Vườn cam trĩu quả, sắp đến kỳ thu hoạch của anh Thái Vinh Quang (SN 1977) ở thôn Tân Hoa, xã Kim Hoa.
Đến thăm vườn cam trĩu quả, sắp đến kỳ thu hoạch của anh Thái Vinh Quang (SN 1977) ở thôn Tân Hoa, xã Kim Hoa, ấn tượng ban đầu của chúng tôi về anh Quang là một người nông dân, đồng thời cũng là một trưởng thôn ham học hỏi, miệng nói, tay làm, nhạy bén trong phát triển kinh tế gia đình.
Với tinh thần học và làm theo gương Bác từ những việc làm nhỏ nhất, anh Quang luôn chú trọng phát triển 3 ha cam của gia đình theo hướng bền vững. Đồng thời, anh cũng tích cực tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật để chủ động tăng năng suất, chất lượng cây cam.
Anh Quang cho biết, gia đình anh trồng cam đã gần 18 năm nay, ban đầu vườn cam chỉ có hơn 1 ha, nhưng đến năm 2011, diện tích ấy đã tăng gấp 3 lần.
Với tinh thần học và làm theo gương Bác từ những việc làm nhỏ nhất, anh Quang luôn chú trọng phát triển 3 ha cam của gia đình theo hướng bền vững.
Nhờ năng động, sáng tạo, sớm tiếp cận với khoa học kỹ thuật nên vào tháng 6/2021, anh Quang đã mạnh dạn đăng ký lắp đặt trạm giám sát nông nghiệp thông minh cho 3 ha cam của gia đình từ chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Sau khi áp dụng công nghệ mới vào chăm sóc cam đã giúp gia đình anh Quang đỡ tốn công lao động, không phải thuê nhân công nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí, sản lượng cam tăng khoảng 30% so với phương thức chăm sóc truyền thống.
“Năm 2021, khi sử dụng trạm giám sát nông nghiệp thông minh cho vườn cam đã giúp chúng tôi thu hoạch gần 40 tấn cam, sau khi trừ các chi phí, thu lãi hơn 250 triệu đồng. Riêng mùa cam năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ thu hoạch được hơn 40 tấn, năng suất, chất lượng đảm bảo” - anh Quang nói.
Sau khi áp dụng công nghệ mới vào chăm sóc cam đã giúp gia đình anh Quang đỡ tốn công lao động, giúp tăng hiệu quả kinh tế qua từng vụ.
Không chỉ là một người nông dân giỏi, tích cực học hỏi, mạnh dạn đổi mới sản xuất, anh Quang còn là một trưởng thôn năng nổ, nhiệt huyết.
Anh Quang chia sẻ: “Đảm nhận vai trò trưởng thôn đã 3 năm, cũng là một đảng viên, tôi ý thức được bản thân phải luôn nêu gương, đi đầu, học Bác từ những đức tính cần cù, giản dị, để từ đó giúp người dân trong thôn mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu”.
Được biết, với vai trò trưởng thôn của mình, anh Quang đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm, phương thức sản xuất để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa… Anh cũng học tập theo gương Bác, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”… cùng chính quyền địa phương xây dựng, phát triển quê hương.
Những đồi cam xanh mướt của nông dân xã Kim Hoa.
Ông Phan Trọng Nam - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Hoa cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh việc tuyên truyền học và làm theo gương Bác gắn với thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động của địa phương tới các hội viên. Từ đó, xuất hiện những nông dân không chỉ gương mẫu học tập và làm theo gương Bác mà còn tích cực tuyên truyền, vận động để người thân và cộng đồng cùng làm theo như ông Ngô Xuân Linh, Phạm Ngọc Thưởng, Thái Vinh Quang…”.
Chị Nguyễn Thu Hiền (SN 1980, trú tại thôn 7, xã Sơn Giang) là một trong những điển hình của địa phương trong phát triển kinh tế ở Hương Sơn.
Có một thời gian tham gia vào công tác xã hội của địa phương, hiện là hội viên Hội Nông dân xã Sơn Giang, chị Nguyễn Thu Hiền (SN 1980, trú tại thôn 7, xã Sơn Giang) đã được tham gia không ít các hội nghị, chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Từ đó, chị Hiền nhận thức được việc học Bác là học những điều nhỏ nhất, hành động bằng những việc làm cụ thể để chăm lo phát triển kinh tế. Với suy nghĩ đó, đầu năm 2017, chị Hiền đã quyết tâm xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh nhung hươu Hiền Ngọc nhằm nâng tầm đặc sản quê hương bằng sự lao động sáng tạo của mình.
Học Bác từ những điều nhỏ nhất đã giúp chị Hiền thành công khi bắt tay vào kinh doanh và chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu.
Theo đó, năm 2017, chị Hiền cùng chồng là anh Nguyễn Văn Ngọc (SN 1976) đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu.
Đến đầu năm 2019, chị Hiền đã đăng ký tham gia tập huấn kiến thức, làm hồ sơ đưa thương hiệu nhung hươu Hiền Ngọc trở thành sản phẩm OCOP. Với nhiều nỗ lực, học hỏi nâng cao chất lượng sản phẩm, cuối năm 2019, 4 sản phẩm rượu nhung hươu, nhung hươu khô thái lát, nhung hươu khô tán bột và nhung hươu tươi của cơ sở sản xuất, kinh doanh nhung hươu Hiền Ngọc đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Được biết, trung bình mỗi năm, cơ sở của chị Hiền đạt doanh thu trên 12 tỷ đồng, cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng và tạo việc làm cho 5 lao động với với mức lương 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Các sản phẩm được chế biến từ nhung hươu của cơ sở sản xuất kinh doanh nhung hươu Hiền Ngọc.
Những năm qua, thành quả từ các phong trào, nội dung thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân huyện Hương Sơn đã cụ thể hóa việc học và làm theo Bác. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện đã hình thành được 13 mô hình kinh tế mới, luỹ kế đến nay có 1.725 mô hình kinh tế; thành lập mới 31 doanh nghiệp; toàn huyện có 89 hợp tác xã, 361 tổ hợp tác, 566 doanh nghiệp...
Ông Phan Văn Khanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn cho biết: “Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các hội viên hội nông dân đã cụ thể hóa việc học và làm theo Bác, tạo sự chuyển biết mạnh mẽ trong nhận thức và hành động. Không những tích cực phát triển kinh tế gia đình, nhiều hội viên còn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu hay góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới ở quê hương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc học và làm theo Bác tới các hội viên một cách sâu rộng, thiết thực, hiệu quả hơn”.
Theo BHT
Link gốc: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/nong-dan-huong-son-hoc-va-lam-theo-bac-de-phat-trien-kinh-te/237442.htm
Thêm ý kiến góp ý