Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

GƯƠNG HY SINH CỦA 10 NỮ TNXP NGÃ BA ĐỒNG LỘC MÃI MÃI KHẮC SÂU VÀO TÂM KHẢM, GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC, LÒNG TỰ HÀO CHO TUỔI TRẺ

  

02:26 10/07/2018

         Cách đây tròn nửa thế kỷ, tại Ngã ba Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ. Trong cuộc đụng độ lịch sử này, đã có bao tấm gương hy sinh quả cảm khi tuổi đời đang tràn trề nhựa sống.

        Mùa khô năm 1965, để cứu vãn tình thế ngày càng sa lầy trên chiến trường miền Nam; đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn mọi sự chi viện cho tiền tuyến. Dải đất khu 4 nói chung, vùng đất Hà Tĩnh nói riêng luôn là trọng điểm đánh phá hết sức ác liệt của máy bay, tàu chiến địch. Giai đoạn đầu của chiến tranh, cả ba tuyến vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy của tỉnh nhìn chung vẫn thông suốt. Càng về sau, mức độ tàn phá càng mạnh nên đường sắt bị tê liệt, đường thủy hạn chế do bị phong tỏa, đường bộ hệ thống cầu cống bị phá hủy, chia cắt. Do đó vận tải theo đường nội huyện và tỉnh qua Ngã ba Đồng Lộc để tới các chiến trường miền Nam, sang Lào, tuyến đường này đã trở thành tuyến đường huyết mạch. Sau thời gian ngắn, cung đường này không còn giữ được yếu tố bí mật bất ngờ mà đã bị địch phát hiện. Kể từ đó, máy bay địch tăng cường đánh phá cả về phi vụ cũng như lượng đạn bom, gây cho ta tổn thất lớn. Giai đoạn từ năm 1965 đến 1968 và năm 1972 địch dội xuống Đồng Lộc hàng trăm nghìn tấn bom các loại. Chỉ tính từ tháng 4 đến tháng 10/1968, trong 7 tháng ném bom, đã có 1.863 lần máy bay Mỹ trút xuống Đồng Lộc gần 50.000 quả bom các loại. Bình quân mỗi tháng, địch đánh 28 ngày, đỉnh điểm có ngày lên tới 103 lần, địch ném xuống 800 quả bom.

        Nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải ở Đồng Lộc đã trở thành mặt trận nóng bỏng, vô cùng ác liệt. Ở đây không phải chỉ là một trận đánh hay một chiến dịch mà quy mô và tính chất của nó mang tầm chiến lược quốc gia, liên quan đến cục diện chiến trường. Đề cập đến vai trò của hậu phương trong chiến tranh, Stalin nói: “Suy cho cùng hậu phương là nhân tố quyết định tới thắng lợi ở chiến trường”. Kẻ địch ra sức ngăn chặn đánh phong tỏa triệt để cung đường vận tải này, chúng đã gây ra muôn vàn tội ác cho nhân dân ta, phá hoại tất cả các công trình, trường học, bệnh viện, đê điều…

        Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Quân và dân Hà Tĩnh càng biểu thị cao độ ý chí, hành động giữ vững mạch máu giao thông trong mọi hoàn cảnh; Nhân lực được huy động tới mặt trận có thời điểm lên đến 1,6 vạn người; gồm bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân, cảnh sát giao thông, dân quân tự vệ và nhân dân tại chỗ của địa phương. Về vật lực từ phương tiện cơ giới đến vật dụng quen thuộc như cọc tre để chống sạt lở, rơm rạ chống lầy, nhà ở cũng tháo dỡ lát đường cho xe qua. Thế trận chiến tranh nhân dân và phương thức, nghệ thuật động viên nguồn lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được phát huy cao độ ở Ngã ba Đồng Lộc.

        Suốt những năm tháng nổ ra chiến tranh phá hoại, bầu trời, mặt đất Hà Tĩnh luôn lay chuyển bởi âm thanh động cơ phản lực, bom đạn địch và cả tiếng giáng trả của các loại hỏa lực của quân, dân ta. Hình ảnh khu vực Ngã ba Đồng Lộc bị quần nát, xới tung vì bom đạn khốc liệt đã trở thành ấn tượng khó phai trong ký ức của những người xông pha trận tuyến. Nơi đây, hàng nghìn chiến sĩ đã gửi lại tuổi thanh xuân để thông đường, thông xe, góp phần làm nên huyền thoại về Ngã ba Đồng Lộc, qua thống kê, trên mặt trận Đồng Lộc có 435 liệt sỹ và hàng nghìn người đã để lại một phần cơ thể trên mảnh đất này. Một vùng đất chưa đầy 1 Km2 mà phải gồng mình hứng chịu bom đạn địch trong 5 năm (1965 - 1968 và năm 1972). Hố bom chồng chất hố bom; bị thương, chết, trở thành khúc tráng ca lẫm liệt, nhất là sự hy sinh của 10 nữ Thanh niên xung phong khi tuổi đời còn rất trẻ vào hồi 16 giờ, ngày 24 tháng 7 năm 1968.

        Cũng từ giây phút đó, Tổng đội 552 Thanh niên xung phong không bao giờ được thấy hình bóng, nghe nụ cười các chiến sỹ Tiểu đội 4 dầm mưa, giãi nắng lao mình trong bom rơi đạn nổ để san lấp hố bom, tạo cọc tiêu di động trong đêm tối mịt mùng cho xe ra trận. Các chị ra đi đã để lại trong lòng đồng đội, đồng chí, bạn bè, gia đình một khoảng trống, nỗi đau thương khôn tả, xót xa, bùi ngùi, không biết :

“Đến bao giờ khô nước mắt tiếc thương

Hồn trinh nữ tìm vào hoa Đồng Lộc”.

        Sự hy sinh của các chị đã làm nên huyền thoại về Ngã ba Đồng Lộc. Các chị đã có công lớn tạo ra giá trị lịch sử, văn hóa, tăng thêm độ dày của lịch sử truyền thống quê hương Xô Viết, truyền thống phụ nữ Việt Nam.

        Những huyền thoại về Ngã ba Đồng Lộc; sự hy sinh xương máu của bao anh hùng liệt sỹ, nhất là 10 nữ Thanh niên xung phong ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, cuộc đời đang tràn trề nhựa sống, phơi phới sức xuân; là địa chỉ đỏ để cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành giáo dục, truyền lửa cho thế hệ trẻ. Thường xuyên đổi mới và có nhiều hình thức, phương pháp giáo dục, đi sâu vào hoàn cảnh, sự hy sinh cao cả và lòng cảm phục của hàng triệu con người Việt Nam đối với các chị, như: Khi nói về hoàn cảnh của các chị, tuy có khác nhau nhưng điểm chung nhất là tất cả đều tình nguyện gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ tại các trọng điểm ngay từ những ngày đầu nổ ra chiến tranh phá hoại. Thiếu thốn nhiều thứ, có lúc không gạo thổi cơm phải luộc mỳ ăn thay. Áo rách tự khâu vá:

“Áo thanh niên xung phong

Vắt qua mưa nắng

Túi áo may chéo nghiêng

Đựng cả trời bom đạn”.

Đèn dầu không có thì cậy vào ánh trăng hoặc dựa vào ánh sáng đèn dù; công cụ san lấp hỗ bom chỉ có cuốc, xẻng, xe thồ, cáng… không đồ bảo hộ lao động, không có định thời gian làm việc, hiệu lệnh vào trận là sau loạt bom cuối cùng, không gian chẳng để ý. Nhiều lúc

“Khi em đi trăng đứng đợi trên đèo,

khi em về trăng lại ngã về theo”

Còn về đời sống riêng từ thì “tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu”.

        Bởi vì: Trong lần sinh hoạt tiểu đội trưởng - Đảng viên Võ Thị Tần quán triệt: “Chiến trường không thể thiếu đạn, thiếu gạo một ngày, một giờ được; chúng mình phải mở đường máu ở đây cho xe vào mặt trận. Vào đây sự sống và cái chết chỉ còn gang tấc, nhưng chúng mình không thể lùi bước được, phải chiến thắng giặc Mỹ ngay trên mảnh đất Đồng Lộc này”. Nếu cần vì sự sống của con đường, chúng mình sẵn sàng hy sinh để cho ngày thống nhất Nam - Bắc gần hơn, các đồng chí có đồng ý không? Cả tiểu đội đồng thanh: “Đồng ý”. Các chị tự biết lúc này cần phải ưu tiên mọi việc cho nhiệm vụ, nên “Nào ai tính chuyện riêng mình ngày mai”. Các chị lao vào cuộc chiến đấu một cách tự nguyện, vẫn biết trước sống chết chỉ gang tấc. Tin tưởng vào ngày toàn thắng, lạc quan, yêu đời giữa khói lửa, đạn bom là tố chất của các chị.

        Trong những ngày gian khó đó, với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, khẩu hiệu: “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, tinh thần ấy đã được thể hiện rõ trong bức thư Gửi mẹ của chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, đại đội 552 thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong. Chúng ta hãy cùng đọc lại một đoạn trong bức thư của chị Võ Thị Tần để hiểu thêm hơn cội nguồn của chiến thắng: “Ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm chúng thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng, nhưng không có thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con. Mẹ ạ, thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất bé nhỏ kiên cường này…”

        Năm mươi năm trôi qua, kể từ thời khắc 10 nữ Thanh niên xung phong hy sinh, để máu các chị đổ xuống không uổng, trách nhiệm những người còn sống đã có nhiều việc làm giúp cho quá khứ hào hùng không bị lãng quên. Học giả Hoàng Xuân Hãn từng nói: “Vẫn biết sống về tương lai nhưng dĩ vãng là gương cho ta ngắm lại”. Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử cách mạng quốc gia. Cùng với các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” là công tác đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình làm cho quần thể di tích tương xứng với sự kiện, chiến tích huyền thoại. Sự phối kết hợp giữa nhiều lực lượng, binh chủng như: Văn học Nghệ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, ca múa nhạc, hội họa… đã góp phần tuyên truyền để khách thập phương, thế hệ trẻ cả nước đến khu di tích nhiều hơn. Chúng ta đã có trường ca về Đồng Lộc, phim tài liệu “Hương bồ kết”, “Huyền thoại tuổi xanh”, “Như những thiên thần”, thi sáng tác, thi tìm hiểu về Đồng Lộc… Nhiều công trình kiến trúc được xây dựng như: Khu mộ 10 nữ Thanh niên xung phong, Nhà bia tưởng niệm Thanh niên xung phong toàn quốc, sa bàn chiến đấu, Nhà bảo tàng, tháp chuông, đền thờ đã hoàn thành, cảnh quan khuôn viên tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Thông tin tư liệu về Ngã ba Đồng Lộc được Đài phát thanh truyền hình Trung ương và các địa phương phản ánh kịp thời khá đầy đủ.

        Sự hy sinh của 10 nữ Thanh niên xung phong là khúc tráng ca lẫm liệt nhất ở mặt trận Đồng Lộc. Đẹp trong tâm hồn, sáng ngời lý tưởng đến cốt cách hành động quả cảm là nét chung của các chị, tiêu biểu cho lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, rất xứng đáng để hậu thế học tập, nhất là thế hệ trẻ.

        Trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập và phát triển, công tác giáo dục truyền thống, giáo dục lý tưởng sống cao đẹp, có tình yêu Tổ quốc, nhất là gương chiến đấu hy sinh của thế hệ đi trước cho thế hệ trẻ hôm nay là việc làm hết sức cần thiết. Đặc biệt là đặt ra cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh những yêu cầu mới về bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền, lãnh thổ. Chúng ta đều biết, trong hoàn cảnh, thời chiến, điều kiện để thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục rất khó khăn hạn chế. Do đó phạm vi ảnh hưởng, sức lan tỏa của sự kiện không được rộng khắp. Ngày nay, chúng ta có đủ khả năng để làm sống lại một chứng tích oanh liệt mà ngày ấy chưa có điều kiện. Công tác giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ là một phần của công tác Đảng, công tác chính trị tư tưởng. Vì vậy, cấp ủy Đảng, các ban, ngành, các cấp Hội Cựu Chiến binh cần phải quán triệt, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, là tình cảm, trách nhiệm để bồi dưỡng nhân sinh quan, động cơ tư tưởng, định hướng phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức cho thế hệ trẻ không bị xao lãng, lệch lạc. Chủ đề tuyên truyền, giáo dục không chung chung mà cụ thể, thiết thực. Hiệu quả đạt được là phụ thuộc vào phương pháp, cách thức tiến hành.

        Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành, các tổ chức Đoàn. Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với các cấp Hội Cựu Chiến binh, các cơ sở giáo dục đào tạo, trường học… là những nơi tập trung đông đối tượng tuyên truyền. Phương châm là kiên trì, nắm bắt tâm lý đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm gắn liền với các sự kiện, hoạt động mang tính thời sự, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, lựa chọn cách thức, phương pháp tuyên truyền để đạt hiệu quả cao.

Nội dung tuyên truyền bám sát chủ đề, từ đó xây dựng đề cương; Nội dung tuyên truyền đã được lựa chọn, xác định, đó là tấm gương hy sinh oanh liệt của 10 nữ Thanh niên xung phong, những tố chất cao đẹp của các chị.

        Tiếp tục tổ chức các cuộc thi, kết hợp lồng ghép vào các chương trình hoạt động tri ân, có sự động viên thích đáng. Sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm đầy đủ. Trong nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống, phương pháp trực quan có tác dụng cao nhất, lưu lại thông tin lâu dài, để từ đó luôn sưởi ấm trong trái tim thế hệ trẻ lòng nhiệt tình cách mạng, khát vọng cống hiến những việc làm có ích cho đất nước, cho nhân dân và luôn ở tư thế “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh cống hiến vì nhiệm vụ cao cả như 10 chị đã hy sinh.

        Cuối cùng, xin mượn mấy câu thơ để kết thúc ý kiến tham luận và lòng thành kính tưởng nhớ 50 năm các chị đi vào cõi bất tử. Với các chị, chúng ta nhìn rất rõ chân lý: Bao xương máu đổ xuống mới làm nên Đồng Lộc.

“Tôi thắp một nén hương

Cúi xuống cũng là soi gương

Để tự nhận mình mờ, tỏ

Với các chị, tôi nhìn rất rõ

Có nụ hoa thầm thì giấu trong cỏ nôn nao”.

 

                                       Hoàng Trọng Thâm*

 Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Tĩnh




 

 


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện