Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế

  

14:45 01/12/2023

Phong trào “Phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên, phụ nữ tại các xã, huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Qua phong trào này, nhiều chị em phụ nữ đã vượt qua khó khăn, tự tin, mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ngày càng khẳng định vị trí của mình trong gia đình và xã hội.


Sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh

Trong đó cái tên Võ Thị Hồng Soa, thôn Văn Khang, xã Tùng Châu, huyện Đức Thọ. Hiện đang là tổ trưởng Hợp tác xã (HTX) Soa Thắng với ngành nghề sản xuất dầu lạc, vừa đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh hỗ trợ giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình sản xuất dầu lạc Soa Thắng được thành lập từ một mô hình nhỏ lẻ vào năm 2017, đến năm 2018, chủ mô hình được mời tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp của Hội liên hiệp phụ nữ các cấp, đến năm 2021 chị Võ Thị Hồng Soa chủ mô hình mới thành lập HTX với 12 thành viên, chị Soa làm tổ trưởng. Hiện mô hình đang giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Chị Võ Thị Hồng Soa cho biết: Mô hình của tôi thành lập từ năm 2017. Đến năm 2021, với sự đồng hành, hỗ trợ của Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh và huyện, tôi bắt đầu mở rộng quy mô nhà xưởng, mua sắm máy móc trang thiết bị và thành lập HTX với 12 thành viên. Sau 1 năm mở rộng sản xuất, tổ hợp tác của tôi đã thu mua và chế biến được gần 50 tấn lạc củ, tạo doanh thu gần 2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.

Hỏi về ý tưởng sản xuất dầu lạc tại địa phương, chị Soa chia sẻ: Nhận thấy dầu lạc đang được ưa chuộng, tôi đã nung nấu ý tưởng sản xuất dầu lạc, vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn, vừa bao tiêu sản phẩm cho bà con. Khi đã lên ý tưởng là tôi thực hiện, bước đầu có thách thức về vốn, kiến thức, kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhưng với phẩm chất cần cù, tinh thần vượt khó cùng sự hỗ trợ, tiếp sức từ các chương trình, đề án, của tổ chức Hội tôi đã vượt qua khó khăn.

Bà Trần Thị Thùy Nhung - Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Đức Thọ, thông tin: Tại địa phương có nhiều mô hình đã phát huy tính năng hiệu quả cao như làm vườn, trồng cây ăn quả, ép dầu lạc, làm bánh gai, chăn nuôi... trong đó sản phẩm dầu lạc Soa Thắng, năm 2021 đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và được LHPN tỉnh hỗ trợ giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Mô hình không chỉ quảng bá được thương hiệu, mà đang giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.


Mô hình nuôi ong của chị Phan Thị Phương Thảo hơn 300 đàn

Từ phong trào “Phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế” chúng tôi tìm về xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, để chiêm ngưỡng hàng trăm đàn ong lấy mật của chị Phan Thị Phương Thảo (sinh năm 1986), đang là nhân viên thư viện - thiết bị của Trường Tiểu học An Hòa Thịnh.


Chị Thảo cho biết: Đây là xã miền núi nên việc nuôi ong là lợi thế ban đầu về nguồn thức ăn phong phú, năm 2017, tôi bắt đầu nuôi ong với mục đích lấy mật phục vụ nhu cầu gia đình. Trong quá trình nuôi ong trở thành một niềm đam mê lúc nào không hay, đây là nghề “tay ngang” nhưng đến nay nó cũng là thu nhập chính.

Hiện, mô hình nuôi ong của chị Thảo có hơn 300 tổ ong, để đảm bảo môi trường cho ong phát triển, chị cũng thuê 3 công nhân làm việc thường xuyên với mức thu nhập là 6 triệu đồng/người/tháng.

Theo chị Thảo, mô hình nuôi ong cho thu hoạch khoảng 300 lít mật/tháng (giá bán 200.000 đồng/lít) và 200 hộp sữa ong chúa (mỗi hộp bán với giá 150.000 đồng). Tính bình quân, mỗi tháng, mô hình nuôi ong của chị Thảo cho doanh thu khoảng 90 triệu đồng. Bên cạnh đó, chị Thảo còn làm dịch vụ bán ong chúa, đàn ong giống và dụng cụ nuôi cho những hộ dân có nhu cầu. Tính ra, mỗi năm, gia đình chị đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng từ nghề nuôi ong.


Để đàn ong phát triển nhanh phải tạo dèo ông nhân tạo, chị Thảo chia sẻ

Bà Nguyễn Thị Hương Giang - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, cho biết: Mô hình nuôi ong của chị Thảo được triển khai đầu tiên do Hội LHPN xã phát động. Sau nhiều năm dày công chăm sóc, tâm huyết đầu tư đã cho hiệu quả tốt, trở thành mô hình nuôi ong lớn nhất ở xã Sơn Châu. Quan trọng hơn, đây còn là địa chỉ để các hội viên và nhiều người dân có thể tiếp tục tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để đầu tư phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng.

Cùng với các chị, đã có rất nhiều tấm gương phụ nữ vượt khó làm kinh tế giỏi, như chị Lê Thị Kim Lương, chủ mô hình trồng cây ăn quả xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang; chị Nguyễn Thị Miện, Giám đốc HTX thu mua và chế biến thủy hải sản Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh; chị Võ Thị Hoài, chủ cơ sở chế biến thực phẩm sạch Hoài Võ, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc; chị Đinh Thị Tứ, chủ mô hình tổng hợp xã Hà Linh, huyện Hương Khê.

Để lan tỏa những tấm gương phụ nữ vượt khó làm kinh tế giỏi, cùng với sự nỗ lực vươn lên, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế của chị em thì vai trò đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ rất quan trọng.

"Các cấp Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh đã thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên phụ nữ, nhất là hội viên có hoàn cảnh khó khăn đang có ý tưởng khởi nghiệp để vận động, tạo điều kiện chị em tham gia phát triển kinh tế", bà Giang cho biết thêm.

BBT 


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện