Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

ĐÓNG GÓP CỦA NỮ CHIẾN SỸ TRƯỜNG SƠN TRONG CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ

  

03:47 10/07/2018

        I. Khái quát về tuyến đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, tuyến đường góp phần quyết định chi viện chiến trường miền Nam

        Tháng 1/1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” với nhiệm vụ mở tuyến đường vận chuyển hàng hóa, đưa đón cán bộ, các lực lượng từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc và các chiến trường.

        Đoàn công tác quân sự đặc biệt này, thường gọi là Đoàn 559 (sau này các tên gọi phù hợp với sự phát triển của tuyến chi viện chiến lược: Bộ Tư lệnh 559, Bộ Tư lệnh Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh).

        Đoàn 559 hoạt động trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đường Hồ Chí Minh có không gian rộng lớn ở 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Ở Việt Nam trải dài trên 11 tỉnh thành, bao gồm các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đến phía Tây các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum và Đắc Lắc đến Tây Ninh. Ở Lào bao gồm 7 tỉnh Trung, Nam Lào và 4 tỉnh ở Đông Bắc Campuchia.

        Lực lượng chiến đấu trên tuyến Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là binh chủng hợp thành gồm các binh chủng xe, pháo, công binh, bộ binh, giao liên, thông tin, gồm các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông cơ khí… với quân số gồm khoảng 120.000 cán bộ chiến sỹ và trên 1 vạn TNXP. Lực lượng nữ chiếm số lượng khá cao, có lúc lên đến 12.000 - 18.000 người, chủ yếu làm nhiệm vụ mở đường, giao liên, quân y….

        Trong khó khăn gian khổ, ác liệt và hy sinh, cán bộ chiến sỹ Trường Sơn đã lập nên những chiến công huyền thoại, làm nên hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường cơ giới, mở 3.000km đường giao liên, 1 tuyến đường kín dài 3.142km, hệ thống đường sông dài gần 600km, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu 1.400km vào tới Đông Nam Bộ, trên 13.000 km đường hữu tuyến thông tin tải ba, vận chuyển cung cấp cho chiến trường 61 ngàn tấn xăng dầu, trên 1 triệu tấn hàng vũ khí, lương thực, chỉ huy tổ chức hành quân hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ dân, chính, đảng vào ra chiến trường. Vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường và cùng với các binh chủng chiến đấu 733.000 trận với không quân Mỹ, bắn rơi 2.455 máy bay các loại, đánh bộ binh 2.500 trận, tiêu diệt trên 17.000 tên địch, đào đắp san lấp khoảng 29 triệu m3 đất đá, san lấp khoảng 78.000 hố bom, phá 12.600 quả bom từ trường, 8.000 bom nổ chậm, 85.100 quả mìn các loại để giữ vững tuyến chi viện cho tiền tuyến.

        Cán bộ chiến sỹ Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành các nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc lịch sử giao phó, vừa đảm nhận nhiệm vụ tuyến chi viện chiến lược của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, vừa là lực lượng chiến đấu tại chỗ để bảo vệ hành lang chiến lược và trực tiếp tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

        Để có được những chiến công huyền thoại của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chiến sĩ Trường Sơn đối mặt với sự khốc liệt của chiến trường, chịu đựng 733.000 trận không kích, kể cả B52, hứng chịu hơn 7,5 triệu quả bom, hơn 4 triệu tấn bom đạn trong đó có chất độc dioxin. Bộ đội Trường Sơn đã dâng hiến cho Tổ quốc trên 2 vạn liệt sỹ, trong đó có gần 1 vạn chiến sỹ chưa tìm thấy hài cốt, mãi mãi nằm lại với núi rừng đại ngàn Trường Sơn. Có trên 3 vạn thương bệnh binh, hàng vạn người nhiễm độc da cam.

        Mỗi người dân Việt Nam nói chung và chiến sĩ Trường Sơn nói riêng có quyền tự hào về sự cống hiến cho Tổ quốc, đã viết lên một Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nói riêng.

        II. Nữ chiến sỹ Trường Sơn góp phần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, viết lên khúc tráng ca Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại

        Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, việc quyết định đưa  lực lượng nữ vào chiến trường nói chung và Trường Sơn nói riêng thể hiện niềm tin của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị trí của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng. Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trở thành điểm hẹn của lớp lớp cán bộ chiến sỹ, bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến, được cơ cấu tổ chức thành các binh chủng hợp thành thiện chiến với đầy đủ các thành phần cơ cấu gồm hơn 10 vạn quân và hơn 1 vạn TNXP. Trong số đó, nữ chiến sỹ chiếm số lượng khoảng trên 10%, lúc cao nhất có gần 2 vạn nữ chiến sĩ Trường Sơn. Có những đơn vị phần đông là nữ, một số đơn vị hoàn toàn là chiến sỹ nữ.

        Các nữ chiến sĩ Trường Sơn có mặt ở mọi cung, tuyến, lĩnh vực hoạt động trên chiến trường Trường Sơn. Kể cả những tuyến trọng điểm ác liệt nhất, họ đều có mặt và đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau trên các lĩnh vực công binh bảo đảm giao thông, các trạm giao liên, các cơ sở quân y, các đội văn hóa, văn nghệ, thông tin suốt tuyến, lái xe, kho tàng, hậu cần và đường ống … Đây là một lực lượng hùng hậu, đã góp phần lập nên nhiều kỳ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

         Trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nữ chiến sĩ Trường Sơn phải đối mặt với điều kiện sống muôn vàn gian khổ, khắc nghiệt của khí hậu núi rừng Trường Sơn và sự khốc liệt của chiến tranh, tưởng như mọi sinh vật không thể tồn tại được. Vậy mà ở những nơi địch đánh phá ác liệt như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, tại các trọng điểm như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Đường 20 quyết thắng, phà Xuân Sơn, phà Trọng Đại, Tràng Ang… và nhiều trọng điểm ác liệt khác đều có mặt các nữ chiến sĩ Trường Sơn. Đa số họ ở tuổi mười tám, đôi mươi, chiến đấu trên mặt trận cầu đường, hằng ngày chứng kiến đội ngã xuống. Nhưng lòng yêu nước và ý chí chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất  nước đã tiếp sức cho họ vượt qua tất cả để sống, chiến đấu, cống hiến, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Nữ chiến sỹ công binh, thanh niên xung phong mở đường nguyện làm “Tượng đồng, vách sắt” kiên cường bám trụ, giành giật lại từng thước đường, bảo đảm giao thông bất kể ngày đêm, bất kể tình huống nguy hiểm, đối mặt với hy sinh như phá bom, vần bom nổ chậm xuống vực cho xe qua, cho pháo vào trận địa. Một đường bị chặn, hai ba đường mới xuất hiện. Đường chạy đêm bị đánh, đường chạy ngày (đường kín) xuất hiện. Nhiều nữ chiến sĩ Trường Sơn còn trực tiếp đứng trên ngầm làm cọc tiêu sống hướng dẫn cho đoàn xe nhanh chóng vượt qua trọng điểm. Tại các binh trạm, các nữ giao liên bảo đảm đưa đón, bố trí nơi ăn ở cho hàng triệu lượt cán bộ, chiến sỹ vào ra các chiến trường an toàn, bí mật. Các nữ thông tin, cơ yếu, quân y, vận tải, kho tàng, xăng dầu, hậu cần, văn thư bảo mật luôn kiên cường, gan dạ ngày đêm bám sát trận tuyến thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các nữ chiến sỹ làm công tác văn hóa, nghệ thuật, báo chí đã vượt qua mọi khó khăn, sáng tác, biểu diễn phục vụ với những tác phẩm đầy nhiệt huyết, khí phách và niềm động viên, cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu kiên cường của chiến sỹ treenmawtj trận để góp phần làm nên chiến công huyền thoại của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Thực tiễn chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chiến trường đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân nữ chiến sĩ Trường Sơn lập nên những chiến công huyền thoại trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Tổ quốc và nhân dân mãi mãi khắc ghi biểu tượng tiểu đội anh hùng “Mười hai cô gái Truông Bồn” thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An đã “quyết tử cho mạch máu Truông Bồn quyết thông”; các nữ TNXP ở “Hang tám cô” đường 20 quyết thắng thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; Trung đội nữ lái xe Trường Sơn dũng cảm kiên cường, chắc tay lái vượt qua nhiều trọng điểm ác liệt để kịp thời chuyển hàng chi viện tiền tuyến; Trung đội nữ công binh của D33 công binh kiên cường bám trụ ở các trọng điểm và còn nhiều các tập thể nữ tiêu biểu khác…

        Về cá nhân có nhiều biểu tượng về những chiến công huyền thoại của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Nhạ, với chiến công đặc biệt xuất sắc trên trọng điểm đèo Phu La Nhích đường 20 quyết thắng. Giặc Mỹ đánh phá ác liệt, với cương vị Tiểu đội trưởng, chị cùng đội 25, C459 thanh niên xung phong đã kiên cường bám trụ, bảo đảm giao thông thông suốt. Rồi chị chuyển sang quân đội, giữ trọng trách Trung đội trưởng, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ đèo Pa Kha, đường 128. Ngày 28/12/1967, máy bay Mỹ thả bom, mìn hỗn hợp cày nát đoạn đường. Với lòng quả cảm và mưu trí, chị đã đích thân cùng đồng đội phá bom nổ chậm và san lấp hố bom để thông đường. Do đường rất hẹp, xe dễ lao xuống vực, chị đã cùng đồng đội cuốn dù pháo sáng vào người làm cọc tiêu sống hướng dẫn đội hình xe vượt đèo. Khi chỉ còn chiếc xe cuối cùng thì một tốp máy bay Mỹ ập đến trút bom đúng nơi chị và đồng đội đang làm nhiệm vụ. Chị và 4 nữ chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, để lại tổn thất to lớn đối với Trung đội nữ công binh và Binh trạm 32. Để tưởng nhớ người nữ Trung đội trưởng can trường dũng cảm, Binh trạm 32 đã đặt tên đèo Pa Kha là đèo Chị Nhạ.

        Biểu tượng nữ liệt sỹ anh hùng Nguyễn Thị Vân Liệu cùng Đại đội 5 TNXP chốt giữ trọng điểm cua chữ A ngầm Ta Lê, đèo Pu La Nhích đường 20 quyết thắng. Đây cũng là cung đường hiểm trở, có nhiều đoạn vòng cua gấp khúc và thường xuyên phải gánh chịu những trận bom của đế quốc Mỹ. Chị Liệu cùng đồng đội luôn xông pha trên mặt đường để san lấp hố bom và phá bom mìn với tinh thần quả cảm và ý chí sắt đá. Chị đã dũng cảm thực nghiệm sáng kiến phá bom nổ chậm bằng bộc phá, mang lại hiệu quả cao, phổ biến cho toàn chiến trường. Chị được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người và vinh dự được báo cáo thành tích tại Hội nghị của Tổng cục tiền phương. Tình nguyện ở lại chiến trường, công tác tại Đoàn bộ Bộ Tư lệnh Trường Sơn, chị đã anh dũng hy sinh ngày 27/5/1968 khi đang làm nhiệm vụ. Chị được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương chiến công và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, quê xã Cảnh Hóa, Quảng Trạch, Quảng Bình, Trung đội trưởng Trung đội 6, C759 TNXP trên điểm chốt quan trọng đường 12A khốc liệt. Chị Huế vinh dự 5 lần được ra Hà Nội báo công và vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần. Anh hùng Hồ Thị Thu Hiền xã Hưng Phú, Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, Đại đội trưởng TNXP C202 - N241 - P31 có 150 chiến sỹ, trong đó có 93 nữ. Chị đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển lương thực vào hậu cứ và từ hậu cứ chuyển thương binh về tuyến sau trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Đại đội 202 có thêm nhiệm vụ phá bom nổ chậm mở đường cho xe qua, chị Hiền đã xung phong tình nguyện vào đội cảm tử phá bom. Đã 3 lần chị được đồng đội “truy điệu sống” trước khi lên đường phá bom. Lòng quả cảm và quyết tâm của người Đại đội trưởng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo vệ con đường để đoàn xe chở vũ khí đạn dược chi viện kịp thời cho chiến trường. Anh hùng Đặng Thị Thu Hiệp, được mệnh danh hình tượng “cọc tiêu sống” trên trọng điểm đèo Đá Đẽo và còn nhiều nữ anh hùng khác đã cùng nhau viết lên khúc tráng ca Trường Sơn.

        Tổ quốc và dân tộc mãi khắc ghi trong những tháng năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có một trọng điểm ngã ba đường đã đi vào huyền thoại. một chứng tích hào hùng về cuộc chiến đấu ác liệt và quả cảm của quân và dân Hà Tĩnh, là một bản anh hùng ca chiến đấu kiên cường, dũng cảm và chiến thắng của dân tộc Việt Nam, của tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đó là Ngã ba Đồng Lộc, thuộc các xã: Đồng Lộc, Trung Lộc, Mỹ Lộc và Thượng Lộc của huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.

        Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 50 ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác của hai bên đồi núi trọc, ở giữa có con đường độc đạo. Từ con đường này có thể tỏa ra các hướng để phục vụ giao thông vận tải ra vào chiến trường. Khi các tuyến giao thông ở đồng bằng bị chia cắt, ngã ba Đồng Lộc trở thành trọng điểm, là điểm duy nhất để tiếp nối tất cả các tuyến giao thông vào Nam ra Bắc. Vì vậy, trong thời gian Mỹ “ném bom hạn chế”, vị trí, ý nghĩa chiến lược của Ngã ba Đồng Lộc càng trở lên quan trọng đối với chiến trường.

        Đế quốc Mỹ xác định được tầm quan trọng của Ngã ba Đồng Lộc, tăng cường đánh phá ác liệt nhằm hủy diệt, ngăn cản, cắt đứt tuyến chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam. Mỹ âm mưu biến Ngã ba Đồng Lộc thành “Túi bom”, “Tử địa”, một sa mạc không bóng người, không một chuyến xe qua, không còn sự sống. Chỉ tính riêng trong 7 tháng (từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968), Mỹ đã huy động trên mười ngàn lượt máy bay trút bom xuống nơi đây gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể roóc két và đạn 20mm. Bình quân mỗi tháng, không quân Mỹ thực hiện đánh phá 28 ngày, có ngày nhiều nhất là 103 lần máy bay đánh phá ném bom với trên 800 quả bom các loại. Suốt ngày đêm Ngã ba Đồng Lộc không ngớt bom đạn. Đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom. Cùng một lúc đế quốc Mỹ trút xuống nơi đây nhiều loại bom có sức công phá lớn: Bom đào, bom phá, bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường… Ban ngày, chúng tập trung chặn các tuyến đường ra vào Đồng Lộc, ban đêm chúng thả pháo sáng ném bom bi, bắn rốc két nhằm tiêu diệt các lực lượng sửa chữa giao thông. Với lòng căm thù giặc, ý chí dũng cảm kiên cường xả thân vì nghĩa lớn với ý chí quyết tâm “Giặc phá một thì ta làm mười”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”… lực lượng chiến đấu bắn máy địch có Trung đoàn pháo cao xạ 210, Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ của tỉnh Hà Tĩnh, một bộ phận của Tiểu đoàn 30 công binh quân khu và hàng vạn thanh niên xung phong, trong đó, chiếm số đông là nữ, tuổi đời mười tám, đôi mươi đã dũng cảm kiên cường quyết bám đường, bám trọng điểm để bảo đảm cho xe thông tuyến kịp thời chi viện chiến trường. Cùng sát cánh với các chiến sỹ nam, nữ TNXP, nữ chiến sỹ Trường Sơn lúc đó là lực lượng dân quân du kích và nhân dân của các xã Quang Lộc, Mỹ Lộc, Sơn Lộc, Thượng Lộc, Xuân Lộc, Trung Lộc, Phú Lộc… đã chung sức, chung lòng, quyết tâm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nhiều gia đình đã nhường nhà, vườn để làm nơi cứu thương, làm kho, làm đường tránh, nhiều gia đình nhân dân đã sẵn sàng dỡ nhà, đưa gỗ, giường ra lát đường, chống lầy cho xe vượt qua trọng điểm ác liệt. Các nữ chiến sỹ Trường Sơn đã cùng các đồng đội nam kiên cường, dũng cảm, bám trận địa trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc. Trong khốc liệt của chiến tranh đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng của những nữ chiến sỹ trên trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc, tỏa sáng phẩm chất cao đẹp của phụ nữ Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Đó là nữ Anh hùng La Thị Tám, “Người con gái Sông La”, trong suốt 200 ngày kiên cường làm nhiệm vụ trinh sát bom, đã đến và vào tận nơi quả bom rơi để cắm tiêu “khai tử” 1.205 quả bom chưa nổ. Đó là tấm gương của 10 nữ chiến sỹ Trường Sơn thanh niên xung phong do chị Võ Thị Tần (Tiểu đội trưởng), chị Hồ Thị Cúc (Tiểu đội phó) cùng các nữ chiến sỹ Võ Thị Hội, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hạ, Trần Thị Hường đã hy sinh anh dũng trong ngày 24/7/1968 khi đang làm nhiệm vụ, cùng hàng trăm chiến sỹ Trường Sơn tuổi đời còn rất trẻ đã hy sinh anh dũng tại trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc. Sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc mãi mãi trở thành biểu tượng tự hào, một kỳ tích anh hùng của phụ nữ Việt Nam.

        Để tôn vinh chiến công của 10 nữ thanh niên xung phong tại trọng điểm này, Đảng, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 10 nữ TNXP, xây dựng Tượng đài chiến thắng và Tháp chuông Đồng Lộc, tưởng niệm 10 nữ liệt sỹ và hàng ngàn anh hùng liệt sỹ khác nơi đây. Ngã ba Đồng Lộc trở thành một điểm hành hương tâm linh, một không gian tưởng niệm linh thiêng của dân tộc Việt Nam. Đồng Lộc mãi mãi là biểu tượng tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu, hy sinh kiên cường, dũng cảm vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

         Nhạc sỹ Doãn Nho đã tận mắt chứng kiến mảnh đất linh thiêng, nơi hy sinh của 10 nữ chiến sỹ Trường Sơn và thấy quả đồi, chòi gác nơi chị La Thị Tám hằng ngày đứng đếm số bom quân thù trút xuống. Từ những cảm xúc về vùng đất và chiến công người con gái Ngã ba Đồng Lộc anh hùng, ông đã viết nên tác phẩm nổi tiếng “Người con gái Sông La”.

        Nói đến những chiến công huyền thoại của nữ chiến sỹ Trường Sơn trong cuộc chiến đấu gian khổ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chúng ta xin bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đến trên hai vạn cán bộ chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc để viết lên đường Trường Sơn huyền thoại, trong đó có hàng nghìn nữ chiến sỹ Trường Sơn đã nằm lại với Trường Sơn đại ngàn, mãi mãi gửi lại Trường Sơn tuổi thanh xuân. Sự hy sinh của các anh, các chị đi vào lịch sử, vào thi ca cách mạng, tên các anh, các chị trở thành tên Tổ quốc Việt Nam, góp phần tỏa sáng truyền thống “Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang” của phụ nữ Việt Nam.

        III. Vài nét về sự ra đời và hoạt động của Hội nữ chiến sỹ Trường Sơn  Việt Nam

        Những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn đã cố kết những chiến sỹ Trường Sơn thành một khối đoàn kết thống nhất ý chí, tình cảm và tạo ra sức mạnh huyền thoại để mỗi người chiến sỹ Trường Sơn và nữ chiến sỹ Trường Sơn vượt qua thử thách khắc nghiệt của chiến tranh để chiến thắng vẻ vang. Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ đó, họ luôn sẵn sàng chia sẻ với nhau mọi thứ kể, cả tính mạng của mình, thì khi về đời thường, tình cảm đó vẫn nguyên vẹn và càng được nhân lên khi đồng đội gặp biến cố, khó khăn. Những người chiến sỹ Trường Sơn nói chung và nữ chiến sỹ Trường Sơn nói riêng luôn nghĩ về nhau, khao khát được gặp nhau, tìm đến với nhau để chia sẻ, giúp đỡ động viên nhau.

        Chiến tranh đã lùi xa, vết thương trên thịt da của các cựu chiến sỹ đã lành, nhưng qua những tháng ngày khốc liệt của chiến trường Trường Sơn, đã có hàng nghìn nữ chiến sỹ hy sinh, trên 4 ngàn thương bệnh binh, nhiễm độc da cam bởi những hóa chất độc hại điôxin mà đế quốc Mỹ rải xuống Trường Sơn. Đa số nữ chiến sỹ Trường Sơn hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương có mức sống tương đối ổn định, tiếp tục lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương. Tuy nhiên, có nhiều nữ chiến sỹ Trường Sơn không còn khả năng làm mẹ hoặc được làm mẹ thì con sinh ra không còn năng lực làm người. Đại đa số chị em đều ảnh hưởng trực tiếp nên sức khỏe giảm sút, ốm đau, bệnh tật liên miên, một số ít mắc bệnh hiểm nghèo đã ra đi chưa kịp nhận được chế độ, số ít chị không thực hiện được chức năng làm vợ nên đã sống đơn côi hoặc đi vào cửa Phật. Một số gia đình nữ chiến sỹ Trường Sơn hoàn cảnh vô cùng khó khăn về nhà ở, về đời sống. Hiện nay, nữ cựu chiến sỹ Trường Sơn đều tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, không còn khả năng lao động, rất cần được sự giúp đỡ, động viên chăm sóc nhất là động viên tinh thần của đồng đội và toàn xã hội. Có một số ít nữ chiến sỹ Trường Sơn khi rời quân ngũ tiếp tục rèn luyện phấn đấu trở thành cán bộ chủ chốt lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương, trở thành các doanh nhân thành đạt, các văn nghệ sỹ, nhà khoa học, giáo sư, tiến sỹ, luật sư, bác sỹ, nhà giáo, trở thành cán bộ chuyên môn giỏi nòng cốt của cơ quan, đơn vị. Nhiều chị đã làm nòng cốt trong tổ chức của Ban Liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sơn và đứng đầu tổ chức Ban Liên lạc nữ chiến sỹ Trường Sơn - nữ đơn vị truyền thống như thành phố Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, đội nữ lái xe Trường Sơn, Tiểu đoàn Nữ Trưng Trắc và nhiều tỉnh trong cả nước đã tự đứng lên tổ chức các hoạt động truyền thống rất tích cực và hiệu quả. Nhiều hoạt động tình nghĩa tri ân động viên lẫn nhau, giúp đỡ đồng đội tiếp tục vượt qua mọi khó khăn gìn giữ phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và truyền thống cao đẹp của nữ chiến sỹ Trường Sơn. Tình hình trên đặt ra yêu cầu cần có tổ chức của nữ chiến sỹ Trường Sơn để tổ chức hoạt động truyền thống, tình nghĩa, góp phần giáo dục thế hệ trẻ và giới nữ phát huy truyền thống thế hệ đi trước.

        Từ thực tiễn đó, ngày 20/9/2009, Ban Liên lạc toàn quốc nữ chiến sỹ Trường Sơn được thành lập tại Thủ đô Hà Nội do Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam - Ủy viên Ban Liên Lạc toàn quốc bộ đội Trường Sơn làm Trưởng Ban Liên lạc. Đây là bước phát triển mới về tổ chức và hoạt động của nữ chiến sỹ Trường Sơn do có sự quan tâm đặc biệt của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trưởng Ban danh dự Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn và Thiếu tướng Võ Sở - Trưởng Ban liên lạc và toàn thể các thành viên trong Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn toàn quốc, nay là Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

        Từ thực tiễn hoạt động truyền thống, tình nghĩa của nữ chiến sỹ Trường Sơn Việt Nam qua hơn một nhiệm kỳ hoạt động, ngày 5/9/2016, Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (gọi tắt là Hội Truyền thống Trường Sơn Việt Nam) đã ban hành quyết định số 38/QĐ-TWHTS về việc thành lập Hội nữ chiến sỹ Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (gọi tắt là Hội nữ chiến sỹ Trường Sơn Việt Nam) với 31 ủy viên, do đồng chí Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong làm Chủ tịch.

        Kể từ ngày thành lập, Hội nữ chiến sỹ Trường Sơn Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động, đặc biệt là tranh thủ được sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo các cấp và đã kết nối được sự chung sức ủng hộ của xã hội để hoạt động tình nghĩa tri ân, giúp đỡ đồng đội khó khăn trên khắp cả nước. Đến cuối năm 2016, Hội nữ CSTS Việt Nam và Hội, BLL nữ CSTS các địa phương trong cả nước đã vận động được nguồn kinh phí 78.384.000.000đ. Nguồn kinh phí đó dùng nuôi dưỡng, chăm sóc 11 nữ chiến sỹ Trường Sơn cô đơn tại trung tâm Phật Tích, trợ cấp thường xuyên cho nữ CSTS khó khăn về đời sống, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa chiến sỹ Trường Sơn (1288 nhà, mỗi nhà 50 triệu đồng), tặng quà các nữ chiến sỹ Trường Sơn khó khăn dịp lễ, tết (mỗi suất từ 500 ngàn đến 5 triệu đồng) và vận động các cơ quan, cán bộ chuyên môn hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu biên soạn và đã phát hành 3 ấn phẩm văn hóa với trên 3000 sản phẩm sách, đĩa phim gồm có: 01 bộ phim nữ chiến sỹ Trường Sơn và 2 tập sách về “Nữ chiến sỹ Trường Sơn ngày ấy bây giờ” và cuốn sách “Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc một thời và mãi mãi”, phát hành biểu trưng của nữ chiến sỹ Trường Sơn và vận động các nhà tài trợ tặng nhiều hiện vật (ấm điện, nồi cơm điện, màn, chăn, phích, quần áo ấm v.v…) cho các nữ chiến sỹ Trường Sơn trong cả nước hoàn cảnh khó khăn.

         17 Hội, Ban liên lạc nữ Chiến sỹ Trường Sơn các địa phương, đơn vị truyền thống vận động xã hội đạt 8.384.000.000đ để thực hiện các hoạt động tình nghĩa: Tặng 4.907 xuất quà tặng gia đình chính sách và nữ chiến sỹ Trường Sơn khó khăn, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 77 nhà tình nghĩa Trường Sơn, mỗi nhà bình quân khoảng 55 triệu đồng, tặng sổ tiết kiệm, khám bệnh cấp thuốc, tổ chức thăm chiến trường xưa cho trên 300 nữ chiến sỹ Trường Sơn, hỗ trợ tổ chức gặp mặt truyền thống nhân các ngày lễ, kỷ niệm của phụ nữ Việt Nam, ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn và ủng hộ gây quỹ nghĩa tình Trường Sơn ở một số địa phương và nhiều hoạt động tri ân phong phú khác phù hợp với từng địa phương đơn vị…

        Kết quả các hoạt động truyền thống và tri ân của các nữ chiến sỹ Trường Sơn trong những năm qua đã góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách động viên khen thưởng người có công với nước, thể hiện tình nghĩa tri ân đồng đội, tiếp tục phát huy phẩm chất khi về đời thường của nữ chiến sỹ Trường Sơn.

        Nữ chiến sỹ Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của lịch sử giao phó, góp phần viết lên khúc tráng ca Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Khi về với đời thường, họ tiếp tục làm tốt việc nước, phát huy truyền thống kiên cường, sáng tạo vượt mọi khó khăn tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm công dân, tích cực hoạt động xã hội góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn trong cuộc sống nhưng nữ chiến sỹ Trường Sơn vẫn giữ vững phẩm chất của người chiến sỹ TNXP, của bộ đội Cụ Hồ, người chiến sỹ Trường Sơn, việc nước, việc nhà trọn vẹn thật xứng đáng với danh hiệu Phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

        Trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, xin tri ân sâu sắc những cống hiến, hy sinh của 10  nữ thanh niên xung phong và các anh hùng liệt sỹ của đất nước, của quê hương Hà Tĩnh và các nữ chiến sỹ Trường Sơn đã góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc nói chung và chiến thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc linh thiêng nói riêng.


                                         Ngô Thị Tuyết

 Phó Chủ tịch Hội Nữ Chiến Sỹ Trường Sơn Việt Nam


 


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện