Nông thôn mới và những trăn trở về gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa nông thôn
Khơi dậy đời sống văn hóa phong phú trên mỗi làng quê
Hơn 1 thập kỷ triển khai chủ trương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới - thời gian chưa phải là dài nhưng với sức mạnh đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã tạo nên những thành tựu vượt bậc, đưa lại nhiều giá trị to lớn, làm thay đổi diện mạo, chất lượng cuộc sống của người dân trên mỗi miền quê. Trong đó, cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt…
Những khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thịnh Lộc (Lộc Hà).
Đến Thịnh Lộc (Lộc Hà), một xã vùng biển ngang Hà Tĩnh hôm nay, đi trên những con đường nhựa, bê tông thoáng rộng, ngắm nhìn những khu dân cư NTM kiểu mẫu, nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao nhộn nhịp…, du khách sẽ rất khó hình dung làng quê ven chân sóng này của hơn 10 năm trước.
Khi đó, Thịnh Lộc được xem là một trong những xã nghèo nhất huyện Lộc Hà. Hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp. Cả xã không có nổi tuyến đường giao thông được bê tông hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa từ xã tới thôn vẫn còn lụp xụp, khu dân cư nhếch nhác với những con đường đất đầy cây dại ven đường… Nhưng nay, tất cả đã thay bằng một diện mạo mới.
Ông Lê Doãn Khánh – Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: “Địa phương bắt đầu thực hiện chủ trương xây dựng NTM vào năm 2011. Lúc đó, Thịnh Lộc là xã có điểm xuất phát thấp nhất trong huyện, với cơ sở hạ tầng gần như bằng 0. Thế nhưng, cùng với sự chỉ đạo của các cấp, ngành cấp trên, sự chung sức đoàn kết nỗ lực thực hiện của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, năm 2019, Thịnh Lộc về đích xã nông thôn mới. Đến nay, toàn xã đã cứng hóa bê tông, thảm nhựa được 46km đường giao thông nông thôn; trường tiểu học và trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế khang trang; 4/6 thôn đạt chuẩn khu dân cư mẫu. Đặc biệt, hệ thống thiết chế văn hóa từ cấp xã tới thôn đều được xây dựng đầy đủ, 6/6 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn văn hóa NTM. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 52,9 triệu đồng/người/năm”.
Ông Lê Doãn Khánh – Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc (thứ 3 từ trái qua) trao đổi với cán bộ các đoàn thể về thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở trên địa bàn.
Cùng với diện mạo khang trang, đời sống vật chất no ấm, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Thịnh Lộc cũng không ngừng được đẩy mạnh. Đến nay, toàn xã có 1784/1910 hộ gia đình văn hóa (đạt 93,4%); 1028/1910 hộ gia đình thể thao (đạt 53,8%); có 87 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu. Phong trào tập luyện thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ luôn sôi nổi; công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được chú trọng, toàn xã có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, hằng năm đều được trùng tu tôn tạo bằng các nguồn vận động xã hội hóa. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao...
Nhà văn hóa cộng đồng thôn Yên Điềm (Thịnh Lộc, Lộc Hà).
Ông Nguyễn Văn Chiến (70 tuổi, ở thôn Yên Điềm, Thịnh Lộc) chia sẻ: “10 năm trước, tôi chưa bao giờ nghĩ đến cuộc sống của mình sẽ có được như ngày hôm nay. Giờ không chỉ no ấm về vật chất, chúng tôi còn được hưởng thụ môi trường thôn, xóm khang trang sạch đẹp, có nhà văn hóa để thư giãn, giải trí, đọc sách, tập luyện thể thao… Cuộc sống hạnh phúc này có được là nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới”.
Không chỉ ở Thịnh Lộc, xây dựng nông thôn mới đã mang lại cho nhiều vùng quê khắp mọi miền Hà Tĩnh một diện mạo mới. Ở đó, bên cạnh đời sống vật chất, đời sống văn hóa của người dân đều được nâng lên một tầm cao mới.
Một góc khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Phú Lễ (xã Hương Trạch, Hương Khê) hôm nay.
Ông Nguyễn Hữu Sơn – Bí thư chi bộ thôn Phú Lễ (xã Hương Trạch, Hương Khê) cho biết: “Xây dựng NTM là cuộc cách mạng làm thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân thôn chúng tôi. Nhiều năm trước, người dân trong thôn chỉ biết đến công việc ruộng vườn, tối về thì tắt đèn ngủ sớm nhưng nay thì khác. Nhà văn hóa thôn, mỗi chiều lại nhộn nhịp người già, trẻ nhỏ tập luyện thể thao, phụ nữ tập dân vũ, đêm đến đèn điện chiếu sáng sắp các tuyến đường thôn, nhà nhà đều quan tâm đến việc học hành của con, cháu…”.
Đến hết tháng 8/2024, toàn tỉnh có 10/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 181/181 xã đạt chuẩn NTM; có 65/181 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 17/181 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt 49,23 triệu đồng (năm 2011 là 16,367 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,01% (năm 2011 là 23,91%).
Một góc nông thôn mới xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên).
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 1.905/1.937 thôn, tổ dân phố văn hóa; 354.732/377.691 gia đình văn hóa; 179/181 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (đạt tỷ lệ 98,8 %); 181/181 xã đạt tiêu chí văn hóa; 108/181 xã đạt tiêu chí văn hóa bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Riêng các nội dung xây dựng tỉnh nông thôn mới về văn hóa, thể thao và du lịch thì Hà Tĩnh đã có 100% di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh được bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị; 100% các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh được bảo tồn và phát huy hiệu quả.
Còn đó những trăn trở…
Tuy đã đạt những thành tựu to lớn nhưng việc xây dựng văn hoá nông thôn mới ở Hà Tĩnh đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần bàn luận.
Tuyến đường chính xã NTM kiểu mẫu Mai Phụ (Lộc Hà).
Vấn đề đầu tiên mà thực tiễn xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương trên toàn tỉnh đặt ra hiện nay là việc thái quá trong bê tông hoá đường làng, ngõ xóm, khuôn viên vườn nhà…, dẫn đến, không gian văn hoá làng quê truyền thống như: ao làng, giếng làng, cây đa, bến nước, sân đình…bị mất dần, nhiều giá trị văn hoá làng xã, giá trị văn hoá cổ truyền bị tổn thương, mai một, có nguy cơ mất hẳn.
Nhiều không gian kiến trúc của làng quê cổ truyền dần chuyển thành những khu đô thị, thị tứ nhỏ. Về nhiều vùng quê nông thôn mới hôm nay không còn thấy hình bóng thân thương của lũy tre làng, của cây cau, vườn trầu…. Một số làng quê, trưa nắng hè tìm một lùm cây để tránh nắng là điều không dễ. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc bảo tồn, duy trì các làng nghề truyền thống. Do vậy, cần xem xét lại việc bảo tồn không gian làng quê truyền thống trong xây dựng nông thôn mới.
Tình trạng bê tông hóa đường làng một cách thái quá đang ảnh hưởng đến việc bảo tồn không gian văn hóa truyền thống của làng quê Việt. Ảnh tư liệu
Xây dựng nông thôn mới đã giúp nhiều làng, xã có một hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao khá hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn thực trạng nhiều nhà văn hoá thôn ít mở cửa, một số sân vận động xã đầu tư tốn kém nhưng có tình trạng để hoang, các phòng chức năng trong nhà văn hoá xã chưa hoạt động thực chất… Thiết chế văn hoá, thể thao là cần thiết nhưng cần thiết hơn là hoạt động của các thiết chế đó, làm cho nó có hồn cốt của NTM. Xưa đình làng, chùa làng, cổng làng… để lại cho người quê dù xa quê lâu đến mấy vẫn không quên vì những hoạt động ở các thiết chế này như hội làng, tế lễ của làng. Ca dao, dân ca xưa của ông cha ta đã phản ánh rất sâu sắc điều này. Vì vậy phải làm sao cho các hoạt động của của các thiết chế văn hoá, thể thao hiệu quả, tránh hình thức, tránh xây dựng để đủ tiêu chí xét công nhận nông thôn mới.
Hiện nay, mặc dù đời sống văn hoá ở nông thôn không ngừng được nâng cao nhưng việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội nhiều nơi chưa nghiêm, còn xuất hiện sự lai căng trong ứng xử văn hóa, không đúng chuẩn theo thuần phong mỹ tục.
Xây dựng nông thôn mới cần bảo tồn không gian văn hóa làng Việt truyền thống như: cây đa, bến nước, sân đình. Trong ảnh: Trước đình làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, Can Lộc).
Văn hoá là sản phẩm của con người, luôn gắn bó với con người, do con người và vì con người, không thể tách khỏi yếu tố con người. Xây dựng văn hoá trong nông thôn mới cần bắt đầu từ nhận thức, hành động của người làm công tác văn hoá. Thực tế cho thấy, đội ngũ chuyên trách về công tác văn hóa ở cơ sở hiện vẫn quá mỏng và thiếu trình độ chuyên môn.
Khắc phục, giải quyết được những điều đã luận bàn trên thì sẽ "chạm đích" mục tiêu của xây dựng văn hoá nông thôn mới: đó là tạo nên một vùng sinh thái văn hoá mới cả về vật chất lẫn tinh thần trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống và tiếp thu, hội nhập văn hoá, văn minh đương đại.
" Để gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới, việc cải tạo vườn tạp, loại bỏ những loài cây không có giá trị kinh tế, sử dụng hiệu quả từng mét vuông đất là cần thiết. Tuy nhiên, các địa phương cần hướng dẫn người dân lựa chọn các giống cây phù hợp, có giá trị kinh tế, cảnh quan, ưu tiên cây ăn quả... Nên tổ chức trồng các loài cây cảnh, cây bóng mát mang tính bản địa như: cây đa, cây sanh, duối… trên các tuyến đường giao thông, tại các trung tâm văn hoá, giữ lại cây tre trên vùng đất trống. Bảo tồn phát huy cảnh quan làng quê truyền thống như: cây đa, bến nước, sân đình... Làm được như vậy sẽ có một nông thôn xanh đúng nghĩa.
Bên cạnh đó, cần coi trọng việc giáo dục tư tưởng, tình cảm, lối sống truyền thống, phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc trong cộng đồng dân cư. Đấu tranh loại bỏ lối sống thực dụng, lai căng buông thả trong một bộ phận thanh thiếu nhi nông thôn. Thông qua mạng xã hội, định hướng ủng hộ cái mới, cái đẹp, cái tiến bộ, tạo sức lan tỏa trong mọi mặt đời sống; phê phán những biểu hiện lệch lạc, phi văn hoá...
Ông Bùi Đức Hạnh
Nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh"
Theo BHT
Linkgốc:https://baohatinh.vn/nong-thon-moi-va-nhung-tran-tro-ve-gin-giu-phat-huy-gia-tri-van-hoa-nong-thon-post273801.html
Thêm ý kiến góp ý