Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

VAI TRÒ CỦA NGÀNH GIÁO DỤC ĐÀO TẠO TRONG VIỆC GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CHO HỌC SINH, SINH VIÊN

  

01:39 11/07/2018

Bất cứ một quốc gia nào trên thế giới muốn phát triển vững chắc đều phải đẩy mạnh công tác giáo dục và đào tạo. Giáo dục và đào tạo (GDĐT) Việt Nam có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.   

Trong sứ mệnh cao cả đó, giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên là một nhiệm vụ rất quan trọng. Công tác giáo dục truyền thống là một phần không thể thiếu để hình thành và phát triển đạo đức, nhân cách của học sinh, sinh viên. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc giáo dục truyền thống dân tộc cho học sinh, sinh viên càng phải được coi trọng.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định mục tiêu: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo xác định: Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Ngày 24/3/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”, trong đó cũng xác định: Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng.

Vậy một câu hỏi đặt ra vì sao việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ cần phải được coi trọng?

Thanh niên là cội nguồn sức sống của dân tộc. Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Chính vì vậy, giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên trước hết giúp cho thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ sâu sắc về lịch sử dân tộc, thấy được những giá trị truyền thống, ý thức cội nguồn dân tộc, hiểu được những đức tính, phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam. Những hiểu biết sâu sắc về truyền thống đó sẽ giúp học sinh, sinh viên biết kế thừa và phát huy những truyền thống quý giá của dân tộc, đồng thời biết phê phán, đấu tranh với những quan niệm, biểu hiện đi ngược với những giá trị truyền thống. 

Từ xác định mục tiêu của việc giáo dục truyền thống, Ngành GDĐT Hà Tĩnh đã tích cực tham mưu xây dựng nội dung, kế hoạch, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Trước hết, trong công tác tham mưu: Ngành đã phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 - 2020”, trong đó xác định: giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Hà Tĩnh, nhằm tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống phát triển toàn diện; yêu gia đình, đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa; yêu nước, tự hào dân tộc, kiên định lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực và bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức và kĩ năng lao động, kĩ năng sống, trở thành những công dân có ích, tích cực xây dựng và bảo vệ quê hương, tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tốt đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên gắn liền với các nội dung: Tuyên truyền, phổ biến lý tưởng cách mạng, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến đời sống, học tập, việc làm; tuyên truyền tinh hoa văn hóa, giá trị nhân bản của nhân loại, tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh niên; giáo dục các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ; đấu tranh phòng chống “Diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu thông tin sai trái của các thế lực thù địch. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội trong việc phối hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.

Tổ chức các diễn đàn, chương trình về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng như:  “Đảng với thanh niên - Thanh niên với Đảng”, “Tuổi trẻ tự hào tiến bước dưới cờ Đảng” Chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Hà Tĩnh”, “Tuổi trẻ Hà Tĩnh học tập và làm theo lời Bác", “Nghĩa tình biên giới hải đảo”. Tọa đàm “Gặp gỡ nhân chứng”, “Nghe Cựu chiến binh kể chuyện” cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nhân các ngày lễ: 30/4, 27/7, 22/12, …

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ngành còn chú trọng đến đổi mới phương pháp và hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên:

Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học Đạo đức và Giáo dục công dân, Giáo dục Lý luận chính trị theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; phát huy tính tích cực của học sinh, sinh viên; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Đa dạng hóa và vận dụng các hình thức tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Giáo dục theo chủ đề, kết hợp với hoạt động vui chơi, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Tăng cường các hoạt động tập thể, lao động, vệ sinh trường, lớp học, hoạt động xã hội; các hoạt động câu lạc bộ văn hóa, thể thao, các phong trào thi đua trong nhà trường phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học. Trong các tiết sinh hoạt tập thể đầu năm, chào cờ, sinh hoạt đầu giờ, sinh hoạt cuối tuần, giới thiệu các cuốn sách về lịch sử địa phương, các danh nhân,… đều lồng ghép các nội dung giáo dục truyền thống phù hợp với từng đối tượng học sinh, sinh viên và phù hợp với từng đơn vị.

Ngành đã đẩy mạnh giáo dục truyền thống, ý thức dân tộc cho học sinh, sinh viên qua các Hội thảo, sinh hoạt chuyên đề cho cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục và giáo viên giảng dạy bộ môn văn, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, GDCD về văn hóa, danh nhân, truyền thống dân tộc, địa phương:

Tổ chức giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc; giáo dục truyền thống qua việc tham quan bảo tàng; đưa học sinh đến thăm các khu di tích lịch sử; tổ chức chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ,  Khu di tích văn hóa, lịch sử; tổ chức nhiều hoạt động cụ thể hướng tới đền ơn đáp nghĩa bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về danh nhân, văn hóa, các chiến thắng tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Tổ chức các Cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp, vai trò của các danh nhân văn hóa, lịch sử; tổ chức cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tìm hiểu về các di sản văn hóa của địa phương

Hưởng ứng đợt kỷ niệm “50 năm chiến thắng Đồng Lộc”, Ngành GDĐT Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên trong toàn ngành như:

Các trường học xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động như: Tọa đàm, diễn đàn, chương trình ngoại khóa, câu lạc bộ. Tiêu biểu như trường THPT Đồng Lộc (huyện Can Lộc) tổ chức thành công diễn đàn Đồng Lộc - 50 năm vang vọng hồn non sông vào chiều 10/4/2018. Tại buổi diễn đàn, các đại biểu, giáo viên và học sinh được gặp gỡ, trò chuyện với Anh hùng La Thị Tám và thân nhân 10 liệt sĩ nữ Thanh niên xung phong. Cùng với hoạt động tổ chức diễn đàn, học sinh Trường THPT Đồng Lộc còn tổ chức phần thi tìm hiểu về Ngã ba Đồng Lộc qua thi thuyết trình và vẽ tranh, giới thiệu sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh về dự án phần mềm hướng dẫn khách du lịch ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

 Tổ chức các đợt tham quan, các hoạt động trải nghiệm tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Trên cơ sở những tiết học phù hợp, giáo viên các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện Can Lộc đã đẩy mạnh việc dạy học gắn liền với di sản văn hóa. Nhiều tiết dạy học thực sự bổ ích, tạo cho học sinh sự hứng thú, đam mê, tích cực và sáng tạo. Những tiết học không chỉ mang lại cho các em kiến thức, sự hiểu biết mà còn khơi dậy ở các em tình yêu, thái độ biết trân trọng, nâng niu các giá trị văn hóa, biết bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống của quê hương, đất nước.

Để nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên, Ngành GDĐT phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai cuộc thi “Tìm hiểu 50 năm chiến thắng Đồng Lộc” bằng hình thức thi online với đối tượng học sinh THCS, THPT và sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn Hà Tĩnh. Cuộc thi đã nhận được sự tham gia tích cực, có chất lượng của các cơ sở giáo dục. Tính đến tuần thứ tư của Cuộc thi đã có 244.047 thí sinh dự thi. Cuộc thi thực sự đã giúp học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục có thêm kiến thức lịch sử về “50 năm chiến thắng Đồng Lộc”. Từ đó giáo dục cho học sinh lòng tự hào về con người và mảnh đất truyền thống anh hùng Hà Tĩnh.

Các cơ sở giáo dục đã phối kết hợp với các tổ chức Đoàn, Đội, Hội phát huy hoạt động các đội thanh niên tình nguyện; tổ chức hiệu quả “Ngày chủ nhật xanh”; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà nhân ái cho các gia đình khó khăn; tổ chức hiến máu tình nguyện, kết nạp đoàn viên mới, giới thiệu đoàn viên ưu tú để xem xét kết nạp Đảng,...

N.Mandela đã khẳng định “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”. Quả đúng như vậy! Chính việc chỉ đạo và phối hợp tốt trong giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên cho nên trong thời gian qua Ngành GDĐT luôn đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận về chất lượng giáo dục toàn diện: học sinh, sinh viên Hà Tĩnh không chỉ là những con người thông minh mà còn chăm chỉ, hiếu học, biết giữ gìn và phát huy cao đẹp truyền thống quê hương, đất nước. Các em chính là những tấm gương điển hình về lòng yêu nước, ý chí nghị lực, đức tính trung thực, dũng cảm, lòng nhân ái. Nhiều năm liên tục, Hà Tĩnh là tỉnh dẫn đầu cả nước về thành tích chất lượng giáo dục đại trà với tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT cao, kết quả học sinh giỏi quốc gia, quốc tế tăng cả số lượng và chất lượng. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh đã có 04 huy chương Quốc tế, trong đó có 02 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Đồng Toán quốc tế và 01 Huy chương Bạc Tin học Châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đạt kết quả cao ở các kỳ thi văn hóa cấp quốc gia, quốc tế, Ngành GDĐT còn để lại dấu ấn trong các cuộc thi khác như: Cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật giành cho học sinh trung học; An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai cấp quốc gia; Cuộc thi viết về Tấm gương nhà giáo do Bộ GDĐT phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức; Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh trung học phổ thông toàn quốc, Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng toán học trẻ do Hội Toán học Việt Nam tổ chức, cuộc  thi Olympic Toán học sinh, sinh viên  toàn quốc năm 2018. Nhiều tấm gương điển hình về trí tuệ, ý chí nghị lực, tinh thần vượt khó, trung thực, dũng cảm, giàu lòng nhân ái, năng động và sáng tạo,…Đó chính là những kết quả tốt đẹp trong công tác giáo dục toàn diện.

Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, Ngành GDĐT sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường học, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.


Nguyễn Quốc Anh*

*  Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh




 

 

 


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện