Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Quy hoạch tỉnh mở đường để Hà Tĩnh hiện thực hóa chiến lược phát triển

  

08:26 10/11/2022


- P.V: Quy hoạch tỉnh được phê duyệt là niềm vui lớn, động lực lớn của cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh nhà. Xin Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ thêm về niềm vui này?

- Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Ngày 8/11/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1363/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là bản quy hoạch tỉnh thứ 2 trên toàn quốc được xây dựng, phê duyệt theo Luật Quy hoạch. Kết quả này là kết tinh của sự quyết tâm nỗ lực, phát huy trí tuệ tập thể vì sự phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian qua.

Trước đây, chúng ta đã xây dựng quy hoạch nhưng thực tế yêu cầu cần có sự điều chỉnh để bắt kịp những xu thế phát triển mới, tạo ra sự kết nối thống nhất trong chiến lược - quy hoạch - kế hoạch. Vì vậy, Hà Tĩnh xác định xây dựng Quy hoạch tỉnh bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tích hợp các quy hoạch, có vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển trong tương lai là nhiệm vụ trọng tâm. Thông qua Quy hoạch tỉnh giúp các ngành, địa phương nhìn nhận rõ tiềm năng, thế mạnh để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện. Quy hoạch chính là “kim chỉ nam” để chúng ta xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển của các ngành, của từng vùng và của các địa phương. Đây cũng là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh thu hút đầu tư, khắc phục tình trạng thời gian qua một số nhà đầu tư chiến lược đã tìm hiểu đầu tư vào Hà Tĩnh nhưng chưa thực hiện được dự án vì chờ quy hoạch tỉnh.


Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030 lấy nhân tố quyết định nội lực là con người, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số; xác định rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Quy hoạch xác định hướng đột phá là tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược đồng bộ, hợp lý, hiện đại; phát triển hạ tầng mềm, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, công nghệ quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.


Toàn cảnh TP Hà Tĩnh. Ảnh: Khôi Nguyễn

Quy hoạch tỉnh sẽ đảm bảo việc phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường liên kết trong phát triển với các địa phương khu vực Bắc Trung bộ và cả nước; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, mở rộng hội nhập quốc tế.



Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải trao đổi với PV Báo Hà Tĩnh.

- P.V: Vậy, những “điểm nhấn” chiến lược trong Quy hoạch tỉnh là gì, thưa đồng chí?

- Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Đặt mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững, Quy hoạch tỉnh hoạch định rõ 4 ngành kinh tế trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 1 trung tâm động lực tăng trưởng và 4 nền tảng chính.


Theo đó, Quy hoạch tỉnh xác định 4 ngành kinh tế trọng điểm: công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.

3 trung tâm đô thị là: Trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh, trong đó thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối thành phố Hà Tĩnh, gồm: thị trấn Thạch Hà, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà; Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận; Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là Thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và các vùng phụ cận.                                                                                                              


Cầu Cửa Hội nối đôi bờ sông Lam. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải



3 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam và quốc lộ ven biển; Hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; Hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh.
1 trung tâm động lực tăng trưởng là Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là nhà máy thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.
4 nền tảng chính gồm: Nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch.
Với các hướng đi chiến lược, Hà Tĩnh xác định mục tiêu đến năm 2030 có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả thời kỳ 2021 - 2030 trên 9%/năm. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60,3%; dịch vụ chiếm khoảng 26,6% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 5,14%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 170 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 14-15%/năm. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ khoảng 750-800 nghìn tỷ đồng…

Theo Quy hoạch tỉnh, đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đại diện doanh nghiệp cắt băng khánh thành Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh ngày 31/8/2022. Ảnh: Dương Chiến

- P.V: Thưa đồng chí! Từ “con đường lớn” đã được Quy hoạch tỉnh hoạch định, Hà Tĩnh sẽ có những giải pháp chiến lược gì để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển KT-XH trong thời gian tới?

- Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Phát triển hạ tầng đồng bộ là một trong 4 nền tảng chính của Quy hoạch tỉnh, cũng sẽ là nhiệm vụ được tỉnh ưu tiên tập trung cao trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông trọng yếu tạo sự liên kết vùng từ miền núi đến ven biển. Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống giao thông kết nối đến các địa bàn vùng biển, hướng biển để đánh thức tiềm năng du lịch biển. Đặc biệt, ngoài việc tiếp tục mở rộng hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, việc quy hoạch sân bay Hà Tĩnh cũng đã được tính đến nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển đồng bộ của tỉnh. Hạ tầng phát triển, nhất là hạ tầng giao thông sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy KT- XH tỉnh nhà, nhất là sẽ giúp chúng ta hiện thực hóa kỳ vọng phát triển du lịch - 1 trong 4 ngành kinh tế trọng điểm của Quy hoạch tỉnh.


Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt có chiều dài gần 50 km nằm trên địa phận 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ảnh: Phạm Hoàng

Thực tế cho thấy, chúng ta có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhiều địa chỉ đỏ, điểm du lịch tâm linh hấp dẫn nhưng du lịch nghỉ dưỡng, lưu trú lại hạn chế, gần như không giữ chân được du khách. Do chưa có đầu tư tương xứng nên du lịch biển cũng đang mang tính thời vụ, mỗi năm chỉ khai thác được 1 mùa, chưa khai thác hết tiềm năng. Với sự nỗ lực của tỉnh, cơ hội mới đang mở ra với những tín hiệu vui trong xúc tiến đầu tư vào du lịch biển Hà Tĩnh. Hiện đã có một số chủ dự án tìm hiểu cơ hội đầu tư phát triển du lịch biển với số vốn dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng/dự án. Từ những kết quả bước đầu trong thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào lĩnh vực này, hi vọng chúng ta sẽ phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, đặc biệt là tập trung phát triển các khu du lịch ven biển hiện đại, đầu tư khai thác hiệu quả các sân golf, dịch vụ thể thao, giải trí để tạo các sản phẩm du lịch chất lượng cao, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.


Một góc quần thể khu du lịch Xuân Thành (Nghi Xuân). Ảnh: Đình Nhất

Cùng với những bước đi đột phá từ phát triển du lịch, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ logistics) tiếp tục được thúc đẩy với những giải pháp mạnh mẽ và động lực mới. Trong đó, tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, tăng tỉ lệ lấp đầy tại các khu, cụm công nghiệp; xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng; ưu tiên phát triển sản xuất các ngành công nghiệp hỗ trợ sau thép, các ngành công nghiệp tiềm năng. Tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, hiện đại; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, gắn với sản phẩm OCOP; triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển đô thị; chú trọng phát triển dịch vụ cảng biển và hậu cần (logistics) trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế.


Quy hoạch chú trọng phát triển dịch vụ cảng biển và hậu cần (logistics) trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định, phát triển thành phố Hà Tĩnh là chương trình trọng điểm. Bởi vậy, thời gian tới, bên cạnh tập trung điều chỉnh quy hoạch thị xã Kỳ Anh, quy hoạch KKT Vũng Áng, tỉnh hết sức chú trọng tới việc quy hoạch mở rộng không gian đô thị của thành phố Hà Tĩnh. Chúng ta sẽ mở rộng thêm không gian cho thành phố Hà Tĩnh, phát triển bền vững thành phố và vùng phụ cận theo các hướng chiến lược mà một trong số đó là “phát triển thành phố về phía biển”. Việc này phải được thực hiện căn cơ, kỹ lưỡng, bài bản nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án mở rộng địa giới hành chính và đang chỉ đạo tập trung xây dựng đề án, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

- P.V: Quy hoạch tỉnh được phê duyệt trong thời điểm toàn tỉnh đang dồn sức phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu năm 2022. Xin đồng chí chia sẻ những giải pháp trọng tâm mà tỉnh đang tập trung thực hiện?

- Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, từ đầu năm đến nay, một số chỉ tiêu phát triển của tỉnh đã có sự phục hồi và tăng trưởng rõ nét như: thu ngân sách, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư…


Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là đầu tàu phát triển công nghiệp của Hà Tĩnh.

Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, như: ngành công nghiệp gặp nhiều khó khăn; nông nghiệp đang phải đối mặt với chi phí sản xuất đầu vào tăng cao; xuất khẩu thương mại giảm. Kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới tại một số địa phương chưa đồng đều. Một số địa phương, ban quản lý dự án cấp tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp.


Với quyết tâm chính trị rất cao, trong quý IV này, toàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phục hồi và phát triển kinh tế; tập trung cao xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nhất là đối với những xã đăng ký về đích; đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tập trung GPMB các công trình trọng điểm, dự án khởi công mới, các khu tái định cư, bảo đảm các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ đường cao tốc và các dự án giao thông trọng điểm; tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, tăng cường thu ngân sách nhằm đạt và vượt kế hoạch; triển khai hiệu quả đề án sản xuất vụ đông 2022 và vụ xuân 2023, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; tiếp tục kiểm soát dịch bệnh COVID-19, tiêm phủ vắc-xin…

Để tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và cả giai đoạn 2020 - 2025, cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm (Nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhà máy sản xuất Pin VINES giai đoạn 2 của Vingroup, dự án hạ tầng KCN của Vingroup).


Riêng đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, sau khó khăn những tháng đầu năm, thời điểm này đã ghi nhận sự cải thiện rõ rệt. Nhiều chủ đầu tư đã cam kết giải ngân 100% theo các mốc thời gian. Ngoài các biện pháp đôn đốc tháo gỡ vướng mắc, Hà Tĩnh cũng thực hiện nghiêm việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu đơn vị nếu để tỷ lệ giải ngân đạt thấp, để mất nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, công tác thu ngân sách phấn đấu đạt 20.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu pháp lệnh 3.700 tỷ đồng. Dù đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng hệ thống chính trị và ngành chuyên môn sẽ quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện…


Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đơn vị liên quan chứng kiến ký xác nhận bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam giữa huyện Thạch Hà và Ban QLDA Thăng Long. Ảnh: Văn Đức

Ngay sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt và triển khai, tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030; tập trung, chủ động kế hoạch triển khai, rà soát các dự án đang chờ quy hoạch tỉnh để có phương án chỉ đạo các bước tiếp theo nhằm đẩy nhanh tiến độ, tạo dư địa tăng trưởng mới.

Cùng với các giải pháp trên, tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo làm tốt công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa. Đặc biệt, tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, nhà ở kiên cố cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi…

- PV: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!

Theo BHT

Linkgốc:https://baohatinh.vn/chinh-quyen/chu-tich-ubnd-tinh-vo-trong-hai-quy-hoach-tinh-mo-duong-de-ha-tinh-hien-thuc-hoa-chien-luoc-phat-trien/239976.htm