Mỗi tuần, một lớp học chuẩn bị một câu chuyện về Bác và kể trước toàn trường, sau đó rút ra bài học từ chuyện kể trong cuộc sống, đó là mô hình được Trường THPT Lê Quảng Chí (thị xã Kỳ Anh) duy trì hiệu quả từ 3 năm học qua. Để chuẩn bị cho mỗi buổi trình diễn của lớp, cô trò cùng thảo luận tìm nội dung, cách thể hiện.
Em Nguyễn Thị Út Quyền - học sinh lớp 12A2 cho biết: "Đầu tuần qua, em vừa kể câu chuyện “Bác Hồ đến thăm người nghèo” trong buổi chào cờ của toàn trường. Đây là một trong hàng trăm câu chuyện em đã đọc, đã nghe về Bác. Em thấy từ ngày trường thực hiện mô hình kể chuyện về Bác, thư viện trường dù đã được bổ sung nhiều sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng nếu không đăng ký trước có khi không mượn được. Chúng em được nghe, được kể, lại càng kính yêu Bác và mong muốn tích lũy nhiều hơn những bài học mà Bác để lại cho muôn đời”.
Gắn với từng câu chuyện kể là phong trào “mỗi thầy cô là một tấm gương về đạo sức, lối sống” với nhiều giải pháp nêu gương được triển khai, trước hết là tấm gương của người đứng đầu - thầy giáo Nguyễn Tiến Hòa, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường với hàng chục năm gắn bó với nghề giáo. Các thầy cô giáo ở trường chia sẻ: chúng tôi học tập ở thầy hiệu trưởng tinh thần hy sinh, không ngại khổ, ngại khó; tình yêu nghề và trách nhiệm.
Tập trung con em vùng khó khăn (Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Nam) với gần 1.200 học sinh, từ điểm xuất phát thấp, với bàn tay chèo lái của thầy Nguyễn Tiến Hòa cùng đội ngũ giáo viên, Trường THPT Lê Quảng Chí đã phát triển vững chắc hơn 10 năm qua. Những năm gần đây, thực hiện việc học tập và làm theo gương Bác, chi bộ nhà trường triển khai bài bản việc thực hiện các bản cam kết đăng ký làm theo gương Bác gắn với nhiệm vụ cụ thể. Cùng đó, nhà trường xây dựng thang điểm đánh giá từng tuần, từng tháng đối với giáo viên, làm cơ sở để xếp loại và bình bầu những điển hình.
Thầy Nguyễn Xuân Cường - một trong những đảng viên hoàn thành xuất sắc những nội dung đăng ký học tập Bác cho biết: “Khi đăng ký những việc làm theo Bác, bản thân tôi đã luôn nhắc nhở mình phải phấn đấu cao nhất. Điều tôi vui là đã phát hiện, bồi dưỡng, hỗ trợ nhiều học sinh ở vùng khó khăn đạt thành tích cao trong học tập”.
Các chuyện kể và hành động của thầy cô đã lan tỏa tích cực trong học sinh. Nhờ đó, học sinh ngày càng có ý thức tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với cộng đồng; chất lượng giáo dục được nâng cao. Nhiều học sinh vươn lên đạt thành tích khá, giỏi, trong đó có những học sinh đặc biệt khó khăn giành thành tích xuất sắc như em Nguyễn Thị Nga (học sinh lớp 10 E) bố mất vì tai nạn giao thông, một mình mẹ nuôi 6 đứa con ăn học, đã đạt giải Nhì môn Sinh học kỳ thi học sinh giỏi tỉnh vừa qua.
Nga kể: “Đã nhiều lần em muốn nghỉ học để mẹ bớt gánh nặng nhưng lúc khó khăn nhất, em lại nhớ đến những câu chuyện về Bác và nhận được sự giúp đỡ, tình yêu thương của các thầy cô, các bạn. Từ đó, em lại tự đấu tranh để vượt qua gian khó để học tập, rèn luyện tốt hơn”.
Thêm ý kiến góp ý