Tự hào những miền quê anh hùng
Nhịp sống mới trên những vùng quê cách mạng phía Nam Hà Tĩnh
Đền Phương Giai - nơi diễn ra Đại hội thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh và là trụ sở làm việc của Huyện ủy Kỳ Anh trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tìm về đền Phương Giai (thôn Phương Giai, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh), chúng tôi được biết, nơi đây từng diễn ra Đại hội thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh và là trụ sở làm việc của Huyện ủy Kỳ Anh trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh thành lập cuối tháng 3/1930. Ngay sau đó, được sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã cử đồng chí Trần Hưng về Kỳ Anh vận động thành lập Đảng bộ huyện vào. Sau khi tìm hiểu tình hình, đồng chí Trần Hưng đã chọn một số đồng chí tiên tiến trong Đảng Tân Việt để kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đồng chí Bùi Thị, Nguyễn Tiến Liên, Nguyễn Trọng Bình được phát triển thành đảng viên mới.
Ông Nguyễn Tiến Chưởng (bên trái) và Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc Phạm Đình Tùng cùng ôn lại những trang sử hào hùng của mảnh đất Kỳ Bắc tại đền Phương Giai.
Trong thời gian ngắn, từ tháng 3 - 5/1930, ở Kỳ Anh đã có 7 chi bộ và 42 đảng viên. Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ cấp bách, ngày 4/6 năm 1930, Ban vận động thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu các chi bộ, đền Phương Giai được chọn làm địa điểm hội nghị.
Tại đây, Đại hội thành lập huyện Đảng bộ Kỳ Anh đã được tiến hành và đã bầu ra Ban Chấp hành huyện Đảng bộ Kỳ Anh gồm 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Tiến Liên là Bí thư. Trong cao trào 1936 - 1939; 1939 - 1945, tại đền Phương Giai cũng đã diễn ra nhiều cuộc họp của Việt Minh bàn chủ trương sách lược đấu tranh cách mạng, là cơ sở chỉ đạo khâu tiếp quản của Nhân dân trong giành chính quyền của cách mạng tháng 8/1945 ở khu vực Bắc huyện Kỳ Anh.
Rời xã Kỳ Bắc, chúng tôi xuôi về phía Nam, đến với miền quê cách mạng Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh). Theo lịch sử đảng bộ phường, trong những ngày diễn ra Cánh mạng Tháng 8, đồng chí Nguyễn Trọng Nhã - cán bộ Việt Minh tỉnh đã vào chỉ đạo khởi nghĩa ở Kỳ Anh, giúp Nhân dân giành lại chính quyền, xoá bỏ chế độ thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng.
Đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Kỳ Phương cũng là địa phương chịu sự tàn phá của bom Mỹ bởi nơi đây có tuyến đường giao thông huyết mạch của ta chi viện miền Nam, lại gần với Đèo Ngang nên địch tập trung đánh phá.
Dù khó khăn, nguy hiểm nhưng Đảng bộ và Nhân dân vẫn dũng cảm chiến đấu, kiên cường bám đồng, bám biển, bám đường sản xuất, bảo đảm đời sống và chi viện cho chiến trường. Tiêu biểu là Tiểu đội dân quân gái được thành lập ngày 3/4/1968, gồm 9 người do bà Tưởng Thị Diên làm Tiểu đội trưởng. Tiểu đội được trang bị 4 khẩu trung liên, còn lại bằng tiểu liên, súng trường để trực chiến và cơ động bắn máy bay địch dọc bờ biển, trục đường Quốc lộ 1A, nhất là phía bắc Đèo Ngang.
Bức ảnh kỷ niệm của 9 thành viên Tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương.
Suốt 180 ngày đêm chiến đấu liên tục, Tiểu đội đã đánh 170 trận lớn nhỏ, độc lập bắn rơi 3 máy bay Mỹ và hợp đồng với đơn vị bạn bắn rơi nhiều chiếc khác. Đặc biệt, trong trận đánh ngày 23/10/1968, vì bị lộ, địch bắn rốc két vào đội hình gây thương tích, phải di chuyển nhưng chị em vẫn kiên cường chiến đấu bắn rơi tại chỗ một máy bay. Giặc lái nhảy dù, trực thăng đến cứu, đơn vị vừa bắn máy bay vừa tiêu diệt tên giặc lái, bảo vệ an toàn các mục tiêu, trận địa pháo cao xạ, pháo bờ biển.
Miền quê mới đầy sức sống
Niềm tự hào về mùa thu cách mạng năm 1945, về những tháng ngày chiến đấu chống Mỹ gian khổ là động lực để chính quyền và Nhân dân Kỳ Bắc, Kỳ Phương tiếp tục công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương ngày hôm nay.
Gan góc trong những ngày tháng chiến tranh, mạnh mẽ quyết đoán trong lao động, xây dựng nông thôn mới, Kỳ Bắc đã vươn mình trở thành miền quê đáng sống. Ông Nguyễn Tiến Chưởng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử huyện Kỳ Anh cho biết, nay chứng kiến quê hương ngày một đổi mới, ông không giấu nổi niềm vui. Ông mong muốn quê hương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, biến khó khăn thành hành động, để tiếp tục đưa địa phương phát triển hơn nữa.
Phát huy truyền thống cách mạng, chính quyền và Nhân dân xã Kỳ Bắc luôn nỗ lực đưa địa phương phát triển giàu mạnh hơn.
Ông Phạm Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc cho biết, địa phương là cửa ngõ phía Bắc của huyện, tiếp giáp với xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Vượt qua những khó khăn thuở “trứng nước”, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân xã nhà đang tập huy động mọi nguồn lực để xây dựng NTM và các mô hình kinh tế, hình thành sản phẩm OCOP…
Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 25 mô hình kinh tế, hơn 100 vườn mẫu, hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, giao thương thuận lợi, đời sống người dân ngày càng được cải thiện rõ nét.
Tại phường Kỳ Phương, trong gió heo may của chớm thu, đi trên những con đường giao thông được bê tông hóa phẳng lì, nhà cửa cao thấp san sát, đường hoa rực rỡ… tôi cảm nhận rõ từng luồng sinh khí mới của vùng quê cách mạng này.
Bà Tưởng Thị Diên (bên phải ảnh) cùng đồng đội là bà Trần Thị Lan vui mừng với những đổi thay của Kỳ Phương ngày hôm nay.
Chúng tôi ghé thăm nhà của bà Tưởng Thị Diên - Tiểu đội trưởng Tiểu đội dân quân gái năm xưa tại TDP Hồng Sơn, phường Kỳ Phương. Sau những phút giây bồi hồi nhớ về những tháng ngày chiến đấu gian lao mà anh dũng, bà Diên chia sẻ với chúng tôi niềm vui, tự hào vì miền quê gian khó nay đã bừng sáng.
“Nhìn thấy quê hương đổi mới, ngày càng phát triển, tôi rất vui mừng. Bởi mảnh đất này đã phải chịu nhiều bom đạn cũng như sự tán phá ác liệt của kẻ thù. Những con đường mới, nếp sống mới, kinh tế ngày càng đi lên… đã thể hiện ý chí kiên cường, vượt lên gian khổ của người dân Kỳ Phương” - bà Diên phấn khởi chia sẻ.
Phường Kỳ Phương ngày càng trù phú, văn minh, hiện đại.
Dẫn chúng tôi thăm từng cụm dân cư trù phú, Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương Lê Văn Chương tự hào cho biết: trên địa bàn phường hiện có 11 doanh nghiệp, 1 HTX, 12 xưởng cơ khí và 180 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, buôn bán. Người dân trong độ tuổi lao động chủ yếu làm việc ở Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và xuất khẩu lao động, mức thu nhập từ 5 - 15 triệu đồng/tháng. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, nông lâm, ngư nghiệp phát triển tương đối nhanh. Đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân được nâng cao, việc xây dựng văn minh đô thị được triển khai đồng bộ, thiết thực...
Các vùng quê cách mạng phía Nam Hà Tĩnh ngày nay đang bừng lên sức sống mới. (Trong ảnh: Một góc của Thị xã Kỳ Anh).
Có lẽ, sự tàn khốc của bom đạn, sự hy sinh của các bậc cha anh đã "rọi sáng” lý tưởng, khát vọng vươn lên cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân xã Kỳ Bắc, phường Kỳ Phương nói riêng và các vùng quê cách mạng phía Nam tỉnh nhà nói chung để từ đó, họ cùng nhau đoàn kết, dựng xây những miền quê mới đầy hương sắc của bình yên, ấm no, hạnh phúc.
* Bài viết sử dụng tư liệu của Bảo tàng Hà Tĩnh và cuốn Lịch sử đảng bộ xã Kỳ Phương tập 1 (1945 – 2012).
Theo BHT
Link gốc: https://baohatinh.vn/xa-hoi/nhip-song-moi-tren-nhung-vung-que-cach-mang-phia-nam-ha-tinh/236966.htm
Thêm ý kiến góp ý