền khác trong tỉnh cũng chìm trong khói lửa. Nhân dân Hà Tĩnh với quyết tâm sắt đá: “Đường chưa thông không tiếc xương, tiếc máu” và tinh thần: “Địch phá một, ta làm mười.”. Chưa bao giờ lực lượng kháng chiến toàn dân được huy động hiệu quả như những ngày chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Mỗi người dân là một chiến sỹ. Mỗi cơ quan, đơn vị là một pháo đài chiến đấu. Giai cấp nông dân tập thể có khẩu hiệu “Tay cày tay súng”, tuổi trẻ hăng hái thực hiện “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, đội ngũ trí thức có khẩu hiệu “tay bút tay súng”. Đấy là giai đoạn “Toàn dân ra trận”. Liên tiếp trong 3 dịp Tết Nguyên đán năm 1966, 1967, 1968, tranh thủ thời gian không có bom đạn Mỹ, quân và dân Hà Tĩnh đã đóng góp 50 vạn lượt người với hơn 4 triệu ngày công làm được một khối lượng công việc khổng lồ: tu sửa, hàn gắn hàng trăm km đường, cầu cống, mở 11 tuyến đường mới có tổng chiều dài bằng độ dài các tuyến đường thực dân Pháp xây dựng trên đất Hà Tĩnh trong 80 năm đô hộ; vận chuyển hơn 50 vạn tấn hàng hóa an toàn đến tận các địa chỉ theo kế hoạch. Nhân dân đã tạo nên một thế trận vững chắc, rộng khắp, với sức mạnh vô song, làm thất bại hoàn toán âm mưu kẻ thù xâm lược, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Cần có thêm nhiều nghiên cứu chiến tranh nhân dân từ một điểm cụ thể Ngã ba Đồng Lộc để rút ra những bài học lý luận cũng như thực tiễn về sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và phát triển bền vững kinh tế, văn hóa - xã hội.

        4. Chiến thắng Đồng Lộc thể hiện sinh động chủ nghĩa nhân văn cao cả của quân và dân Hà Tĩnh. 10 năm chiến tranh, ở Ngã ba Đồng Lộc có 16.000 con người chiến đấu trong sự quan tâm, yêu thương, đùm bọc của nhân dân trong tỉnh, trong nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Tình cảm quân và dân, tình cảm giữa con người với con người là một trong những nét đặc trưng của Ngã ba Đồng Lộc, đã tô đậm thêm bản sắc văn hóa Việt Nam.

         Bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân quân tự vệ, công an, nông dân, trí thức... kề vai sát cánh, chia sẻ ngọt bùi trong sinh hoạt, trong lao động, trong chiến đấu, trong học tập. Mưa bom bão đạn, thiếu thốn và cả đau thương không làm nguội tắt lòng lạc quan, tình yêu thương, của các thế hệ chiến đấu trên Ngã ba Đồng Lộc. Tình yêu nam nữ, tình đồng đội tình yêu gia đình, tình yêu thiên nhiên, tình yêu văn chương nghệ thuật... được thể hiện một cách hồn nhiên, trong sáng, sâu sắc, cứ nồng đượm, mặc kệ những khốc liệt gian nan của chiến tranh. Tất cả đã tạo nên nghị lực, sức mạnh cho họ vượt qua mọi gian khổ hy sinh chiến thắng kẻ thù xâm lược.

        5. Đất nước thống nhất đã hơn 40 năm. Thời gian đang làm nguôi dần nỗi đau mất mát. Những sườn đồi lở lói, những hố bom chằng chịt đã được màu xanh che phủ. Nhưng những nụ cười và những giọt nước mắt đẫm khói bom 50 năm trước thì chưa phai mờ. Ngã ba Đồng Lộc thời chiến tranh, với những bản sắc riêng có vẫn nguyên vẹn trong ký ức bao thế hệ người Hà Tĩnh, trong văn chương nghệ thuật, ở các hiện vật trong Khu di tích lịch sử TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Những giá trị văn hóa giàu bản sắc sản sinh ở Ngã ba Đồng Lộc trong chiến tranh đã thành di sản, bồi đắp dày dặn thêm truyền thống văn hóa- cách mạng Hà Tĩnh, bồi dưỡng tâm hồn, cốt cách, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì đại nghĩa, vì quê hương đất nước, cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đức Ban*





Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện