Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Giám sát việc triển khai cải cách hành chính tại các địa phương, đơn vị của Hà Tĩnh

  

09:15 20/04/2023

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các ngành, địa phương Hà Tĩnh tập trung cao cho công tác cải cách hành chính, nhất là đối với nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 19/4, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp; công bố Chỉ số CCHC năm 2022 (PAR Index) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2022 (SIPAS).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì tại điểm cầu Trung ương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã báo cáo tình hình thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật 17.830 quy định hiện hành, 149 quy định dự kiến ban hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật.

Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách các quy định kinh doanh thông qua việc thiết lập kênh tương tác 2 chiều với cơ quan Nhà nước trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Đến nay, đã có 153 quy định kinh doanh dự kiến ban hành tại 29 dự thảo văn bản QPPL và 50 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh được tham vấn người dân, doanh nghiệp trên cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.


Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Trong công tác chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính, các bộ, ngành đã đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; gắn việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình thực thi nhiệm vụ, tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đến nay, đã có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả theo đúng quy định, tăng 4 lần so với tháng 9/2022.

Đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở khai thác, tái sử dụng dữ liệu để căt giảm, đơn giản hóa TTHC, giúp việc thực hiện TTHC của người dân, doanh nghiệp được thuận lợi, đơn giản, thực chất. Đến nay, đã có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử thành hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tăng cường công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước.


Điểm cầu Hà Tĩnh.

Đề án 06 được triển khai đã giúp tạo đột phá trong phát triển công dân số, phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và chỉ đạo, điều hành các cấp. Đến nay, đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử cho công dân; kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị đã phân tích, nhìn nhận những hạn chế như: TTHC trên nhiều lĩnh vực còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu; việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm; việc ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC và chỉnh sửa hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; các hệ thống CNTT chưa đồng bộ, hiệu quả và mức độ sẵn sàng về ứng dụng CNTT giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều…

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố Chỉ số CCHC năm 2022 (PAR Index) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2022 (SIPAS).

Về chỉ số PAR Index năm 2022, ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu với 90,1 điểm; về chỉ số SIPAS năm 2022, tỉnh Quảng Ninh cũng xếp vị trí thứ nhất trong 63 tỉnh, thành với 87,59%.

Đối với Hà Tĩnh, qua đánh giá của Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ, chỉ số PAR Index năm 2022 đạt 85,95 điểm, giảm 20 bậc so với năm 2021, đứng thứ 28 cả nước và thứ 4 của Bắc Trung bộ (sau Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế).

Về chỉ số SIPAS năm 2022, Hà Tĩnh đạt 84,37%, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành, giảm 2 bậc so với năm 2021 và xếp thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, sau tỉnh Thanh Hoá.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số qua đó phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, đề nghị trong thời gian tới, các cấp, ngành cần phát huy tối đa vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng thời, bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương trong CCHC để thực hiện có hiệu quả; tăng cường công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác CCHC; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ, các ngành, giữa trung ương và địa phương; tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, kịp thời các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác CCHC, nhất là ở cơ sở; chú trọng công tác truyền thông nhất là truyền thông về chính sách, các quy định mới để người dân, doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện.

Các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền; tăng cường tham vấn, tương tác với các nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp để xây dựng, ban hành chính sách sát thực tế, có tính khả thi cao; đẩy nhanh rà soát, thực thi các nghị quyết về chuyên đề liên quan đến CCHC; xây dựng khung chỉ số để phục vụ quá trình điều hành CCHC gắn chuyển đổi số; khẩn trương đề xuất nguồn lực đầu tư hạ tầng cho công tác chuyển đổi số; đẩy mạnh CCHC trong nội bộ.

Căn cứ vào kết quả chỉ số PAR Index và SIPAS năm 2022, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng đánh giá, rút ra ưu điểm, hạn chế để có các giải pháp điều chỉnh, khắc phục kịp thời; rà soát, hoàn thiện quy trình các dịch vụ công trực tuyến; UBND các tỉnh, thành nghiên cứu, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về CCHC cho người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, trong thời gian qua, tỉnh đã nhận được kết quả xếp hạng 4 chỉ số do Trung ương xếp hạng cho các tỉnh, thành. Trong đó, Chỉ số PCI có sự tăng trưởng; Chỉ số PAPI và Chỉ số SIPAS dù giảm bậc, song vẫn nằm trong tốp 10; Chỉ số PAR Index giảm mạnh từ thứ 8 xuống thứ 28, giảm 20 bậc so với năm 2021, trong đó, chỉ số thành phần về xây dựng chính quyền điện tử bị giảm rất sâu.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các ngành, địa phương tập trung cao cho công tác CCHC.

Đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo CCHC tỉnh hết sức tập trung cho công tác CCHC, nhất là đối với việc xây dựng chính quyền điện tử. Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác CCHC tại các địa phương, đơn vị, lấy tiêu chí này làm thước đo hiệu quả và công tác thi đua.

 Theo BHT 

Linkgốc:https://baohatinh.vn/chinh-quyen/giam-sat-viec-trien-khai-cai-cach-hanh-chinh-tai-cac-dia-phuong-don-vi-cua-ha-tinh/247333.htm


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện