Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Điều chỉnh thông tin thẻ căn cước là phù hợp, không tác động chi phí, tâm lý người dân

  

12:26 02/07/2023

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và không tác động đến chi ngân sách Nhà nước, chi phí của xã hội vì căn cước công dân (CCCD) được cấp trước ngày luật có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng; việc này cũng không tác động tâm lý người dân vì các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an vừa thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo gửi Quốc hội về dự kiến hướng tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với dự án Luật Căn cước. Đây là dự án luật sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào chiều mai, 22/6.

Theo đó, đa số ý kiến ĐBQH nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật Căn cước; việc bổ sung đối tượng là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là rất cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và có ý nghĩa nhân văn, bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc Việt Nam. Cạnh đó, một số ĐBQH đề nghị cân nhắc, rà soát và quy định cụ thể hơn để tránh xung đột với Luật Quốc tịch; có thể xem xét giải quyết bằng một nghị quyết của Quốc hội chứ không cần quy định trong luật...

Về vấn đề này, Chính phủ đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và thấy rằng, Luật Quốc tịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đều không điều chỉnh, quy định về quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam. Trong khi người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam là vấn đề đã tồn tại lâu nay ở nước ta, do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư... nhưng chưa có bất kỳ một văn bản luật nào giải quyết cơ bản, đầy đủ về vấn đề này.


Họ là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và phải được Nhà nước, xã hội thừa nhận. Họ có quyền tham gia giao dịch trong xã hội; tuy nhiên, do họ không có giấy tờ gì, chưa xác định được quốc tịch Việt Nam, không hộ chiếu, không căn cước nên thực tiễn rất khó khăn trong quản lý, hạn chế rất nhiều trong việc sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, tìm kiếm việc làm, học tập, hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội. Phần nhiều trong số họ là những người yếu thế (là người di cư, cư trú không ổn định, là người dân tộc thiểu số, là trẻ em, người nghèo, người sinh sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa…), đến nay, trải qua nhiều thế hệ (bao gồm cả con, cháu được sinh ra) đều không được pháp luật thừa nhận, bảo vệ.

Do vậy, để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng và thống nhất phải bổ sung ngay trong dự án Luật Căn cước quy định về quản lý đối với những người gốc Việt Nam; theo đó, sẽ thực hiện việc quản lý, cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, chứ không phải cấp thẻ căn cước như đối với công dân Việt Nam.

Sửa tên luật để bao quát, phù hợp, không làm thay đổi chính sách

Một số ĐBQH đề nghị cân nhắc việc sửa đổi tên dự thảo luật là Luật Căn cước do việc sử dụng cụm từ "CCCD" đã phổ biến; việc chỉ vì một nhóm nhỏ người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch mà phải thực hiện việc đổi tên luật và điều chỉnh nhiều vấn đề kèm theo là chưa phù hợp, gây tốn kém, lãng phí...

Điều chỉnh thông tin thẻ căn cước là phù hợp, không tác động chi phí, tâm lý người dân 

Cán bộ Công an tiến hành thủ tục cấp CCCD cho người dân.

Tuy nhiên, như Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, việc chỉnh lý tên gọi của dự án luật từ "Luật CCCD (sửa đổi)" thành "Luật Căn cước" là để bảo đảm tính bao quát, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật; việc điều chỉnh này không làm thay đổi các chính sách trong dự án luật và tác động đến các luật khác. Bên cạnh đó, tại Thông báo số 2236 ngày 25/4/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến thống nhất với việc sửa tên luật như trên.

Nhiều ĐBQH nhất trí với việc điều chỉnh thông tin thể hiện trên thẻ căn cước để bảo đảm quyền riêng tư của công dân, giải quyết vướng mắc khi sử dụng thẻ CCCD hiện nay. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cân nhắc việc đổi tên thẻ CCCD hoặc đề nghị giữ nguyên thẻ CCCD như hiện nay để bảo đảm tính ổn định, tránh lãng phí. Trên thẻ hiện nay có cả QR code và chip, đề nghị không sử dụng hai cái cùng lúc; tính bảo mật của QR code thấp, không nên sử dụng...

Về vấn đề này, Chính phủ khẳng định việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước là phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới hiện nay (Identicy Card – Thẻ căn cước hay thẻ nhận dạng cá nhân). Với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây. Do đó, việc đổi tên sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và không tác động đến tâm lý người dân vì các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, thẻ CCCD vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Điều 46 dự thảo luật cũng quy định rõ, CCCD đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ; khi người dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước; thẻ CCCD quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại luật này. Cho nên, việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách Nhà nước, chi phí của xã hội.

Hiện nay, Bộ Công an đã cấp số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam đủ điều kiện theo quy định và bảo đảm số định danh cá nhân được cấp cho từng công dân là duy nhất, không trùng lặp với nhau. Dự thảo luật quy định nơi đăng ký khai sinh là phù hợp, thống nhất với số định danh mà công dân đã được cấp. Do đó, không nhất thiết phải điều chỉnh thành nơi đăng ký khai sinh lần đầu. Bên cạnh đó, nếu để nơi sinh thì không phù hợp với số định danh cá nhân mà công dân đã được cấp, bởi thực tiễn hiện nay nhiều trường hợp có nơi sinh không phải là nơi đăng ký khai sinh (ví dụ như bệnh viện, trạm y tế, trẻ bị bỏ rơi, mồ côi...).

Đối với việc tích hợp cả QR code và chip trên thẻ nhằm tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và quy định về bỏ vân tay trên bề mặt thẻ nhằm để bảo đảm tính bảo mật cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ. Các thông tin về sinh trắc học, trong đó có vân tay đã được tích hợp và lưu trữ đầy đủ trong bộ phận lưu trữ. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên như dự thảo luật.

Tích hợp thông tin vào thẻ căn cước là khả thi và tương đồng nhiều nước

Về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ khác nhau do cơ quan Nhà nước cấp; gây khó khăn nhất định cho công dân trong bảo quản, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta.

Do vậy, việc dự thảo Luật Căn cước bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước; thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước là rất cần thiết. Quy định này sẽ giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

Qua nghiên cứu mẫu thẻ căn cước của nhiều nước trên thế giới thì nhiều nước đã thực hiện tích hợp các thông tin khác của người dân vào thẻ căn cước như: Thẻ căn cước ở Malaysia còn đóng vai trò là bằng lái xe, thẻ ATM, ví điện tử, thẻ chữ ký số PKI, thẻ thanh toán trong một số ứng dụng khác; thẻ căn cước ở Ấn Độ còn tích hợp thông tin về bằng lái xe, dùng để thanh toán dịch vụ giao thông công cộng... và được tích hợp với ứng dụng di động. Thẻ căn cước ở Tây Ban Nha tích hợp thông tin về giáo dục, giấy phép lái xe, thuế, bưu điện, thay thẻ cử tri...; đối với Thụy Điển, thẻ căn cước tích hợp thông tin sinh trắc học, chữ ký số và được sử dụng như hộ chiếu để đi lại trong khu vực Châu Âu.

Ở nước ta hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế, xây dựng đáp ứng cấp độ 4 về mức độ bảo đảm an toàn thông tin; đã kết nối với 13 bộ, ngành và 63 địa phương để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Do vậy, việc triển khai thực hiện tích hợp thông tin vào thẻ căn cước là hoàn toàn có tính khả thi và tương đồng với nhiều nước trên thế giới.

BBT


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện