Một góc xã Xuân Yên - địa phương được kỳ vọng đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021.
Nỗ lực vượt khó
Khép lại năm 2020, cơ cấu kinh tế huyện Nghi Xuân chuyển dịch theo hướng tích cực (nông, lâm, thủy sản chiếm 14,99%; công nghiệp - xây dựng chiếm 51,8%; thương mại - dịch vụ chiếm 33,21%); tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 210 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm qua của Nghi Xuân đạt 42,2 triệu đồng (bằng tiêu chí huyện NTM nâng cao).
Đặc biệt, huyện có thêm 1 xã về đích NTM nâng cao là Xuân Phổ. Các xã: Xuân Hồng, Đan Trường, Xuân Hải… đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, quyết tâm hoàn thành mục tiêu NTM nâng cao vào năm 2021, trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.
Lực lượng vũ trang huyện Nghi Xuân giúp xã Xuân Hồng làm nhà văn hóa thôn 2. Ảnh tư liệu
Nhìn lại chặng đường gần 10 năm xây dựng NTM, Đảng bộ và người dân Nghi Xuân có quyền tự hào về những gì đã đạt được. Nghi Xuân đã trở thành “miền quê đáng sống”, thu hút du khách thập phương đến trải nghiệm, tham quan. Hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Quy mô sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; giáo dục, y tế, môi trường từng bước đáp ứng nhu cầu của Nhân dân theo hướng bền vững.
Ông Lê Thanh Bình - Phó Chánh Văn phòng NTM huyện Nghi Xuân cho biết: “Nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhờ linh hoạt và năng động trong việc chọn các giải pháp huy động nguồn lực, toàn huyện đã huy động được gần 2.790 tỷ đồng làm mới 120 km đường trục xã, gần 200 km đường trục thôn; nâng cấp, làm mới 186 km kênh mương thủy lợi và nhiều công trình khác”.
Mục tiêu hoàn thành NTM kiểu mẫu vào năm 2025
Xã Xuân Hồng - địa phương đầu tiên của huyện Nghi Xuân phá bờ thửa nhỏ thành bờ thửa lớn nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh tư liệu
“Nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Nghi Xuân đặt mục tiêu trở thành huyện NTM kiểu mẫu về văn hóa gắn với phát triển du lịch và trở thành đô thị phía Bắc Hà Tĩnh. Quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du còn đặt mục tiêu xa hơn, phấn đấu đến năm 2035 sẽ là thành phố di sản. Đây là mục tiêu không dễ nhưng chắc chắn Nghi Xuân sẽ làm được”, ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân khẳng định.
Những năm gần đây, sản lượng đánh bắt hải sản của xã Xuân Yên không ngừng tăng, năm 2020 đạt 446 tấn. Ảnh tư liệu
Hiện thực hóa mục tiêu này, huyện Nghi Xuân đặt ra từng mốc phấn đấu cụ thể. Theo đó, năm 2022, 9/15 xã phải hoàn thành chương trình NTM nâng cao. Năm 2024 sẽ có 80% địa phương cán đích NTM nâng cao, 4 xã đạt NTM kiểu mẫu.
Phấn đấu đến năm 2025, thu ngân sách toàn huyện đạt 700 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng; thu nhập vùng nông thôn cao gấp 1,3 lần so với mức thu nhập bình quân của tỉnh.
Dưa hồng muối (Xuân Thành) - sản phẩm OCOP của huyện Nghi Xuân.
Ngoài đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, huyện Nghi Xuân còn tạo điều kiện tối đa thu hút nhà đầu tư để lấp đầy các khu công nghiệp: Gia Lách, Xuân Lĩnh, Xuân Mỹ; cụm công nghiệp làng nghề Xuân Phổ, Cổ Đạm. Bên cạnh huy động nguồn lực đầu tư, huyện tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi theo hướng tập trung, từng bước đưa các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư.
Đồng thời, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản thâm canh tại vùng ven sông Lam; nâng cao giá trị khai thác, nhất là đánh bắt xa bờ, gắn với thu mua, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Cùng với đó, huyện chú trọng nguồn lực phát triển hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án; kêu gọi thành lập các đơn vị lữ hành du lịch, kết nối các tour, tuyến trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, huyện Nghi Xuân còn quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm, các khu, điểm du lịch và tổ chức giới thiệu, quảng bá du lịch theo nghị quyết phát triển du lịch đã được ban hành. Nghi Xuân còn xây dựng các tuyến giao thông kết nối với tuyến đường ven biển để khai thác các tiềm năng du lịch biển.
Theo BHT
Thêm ý kiến góp ý