Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |   

Đường Hồ Chí Minh trên biển và kỳ tích những “Đoàn tàu không số”

  

02:28 25/10/2021

Dẫu đã trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng những chiến công anh hùng, những câu chuyện huyền thoại của đường Hồ Chí Minh trên biển và “Đoàn tàu không số” vẫn mãi mãi là niềm tự hào của quân đội ta, Nhân dân ta; là biểu tượng sáng ngời của lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Cách đây tròn 60 năm, để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải thủy - đơn vị tiền thân Lữ đoàn 125 (Bộ Tư lệnh Hải quân).


Cán bộ, chiến sỹ tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho miền Nam. (Ảnh tư liệu internet).

Quyết định thành lập Đoàn 759 là dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sau khi thành lập, từ quá trình nghiên cứu, trinh sát, trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển”. Từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn vận chuyển mới. Để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển. Tên gọi “Đoàn tàu không số” cũng được ra đời như vậy.


Tập thể cán bộ, chiến sĩ tàu Phương Đông 1 do đồng chí Chính trị viên Bông Văn Dĩa và Thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy đã chở 30 tấn vũ khí đầu tiên vào bến Rạch Gốc (Cà Mau) thành công, ngày 16/10/1962. Ảnh: internet

Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) chở an toàn 30 tấn vũ khí cập bến Vàm Lũng (Cà Mau). Sau thắng lợi của chuyến đi đầu tiên, 3 chuyến chở 91 tấn vũ khí tiếp theo lần lượt vào Nam. Từ những chuyến tàu vỏ gỗ đi vào Nam thành công, Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng đầu tư, trang bị cho Đoàn 759 loại tàu vỏ sắt trọng tải lớn (từ 50-100 tấn). Ngày 17/3/1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên chở 44 tấn vũ khí lên đường đến bến Trà Vinh an toàn. Chỉ trong vòng 1 năm, Đoàn 759 đã thực hiện 29 chuyến hàng vào Nam Bộ, vận chuyển 1.430 tấn vũ khí cho chiến trường.


60 năm đã trôi qua, nhưng ông Nguyễn Xuân Cừ (SN 1944, ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên) - người lính đoàn tàu không số năm nào vẫn luôn tự hào về những năm tháng chiến đấu quả cảm trên đường Hồ Chí Minh trên biển.

Phát huy kết quả vận chuyển bằng đường biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Khu 7 (Đông Nam Bộ) mở bến đón tàu. Từ năm 1962-1964, Đoàn 125 (tên gọi Đoàn 759 sau khi được đổi phiên hiệu) đã vận chuyển hơn 4.000 tấn vũ khí trang bị và cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Quân đội vào miền Nam. Qua đó góp phần cùng các lực lượng vũ trang giành nhiều thắng lợi oanh liệt như chiến thắng Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã... làm thất bại về căn bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam.

Quá trình vận chuyển đang tiến triển thuận lợi thì bị địch phát hiện. Thế nhưng, vượt qua thử thách ác liệt, khắc phục khó khăn, giai đoạn 1965-1972, Đoàn 125 tiếp tục vận chuyển chi viện cho chiến trường, góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, từ ngày 3/11/1968 - 29/1/1969, với phương châm chỉ đạo: “Chuẩn bị chu đáo, tranh thủ thời cơ, làm nhanh, gọn, liên tục, an toàn, đi gần bờ, dựa vào dân”, Đoàn 125 đã vượt qua hàng rào phong tỏa dày đặc thủy lôi và bom từ trường của Mỹ, huy động 364 lượt tàu, vận chuyển 21.737 tấn hàng, đạt 217,37% kế hoạch.


Tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành bản thiên hùng ca bất tử. (Ảnh intetnet)

Trong nhiều thời điểm, Đoàn 125 phải sử dụng tàu cải trang thành tàu nghiên cứu biển, đi trinh sát để tìm phương thức vận chuyển mới; để giữ bí mật con đường chiến lược, nhiều chuyến tàu đi đành phải quay về hoặc buộc phải phá tàu. Nhiều đồng chí, đồng đội Đoàn 125 đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông.

Giai đoạn 1973 -1975, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Đoàn 125 tiếp tục củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng sẵn sàng lên đường khi có lệnh. Trong 2 năm 1973-1974, Đoàn 125 đã huy động 380 lượt tàu ra khơi, chuyên chở trên 43.000 tấn hàng, đưa 2.042 lượt cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương ra tiền tuyến và từ đất liền ra các đảo, vượt qua chặng đường 158.292 hải lý an toàn. Với tinh thần “Thần tốc, táo bạo chở người và vũ khí vào mặt trận”, Đoàn 125 đã huy động tổng lực vận chuyển binh lực phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 125 hội ngộ nhân ngày truyền thống tháng 10/2020 (Ảnh internet).

Từ năm 1975 đến nay, tuy trải nhiều lần đổi tên, sáp nhập đơn vị nhưng Đoàn 125 (nay là Lữ đoàn 125 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân) vẫn luôn thực hiện tốt sứ mệnh tham gia vận chuyển và chiến đấu, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Các tàu vận tải cũng đã tham gia nhiều chuyến trực bảo vệ chủ quyền trên biển, kịp thời phát hiện sớm những vấn đề nảy sinh, chủ động đấu tranh, ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển của nước ta. Thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân.


Đại tá Nguyễn Tất Nhân - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh thăm hỏi, trao quà cho thương binh Nguyễn Viết Ngũ (TDP 5, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) - người từng là thuyền trưởng tàu không số.

Đường Hồ Chí Minh trên biển và “Đoàn tàu không số” ra đời, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với lực lượng có hạn, trang bị hàng hải thô sơ, nhưng với trí tuệ và những chiến thuật độc đáo đã làm nên một thiên anh hùng ca bất tử.


Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Xuyên phối hợp với Ban CHQS huyện và Đảng bộ xã Cẩm Quan tổ chức bồi dưỡng chuyên đề 60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển cho đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn xã vào chiều 16/10. (Ảnh Phan Trâm).

Truyền thống vẻ vang của đường Hồ Chí Minh trên biển mãi là niềm tự hào của quân và dân ta nói chung, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng. Phát huy truyền thống đó, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, pháp luật về biển, đảo; nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 Theo BHT 


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện