Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

CAN LỘC, TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN TẠI

  

01:24 11/07/2018

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử hình thành và phát triển, núi sông, đất nước và con người Can Lộc xưa và nay đã trở thành một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Theo sử sách còn ghi, xưa Can Lộc thuộc huyện Hà Hoàng, quận Cửu Chân, năm 271 đổi là huyện Phù Lĩnh, năm 679 là huyện Việt Thường. Năm 1010, mang tên là huyện Phỉ Lộc, sau đó là huyện Phúc Lộc. Năm 1469, niên hiệu Quang Thuận năm thứ 10, vua Lê Thánh Tông ban đạo dụ thành lập 12 thừa tuyên, mang tên là huyện Thiên Lộc. Năm 1862, vua Tự Đức đổi thành huyện Can Lộc cho đến ngày nay.

Thiên Lộc xưa trải dài một vùng đầu Mênh, cuối Sót, từ hữu ngạn Sông La đến tả ngạn sông Cửa Sót. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng về cơ bản, Can Lộc ngày nay trùng với phần lớn vùng đất trung tâm của Thiên Lộc xưa. Thiên Lộc xưa có 3 vùng cảnh quan tiêu biểu núi rừng, đồng bằng và biển. Núi Hồng Lĩnh được xếp vào hàng danh sơn của nước Nam, có danh thắng Hương Tích, Chân Tiên và từng được ngợi ca là Hoan Châu đệ nhất danh lam.

Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, mỗi một chúng ta hôm nay đều hết sức tự hào với truyền thống của quê hương. Linh khí đất trời với tinh hoa con người nhiều thế hệ nối tiếp nhau đã dệt nên truyền thống Thiên Lộc - Can Lộc, góp phần làm nên một Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt và một đất nước Việt Nam rạng rỡ hàng nghìn năm văn hiến. Nhân dân Can Lộc từ nghìn đời nay có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, mang trong mình những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, sống nhân nghĩa và thủy chung, trung thực và ngay thẳng, biết hy sinh vì nghĩa lớn và luôn khát vọng vươn tới những giá trị cao đẹp của cuộc sống, cho sự trường tồn của giống nòi và vì sự lớn mạnh của quê hương, đất nước.

Là vùng đất địa linh nhân kiệt, Thiên Lộc xưa - Can Lộc ngày nay nổi tiếng với truyền thống hiếu học và có nhiều người học giỏi. Trên cơ tầng văn hóa lúa nước, kế thừa tinh hoa dân tộc, người Can Lộc sớm giao lưu và tiếp biến những tinh hoa văn hóa nhân loại để không ngừng phát triển. Từ xa xưa, đất học Thiên Lộc - Can Lộc đã từng được ngợi ca: Bút cấm chỉ - sĩ Thiên Lộc, Sạc Sơn tứ diện công hầu, Kiệt Thạch tam khoa tam tiến sĩ...  Kể từ khoa thi thứ 13 đời Trần đến khoa thi cuối cùng năm 1919 đời Nguyễn, Can Lộc có 42 người đỗ đại khoa (chiếm 1/3 số người đỗ đại khoa của Hà Tĩnh thời bấy giờ), được ghi danh trên bảng vàng và bia đá ở Văn miếu Quốc Tử Giám.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, Can Lộc còn có nhiều người con giữ các chức vụ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, là tướng lĩnh quân đội, nhà thơ, nhà văn, nhà giáo nhân dân, thầy thuốc nhân dân, nhà khoa học danh tiếng đầu ngành của đất nước, nối tiếp truyền thống của cha ông như Nguyễn Đình Tứ, Ngô Xuân Diệu, Nguyễn Đổng Chi, Bùi Trương Chính, Phan Đình Diệu, Chương Thâu, Nguyễn Huệ Chi, Ngô Đức Thọ... Tên tuổi và ý chí học hành, trí tuệ vô song và sự nghiệp hiển vinh của những người con ưu tú đó đã làm rạng rỡ truyền thống quê hương Can Lộc. Họ mãi mãi là danh nhân đất nước, là niềm tự hào của thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.

Cùng với truyền thống hiếu học, Can Lộc còn là địa phương có truyền thống văn học, truyền thống thi ca. Nổi bật trên bầu trời văn học Việt Nam thế kỷ XVIII là các tác phẩm “Hoa Tiên Truyện” của Nguyễn Huy Tự, “Mai Đình Mộng Ký” của Nguyễn Huy Hổ ở Trường Lưu, là những tác phẩm mở đầu và đặt nền móng cho thể loại truyện thơ Nôm Việt Nam, được xếp vào hàng kiệt tác của văn học nước nhà. Can Lộc còn là chiếc nôi của hát ví phường vải, cội nguồn của dân ca, ví, giặm ngày nay.

Lịch sử dân tộc Việt Nam ghi nhận, Can Lộc không chỉ là vùng đất giàu truyền thống văn hiến, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, mà còn là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Người Can Lộc từ xưa đến nay có dũng khí và can trường, dám đấu tranh và dám hy sinh vì nghĩa lớn. Trong các cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân xâm lược phương Bắc, phương Nam trước đây, Nhân dân Can Lộc đã đóng góp máu xương để cùng Nhân dân cả nước giữ vững nền độc lập; đặc biệt từ ngày có Đảng, Nhân dân Can Lộc đã sớm giác ngộ, tiếp thu ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, Can Lộc là một trong những địa phương luôn “đứng đầu, dậy trước” ở mọi thời điểm lịch sử. Di tích Bến đò Thượng Trụ tại xã Thiên Lộc là nơi đã diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Trong những năm 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam[1], Nhân dân Can Lộc đã vùng dậy đấu tranh chống áp bức bóc lột, thành lập chính quyền Xô Viết ở 130 làng xã trong huyện, làm lung lay chế độ thực dân, phong kiến. Mặc dù phong trào sau đó bị dìm trong biển máu, nhưng tinh thần đấu tranh bất khuất của Nhân dân Can Lộc đã góp phần làm nên Cao trào Xô Viết Nghệ -Tĩnh còn vang vọng đến hôm nay và mai sau.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhân dân Can Lộc đã nhanh chóng chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa và là địa phương giành chính quyền sớm nhất về tay nhân dân ở Hà Tĩnh. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), cùng với Nhân dân cả nước, Nhân dân Can Lộc hăng hái bắt tay vào công cuộc cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng và sau đó đi đầu trong phong trào hợp tác hóa, góp phần xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhân dân Can Lộc đóng góp sức người, sức của, hàng vạn người con thân yêu của quê hương đã lên đường chiến đấu và trong số đó hàng nghìn người đã ngã xuống trên các chiến trường.

Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, Nhân dân Can Lộc đã vượt lên bom đạn của kẻ thù, vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi, hiệp đồng với bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại với sự hy sinh anh dũng của hàng ngàn đồng bào chiến sỹ, Nhân dân địa phương, tiêu biểu là sự hy sinh trọn vẹn tuổi thanh xuân của 10 nữ thanh niên xung phong; Làng K130 - xã Tiến Lộc, chỉ trong một đêm Nhân dân đã tự nguyện tháo dỡ 130 ngôi nhà lát đường cho xe ra mặt trận. Trong cuộc kháng chiến Mỹ, cứu nước, Nhân dân Can Lộc cũng chịu nhiều đau thương, mất mát; tại Ngã ba Đồng Lộc, từ năm 1964 đến năm 1972, đã có 1.226 người dân vùng chiến trường Đồng Lộc bị bom đạn giặc Mỹ sát hại, anh dũng hy sinh, trong đó đau thương nhất là trong một buổi chiều tháng 2/1968, tại trường cấp I Đồng Lộc, giặc Mỹ đã mang bom sát hại 8 học sinh lớp 3 khi các em đang ngồi nghe cô giáo giảng bài...

Chiến công của quân và dân Can Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có chiến thắng Đồng Lộc sẽ mãi mãi là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sức mạnh, lòng yêu nước của Nhân dân Can Lộc trong thời đại rực rỡ - thời đại Hồ Chí Minh. Với thành tích xuất sắc sau hai cuộc kháng chiến, huyện Can Lộc và 23 xã, thị trấn của huyện Can Lộc vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 5 người con của quê hương là Nguyễn Xuân Lực, Phan Như Cẩn, Nguyễn Tri Ân, La Thị Tám và Vương Đình Nhỏ đã được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Từ năm 1986, dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân Can Lộc đã nhạy bén nắm bắt đường lối, chủ trương, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn huyện nhà. Biến chủ nghĩa anh hùng trong đấu tranh cách mạng thành chủ nghĩa anh hùng trong lao động sản xuất, phát huy sức mạnh truyền thống, qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Can Lộc đã giành được nhiều thành tựu xuất sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đảng bộ huyện Can Lộc nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu, phong trào huyện nhà luôn ở tốp dẫn đầu phong trào thi đua của tỉnh, nhiều năm vinh dự được nhận cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, 2 xã Quang Lộc và Thiên Lộc được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; đặc biệt, năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 540 năm truyền thống, huyện Can Lộc vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Huân chương Lao động hạng Nhất.

Nét nổi bật trong các phong trào của Can Lộc trong các giai đoạn phát triển, đó là sự nhạy bén trong việc nắm bắt các chủ trương, chính sách các cấp, sự sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện, tạo được phong trào thi đua sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật về điện, đường, trường, trạm được xây dựng bằng sự kết hợp đầu tư ngân sách của Nhà nước và huy động nội lực từ trong Nhân dân. Đó chính là sự bắt gặp của ý Đảng, lòng dân và gắn liền với công lao và tầm nhìn chiến lược của các thế hệ lãnh đạo huyện nhà qua các thời kỳ.

Can Lộc là huyện tiêu biểu, dẫn đầu trong các phong trào, hoàn thành xóa nhà tranh tre dột nát, ngói hóa nhà ở cho Nhân dân; hoàn thành chương trình nước sạch vệ sinh và môi trường, chuyển đổi ruộng đất giai đoạn hai thành công ở tất cả các xã, thị trấn, đã tạo bước đột phá mở đường cho nông nghiệp và nông thôn phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó là những kết quả nổi bật của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Kế tục truyền thống, trong những năm gần đây huyện Can Lộc đã từng bước vươn lên, giành được nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là từ một huyện thuần nông, Can Lộc đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tích cực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, du lịch, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp đã được coi trọng, nhờ làm tốt công tác thủy lợi, đổi mới giống cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đã liên tiếp nhiều năm được mùa, an ninh lương thực được đảm bảo, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Can Lộc lần thứ XXXV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó tập trung thực hiện 3 mũi đột phá về: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chiều sâu, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học xây dựng sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn; đẩy mạnh tích tụ, chuyển đổi ruộng đất để doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết hoặc thuê đất sản xuất; Tập trung khai thác, phát triển dịch vụ du lịch, thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở vừa có trình độ chuyên môn, năng lực quản lí, vừa tâm huyết, trách nhiệm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn mới; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn.

Để hiện thực hóa các nội dung đột phá trên, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt những kết quả quan trọng. Năm 2017, giá trị sản xuất đạt 5.109 tỷ đồng, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản: 1.989 tỷ đồng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng: 2.095 tỷ đồng; Thương mại - Dịch vụ: 1.025 tỷ đồng. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 84,2%, gia đình thể thao đạt 30,5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,11%; toàn huyện có 20/23 trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia...

Với mục tiêu đưa huyện Can Lộc đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2020, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã quyết tâm, nỗ lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2017, huyện Can Lộc có 14/21 xã (đạt 66,6%) đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2018, phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã Đồng Lộc đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn đô thị loại V, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết thành lập thị trấn Đồng Lộc; Thị trấn Nghèn đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí và phấn đấu trở thành đô thị loại IV trước năm 2020. Hàng năm, từ nguồn vốn các cấp, sự đóng góp trong Nhân dân và của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, con em xa quê, đã có hàng trăm tỷ đồng nhằm thực hiện vững chắc các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật, các công trình phúc lợi trên địa bàn từng bước được hoàn thiện. Nhiều dự án về công nghip, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, chế biến nông sản và du lịch được thu hút đầu tư vào địa bàn huyện. Các khu du lịch Chùa Hương Tích, Ngã ba Đồng Lộc, Trường học Phúc Giang Trường Lưu - xã Trường Lộc... đã ngày càng được quan tâm, đầu tư phát triển mạnh, trở thành các trọng điểm du lịch của địa phương, hằng năm thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, vãn cảnh, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Cam Thượng Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế vùng kinh tế Trà Sơn Can Lộc.

Các lĩnh vực y tế, giáo dục, các mặt văn hóa, xã hội được chăm lo, các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi. Hằng năm có hàng trăm em thi đậu vào các trường đại học; quốc phòng, an ninh được giữ vững, công tác quân sự địa phương được quan tâm, củng cố. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nhìn chung trong sạch và vững mạnh. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở được tăng cường. Hoạt động của chính quyền các cấp ngày càng có hiệu lực. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng được chăm lo xây dựng. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, Nhân dân đồng thuận và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với quê hương đang từng ngày thay da đổi thịt đi lên trên con đường đổi mới, hàng vạn người con Can Lộc xa quê, làm ăn sinh sống trên khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài, nhiều người trở thành những doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt của đất nước, tiếp tục làm rạng danh truyền thống quê hương. Những thành tựu nổi bật đó đã tạo nên diện mạo Can Lộc đổi mới hôm nay, trong đó có cả sự kết tinh các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống hiếu học, nhân văn từ hàng nghìn năm nay.

Hướng tới kỷ niệm 50 chiến thắng Đồng Lộc và tưởng niệm 10 Nữ liệt sỹ Thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2018), thời gian qua, với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cấp ủy, chính quyền huyện Can Lộc đang tập trung nỗ lực thực hiện các hoạt động, vận động kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách trên địa bàn; phát động cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống quê hương Can Lộc”, hưởng ứng cuộc thi “Tìm hiểu 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc” trong đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn. Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xã Đồng Lộc từng bước hoàn thiện các hạng mục cho mục tiêu xây dựng đô thị loại V. Tập trung giải phóng mặt bằng cho dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 15B đi qua địa bàn huyện...

Để đưa Can Lộc phát triển, xứng đáng với truyền thống quê hương nhân văn, cách mạng, anh hùng, thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Can Lộc để thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

  • Một là, tập trung cao độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trước hết, tập trung chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp với các nội dung chủ yếu là: phát huy lợi thế sau chuyển đổi, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa một cách sâu rộng, tăng năng suất và giá trị thu nhập, khuyến khích xây dựng các mô hình kinh tế, các tổ hợp tác, nhằm tạo bước đột phá mới, để người nông dân có thể làm giàu trên đồng ruộng của mình. Khai thác mọi tiềm năng lợi thế để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, mở rộng thương mại và dịch vụ, du lịch. Hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, trường, trạm, thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.             
  • Hai là, quan tâm chăm lo sự nghiệp phát triển y tế, giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với giữ gìn thuần phong mỹ tục và xây dựng nét đẹp con người Can Lộc. Coi trọng đào tạo nguồn nhân lực, lấy đó làm động lực chính cho sự đi lên của huyện cả trước mắt và lâu dài. Cần thực hiện các biện pháp gắn tăng trưởng với phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường.             
  • Ba là, tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh nông thôn, giảm trọng án, giảm tai nạn giao thông và đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế, xã hội.             

Đảng bộ và Nhân dân Can Lộc nguyện sẽ phát huy cao độ truyền thống tốt đẹp của quê hương, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, đoàn kết một lòng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch vững mạnh về mọi mặt, đưa huyện Can Lộc ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống Thiên Lộc - Can Lộc nhân văn, cách mạng và anh hùng                                          


                                                                                                                                                                                                                                                Nguyễn Như Dũng*    

                                                                                                                                                                                                                                        TUV, Bí thư Huyện ủy Can Lộc
    

[1] . Từ tháng 10- 1930 l à Đảng Cộng sản Đông Dương


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện