Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo của nền hành chính

  

00:51 09/06/2022

Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2021 của Hà Tĩnh xếp thứ 5 cả nước là sự khẳng định rõ ràng những nỗ lực, quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân như lời căn dặn của Bác Hồ.

Đạo đức công vụ là cốt lõi trong cải cách hành chính

Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Bác Hồ căn dặn: “Mỗi đảng viên, cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân”. Theo Bác, người cán bộ, công chức không có phận sự nào khác ngoài phận sự phục vụ Nhân dân, vì dân mà làm việc.


Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tuân thủ nghiêm ngặt quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

Thấm nhuần lời dạy của Người, trong những năm qua, Hà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, lấy văn hóa công vụ làm trọng tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) làm thước đo hiệu quả.

Ông Hoàng Tùng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Tĩnh khẳng định: “Sau hơn 5 năm khai trương và đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ngày càng được đầu tư về hạ tầng, nâng cao chất lượng về nhân lực và hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) làm việc tại trung tâm đều tuân thủ nghiêm các quy định về văn hóa công vụ, nhất là tinh thần, thái độ ứng xử với người dân, DN. Dù khối lượng hồ sơ, thủ tục có lớn đến mấy nhưng cán bộ tiếp nhận, xử lý đều có thái độ chuẩn mực, hướng dẫn chu đáo, trách nhiệm cho người dân. Điều đáng mừng là đến nay, chưa có các ý kiến phản ánh của người dân về tinh thần, thái độ thiếu chuẩn mực từ cán bộ, công chức công tác tại trung tâm”.


Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Hành chính công huyện Vũ Quang.

Được biết, theo quy trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính (TTHC), nếu sở, ngành nào để xảy ra tình trạng hồ sơ quá hạn, chậm trễ sẽ phải trực tiếp xin lỗi người dân và giải trình trước lãnh đạo UBND tỉnh. Đến nay, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước và đúng hạn của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đạt 99,7%, tỷ lệ hài lòng của người dân đạt trên 95%.

Ông Phan Văn Tình (xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Khi ra Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nộp hồ sơ, được các cô chú hướng dẫn rất chu đáo, không cần chen lấn, đợi chờ, đến ngày có kết quả thì không phải ra nhận mà được gửi về tới tận nhà nên đỡ rất nhiều công sức và thời gian. Thực sự giờ đây đi làm TTHC không còn mang tâm lý lo ngại như trước mà có cảm giác mình như là một khách hàng được phục vụ”.

Tinh thần phục vụ của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cũng là tinh thần chung được Hà Tĩnh quán triệt, triển khai tại các trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận giao dịch một cửa, một cửa liên thông cấp xã.


Cán bộ phường Thạch Quý nhập sổ định danh cá nhân cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Ông Trần Đình Trung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Suốt thời gian qua, văn hóa công vụ được Hà Tĩnh xác định là nội dung cốt lõi trong cải cách chế độ công vụ - một trong 4 lĩnh vực trọng tâm của cải cách hành chính (CCHC) và được xây dựng thành tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC của các đơn vị, địa phương. Việc ban hành các quy định cụ thể về văn hóa công vụ đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ CBCCVC, nhất là đội ngũ làm việc tại bộ phận một cửa các cấp: từ trang phục lịch sự đến tác phong, lề lối làm việc chuyên nghiệp hơn, giao tiếp ứng xử với người dân hài hòa, chuẩn mực; tinh thần, thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt là quy định rõ chuẩn mực ứng xử của CBCCVC với Nhân dân tại 3 địa điểm: công sở, khu dân cư và nơi công cộng. Điều đó đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng chính quyền phục vụ, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người dân, tổ chức và DN”.

Ngày 25/5 vừa qua, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố Hà Tĩnh đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 của Bắc Trung Bộ về Chỉ số CCHC năm 2021; xếp thứ 5 cả nước, xếp thứ nhất khu vực Bắc Trung Bộ về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Kết quả này càng thêm phần ý nghĩa khi mà Đảng bộ và Nhân dân đang ra sức thi đua hướng về lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh.

Chuyển đổi số đưa cải cách hành chính đi vào chiều sâu

Để đưa CCHC đi vào chiều sâu, tạo sự minh bạch tối đa cho nền hành chính, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện đề án về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử.

Ông Lê Văn Dũng - Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở TT&TT) cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, các cấp, ngành đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động. Các địa phương, đơn vị đã chủ động nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT và các cơ sở dữ liệu. Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng cho CBCCVC từ cấp tỉnh đến cấp xã.


Tập huấn về chuyển đổi số cho các chủ cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP.

Toàn tỉnh đang tập trung triển khai kết nối liên thông và các ứng dụng, các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, BHXH, lý lịch tư pháp, DN… Cùng đó là tổ chức thực hiện chứng thực hồ sơ điện tử cho người dân, DN nhằm triển khai hiệu quả hơn các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, qua đó giảm thiểu thời gian, công sức cho người dân trong giải quyết TTHC và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước”.

Đến trụ sở Công an TP Hà Tĩnh làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử, chị Nguyễn Thị Nga (phường Thạch Linh) chia sẻ: “Tài khoản định danh điện tử tích hợp thẻ BHYT, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe vào thẻ căn cước công dân, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân. Sau này chỉ cần mang căn cước công dân là có thể giải quyết được nhiều TTHC dân sự, không cần phải đưa theo quá nhiều giấy tờ”.

Đến nay, 100% cơ quan Nhà nước có hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành: nội vụ, TT&TT, KH&ĐT, LĐ-TB&XH, tài chính, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải, tư pháp, y tế, giáo dục… được ứng dụng và phát huy hiệu quả cao. Khi các cơ sở dữ liệu này được tích hợp, kết nối lại sẽ hình thành nên cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân và DN.


Cải cách hành chính kỳ vọng mang lại những chuyển biến tích cực cho kinh tế - xã hội.

Ông Lê Văn Dũng khẳng định: “Hiện nay, các cơ quan chuyên môn đang nỗ lực xây dựng, kiến tạo các nền tảng công nghệ để vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tinh giản các quy trình, thủ tục nhằm giảm thời gian, công sức cho người dân, DN. Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả thì các ngành, các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, DN hiểu rõ hơn, tin tưởng hơn và chủ động tiếp cận, khai thác ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như giao dịch hành chính với chính quyền các cấp”.

 Theo BHT

Link gốc: https://baohatinh.vn/chinh-quyen/lay-su-hai-long-cua-nguoi-dan-lam-thuoc-do-cua-nen-hanh-chinh/232927.htm



Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện