Đầu năm 1968, đòn Tổng tiến công Xuân Mậu Thân của quân và dân Việt Nam
đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc giới cầm quyền Mỹ phải có
những thay đổi một số chính sách và chiến lược quân sự đối với cuộc chiến tranh
xâm lược Việt Nam. Ngày 31/3/1968, Tổng thống
Johnson tuyên bố đơn phương chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ
tuyến 20 trở ra, sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa, không tiếp tục ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ mới. Tuyên bố này là
sự thừa nhận thất bại hoàn toàn của chiến lược “chiến tranh cục bộ”, nhưng lại
là khởi đầu cho những thủ đoạn quân sự, ngoại giao đối với cuộc chiến tranh xâm
lược Việt Nam của giới cầm quyền Mĩ.
Trên
thực tế, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng cách
tiến hành tập trung đánh phá từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20, nơi được coi là
“vùng cán xoong”, với địa hình vừa dài, vừa hẹp, dễ bị chia cắt; các tỉnh Nghệ
An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lại là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam.
Hành động này hòng ngăn chặn tối đa sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc
vào miền Nam, cứu quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn khỏi sự thất bại sau đợt 1
của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Từ đánh phá trên diện rộng,
không quân Mỹ chuyển sang tập trung vào các trọng điểm giao thông: Cầu Cấm,
Phương Tích, Rú Nguộc, Truông Bồn, phà Nam Đàn, phà Bến Thủy (Nghệ An); bến
Linh Cảm, ngã ba Đồng Lộc, Thượng Gia, Hạ Vàng, Khe Út, Bến Ràng, Còi Sâu (Hà
Tĩnh); Bến Ron phà sông Gianh, Xuân Sơn, Long Đại, Quán Hàu, Phong Nha (Quảng
Bình). Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận “Chúng ta đang tập trung ném bom
vào khu vực đó gần 3.000 lần chiếc trong tháng hai (1968) tăng lên 5.000 lần
trong tháng ba, 7.000 lần trong tháng tư và bây giờ trong tháng năm thì đã trên
dưới 10.000 lần chiếc trong một tháng”[1].
Hoạt động của không quân Mỹ đã khiến cho “Trên một diện tích nhỏ hẹp hơn 4 lần
so với toàn miền Bắc, số trận ném bom lại tăng 2,6 lần, mật độ bom đạn tăng lên
20 lần”[2].
Suốt thời kỳ địch tiến hành “ném bom
hạn chế” (từ tháng 4 đến tháng 10/1968), Hà Tĩnh là địa phương bị không quân Mỹ
tập trung đánh phá ác liệt[3].
Trên các cung đường huyết mạch qua địa bàn, đế quốc Mỹ lựa chọn 6 điểm, hình
thành 3 cặp song song (Linh Cảm - Bến Thủy; Hạ Vàng - Thượng Gia - Ngã ba Đồng
Lộc; cầu Họ - Ngã ba Thình Thình) để đánh phá. Trong đó, tập trung vào các
trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc), Bến Thủy (nối Nghi Xuân và Thành phố
Vinh), bến Linh Cảm (Đức Thọ), hòng ngăn chặn hoàn toàn giao thông từ Bắc vào
Nam. Ngoài ra, địch còn thả ngư lôi và bom từ trường, phong tỏa các của biển,
bến phà, quyết cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải chi viện tiền tuyến miền Nam.
Ngày 20/4/1968, sau một thời gian bị Mỹ tập trung đánh phá liên tục, Quốc lộ 1A
(đoạn từ cầu Hạ Vàng vào cầu Già ở Can Lộc) bị máy bay địch phá hỏng hoàn toàn.
Các lực lượng vận tải của ta chuyển hướng hoạt động sang Đường 15, chạy qua
vùng rừng núi phía Tây Hà Tĩnh. Từ đó, Ngã ba Đồng Lộc trở thành đầu mối giao
thông có tính chất cửa ngõ trong hệ thống vận tải chiến lược chi viện chiến
trường miền Nam.
Ngã
ba Đồng Lộc là nơi giao điểm của Quốc lộ 15B và tỉnh lộ 2, thuộc xã Đồng Lộc,
huyện Can Lộc. Vùng đất hẹp chừng 0,6 km2 này nằm lọt giữa ba ngọn
núi thấp (Mòi, Mác và Trọ Voi), rất khó cho mở đường tránh khi tuyến chính bị
đánh phá; khó bố trí các trận địa pháo do một bên là đồi núi trọc, một bên là
đồng trũng. Đây là nơi hiểm yếu nhất trên toàn tuyến Quốc lộ 15 qua địa bàn Hà
Tĩnh. Hơn nữa, do nằm ở vùng bán sơn địa nên có nhiều ngầm và cầu cống nhỏ, khi
bị bom đạn đánh phá, dễ bị chia cắt, việc khắc phục hậu quả và bảo đảm giao
thông, vận tải càng trở nên khó khăn, gian khổ gấp bội.
Phát hiện vị trí chiến lược và hiểm yếu của Ngã ba Đồng Lộc, không quân Mỹ
tập trung đánh phá với cường độ hủy diệt, biến nơi đây thành “tọa độ chết”,
hòng chặn đứng sự chi viện cho các chiến trường. Trong 7 tháng tiến hành “ném
bom hạn chế”, không quân Mỹ đã tiến hành 1.863 lần chiếc đánh vào Ngã ba Đồng Lộc,
ném xuống vùng đất nhỏ hẹp này gần 50.000 quả bom các loại. Tổng số lần đánh
Đồng Lộc bằng số lần đánh vào toàn tỉnh năm 1965, với số bom đạn nhiều gấp 2
lần. Bình quân một tháng địch đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất (15/7/1968),
chúng đã sử dụng 103 lần chiếc máy bay, ném 800 quả bom[4].
Lượng bom đạn địch đánh phá ở khu vực Đồng Lộc trong năm 1968 là 987 tấn, gấp
2,8 lần cả năm 1967 và nhiều hơn tổng lượng bom đạn địch thả xuống từ năm 1965
đến 1967 (566 tấn)[5]. So với
một số trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại
trên địa bàn Quân khu 4 như cầu Hàm Rồng, phà Ghép, Truông Bồn…, Ngã ba Đồng
Lộc là nơi hứng chịu lượng bom đạn nhiều nhất, mức độ ác liệt cao nhất[6].
“Đã có những ngày Ngã ba Đồng Lộc phải chịu đựng 14 trận bom của 160 máy bay
các loại”[7].
Ngoài ra, địch còn mở rộng phạm vi đánh phá ra các khu vực xung quanh dài
9 km, rộng từ 2 - 3 km với một số trọng điểm như cống 19, cầu Cơn Bạng, cầu
Tùng Cốc, cầu Khe Út, quanh Ngã ba Trường Thành, Ngã ba Khiêm Ích. Không chỉ đánh
phá giao thông, bom đạn Mỹcòn dội vào các thôn xóm ven đường. Nhân dân 4 xã
Thượng Lộc, Đồng Lộc, Trung Lộc và Xuân Lộc chịu tổn thất to lớn về người và
của do không quân Mỹđánh phá: 336 người chết, 341 người bị thương, 3.738 ngôi
nhà bị cháy, 2.400 tấn lúa gạo bị cháy thành than, 420 trâu bò bị giết[8].
Suốt ngày đêm
máy bay Mỹ tiến hành đánh phá với thủ đoạn hết sức thâm độc. Cùng lúc, chúng sử
dụng nhiều loại bom đạn như bom đào, bom phá, bom bi, bom nổ ngay, bom nổ chậm,
bom từ trường,… Ban ngày tập trung đánh hủy diệt các trận địa cao xạ, phá cầu,
đường; ban đêm thả bom từ trường chặn các ngả đường, sử dụng pháo sáng, thả bom
bi, bắn rốc két và đạn 20 ly nhằm tiêu diệt các lực lượng hoạt động tại đây.
Bình quân mỗi mét vuông mặt đường xung quanh Ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu từ
3 đến 5 quả bom các loại. “Không một phương tiện, trang bị nào chịu đựng nổi
những trận mưa bom; không một cỏ, cây nào sống nổi trên mặt đất nham nhở hố bom
và sặc mùi khói đạn này”[9].
Do sự đánh phá ác liệt của máy bay địch, lực lượng đối phó của ta lúc đầu còn
mỏng, khiến hàng hóa bị ùn tắc, đình trệ, khối lượng vận chuyển vào đến Hà Tĩnh
không ngừng giảm xuống. “Tháng 4 năm 1968, hàng vào đến Hà Tĩnh là 6.500 tấn,
đến tháng 5 còn 1.600 tấn, sang tháng 6 lại tiếp tục giảm chỉ còn 1.430 tấn”[10].
Xác định việc bảo đảm giao thông vận tải thông suốt qua Ngã ba Đồng Lộc
là vấn đề có ý nghĩa quan trọng và vô cùng cấp bách, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã tập
trung sự lãnh đạo, chỉ đạo; các ngành, các địa phương huy động lực lượng, dồn
sức bảo đảm giao thông qua Ngã ba Đồng Lộc. Tháng 6/1968, Hội nghị Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã nghiêm túc chỉ ra những thiếu sót khi chưa có kế
hoạch đối phó kịp thời nhằm khắc phục thế “độc tuyến”, nêu quyết tâm: “Bảo đảm
giao thông vận tải ở Ngã ba Đồng Lộc, chi viện cho tiền tuyến là nhiệm vụ số
một của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Hà
Tĩnh”[11].
Ban chỉ huy giải tỏa Đồng Lộc, do đồng chí Trần Quang Đạt chỉ huy được thành
lập, lực lượng tham gia có 5 đại đội thanh niên xung phong thuộc Tổng
đội thanh niên xung phong P18, với quân số trên 1.000 người; Ngành giao thông
vận tải Hà Tĩnh bố trí tổ cơ giới giao thông, đại đội chủ lực cầu, đại đội chủ
lực giao thông, 3 đội công trình giao thông, tổ máy gạt Cục Công trình I.
Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ cho Trung đoàn pháo cao xạ 210 gồm
5 đại đội pháo 57 ly (101, 102, 104, 105, 106), 2 tiểu đoàn pháo 37 ly (22, 24)
và một phần của Tiểu đoàn 27 vào trực
chiến đánh máy bay Mỹ; tham gia trên mặt trận phòng không tại Ngã ba này còn có
Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ của tỉnh Hà Tĩnh. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 điều Tiểu đoàn
công binh 30 ứng trực đảm bảo giao thông; đồng thời lên phương án Tiểu đoàn 500
Công binh Trạm 9 sẵn sàng chi viện khi cần thiết.
Các chiến sĩ pháo cao xạ thường xuyên bám cao điểm 24/24 giờ, dưới làn
bom đạn của địch kiên quyết đánh trả máy bay địch. 12 giờ 11 phút ngày
8/6/1968, 5 đại đội pháo của Trung đoàn 210 đã nổ súng đánh trả máy bay địch.
Liên tiếp trong các ngày 3, 4, 5 và 7 tháng 8, địch đã 13 lần đánh vào trọng
điểm và trận địa của Trung đoàn, đơn vị đã đánh mạnh, bắn rơi hai chiếc. Trong
suốt 5 tháng bám trụ tại Ngã ba Đồng Lộc, Trung đoàn đã đánh 1.076 trận, bắn
rơi 14 máy bay Mỹ[12].
Cuộc chiến đấu của Trung đoàn đã buộc máy bay địch phải bay cao ném bom, độ tản
mát lớn, hạn chế bom rơi xuống đường, góp phần bảo vệ các đoàn xe và lực lượng
đảm bảo giao thông trên trọng điểm này.
Có thời điểm, quân số trực chiến,
đảm bảo giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc lên đến 16.000 người[13].
Cùng với đó là sự tham gia của dân quân du kích và nhân dân các xã quanh khu
vực. Ngã ba Đồng Lộc trở thành nơi thể hiện đầy
đủ sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân trên mặt trận bảo đảm giao thông
vận tải; là nơi tập hợp đông đủ các lực lượng cao xạ, công binh, quân dân tự
vệ, thanh niên xung phong, công an, bưu điện, cán bộ, công nhân ngành giao
thông,… với đủ các hình thức nhằm giữ vững mục tiêu “thông xe, thông đường”.
Nêu cao quyết tâm “Sống bám cầu,
bám đường. Chết kiên cường, dũng cảm”, các lực lượng đảm bảo giao thông vận
tải tại Ngã ba Đồng Lộc đã anh dũng chiến đấu, ngày đêm túc trực để đảm bảo
mạch máu giao thông thông suốt. Các tổ quan sát, rà phá bom kiên trì bám trụ
trọng điểm, phát hiện kịp thời, đánh dấu, nhanh chóng phá gỡ để thông đường.
Lực lượng ứng cứu, giải tỏa luôn có mặt ở những nơi địch đánh phá ác liệt nhất
để san lấp hố bom, làm đường, chống lầy, bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa. Nhằm phá
thế “độc tuyến”, hạn chế thiệt hại do địch gây ra, nhanh chóng giải tỏa giao
thông tại Ngã ba Đồng Lộc, Ban chỉ huy giải
tỏa Đồng Lộc quyết định mở các đường tránh. Chỉ sau một thời gian ngắn,
đường tránh Truông Kén - Đồng Liên dài 3 km và đường 70A, 70B dài hơn 12 km
vòng tránh qua Ngã ba Đồng Lộc được hoàn thành. Để mở được những con đường này,
hơn 3.000 hộ dân các xã Đồng Lộc, Thượng Lộc, Nhân Lộc với tinh thần “Xe chưa
qua, nhà không tiếc”, đã tự nguyện rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn để lấy đất làm
đường. Các tuyến đường tránh đã phát huy tác dụng, đảm bảo các phương tiện vận
tải qua đây không lúc nào bị ùn tắc. Từ các xã quanh khu vực đã có hàng nghìn
người được huy động làm nhiệm vụ giải tỏa giao thông, tiếp tế lương thực, thực
phẩm, đạn dược chăm sóc thương binh. Nhiều gia đình đã nhường nhà, nhường vườn
để làm kho, làm nơi cứu thương, nhiều gia đình sẵn sàng dỡ nhà, đưa vật liệu ra
đường để lát đường, chống lầy cho xe,... tất cả vì đảm bảo giao thông thông
suốt, giữ vững mạch máu chi viện cho chiến trường. Chỉ riêng xã Đồng Lộc đã
đóng góp 5.000 ngày công vào công tác xây dựng 21 trận địa pháo cho Trung đoàn
210; tiểu đội rà phá bom mìn của xã Mỹ Lộc đã phá được 405 quả bom nổ chậm và
bom từ trường[14],… góp
phần cùng các lực lượng phá 1.780 quả bom các loại, huy động 974.440 ngày công
để san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường và làm
các đường tránh, đường mới[15].
Bom đạn
địch đã không ngăn được ý chí kiên cường và lòng quả cảm của lực lượng trụ bám
nơi “ngã ba lửa” này. Trong thời gian đọ sức quyết liệt với không quân
Mĩ, nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng, sáng tạo, trở thành những biểu tượng
sức mạnh trí tuệ và ý chí của con người Việt Nam. Ý chí kiên cường và lòng quả cảm của lực lượng đảm bảo giao thông trên
Ngã ba Đồng Lộc đã vượt lên ác liệt của đạn bom quân thù. Chỉ riêng tháng
10/1968, quân và dân nơi đây đã đảm bảo cho 76.431 tấn hàng vượt qua trọng
điểm, góp phần để trong năm 1968 quân và dân Hà Tĩnh vận chuyển được 122.527
tấn hàng cho chiến trường, gần bằng tổng khối lượng vận chuyển của hai năm 1965
và 1966[16].
Với tinh thần
ngoan cường, dũng cảm, các lực lượng đảm bảo giao thông vận tải tại Ngã ba Đồng
Lộc đã chấp nhận thử thách, hy sinh hoàn thành nhiệm vụ “thông tuyến, thông xe,
đưa hàng ra chiến trường”, làm thất bại âm mưu của không quân Mĩ, hòng dùng sức
mạnh đạn bom biến Ngã ba Đồng Lộc thành “tọa độ chết”, chặn đứng mọi sự chi
viện chiến trường miền Nam, đưa địa danh này trở thành “mốc son chói lọi, một
địa danh lịch sử oai hùng trên con đường chiến lược Trường Sơn mang tên Bác”[17].
[1] Tùng
Mậu, Ngã ba Đồng Lộc - Một trọng điểm bảo
đảm giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tạp chí
Lịch sử quân sự số tháng 5/1993, tr.40.
[2]
Tạp chí Không quân Mỹ4/1969.
[3]
217 trong tổng số 250 làng của tỉnh bị oanh tạc, 83 làng bị súng của Hạm đội 7
bắn phá; (Tại sao Việt Cộng thắng -
Pourquai le Vietcong Gangne, Fracois Maspéro, Paris, 1968, tr.273).
[4] Bộ Chỉ
huy Quân sự Hà Tĩnh, Hà Tĩnh kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước, (12/1994), tr.96.
[5] Huyền thoại 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc -
những con người bất tử, Nxb Lao Động, Hà Nội 2012, tr,498.
[6] Phà Ghép
(Tĩnh Gia, Thanh Hóa), một trọng điểm đánh phá trong chiến tranh phá hoại lần
thứ nhất, Mỹném xuống đây 2.200 quả bom phá, 118 quả bom bi, 228 quả bom bi từ
trường, 118 tên lửa và hàng nghìn đạn pháo các loại; hay tại Truông Bồn, năm
1968, không quân Mỹném 2.692 quả bom và hàng ngàn tên lửa, đạn pháo… (TS Trương
Thị Mai Hương, Thanh niên xung phong miền
Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965 - 1975), Nxb QĐND, Hà Nội,
2016, tr.92, 96)
[7] Thu Hà, Ngã ba Đồng Lộc - Ngã ba lửa, Tạp chí
Lịch sử quân sự, số 10/1988, tr.20.
[8] Đặng Thị
Yến, Khúc anh hùng ca Ngã ba Đồng Lộc, Nxb
QĐND, Hà Nội, 2016, tr.24.
[9] Thu Hà, Ngã ba Đồng Lộc - Ngã ba lửa, Tạp chí
Lịch sử quân sự, số 10/1988, tr.20.
[10] Lịch sử Quân chủng Phòng không, Tập II,
Nxb QĐND, Hà Nội, 1993, tr.257.
[11] Bùi Thu
Hương, Bảo đảm giao thông vận tải ở Ngã
ba Đồng Lộc trong chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mĩ, Tạp
chí Lịch sử quân sự, số 7/2007, tr.27.
[12]
Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh, Hà Tĩnh kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước, (12/1994), tr.101.
[13] Bộ Tư
lệnh Quân khu 4 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Mặt trận giao thông vận tải trên địa bàn Quân khu 4 trong kháng chiến
chống Mĩ, cứu nước, Nxb QĐND, Hà Nội 2001, tr.272.
[14]
Đặng Thị Yến, Khúc anh hùng ca Ngã ba
Đồng Lộc, Nxb QĐND, Hà Nội, 2016, tr. 114 - 116.
[15] Bùi Thu
Hương, Bảo đảm giao thông vận tải ở Ngã
ba Đồng Lộc trong chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mĩ, Tạp
chí Lịch sử quân sự, số 7/2007, tr.28.
[16]
Bùi Thu Hương, Bảo đảm giao thông vận tải
ở Ngã ba Đồng Lộc trong chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mĩ,
Tạp chí Lịch sử quân sự, số 7/2007, tr.28
[17] Lưu bút
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc (Đặng Thị Yến, Khúc anh hùng ca Ngã ba Đồng Lộc, Nxb
QĐND, Hà Nội, 2016, tr.5).
Thêm ý kiến góp ý