Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Thí sinh Hà Tĩnh giành giải ba tuần 1 Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

  

00:43 22/06/2022

Anh Nguyễn Doãn Báu ở xã Đức Giang, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã vinh dự giành giải ba tuần 1 Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” năm 2022 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trực tuyến hằng tuần trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, mạng xã hội VCNet trong thời gian 12 tuần từ ngày 13/6 đến 5/9.

Đây là hoạt động hưởng ứng “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022”, thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2022), 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022).

Trong tuần thi thứ nhất (từ 16h00 ngày 13/6 đến 15h00 ngày 20/6), cả nước đã có 6.983 người dự thi với 66.778 lượt thi, trong đó có 1.651 người trả lời đúng cả 10 câu hỏi. Số người dự thi có quốc tịch Việt Nam là 6.943 người, còn lại là người có quốc tịch Lào và các quốc gia khác.


Anh Nguyễn Doãn Báu - người đạt giải ba cuộc thi.

Kết thúc tuần 1, ban tổ chức đã công bố 8 giải thưởng dành cho 8 người trả lời đúng 10/10 câu hỏi và dự đoán chính xác số lượng người trả lời đúng với 1 giải nhất, 2 giải nhì và 5 giải ba.

Anh Nguyễn Doãn Báu ở xã Đức Giang, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã vinh dự giành giải ba tuần 1 Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Anh Báu chia sẻ: “Ngay từ khi cuộc thi được phát động, tôi đã tham gia thi. Trong 1 tuần dự thi, tôi đã tham gia thi hơn 3.000 lượt và may mắn giành được giải ba. Giải thưởng này không chỉ mang đến niềm vui, động lực để tôi tiếp tục tham gia các tuần thi khác mà quan trọng hơn đã cung cấp những thông tin bổ ích, ý nghĩa về nước CHDCND Lào, tình hữu nghị Việt - Lào”.

Theo thông tin từ ban tổ chức, tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài đều có quyền tham gia dự thi, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, nghề nghiệp, tôn giáo. Độ tuổi dự thi: Từ đủ 14 tuổi trở lên tính đến thời điểm làm bài thi. Ban tổ chức khuyến khích công dân hai nước Việt Nam và Lào đang sinh sống, lao động và học tập ở nước ngoài, bạn bè quốc tế tham gia dự thi.

Để tham gia thi, người thi có thể truy cập vào phần mềm “Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” năm 2022 tại địa chỉ vietlao.dangcongsan.vn, hoặc truy cập vào banner “Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” năm 2022 trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (dangcongsan.vn), mạng xã hội VCNet (vcnet.vn).

Mỗi tuần, ban tổ chức cuộc thi đưa ra 10 câu hỏi với các phương án trả lời có sẵn, trong đó có phương án đúng. Người dự thi lựa chọn phương án đúng, sau đó điền vào ô “Dự đoán số người trả lời đúng”, nhập mã xác thực và bấm vào ô “Gửi bài thi”.

Ban tổ chức không hạn chế số lần tham gia của người dự thi, tuy nhiên chỉ công nhận 1 kết quả tốt nhất và có thời gian trả lời sớm nhất trong số các lần dự thi trong một tuần thi. Trong trường hợp một số người dự thi (từ 2 người trở lên) cùng trả lời đúng tất cả các câu hỏi, cùng dự đoán chính xác hoặc dự đoán gần đúng số người trả lời đúng, ban tổ chức sẽ căn cứ vào thời gian gửi bài thi để trao thưởng cho người có câu trả lời sớm hơn. Thời gian trả lời được tính từ khi bắt đầu cuộc thi hằng tuần (ngày, giờ, phút, giây theo đồng hồ điện tử của phần mềm chấm thi).

Thời gian thi trắc nghiệm hằng tuần: Bắt đầu từ 16h00 ngày thứ hai hằng tuần, kết thúc vào 15h00 ngày thứ hai của tuần tiếp theo.

Cuộc thi nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, làm cho mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ của hai nước hiểu sâu sắc hơn về quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.

Cuộc thi cũng nhằm thông tin rộng rãi, có sức lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế về ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

CÂU HỎI CUỘC THI TUẦN 2 (20/6 - 27/6/2022)

Câu 1: Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là ngày nào?

Phương án 1: Ngày 2/12/1975

Phương án 2: Ngày 3/12/1975

Phương án 3: Ngày 2/12/1976

Câu 2: Ðảng Nhân dân Cách mạng Lào thành lập ngày, tháng, năm nào?

Phương án 1: Ngày 22/3/1953

Phương án 2: Ngày 22/3/1954

Phương án 3: Ngày 22/3/1955

Câu 3: Ai là Tổng Bí thư đầu tiên của Ðảng Nhân dân Cách mạng Lào (trước đây là Đảng Nhân dân Lào)?

Phương án 1: Cayxỏn Phômvihản

Phương án 2: Nuhắc Phunxavẳn

Phương án 3: Xixavát Kẹobunphăn

Câu 4: Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hoàng thân Xuphanuvông diễn ra vào thời gian nào?

Phương án 1: Ngày 2/9/1945

Phương án 2: Ngày 4/9/1945

Phương án 3: Ngày 23/9/1945

Câu 5: “Lào và Việt là hai nước anh em. Mối quan hệ giữa hai dân tộc rất là mật thiết. Đối với kiều bào ta làm ăn, sinh sống ở đất nước Lào thì Lào lại như là Tổ quốc thứ hai. Tục ngữ có câu: “Bán bà con xa, mua láng giềng gần” ý nghĩa là như thế.”

Bạn hãy cho biết tác giả và bối cảnh của đoạn trích trên?

Phương án 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong “Thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm” năm 1946

Phương án 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong “Thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm” năm 1947

Phương án 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong “Thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm” năm 1948

Câu 6: Sau khi giành được chính quyền, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác, giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt - Lào. Bạn hãy cho biết hai văn kiện này được ký vào thời gian nào?

Phương án 1: Tháng 9/1945

Phương án 2: Tháng 10/1945

Phương án 3: Tháng 10/1946

Câu 7: Lễ phát động “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022” được tổ chức khi nào, ở đâu?

Phương án 1: Ngày 8/1/2022, tại Thủ đô Viêng Chăn

Phương án 2: Ngày 8/1/2022, tại Thủ đô Hà Nội

Phương án 3: Ngày 10/1/2022, tại Thủ đô Viêng Chăn

Câu 8: Tết năm mới cổ truyền Bunpimay (Lễ hội té nước) của Lào diễn ra vào tháng nào trong năm?

Phương án 1: Tháng 3 dương lịch

Phương án 2: Tháng 4 dương lịch

Phương án 3: Tháng 5 dương lịch

Câu 9: Trong ảnh dưới đây là một công trình kiến trúc đã trở thành biểu tượng của đất nước Lào. Bạn hãy cho biết tên công trình này?


Phương án 1: Phra Keo

Phương án 2: Wat Sisaket

Phương án 3: That Luang

Câu 10: Mời bạn thưởng thức ca khúc dưới đây và cho biết tên ca khúc, người sáng tác và người biểu diễn ca khúc này?.

Phương án 1: Dùng dằng câu hát Lăm tơi; sáng tác: Minh Quang; biểu diễn: Tấn Minh

Phương án 2: Anh lính tình nguyện và khúc hát Lăm tơi; sáng tác: Hoàng Thành; biểu diễn: Việt Hoàn

Phương án 3: Cô gái Sầm Nưa; sáng tác: Trần Tiến; biểu diễn: Quốc Hưng

 Theo BHT 

Link gốc: https://baohatinh.vn/xay-dung-dang/thi-sinh-ha-tinh-gianh-giai-ba-tuan-1-cuoc-thi-tim-hieu-lich-su-quan-he-dac-biet-viet-nam-lao/233461.htm


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện