Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Bác Hồ với các bậc tiền bối cách mạng người Hà Tĩnh

  

02:00 02/06/2022

Hà Tĩnh là quê hương của nhiều vị lãnh tụ của Đảng, những chiến sỹ cách mạng trung kiên. Trước năm 1930, Bác Hồ đã quan tâm, chú ý đến các phong trào đấu tranh ở Xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh. Người luôn tin tưởng, theo dõi để đào tạo, bồi dưỡng những người thanh niên có chí hướng phấn đấu ở vùng đất này.

Đồng chí Trần Phú (1904 - 1931) quê ở xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên trung, bất khuất, mẫu mực; người con ưu tú của Đảng và dân tộc đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng.


Chân dung cố Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh tư liệu

Tháng 6/1926, trên cơ sở những hạt nhân nòng cốt của Tâm Tâm Xã, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội đã có tiếng vang với phong trào cách mạng trong nước. Hội Hưng Nam đã cử đồng chí Trần Phú và một số đồng chí khác sang Quảng Châu gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để bàn việc hợp nhất Hội Hưng Nam và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Đồng chí Trần Phú với bí danh là Lý Quý đã tham dự lớp huấn luyện lần thứ hai. Lớp học này đã giúp ông khẳng định rõ tinh thần phấn đấu và nguyện hy sinh vì lý tưởng cách mạng. Tháng 10/1926, kết thúc khóa học, Trần Phú được đứng trong hàng ngũ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, rồi được kết nạp vào Cộng sản Đoàn.

Sau khi tham dự lớp huấn luyện, Trần Phú và nhiều đồng chí khác trở về hoạt động tuyên truyền xây dựng tổ chức trong nước. Kẻ thù lo sợ, truy lùng gắt gao những người cộng sản. Để tránh sự truy nã của chúng, Nguyễn Ái Quốc và tổ chức đã quyết định gửi Trần Phú sang học tại Đại học Phương Đông ở Matxcơva.

Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư tới trường thông báo đồng chí Trần Phú làm bí thư và đề nghị Đảng bộ nhà trường “chăm lo việc giáo dục cộng sản cho nhóm đó để đào tạo các đồng chí đó theo sinh hoạt của Đảng”.

Sau đó, Trần Phú là một trong những cán bộ đầu tiên được Quốc tế Cộng sản cử về trong nước. Do bị địch lùng sục gắt gao nên về nước được thời gian, đồng chí lại sang Hồng Kông và được gặp Nguyễn Ái Quốc (1).

Tại đây, Trần Phú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thông báo về hội nghị thành lập Đảng và tình hình cách mạng trong nước. Sau đó, Trần Phú đã nghiên cứu tình hình thực tiễn phong trào cách mạng ở Hòn Gai, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình…


Tranh vẽ đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương Chính trị. Ảnh tư liệu

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10/1930), “Luận cương chính trị” do Trần Phú viết dự thảo được thông qua và đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Như vậy, từ những năm đầu tiên của cuộc đời cách mạng, được sự quan tâm của Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế Cộng sản, đồng chí Trần Phú đã trở thành chiến sỹ cộng sản, nhà cách mạng chuyên nghiệp, một cán bộ được đào tạo bài bản, chính quy, trở thành lãnh tụ của Đảng và cách mạng Việt Nam.


Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú nằm yên bình giữa những hàng thông xanh ngát.

Một trong những người con ưu tú của Hà Tĩnh đã được Bác Hồ dìu dắt, đào tạo nữa đó là anh Lý Tự Trọng (1914-1931). Anh tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ra ở Bản Mạy, tỉnh Nakhonphanom, Thái Lan. Quê anh ở xã Thạch Minh (nay là xã Việt Tiến, Thạch Hà). Anh là người cách mạng trẻ tuổi của Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.


Chân dung anh Lý Tự Trọng thời gian học tập tại Quảng Châu, Trung Quốc - Ảnh chụp lại từ tư liệu

Một ngày đầu mùa hè năm 1926, khi mọi công việc dần đi vào nền nếp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao cho đồng chí Hồ Tùng Mậu (1896-1951) nhiệm vụ trở lại Thái Lan tuyển chọn một số thiếu niên con em Việt kiều yêu nước đưa sang Quảng Châu đào tạo để chuẩn bị cho việc xây dựng tổ chức Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam.

Cụ Tú Đặng (Đặng Thúc Hứa, 1870-1931) đã giới thiệu các em, trong đó có một em nhỏ tuổi nhất là Lê Hữu Trọng (mới 12 tuổi). Đó là một học sinh thông minh, lễ độ, hoạt bát, sử dụng được cả tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Thái. Khi biết được đi học để làm cách mạng, Lê Hữu Trọng không ngần ngại xin được theo ngay.

Sáng ấy, trên tầng 2 nhà số 13A, phố Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc, đồng chí Lý Thụy (tên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) đã gặp gỡ các em. Đồng chí Lý Thụy căn dặn nhiều về việc giữ gìn bí mật, do đó các học sinh phải có tên mới, phải tập cách sinh hoạt như người địa phương. Tất cả đều lấy họ Lý theo bí danh của Nguyễn Ái Quốc (lúc này Lý Thụy với danh nghĩa công khai là họ hàng trong gia tộc họ Lý ở miền Nam Quảng Đông, Trung Quốc). Lê Hữu Trọng được đặt tên mới là Lý Tự Trọng.

Trong các giờ lên lớp, đồng chí Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm bồi dưỡng các em những hiểu biết bước đầu về lịch sử dân tộc. Lý Tự Trọng là học sinh nhỏ tuổi nhất nên luôn được đồng chí Lý Thụy quan tâm. Người đã nhận ra ở học sinh này ngoài tư chất thông minh còn có ý thức kỷ luật cao, tuân thủ nghiêm thời gian biểu hằng ngày, nội quy của lớp, giữ gìn bí mật, đồng thời có tinh thần ham học hỏi vượt trội.

Tuy nhiên, sau đó, tình hình chính trị ở Quảng Châu diễn biến phức tạp, trong khi việc đi Liên Xô học tập của nhóm học sinh này trở nên khó khăn. Họ ở lại đây để học tập và tham gia đấu tranh được một thời gian rồi Lý Tự Trọng cùng một số đồng chí về Sài Gòn hoạt động. Về nước, Lý Tự Trọng biết nhiệm vụ của mình là tham gia xây dựng tổ chức Thanh niên cộng sản trong nước mà đồng chí Lý Thụy đã căn dặn(2).

Đó là những tháng ngày sôi nổi của tuổi trẻ, Lý Tự Trọng luôn hoạt động xông xáo bên cạnh các chiến sỹ cộng sản và các lãnh tụ của Đảng. Ngày 9/2/1931, trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết tại quảng trường Lareni. Tuy nhiên, sau đó, anh đã bị bắt giam vào Khám Lớn và bị kết án tử hình khi mới 17 tuổi.


Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm, Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang trao chứng nhận kết nạp đoàn viên và Huy hiệu Đoàn cho 20 đoàn viên tiêu biểu, đại diện cho lớp đoàn viên Lý Tự Trọng của tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 11/2021.

Trong bài báo “Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng” ký bút danh “Chiến sỹ”, Bác Hồ đã viết: “Đồng chí Lý Tự Trọng đã nêu gương chân chính cách mạng cho chúng ta noi theo. Ngày nay, được Đảng giáo dục, có Đoàn dìu dắt, thanh niên chúng ta phải xung phong gương mẫu trong đạo đức, trong sinh hoạt, trong học tập, trong lao động; phải thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Như thế, chúng ta mới xứng đáng là thế hệ thanh niên xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa vẻ vang”(3).

 ---------------------------------------

(1) Theo sách “Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, một tấm gương bất diệt”, bài viết của Trần Hải, trg 355-366, NXB Chính trị Quốc gia, HN.2004.

(2) Theo sách “Lý Tự Trọng sống mãi tên Anh” của Văn Tùng. NXB Thanh niên, HN. 2004.

(3) Theo sách “Bác Hồ với Hà Tĩnh”, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, HN.2007.

Theo BHT

Link gốc: https://baohatinh.vn/xay-dung-dang/bac-ho-voi-cac-bac-tien-boi-cach-mang-nguoi-ha-tinh/232548.htm 


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện