Hà Tĩnh đẩy nhanh khôi phục sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới
Triển khai sản xuất ngay trên những vùng đất thuận lợi
Tranh thủ thời tiết nắng ấm và những vùng đất bãi bồi ven sông khô ráo, người dân Vũ Quang ra đồng gieo trỉa ngô
Những tia nắng cuối thu xua tan không khí ảm đạm do mưa lũ kéo dài với những thiệt hại rất lớn đối với nông dân Hà Tĩnh. Đây cũng là thời điểm thích hợp để người nông dân ra đồng, ra vườn cày xới đất đai, ủ phân và gieo trồng lại diện tích cây trồng vụ đông.
“Với lợi thế đất bãi bồi ven sông Ngàn Trươi thoát nước nhanh nên ngay sau khi lũ rút, đồng đất đã khô ráo, chúng tôi khẩn trương ra đồng làm đất, gieo trỉa lại ngô. Đây là nguồn thức ăn quan trọng cho gia súc trong những ngày đông sắp tới” – ông Nguyễn Văn Nam ở thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) cho hay.
Vụ đông 2020, huyện Vũ Quang phấn đấu xuống giống 450 ha ngô. Để kịp thời vụ và đảm bảo vụ mùa bội thu, ngay khi mưa lũ kết thúc, Phòng NN&PTNT huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung hướng dẫn người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung ra đồng gieo trỉa ngô vụ đông, quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất trước ngày 20/11.
Huyện Vũ Quang cũng đã hỗ trợ các địa phương 700 kg ngô giống để người dân kịp thời khôi phục những diện tích bị mưa lũ làm hư hại.
Nhân dân xã Thạch Liên (Thạch Hà) ra quân phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn.
Tại huyện Thạch Hà - địa phương có nhiều xã bị ngập lụt nặng trong đợt mưa lũ vừa qua, đến thời điểm này, 100% diện tích trồng rau, củ, quả trên cát (125 ha) tại các xã: Thạch Văn, Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Khê… đã được bà con ra đồng gieo trỉa các loại cây trồng phù hợp đất cát.
Cùng đó, những ngày qua, tại các xã: Nam Điền, Thạch Liên, Lưu Vĩnh Sơn… cũng đồng loạt ra quân triển khai phá bờ thửa nhỏ, hình thành những cánh đồng lớn để chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2021.
Việc phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. (Ảnh Thúy Quỳnh).
“Năm 2020, Thạch Hà đặt mục tiêu phá bờ thửa nhỏ, hình thành những cánh đồng lớn với tổng diện tích 350 ha. Những ngày qua, huyện đã chỉ đạo các địa phương huy động máy móc, nhân lực ra quân phá bờ vùng, bờ thửa nhỏ và đã hoàn thành trên 280 ha, phấn đấu cuối tháng 11 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch” – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà Lê Văn Thuận cho biết.
Vụ đông 2020, toàn tỉnh đặt kế hoạch gieo trồng 10.812 ha với các loại cây trồng chủ yếu là ngô lấy hạt, ngô sinh khối và rau các loại. Tuy vậy, 2 đợt mưa lũ vừa qua khiến hầu hết diện tích rau màu của người dân Hà Tĩnh từ đồng bằng đến miền núi bị thiệt hại nặng nề.
“Để khôi phục sản xuất hiệu quả, ngành nông nghiệp đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương ra đồng khơi thông mương máng, thoát nước làm khô đồng ruộng; tùy từng điều kiện cụ thể của đồng ruộng triển khai gieo trồng các loại cây trồng phù hợp. Quan điểm là gieo trồng lại nhưng phải đảm bảo hiệu quả, không làm theo phong trào” - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh Nguyễn Trí Hà cho hay.
Khôi phục vườn mẫu, khu dân cư mẫu
Ngay sau khi lũ rút, tranh thủ thời tiết nắng ấm, đất vườn bắt đầu khô ráo, các thành viên trong gia đình ông Đô đã ra vườn cày xới cải tạo đất, trồng lại các loại rau màu để đảm bảo ổn định sinh kế cho những ngày tới.
Khu vườn rộng hơn 500 m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Đô ở thôn Vĩnh Phúc, xã Quang Vĩnh (Đức Thọ) trong trận lụt cuối tháng 10 vừa qua bị ngập sâu hơn 1m. Toàn bộ cây rau màu như: cải, hành, ngò, đậu côve… đến kỳ thu hoạch bị ngập và hư hỏng hoàn toàn.
Ngay sau lũ rút, tranh thủ thời tiết nắng ấm, đất vườn bắt đầu khô ráo, các thành viên trong gia đình ông Đô đã ra vườn cày xới cải tạo đất, trồng lại các loại rau màu để đảm bảo ổn định sinh kế cho những ngày tới.
“Là vùng đất pha cát nên nước rút, vườn cũng khô ráo ngay. Toàn thôn chúng tôi mấy ngày qua đã ra vườn trồng lại các loại cây rau màu để vừa đảm bảo nguồn lương thực và khôi phục vườn mẫu, làm đẹp cảnh quan môi trường” - ông Đô cho biết.
Thôn Vĩnh Phúc được công nhận là khu dân cư NTM kiểu mẫu năm 2019. Do nằm ven sông La nên bên cạnh yếu tố bất lợi là thường xuyên bị lũ lụt thì hằng năm, thôn Vĩnh Phúc cũng được bồi đắp thêm nhiều phù sa. Đây là lợi thế để phát triển kinh tế vườn hộ, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Mặc dù bị lũ lụt tàn phá, nhưng ngay sau lũ, Nhân dân thôn Vĩnh Phúc đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu nâng cao trong năm 2020.
Hương Sơn phát động tháng cao điểm ra quân xây dựng NTM.
Đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có 564/1647 thôn bị ngập (chiếm 34% số thôn toàn tỉnh), trong đó có 195 thôn bị thiệt hại trên 30%, tổng thiệt hại ước tính khoảng 494 tỷ đồng. Trong số các thôn bị thiệt hại có 69 thôn đã đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (thiệt hại chủ yếu về vườn hộ, hàng rào xanh…).
Về vườn hộ, có 53.755 vườn bị thiệt hại, trong đó 11.474 vườn thiệt hại hoàn toàn. Trong số các vườn bị thiệt hại, có 1.466 vườn mẫu đã đạt chuẩn bị thiệt hại, trong đó có 922 vườn mẫu có khả năng bị tụt chuẩn.
Sau lũ lụt, nhiều địa phương đã ra quân khôi phục lại hệ thống hàng rào xanh, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Chánh Văn phòng NTM tỉnh Trần Huy Oánh cho biết, ngay khi xảy ra ngập lụt, Văn phòng NTM tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn khắc phục khu dân cư, vườn hộ; Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn xử lý nguồn nước sinh hoạt cho Nhân dân vùng lũ, đồng thời cử cán bộ xuống tận các địa phương để hướng dẫn thực hiện.
Đến nay, các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp để khôi phục như chăm sóc, cắt tỉa các loại cây ăn quả, hàng rào xanh; xử lý nước sinh hoạt... Một số địa phương đã chủ động triển khai hiệu quả, nhất là dọn dẹp, cải tạo vườn hộ, xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường... như: Đức Thọ, Lộc Hà, Vũ Quang, Thạch Hà...
Mặc dù đang có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, việc khôi phục sản xuất vụ đông gắn với xây dựng NTM đối với người dân vùng lũ Hà Tĩnh sẽ đạt kết quả cao nhất.
Theo Baohatinh.vn
Thêm ý kiến góp ý