Đánh giá khách quan chỉ số cải cách hành chính, lấy đó là một trong những tiêu chí thi đua, xếp loại cuối năm
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì hội nghị.
Sáng 6/9, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị trực tuyến đến các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC 9 tháng, triển khai nhiệm vụ quý IV.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải - Trưởng BCĐ Cải cách hành chính tỉnh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Cải cách hành chính tỉnh chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự tại điểm cầu Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh.
CCHC góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy
Từ đầu năm đến nay, với sự chủ động, linh hoạt, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, kết quả công tác CCHC đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp.
Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo báo cáo kết quả CCHC từ đầu năm đến nay.
Năm 2023, Hà Tĩnh đã được Chính phủ giao 133 nhiệm vụ, đến nay, đã hoàn thành 39 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 29,32%; số nhiệm vụ còn lại đang trong hạn xử lý. Tiếp tục triển khai và áp dụng có hiệu quả các mô hình, sáng kiến, giải pháp mới trong CCHC. Tính đến nay, đã có 80 mô hình sáng kiến, giải pháp của các cơ quan, đơn vị, địa phương đăng ký để theo dõi, xây dựng, áp dụng và nhân rộng.
Trong công tác cải cách thể chế, Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng quy định các văn bản quy phạm pháp luật ở ba cấp.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến cấp huyện và cấp xã. Ảnh: Điểm cầu tại huyện Kỳ Anh.
Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được đôn đốc, chỉ đạo kịp thời. UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, đơn giản tối đa các TTHC, đặc biệt là các TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp; chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã ngày càng được nâng cao.
Công tác cải cách tổ chức bộ máy tiếp tục được tăng cường. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt, đạo đức công vụ, trách nhiệm xử lý công việc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng cao.
Giám đốc Sở TT&TT Đậu Tùng Lâm kiến nghị một số nội dung liên quan đến phát triển chính quyền số và chính quyền điện tử.
Trong xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, đến nay, Hà Tĩnh đã hoàn thiện thể chế để triển khai. Hệ thống các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được duy trì, bảo đảm phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước của các ngành, địa phương; 100% cơ quan Nhà nước có hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành được ứng dụng và phát huy hiệu quả cao; 100% UBND cấp huyện có các hệ thống phần mềm chuyên ngành cho các lĩnh vực.
Cùng với những kết quả đạt được, hội nghị cũng đã nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trên từng lĩnh vực, địa bàn và phân tích nguyên nhân, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác CCHC năm 2023.
Tập trung cao, vào cuộc quyết liệt thực hiện CCHC
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải khẳng định, với sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành nên lĩnh vực CCHC trong 8 tháng năm 2023 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải yêu cầu các ngành, địa phương tập trung cao cho công tác CCHC.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công tác CCHC có vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành có sự tập trung cao, vào cuộc quyết liệt, trong đó, cần phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong khắc phục các tồn tại, yếu kém thời gian qua. Đánh giá khách quan chỉ số CCHC, lấy kết quả đó là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua, xếp loại cuối năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và đánh giá cán bộ, người đứng đầu.
Các đơn vị, địa phương tập trung cao cho công tác giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án 06; đẩy mạnh công tác thanh tra công vụ, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức tại cơ sở, nhất là tình trạng sách nhiễu, phiền hà, gây mất niềm tin trong Nhân dân.
Đồng thời, tăng cường bám nắm cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hướng dẫn tháo gỡ kịp thời các vướng mắc cho người dân, nhất là trong lĩnh vực đất đai; người đứng đầu các đơn vị, địa phương cần chủ động niêm yết, công khai số điện thoại để tiếp nhận kịp thời những phản ánh của người dân; rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban để tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tiếp tục đưa công tác chuyển đổi số đi sâu vào đời sống; chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình, cách làm hay trong công tác CCHC.
Theo BHT
Link gốc: https://baohatinh.vn/chinh-quyen/danh-gia-khach-quan-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-lay-do-la-mot-trong-nhung-tieu-chi-thi-dua-xep-loai-cuoi-nam/253826.htm
Thêm ý kiến góp ý