CẢM XÚC VỀ HÌNH ẢNH 10 NỮ TNXP VÀ LIỆT SỸ HỒ THỊ CÚC HY SINH TẠI NGÃ BA ĐỒNG LỘC
Cùng với tuổi trẻ “Năm xung phong” ở
miền Nam, mùa Hè năm 1965, tuổi trẻ miền Bắc dấy lên rầm rộ phong trào “Ba sẵn
sàng” mà đỉnh cao là sau khi có Chỉ thị 71, ngày 21/6/1965 của Thủ tướng Chính
phủ về việc thành lập tổ chức Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước để bổ
sung cho lực lượng bảo đảm giao thông trong thời chiến và yêu cầu nhân lực phục
vụ vận tải tiền phương. Thế hệ thanh niên 4X, 5X ngày đó đâu dễ gì quên mùa hè
xanh và hàng vạn lá đơn tình nguyện xin gia nhập Thanh niên xung phong của tuổi
trẻ nửa miền Bắc tới tấp bay về các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến địa phương.
Những lá đơn được viết bằng máu sẵn sàng “Đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi
Tổ quốc cần đến…” và còn nắn nót sáu chữ vàng xin thề “Hoãn yêu, hoãn cưới ba
năm”. Sau đó là những cuộc hành quân “nào cuốc, nào choòng, soong nồi xủng
xoảng” diễn ra khắp nẻo “Đường ra mặt trận”:
“Có những ngày vui sao cả nước lên
đường
Xao xuyến bờ tre từng hồi trống dục
Có những ngày vui sao rộn rã trên
đường
Xóm dưới làng trên, con gái con trai,
cơm nắm cơm đùm
Súng nhỏ súng to, chiến trường chật
chội
Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu …”
[1]
Riêng Hà Tĩnh
chúng ta, tỉnh huy động đợt I của nhiệm kỳ I (1965 - 1967) thành lập hai Đội Thanh
niên xung phong Bắc Hà và Nam Hà (sau đó đổi tên thành N23 và N25) trước cả Chỉ
thị 71/TTg. Vừa tập trung xong là hành quân vào Đông Trường Sơn mạn Làng Ho
(miền tây Quảng Bình) đến đồi 1001 (miền Tây Quảng Trị) làm nhiệm vụ bốc xếp
hàng hóa, lương thực dưới sự điều hành của Binh trạm 7, Đoàn 559 bộ đội tiền
phương. Chưa hết, sau khi có chỉ thị 71/TTg, tỉnh lại huy động thành lập tiếp
đợt II nhiệm kỳ I hai đội N53 và N55 - P18. Đội N53 thuộc quân số của 4 huyện
phía Nam Hà Tĩnh (Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Kỳ Anh). Đội N55 gồm quân số
của 4 huyện phía Bắc Hà Tĩnh (Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc). Lẫn
trong tiếng hát trùng trùng quân đi ấy, có cả tiếng hát của Võ Thị Tần, Hồ Thị
Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hợi và Nguyễn Thị Xuân (Vĩnh Lộc) mà sau này trở
thành 5 trong 10 đóa hoa bất tử, thành huyền thoại Đồng Lộc của Tiểu đội 4 -
C552 - N55 - P18 Thanh niên xung phong Hà Tĩnh.
Tiểu độ 4 - C552 được thành lập từ
tháng 6/1965 với số lượng biến động từng thời kỳ từ 14 đến 16 chị em, tuổi đời
từ 17 đến 24. Trước khi Võ Thị Tần được đề bạt A trưởng, Hồ Thị Cúc A phó thì A
trưởng A4 đã qua tay nhiều đồng đội của Tần, Cúc đảm trách. Chỉ có điều, dù ai
đứng đầu thì A4 vẫn luôn luôn là một tập thể đoàn kết, thương yêu nhau, luôn
luôn giữ vững truyền thống con chim đầu đàn của đơn vị. Nào Hạ Vàng, Cổ Ngựa,
Thượng Gia (QL1) đến Địa Lợi, Khe Ác, Khe Mơ (QL15A), … Quên sao được những
ngày đêm mưa rừng, bão đạn. Tần, Cúc, Nhỏ, Xuân, Hợi và đồng đội đã bao lần "Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh,
tiếng hát em lay động cây rừng. Phải chăng em cô gái mở đường, không thấy mặt
người mà chỉ nghe tiếng hát". Những năm tháng gian khổ mà vui. Rồi
vinh dự lớn cũng đến, ngày 03/2/1967, cả Tần và Cúc đều được đứng dưới Đảng kỳ,
nắm tay thề tuyệt đối trung thành với tổ chức, với nhân dân và nguyện suốt đời
hy sinh cống hiến vì lý tưởng cao cả. Tháng 4/1967, Tần được đề bạt A trưởng A4
và Cúc làm A phó. Đơn vị được điều về bảo đảm giao thông đoạn eo thắt cổ chai
của QL15A từ cống 19 vào Tùng Cốc. Đây cũng là thời điểm “tống cựu nghinh tân”
giữa đội viên hoàn thành nhiệm kỳ I và đón tiếp đội viên nhiệm kỳ II bắt đầu.
Biết bao đêm pháo sáng xoe xóe trên đầu, máy bay gầm rít long óc, nào bom phá,
bom nổ chậm, hẹn giờ, bom bi, từ trường ken dày đường sá, cầu ngầm nhưng không
át nổi tiếng hò, tiếng hát của A4 với cánh lái xe, bộ đội hoặc các Tiểu đội nam
cùng đơn vị. Đêm đêm, mỗi tiểu đội làm cách nhau tối thiểu 30m để bảo đảm an
toàn, nhá nhem tối từ trong khoảng lặng hiếm hoi tiếng máy bay, tiếng pháo, một
giọng hò nam cất lên:
(Ơ hò….) ra đi mẹ đã dặn rồi
Làm sao lấy được một người như em.
Cả Tiểu đội 4
ồ lên, rồi con chim sơn ca Trần Thị Hường (Tân binh nhiệm kỳ II) cất giọng véo
von đáp lại:
(Ơ hò….) thương anh răng nỏ muốn
thương
Nước thì muốn chảy nhưng mương chưa
đào
Anh về lo liệu làm sao
Khơi mương cho nước lọt vào lòng
mương
Phái nữ “Dô
hò” phụ họa. Và cứ thế tiếng hò đối đáp, tiếng cười của hàng nghìn trai gái rộn
vang núi đồi Đồng Lộc.
Võ Thị Tần,
Võ Thị Hợi cũng như một số chị em cùng tiểu đội, trước lúc gia nhập Thanh niên
xung phong đã là cán bộ Đoàn, kiện tướng bèo hoa dâu, xã viên hợp tác xã nông
nghiệp hoặc Trần Thị Hường, con liệt sỹ Trần Đông, đã là cô dân quân trực chiến
từ trận Rú Nài, sau đó thoát ly làm công nhân trại màu một dạo. Tần vui vẻ, yêu
đời, nhanh nhẹn tháo vát, đa cảm, tác phong thẳng thắn. Ông Võ Cung lấy bà Hà
Thị Út 8 lần sinh, nhưng 6 người không nuôi được từ nhỏ, còn lại mình Tần và em
trai Võ Xuân Tửu. Mười tám tuổi, Tần đã là lao động chính của gia đình. Cha mẹ
như “cây cao sét đánh 6 lần”, nên thương yêu Tần và Tửu rất mực. Xuất thân
trong gia đình như thế, nên Tần hiểu rất rõ hoàn cảnh từng chị em, đặc biệt là
Nhỏ và Cúc. Tần có một mối tình nảy nở trong
lao động thật đẹp đẽ. Cha mẹ Tần đã nhận cau trầu ăn hỏi của nhà anh Nguyễn
Đình Hồng cùng xóm. Tục quê như rứa là Tần đã có chồng. Rồi anh Hồng đi bộ đội
vào chiến trường B được gần một năm thì Tần cũng gia nhập Thanh niên
xung phong. Lọn tóc thề và tấm ảnh Tần tặng
anh ngày lên đường coi như lời hứa đinh đóng cột, hẹn 3 năm sau về làm lễ cưới.
Tần quý Cúc
như ruột thịt, Tần cũng thương Nguyễn Thị Nhỏ vô cùng. Cha mẹ Nhỏ mất khi chị
Miên mới 7 tuổi, Nhỏ lên 3, biết nói chưa biết đi. Ông chú đưa hai chị em về
nuôi, nhưng nhà chú quá nghèo không nuôi nổi, một thời gian sau chú dựng cho
hai chị em túp lều rìa làng và tự nuôi nhau. Hàng ngày, trước khi đi mót khoai,
mót lúa, mò cua, bắt tép, Miên để bên cạnh người Nhỏ củ khoai, củ sắn và mo
nước. Đói, khát, Nhỏ tự mò lấy mà ăn mà uống. Vì thiếu chất dinh dưỡng canxi
nên 3 tuổi Nhỏ chưa biết đi, nghe họ hàng bày cho, hễ thấy nhà ai làm thịt chó,
Miên lại đến xin bốn cái chân về ninh lên cho Nhỏ ăn. Nhỏ ăn sáu tháng thì đi
lại được. Và cứ thế hai chị em nuôi nhau lớn lên, chị lấy chồng nhưng không về
nhà chồng mà ở lại nuôi em khôn lớn. Rồi anh Hùng chồng chị đi bộ đội hi sinh
trước khi chị Miên sinh cháu. Nhỏ gia nhập Thanh niên xung phong, còn lại mẹ
con chị Miên với đường tàu bỏ hoang Đức Lạng.
Hồ Thị Cúc,
bạn bè trong Tiểu đội đặt cho biệt danh “Cúc mục” vì Cúc nhỏ con, tóc loe hoe
xoăn, mắt hay nhìn xuống, mặt buồn, Cúc sống nội tâm. Cúc sinh năm 1944, lên một
tuổi cha và bà nội chết đói năm 1945, ông nội đưa hai mẹ con về nuôi. Lên ba
tuổi, bà Trinh, mẹ của Cúc tái giá, Cúc được ông nội và O Loan nuôi. Rồi ông
nội mất, O Loan xây dựng gia đình, chú Dũng đi bộ đội phục viên về lấy vợ và
nuôi Cúc. Cúc bé choắt nhưng ham làm, chịu khó từ chăn trâu cắt cỏ đến việc
nhà. Lên 8 tuổi, một hôm Cúc đang lúi húi quét nhà, mợ bê nồi cám lợn đi qua,
vấp ngã đổ lên người Cúc. Cúc bỏng nửa người tưởng chết. O Loan dùng lá thuốc
chữa chạy cho Cúc hàng năm mới khỏi, nhưng để lại vết sẹo lớn từ vai xuống tận
mông. Vì thế, tính tình Cúc trầm buồn, ít nói từ đó. Trong Tiểu đội, khi ra
sông suối tắm tập thể bao giờ Cúc cũng xung phong ngồi canh máy bay, canh người
rồi tắm sau (!). Cúc chịu khó, chăm chỉ, tỉ mẫn, ngoài A phó, Cúc còn thêm chức
vụ vệ sinh viên lo thuốc men, bông băng, thuốc đỏ cho Tiểu đội. Cũng như Tần,
Cúc được cả đơn vị thương yêu, cả Tiểu đội tin tưởng, nể phục.
Cứ thế, cả 16
chị em, Tần hiểu hết hoàn cảnh riêng mỗi người. Nên hễ có hiện tượng O mô dao
động tư tưởng là Tần lại rỉ tai “Tối ni về cho tau ngủ chung với mi nhé”. Sau
đêm ngủ chung ấy, không biết “thủ trưởng” làm tư tưởng kiểu gì mà từ đó O ta
hoạt bát, phấn chấn hẳn lên.
Không chỉ
Tiểu đội 4 - C552 - N55 - P18 mà những thế hệ Thanh niên xung phong chống Mỹ
cứu nước nói chung, họ đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí
Minh tuyệt đối. Họ sống vì Tổ quốc, làm vì nhân dân. Họ khát vọng sống, nhưng
sự sống mong manh như sợi chỉ. Họ khát vọng yêu, nhưng nào ai đã được yêu. Coi
đơn vị là tổ ấm gia đình, vui vẻ, yêu đời, lạc quan cách mạng. Hằng ngày, khi
có tiếng còi Đại đội trưởng cất lên là hàng trăm cô Tấm “lột vỏ thị” để chui ra
thành công binh, san lấp hố bom, lát đá chống lầy, mở đường tránh, hộ tống xe… tay làm miệng hát. Tan tầm lại “chui
vào vỏ thị” trong những lán tạm học bổ túc văn hóa, tập văn nghệ, viết thư từ
hoặc vùi đầu vào thêu đôi chim quặp mỏ nhau dưới có dòng chữ “Hẹn anh ngày ấy …”, “Chờ ngày thống nhất…” xanh đỏ tím vàng trên những vỏ gối hoặc khăn mùi soa
trắng tinh mà biết đâu chỉ thêu, khung thêu, vải trắng kia lại do một anh chàng
nào đó trong đơn vị bí mật mới tặng. Thay vì một nụ hôn nồng nàn cảm tạ, các
nàng lại mở chiếc chìa khóa đeo trên cặp tóc, mở cái rương gỗ be bé dúi cho một
gói thuốc lá Trường Sơn, Tam Đảo, Điện Biên, loại thuốc lá phân phối hiếm hoi
thời đó. Trai gái Thanh niên xung phong thời đó sợ yêu hơn sợ bom đạn. Hai trái
tim trái dẫu đập loạn xạ muốn nổ tung ra trong lồng ngực, nhưng ngoài miệng lại
ngụy trang bằng O..O..Cụ..Cụ.. đồng
hương, để đánh lạc hướng Ban chỉ huy đơn vị.
Sau tuyên bố
của Tổng thống Mỹ Jhonson “Ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra” từ 0 giờ ngày
01/4/1968. Thường vụ Tỉnh ủy nhận định chúng sẽ tập trung đánh Quốc lộ 15A,
trọng tâm đoạn qua Hà Tĩnh. Hàng chục cuộc điều quân từ pháo cao xạ, công binh,
Tổ máy ủi, Đội xe, Đội cầu, 3 Đội công trình của Ty Giao thông Hà Tĩnh đến 7
Đại đội Thanh niên xung phong thuộc Đội 55. Tuổi trẻ cả tỉnh rầm rập đổ về trấn
giữ Ngã ba Đồng Lộc, cống 19, ngầm Cơn Bạng, ngầm Tùng Cốc, Khe Út, Khe Giao
trải dài 16Km. Riêng Đại đội 552-N55-P18 của Tần được điều từ đường 28 (Phú
Lộc) về bảo đảm giao thông đoạn nam cầu Tối - Ngã ba Đồng Lộc - Truông Kén.
Đoạn tuyến chỉ dài 2 cây số, nhưng có 800m từ cầu Tối đến ngã ba Trường Thành
đường băng qua giữa cánh đồng trồng lúa và hoa màu, đất sét pha cát. Mùa nắng
bụi mù mịt, mưa sình lầy, nhão nhoét. Phản lực Mỹ đã dồn phần lớn trong tổng số
50.000 tấn bom đạn trút xuống đoạn 800m này trong suốt 214 ngày đêm (từ 1/4 đến
31/10/1968). Chúng đánh liên tục cả ngày lẫn đêm, bình quân 28 ngày trong
tháng. Ngày ít nhất chúng cũng đánh 20 lần với hàng trăm quả bom các loại, ngày
nhiều nhất là ngày 15/7/1968 chúng đánh 103 lần, trút 800 quả bom xuống Đồng
Lộc. Ban ngày chúng ném bom phá, bom sát thương, bom bi quả dứa, quả ổi, bom nổ
chậm, hẹn giờ, bom từ trường. Ban đêm chúng cho máy bay do thám thả dèn dù đón
xe ta vào ra, rồi chúng phóng đạn rốc két (hỏa tiễn), bom bi, bom sát thương
hủy diệt. Mỗi mét vuông đất chịu hàng ngàn lần đào lên lấp xuống nên trở thành
đất chết, phá hủy tính chất cơ lý của đất. Hai Tiểu đoàn công binh quân khu 4,
quân khu 3; 7 tiểu đội công binh Thanh niên xung phong Đội N55 cùng với 2 Trung
đội công binh của Ty giao thông vận tải Hà Tĩnh cũng chỉ rà phá nổi trong phạm
vi 20m từ tim đường ra mỗi bên.
Tiểu đội 4
của Võ Thị Tần ra mặt đường phía bắc Đồng Lộc và đường 28 đã quen bom đạn kẻ
thù, đã đổ biết bao mồ hôi và máu xuống mảnh đất này, bao bộ quân phục màu xanh
cỏ úa bị mồ hôi tẩy thành màu trắng, Nhà thơ Phạm Tiến Duật mới có câu thơ “áo
em hình như trắng nhất” là vì thế. Đây là lần đầu, Tiểu đội 4 của Tần được điều
về cắm chốt trọng điểm số 1 này từ ngày 12/7/1968. Vừa ổn định chỗ ở trong nhà
dân một ngày thì máy bay ném bom ngay vào địa điểm đóng quân của Tiểu đội làm
cháy hết tư trang, chỉ còn lại mỗi người một bộ mặc trên người. Phải chờ hai
ngày mới được cấp lại quân trang và di chuyển chỗ ở vào nhà mẹ Hải và bác Ý ở
xóm Mai Long - xã Xuân Lộc sau eo núi Bãi Dịa. Đã qua bao nhiêu ngày đêm Tiểu
đội ra Đồng Lộc vẫn an toàn trở về.
Chiều ngày
24/7/1968, đường qua Đồng Lộc tắc xe, 40 xe bồn loại 4,8m3 chở xăng
vào chiến trường đang nằm chờ đường ở bãi dấu xe. Lệnh đ/c Trần Quang Đạt - Phó
Chủ tịch tỉnh - Trưởng ban giải tỏa Đồng Lộc yêu cầu các đơn vị làm thêm ban
ngày để kịp thông xe. Tiểu đội Tần được đơn vị điều động đi làm ngày, vừa san
lấp hố bom vừa đào hầm chữ T để đợi Lê Thị Hồng chở gỗ rong đanh về làm hầm Triều
Tiên. Tại thời điểm này, Tiểu đội 4 có 16 người (5 người nhiệm kỳ I và 11 người
nhiệm kỳ II vừa nhập ngũ 1967), nhưng hôm đó có 3 người được cử đi lấy dụng cụ
ở Nga Lộc là Lê Thị Lan, Trần Thị Nhị và Nguyễn Thị Hường đen. Xuân (Đức Hồng)
được điều làm cấp dưỡng đơn vị, Bùi Thị Tịnh bổ sung cho tổ công binh và Lê Thị
Hồng đang đi chặt gỗ ở đường 21 về làm hầm. Còn lại 10 người ra mặt đường hôm
ấy. Đúng 14 giờ, cả Tiểu đội có mặt tại đường 15A cạnh chân núi Trọ Voi. Tần và
9 chị em vừa đào xong hai hầm chữ T giao nhau, cách mép đường phía Tây khoảng
15m. Cúc nhận đào chiếc hầm tròn cá nhân để dành riêng cho “thủ trưởng” Tần chỉ
huy. Hai đợt máy bay Mỹ quần đảo dội bom xuống hiện trường rồi bỏ đi, cả Tiểu
đội an toàn, Tần cho san lấp hố bom xong đang giải lao. Đợt thứ ba có một tốp
ba chiếc F105, F4H lao đến, Tần cho chị em ẩn nấp, lần này chúng không dội bom
mà quần đảo mấy vòng rồi quay đầu ra biển Đông. Bỗng nhiên một trong ba chiếc
lù lù quay lại. Tần hô chị em xuống hầm cấp tốc, Tần vào sau cùng. Tất cả nháo
nhào lao vào hai chiếc hào dài vừa đào xong chưa có nắp đậy. Và một quả bom tấn
từ máy bay lao xuống nổ trùm lên cả Tiểu đội, lúc ấy là 16 giờ ngày 24/7/1968.
Từ đài quan sát C trưởng Nguyễn Thế Linh chạy xuống Tiểu đội 5, Tiểu đội A8 của
Trần Triện và các anh lái máy ủi gần đó đều chạy lại. Khi khói bom tản dần ra
chẳng thấy người nào A4 xuất hiện, vài cái cuốc xẻng và mũ nón, dày dép bay lên
miệng hố bom. Nguyễn Thế Linh ra lệnh cho đào tìm. Sau hai tiếng đồng hồ vừa
đào vừa khóc, lúc mặt trời khuất trên eo núi Trọ Voi, hoàng hôn bắt đầu buông
xuống thì Trần Triện đào phải cán chiếc cáng và túi thuốc cấp cứu. Gỡ lên, đất
vội tụt xuống để lộ mái tóc đen hiện ra. Bới nhẹ đất bồng lên được Võ Thị Tần,
thân thể đang mềm, cơ thể còn ấm nhưng trái tim đã ngừng đập, mặt tím tái.
Không ai bảo ai, tất cả đều ngã mũ nón: Thế là hết! Hàng trăm khối đất đá tung
lên, lấp xuống, Tần nấp sau cùng không còn thì các người nằm trong làm sao sống
nổi. Lần lượt bới lên 6 người ẩn nấp hầm ngoài cùng là Nguyễn Thị Xuân (Vĩnh
Lộc), rồi đến Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Rạng và cuối cùng là Trần Thị
Hường. Tất cả đã hi sinh, cơ thể còn nguyên vẹn, ấm nóng nhưng tim đã ngừng
đập. Đào tiếp hầm thứ hai vuông góc với hầm lúc nãy lại tìm thấy Dương Thị
Xuân, Võ Thị Hợi và Hà Thị Xanh cũng đã tắt thở. Cả 9 người được đặt lên 9 cáng
xếp một hàng ngang như khi còn sống Tiểu đội tập hợp. Riêng Hồ Thị Cúc - Tiểu
đội phó không tìm thấy. Người cho rằng, hy vọng Cúc còn chạy thoát lên núi đâu
đó, nhưng Đại đội chỉ huy tiếp tục đào tìm Cúc, Đêm 24/7, theo lệnh đồng chí
Trần Quang Đạt, mười hai cái hòm cấp táng được chở về, đơn vị cho khâm liệm và
mai táng cả 9 cô sau eo núi Bãi Dịa. Khu mộ chia làm hai hàng. Hàng trước là mộ
Võ Thị Tần bên trái và huyệt Hồ Thị Cúc bên phải còn bỏ trống. Hàng sau là mộ
tám người còn lại. Vậy là 9 cô đã mai táng nhưng đợi tìm được thi thể Hồ Thị
Cúc mới làm lễ truy điệu. Ngày 25/7/1968, trong khi đang bới tìm Hồ Thị Cúc thì
một A4 mới được thành lập gồm: Sáu người A4 cũ và một số đồng chí mới điều sang
cho đủ 10 người do Nguyễn Thị Hợi làm A trưởng, Lê Thị Hồng làm A phó để kịp
dâng hương trong đêm truy điệu.
Những ngày
này, không chỉ Đại đội 552 mà cả Đội N55, Ty giao thông, Tỉnh Đoàn và lãnh đạo
Tỉnh chìm trong cảnh nhà có đại tang, đau xót.
Hết buổi sáng
ngày 25, Ty giao thông vận tải điều máy ủi ĐT 54 ra đào tìm Hồ Thị Cúc. Chi bộ
C552 do đồng chí Nguyễn Hải Đường người xã Xuân Song (Nghi Xuân) làm bí thư họp
đột xuất, ra nghị quyết cho đơn vị tiếp tục đào bằng tay để tìm đảng viên Hồ
Thị Cúc và không cho phép đào bằng máy sợ xâm hại thi thể người đồng chí thân
yêu của mình. Máy ủi đ/c Uông Xuân Lý vận hành ra hiện trường rồi phải đánh
quay về.
Chiều 25/7,
tức ngày thứ hai đào tìm Hồ Thị Cúc, tôi vào nhà C trưởng Nguyễn Thế Linh, nhìn
thấy cái hòm cấp táng còn lại đã được chuyển ra đầu hồi vườn tro nhà ông Biểu
(Bố Nguyễn Thế Linh). Tôi bồi hồi thương tiếc nghĩ về số phận hẩm hiu Hồ Thị
Cúc. Sống đã khổ, chết rồi vẫn khổ, tôi nấc lên rồi ra ngồi bên hòm Cúc viết
bài thơ tạm lấy tên là “Hồn trinh nữ ở đâu”. Viết sau hai tiếng thì xong, chần
chừ đề bài xa lạ nên tôi sửa thành “Cúc ơi!” rồi dấu vào túi áo không dám nói
với ai sợ bị trách là người vô tình. Sáng hôm sau, sáng 26/7/1968, tôi và đồng
chí Bí thư ra ngay hố bom nơi đang tìm Cúc. Cả hai đứng nghiêm trang thắp hương
trên chiếc bàn nhỏ có bát cơm úp và lọ hương là một đoạn thân cây chuối đang
cháy dở. Tôi cầm giấy đọc rất nhỏ đủ mình nghe cả bài thơ “Cúc ơi” rồi đốt đi,
anh Hải Đường, Bí thư đứng bên cạnh tôi chắc cũng nghe được. Xong đó, cả hai
chúng tôi quay về đơn vị lúc đó khoảng 8 giờ hơn. Đến gần 10 giờ thì được tin
Tiểu đội 8 Trần Triện đã tìm được thi thể Hồ Thị Cúc. Cúc ngồi trong chiếc hầm
tròn chiều hôm trước do tay Cúc đào, đầu đội nón bẹp dí, vai còn vác cái cuốc.
Hai tay Cúc bầm dập, máu đọng lại đã khô. Có lẽ, sau khi bom vùi lấp Cúc còn
sống đã cố gắng bươi quào đất để nhoi lên nhưng trước khối đất đá đồ sộ Cúc
đành bất lực hy sinh.
Đêm
đó, đêm 26/7/1968, sau khi làm lễ hạ huyệt cho Hồ Thị Cúc là lễ truy điệu Tiểu
đội 4 được diễn ra tại sân kho Hợp tác xã. A4 mới xếp hàng dọc do Nguyễn Thị
Hợi dẫn đầu, Lê Thị Hồng đi sau cùng (đúng vị trí Cúc đứng mỗi lần Tiểu đội tập
hợp hàng dọc) lên dâng hương. Cả đơn vị, cán bộ Đội N55, có cả lãnh đạo, cán bộ
Ty giao thông, cán bộ Tỉnh Đoàn và bạn bè đồng hương các O đều có mặt để vĩnh
biệt 10 người đồng đội vô cùng thân thiết mới ngày nào chiến đấu bên nhau. Rất
tiếc rằng, giờ phút long trọng trang nghiêm này tôi phải đi chỉ đạo bảo đảm
giao thông ở Đại đội 551 ở Khe Giao về không kịp nên không đọc được bài thơ “Cúc
ơi” trước hương hồn đồng đội.
Tôi gửi bài thơ “Cúc ơi” cho tiết mục “Tiếng thơ” của Đài tiếng nói Việt Nam. Vào một đêm tháng 8/1968, Đài tiếng nói Việt Nam vang lên bài thơ “Cúc ơi” qua giọng đọc của nghệ sỹ Văn Thành. Tôi tình cờ mở đài Ô ri ông tông nghe được.
Hòa
bình, kẻ về người ở
Con
gái đã lên bà
Con
trai đã làm ông
Tần
ơi! trẻ mãi
Trẻ
mãi thời chúng mình sôi nổi
Xe đá
Cào Cào lát ngầm cầu Tối
Xe em
đi… trăng đợi lưng đèo
Xe em
về trăng lẻn về theo
Năm
mươi mùa sim nở
Anh
xòa hai bàn tay, vắt nắm đất rỉ máu
Mười
ngón tay rụng xuống
Mười
gương mặt hiện lên
Đồng Lộc chiều nay anh thắp cho em
Nén
hương đồng đội
Khói
bung lên trời cong như dấu hỏi [2]
Thắp cho em hay tự thắp cho mình.
Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, những người
đã trực tiếp tham gia bảo đảm giao thông Ngã ba Đồng Lộc ngày ấy (lúc cao nhất
là 1,6 vạn người) sẽ trở thành người trong cõi nhớ. Tôi thiết nghĩ, đây là thời
điểm cuối cùng còn đầy đủ nhân chứng lịch sử. Tất cả những cái gì đã làm được
cho Đồng Lộc hôm nay là đáng quý. Là một nhân chứng lịch sử tôi đề nghị các đồng
chí chú ý thêm rằng: Đoạn đường 800m từ cầu Tối đến Ngã ba Đồng Lộc bây giờ,
mới là chảo lửa số một Đồng Lộc ngày ấy, cần phải có tượng đài lực lượng công
binh và ít nhất là tượng đài các tấm gương Lê Đăng Dương, Vương Đình Nhỏ, Uông
Xuân Lý và Võ Triều Chung.
Chúc
quý vị đại biểu và các đồng chí mạnh khỏe.
Xin
trân trọng cảm ơn!
Thêm nhận xét mới