Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh tháng 11 và 11 tháng năm 2023

  

10:01 27/12/2023

I. LĨNH VỰC KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Sản xuất trồng trọt trong tháng mười một chủ yếu tập trung chăm sóc, thu hoạch rau màu vụ Mùa và sản xuất cây trồng vụ Đông 2023, tranh thủ thời tiết nắng ráo chủ yếu tập trung vào các loại rau ngắn ngày. Hoạt động chăn nuôi trong những tháng đầu quý IV năm 2023 vẫn tiếp tục gặp khó khăn mặc dù vậy, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết sắp tới thì các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục duy trì ổn định tổng đàn vật nuôi và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để không làm sụt giảm tổng đàn chăn nuôi. Hoạt động lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung phát triển khá ổn định.

1.1 Sản xuất nông nghiệp

- Trồng trọt

Sản xuất vụ Mùa 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài nên một số diện tích đất không chủ động được nước tưới ảnh hưởng đến việc gieo cấy. Tuy người dân đã chủ động gieo trồng đúng lịch thời vụ nhưng do ảnh hưởng của thời tiết nên một số diện tích cây trồng không đạt kế hoạch ban đầu. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây trồng hàng năm vụ Mùa 2023 đạt 1.120 ha, bằng 90,89% (giảm 112 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cây lúa sơ bộ 318 ha, bằng 76,74% (giảm 97 ha), cây lấy củ có chất bột sơ bộ đạt 247 ha, bằng 98,73% (giảm 3 ha), diện tích gieo trồng rau các loại sơ bộ đạt 201 ha, bằng 103,5% (tăng 7 ha). Nhìn chung, tình hình sản xuất vụ Mùa hàng năm trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn người dân không chú trọng trong việc đầu tư vào sản xuất mà chủ yếu để làm sạch đất, tránh tình trạng mầm bệnh ủ trong đất gây ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân nên năng suất các loại cây đạt thấp.

Sản xuất vụ Đông 2023 hiện nay, khung lịch thời vụ gieo trỉa các loại cây trồng hàng năm vụ Đông năm 2023 cơ bản đã kết thúc. Tuy nhiên, do cùng thời điểm phải xuống giống gieo trỉa nhiều loại cây trồng nên một số loại cây chưa đạt kế hoạch đặt ra. Nay tranh thủ thời tiết những hôm nắng ráo bà con nông dân vẫn đang tiếp tục gieo trồng cây vụ Đông mà chủ yếu là các loại rau ngắn ngày.


Ước tính đến ngày 15/11/2023, diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Đông 2023 là 7.319 ha/11.890 ha, đạt 61,56% kế hoạch, cụ thể: Diện tích ngô lấy hạt 2.559 ha/4.259 ha, đạt 60,08% kế hoạch; diện tích ngô sinh khối 510 ha/1.649 ha, đạt 30,9% kế hoạch; diện tích khoai lang 1.011 ha/1.458 ha, đạt 69,34% kế hoạch và diện tích rau các loại 3.239 ha/4.524 ha, đạt 71,6% kế hoạch.

Cây lâu năm: Trong tháng 11/2023, người dân đang tiến hành trồng các loại cây ăn quả. Cùng với đó, thời điểm này nhiều loại cây ăn quả chủ lực như bưởi, cam…đang thu hoạch chính vụ. Sản lượng cây ăn quả ước đạt 176.265 tấn, bằng 100,91%, tăng 1.587 tấn so với năm 2022. Trong đó, sản lượng cam ước đạt 67.752 tấn, bằng 101,54%, tăng 1.027 tấn; sản lượng bưởi ước đạt 36.273 tấn, bằng 99,01%, giảm 364 tấn. Năm nay, các nhà vườn đã tích cực bón phân, tỉa cành, chăm sóc bài bản ngay từ đầu vụ nên chất lượng quả ngày càng được nâng cao. Cùng với cây ăn quả thì các loại cây công nghiệp như chè, cao su cũng được chăm sóc và thu hoạch thường xuyên, tạo thu nhập cho người dân để ổn định cuộc sống và tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất

Tình hình sâu bệnh, thiệt hại: Mặc dù hiện nay sâu bệnh có xuất hiện gây hại trên diện tích một số loại cây trồng nhưng với mức độ ảnh hưởng còn nhẹ. Tuy nhiên, để chủ động phòng trừ sâu bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã đưa ra khuyến cáo về một số loại sâu bệnh gây hại đối với cây ngô như: Sâu keo mùa thu, sâu xám, sâu đục thân, đục bắp, rệp cờ, bệnh khô vằn, bệnh lùn sọc đen Phương Nam...Đối với cây rau: Sâu tơ, sâu khoang, sâu xanh bướm trắng, bọ nhảy, rệp muội, bệnh lở cổ rễ (thối gốc), bệnh giả sương mai, bệnh héo xanh vi khuẩn…Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã kịp thời hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng ngừa các loại sâu bệnh trên để tránh thiệt hại do sâu bệnh gây ra đối với các loại cây trồng.

- Chăn nuôi

Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tháng vẫn chưa có nhiều thay đổi khi tổng đàn trâu, bò vẫn đang có xu hướng giảm, đàn lợn và gia cầm phát triển ổn định và có mức tăng nhẹ. Đàn trâu hiện có 67.300 con, bằng 99,78%; đàn bò có 168.350 con, bằng 99,44%; đàn lợn có 398.150 con, bằng 100,23%, đàn gia cầm có 10.065 ngàn con, bằng 100,15% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay đang là thời điểm người chăn nuôi tập trung tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm để cung ứng ra thị trường vào dịp lễ, tết cuối năm và đầu năm mới, tuy nhiên do giá cả không ổn định và có xu hướng giảm, trong khi giá thức ăn và các chi phí khác vẫn đang ở mức cao, nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất hạn chế nên việc tái đàn vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đàn lợn


Tình hình dịch bệnh, thiệt hại và công tác phòng dịch: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, hiện nay tình hình dịch bệnh trên đàn chăn nuôi đã xuất hiện tại một số địa phương, cụ thể: Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 04 xã thuộc 03 huyện (Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Nghi Xuân) làm cho 38 con lợn mắc bệnh, chết, buộc tiêu hủy; Dịch Lở mồm long móng xảy ra tại xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân làm cho 27 con trâu bò mắc bệnh. Tuy dịch bệnh cơ bản đang nhỏ lẻ và được khống chế nhưng nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn rất cao. Vì vậy, cần phải thường xuyên thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để tránh thiệt hại đảm báo nguồn cung khi dịp Tết đang đến gần.

1.2 Lâm nghiệp


Trong tháng 11 năm 2023, hoạt động trồng rừng và khai thác lâm sản trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn được thực hiện với kết quả tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 11/2023 ước đạt 1.614 ha, bằng 96,94%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 68.147 m3, bằng 108,74%; sản lượng củi khai thác ước đạt 48.923 ste, bằng 98,87%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 209 ngàn cây, bằng 106,09% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 8.311 ha, bằng 101,95%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 444.788 m3, bằng 105,19%; sản lượng củi khai thác ước đạt 284.884 ste, bằng 97,76%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 2.462 ngàn cây, bằng 98,72% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng không xảy ra vụ cháy rừng mà chỉ xảy ra 5 vụ phá rừng, nhưng diện tích rừng bị phá là 13,56 ha, bằng 331,54% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, toàn tỉnh 10 vụ cháy rừng (tăng 9 vụ), với diện tích rừng bị cháy là 10,27 ha (tăng 9,87 ha) và 100 vụ phá rừng (tăng 28 vụ), với diện tích rừng bị phá là 67,64 ha (tăng 27,22 ha) so với cùng kỳ năm 2022.

1.3 Thủy sản


Tổng sản lượng thủy hải sản ước tính tháng 11/2023 ước đạt 3.673 tấn, bằng 101,89%, tăng 68 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 2.699 tấn, bằng 101,54%, tăng 41 tấn, sản lượng nuôi trồng ước đạt 974 tấn, bằng 102,85%, tăng 27 tấn. Mặc dù các chuyến biển của ngư dân khai thác ở vùng lộng khá thuận lợi. Tuy nhiên, do giá nhiên liệu xăng, dầu và các chi phí khai thác hải sản vẫn đang ở mức cao nên các tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ hoạt động kém hiệu quả, vì vậy tần suất ra khơi của một số tàu không đạt như kỳ vọng.

Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 54.210 tấn, bằng 102,48%, tăng 1.312 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 38.051 tấn, bằng 102,18%, tăng 813 tấn, sản lượng nuôi trồng ước đạt 16.159 tấn, bằng 103,19%, tăng 499 tấn. Năng lực sản xuất thủy sản trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian qua không có nhiều sự thay đổi tích cực, cùng với giá nhiên liệu và các chi phí khác tăng cao nên nên kết quả hoạt động sản xuất thủy sản 11 tháng năm 2023 cũng chỉ giữ được mức tăng nhẹ so với năm 2022. Những tháng tới, khi điều kiện thời tiết xấu, mưa bão, lũ lụt có thể xẩy ra bất thường nên kết quả hoạt động sản xuất thủy sản sẽ gặp khó khăn hơn, nhất là đối với hoạt động khai thác biển.

Tình hình dịch bệnh thủy sản chủ yếu xảy ra trên tôm nuôi, các ổ dịch tương đối nhỏ lẻ và cơ bản được khống chế kịp thời. Ngoài ra, theo báo cáo của các địa phương có 63,85 ha tôm bị chết không rõ nguyên nhân (chiếm 2,9% diện tích nuôi) thuộc huyện Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân (do địa phương không lấy được mẫu tôm xét nghiệm)

2. Sản xuất công nghiệp

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tháng 11/2023 tiếp tục đà tăng trưởng. Những tháng còn lại của năm 2023, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực, dồn sức tăng tốc hoạt động sản xuất nhằm đạt cao nhất các mục tiêu kế hoạch đề ra. Tính chung 11 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 7,74% so với cùng kỳ năm trước.

2.1. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)


Tháng 11/2023 chỉ số sản xuất ngành công nghiệp so với tháng 10/2023 ước tính tăng 2,84%, so với cùng kỳ năm trước tăng 17,07%. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,2% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 28,74%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 16,22% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 19,07% so với tháng trước và tăng 20,57% so cùng kỳ năm trước; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 6,76% so với tháng 10/2023 và tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhìn chung, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính đến cuối tháng 11 năm 2023 ước tăng 7,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng quan chung của ngành công nghiệp, hiện nay có nhiều yếu tố được đánh giá khả quan như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã hoạt động ổn định (sản lượng điện ước đạt 4.326 triệu Kwh tăng 26,09% so với cùng kỳ), sản xuất bia tăng trưởng khá (sản lượng ước đạt 62,78 triệu lít tăng 6,1%), Nhà máy sản xuất Pin VinES đã đi vào vận hành thương mại (sản lượng Ắc quy bằng ion lithi ước đạt 66.000 Kwh), hoạt động xây dựng tăng trưởng khá kéo theo tăng trưởng ngành công nghiệp khai khoáng trên địa bản tỉnh...

2.2. Một số sản phẩm chủ yếu


Trong số 20 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 11 nhóm sản phẩm cộng dồn 11 tháng tăng so cùng kỳ (chiếm 55% trong tổng số sản phẩm) và có 8 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm (chiếm 45%) trong tổng số sản phẩm công nghiệp chủ yếu. Một số sản phẩm công nghiệp 11 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước: Vỏ bào, dăm gỗ tăng 22,89%; Bê tông trộn sẵn tăng 21,37%; điện sản xuất tăng 14,94%; điện thương phẩm tăng 12,76%; rác thải không độc hại đã thu gom không thể tái chế tăng 10,7%; ...

Một số sản phẩm công nghiệp 11 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước: Quặng inemit và tinh quặng inemit giảm 59,12%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 38,93%; quặng zircon và tinh quặng zircon giảm 24,42%; thức ăn cho gia súc giảm 17,44%; dịch vụ sản xuất dược giảm 12,86%;...

2.3 Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 11/2023 giảm 0,12% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 14,55%.

Chỉ số sử dụng lao động cộng dồn đến cuối tháng 11/2023 tăng 3,06% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng giảm 0,98% so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,06%. Hiện nay, một số doanh nghiệp ngành này đang mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm vì vậy nguồn nhân lực tăng so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,67%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 0,45% so với cùng kỳ năm 2022.

3. Vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 11 tháng năm 2023 ước giảm 13,56% so với cùng kỳ năm trước, đạt 81,46% kế hoạch năm. Đây là giai đoạn “nước rút”, toàn tỉnh đang tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án trên địa bàn. Đồng thời khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, khởi công các công trình, dự án khởi công mới; đặc biệt là các dự án đã được giao kế hoạch vốn từ đầu năm và các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong triển khai, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.


Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 11/2023 ước đạt 744,83 tỷ đồng, tăng 36,78% so với tháng trước và giảm 16,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 624,48 tỷ đồng, tăng 43,81% so với tháng trước và giảm 16,94% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 89,47 tỷ đồng, tăng 8,37% so với tháng trước và giảm 21,47% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 30,88 tỷ đồng, tăng 11,32% so với tháng trước và tăng 26,24% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn ngân sách nhà nước tháng 11/2023 tăng mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước là do trong tháng 10 vừa qua thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, một số huyện trên địa bàn Hà Tĩnh ngập lụt trên diện rộng, do đó công trình thi công trên địa bàn tạm dừng thi công, vốn đầu tư thực hiện giảm. Bên cạnh đó hiện nay toàn tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý ước đạt 5.047,56 tỷ đồng, giảm 13,56% so với cùng kỳ năm trước, đạt 81,46% kế hoạch năm. Trong đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ODA trên địa bàn đạt thấp nhất (46,32%) so với kế hoạch. Nguyên nhân do ngoài việc thực hiện các quy trình, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật, còn phải hoàn thiện thêm các hồ sơ theo quy định của nhà tài trợ dẫn đến quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, rút vốn, giải ngân mất nhiều thời gian. Do đó giá trị thực hiện nguồn vốn ODA đạt thấp so với kế hoạch đề ra.

4. Thương mại, dịch vụ

Tháng 11, tình hình thị trường nhìn chung ổn định, giao thương thuận lợi. Bước vào giai đoạn cuối năm, nhu cầu mua sắm, tích trữ hàng hóa phục vụ cho dịp Tết làm cho các hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động hơn. Cùng với đó là các dự án xây dựng cơ bản đẩy nhanh tiến độ thi công khiến doanh thu các hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ, kho bãi vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, những ảnh hưởng trực tiếp của các yếu tố thời tiết, mùa vụ và biến động của giá cả nhiều nhóm hàng hóa cũng gây nhiều khó khăn, bất lợi cho các hoạt động sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hàng hóa trên địa bàn.

4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng


Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng 11/2023 doanh thu ước đạt ước đạt 5.498,34 tỷ đồng, tăng 7,66% so với tháng trước và tăng 11,60% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn tăng so với tháng trước như: Lương thực, thực phẩm tăng 6,87%; Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,37%, xăng dầu các loại tăng 7,82%. Bên cạnh đó, chỉ có nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 10,49%; và vật phẩm, văn hóa, giáo dục giảm 3,73%. Nhìn chung tình hình bán lẻ trong tháng chịu tác động của yếu tố mùa vụ khi các hộ gia đình có xu hướng tăng mua sắm đồ dùng gia đình vào dịp cuối năm cộng với thời tiết chuyển lạnh tác động đến nhu cầu nhiều nhóm hàng hóa như thực phẩm, hàng may mặc, hàng điện tử, đồ dùng gia đình. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục bất ổn ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, tác động đến nhiều nhóm hàng hóa như xăng dầu, gạo, kim loại quý, vật liệu xây dựng và đồ dùng công nghệ cao.

Tính chung 11 tháng năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 53.955,21 tỷ đồng, tăng khá so với cùng kỳ năm trước (tăng 12,90%) và tăng ở các nhóm ngành hàng chủ yếu sau: Lương thực, thực phẩm tăng 18,54%; hàng may mặc ước tăng 16,36%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 24,92%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 38,05%; xăng, dầu các loại tăng 23,59%... Nguyên nhân chính của việc tăng doanh thu chủ yếu do việc tăng giá của các mặt hàng trên trong khoảng thời gian từ đầu năm đến nay. Bên cạnh những mặt hàng có mức tăng cao thì các nhóm hàng ô tô và phương tiện đi lại có doanh thu giảm sâu so với cùng kỳ nhưng vì các nhóm hàng doanh thu bán lẻ không cao, nên không ảnh hưởng quá lớn tới mức tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác: Tháng 11/2023 doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 679,37 tỷ đồng giảm nhẹ (1,52%) so với tháng trước nhưng tăng 26,05% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 2,55 tỷ đồng, giảm 1,16% so với tháng trước và tăng 188,14% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ khác ước đạt 375,78 tỷ đồng, tăng 5,06% so với tháng trước nhưng giảm 5,09% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng tính chất thời vụ khi trong tháng thời tiết chuyển lạnh nhưng vẫn nắng ráo, vì vậy các hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác tăng mạnh, ăn uống ngoài gia đình trong tháng ít hơn so với tháng trước, lượng khách đến tham quan, du lịch gần như rất ít.

Tính chung 11 tháng năm 2023, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 6.973,71 tỷ đồng tăng 26,47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành l¬ưu trú ước đạt 258,75 tỷ đồng, tăng 14,81%; Ăn uống ước đạt 6.714,96 tỷ đồng, tăng 26,96% so với cùng kỳ năm trước. Có thể nói đời sống người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm ngành dịch vụ và tăng ổn định khi tình hình dịch bệnh Covid gần như đã bão hòa.

Hoạt động dịch vụ du lịch, lữ hành sau khoảng thời gian phát triển mạnh mẽ trong mùa du lịch biển cao điểm trong quý II và III thì đến quý IV các hoạt động du lịch dường như chỉ cầm chừng, tính chung 11 tháng doanh thu thu du lịch đạt 41,22 tỷ đồng, tăng 181,63% so với cùng kỳ năm trước, việc khai thác tiềm năng du lịch còn hạn chế vẫn luôn là một hạn chế cần thiết các giải pháp thiết thực để phát triển kinh tế tại địa phương. Ngành dịch vụ hỗ trợ khác vẫn đảm bảo tăng trưởng ổn định khi doanh thu ước đạt 3.903,79 tỷ đồng, tăng 8,72% so với cùng kỳ năm trước.

4.2. Hoạt động vận tải


Hoạt động vận tải tháng 11 tăng trở lại sau sự chững lại ở 2 tháng trước, tăng ở cả vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, nhưng tăng mạnh hơn ở vận tải hàng hóa do thời tiết nắng ráo nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết và nhu cầu vận chuyển vật liệu cho các công trình đẩy nhanh tiến độ thi công ở thời điểm cuối năm.

Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 11 năm 2023 ước đạt 633,14 tỷ đồng, tăng 2,25% so tháng trước và tăng 31,51% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 99,70 tỷ đồng, tăng 2,74% so với tháng trước và tăng 42,55% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa ước đạt 422,60 tỷ đồng, tăng 5,37% so với tháng trước và tăng 31,0% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 104,02 tỷ đồng, giảm 8,26% so với tháng trước và tăng 18,62% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh vận tải có sự khởi sắc hơn so với tháng trước do những nguyên nhân chủ yếu như trong vận tải hành khách do thời tiết bắt đầu chuyển lạnh nên nhu cầu sử dụng các phương tiện vận tải công cộng cao hơn. Về vận tải hàng hóa do trong tháng không còn xảy ra hiện tượng ngập úng, thuận lợi hơn cho hoạt động khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng. Các hoạt động vận chuyển, phân phối hàng tiêu dùng, nguyên liệu sản xuất đang tăng dần phục vụ cho kỳ mua sắm cuối năm.

Tính chung 11 tháng năm 2023, hoạt động vận tải dự tính đạt 6.551,43 tỷ đồng, tăng 18,83% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 978,15 tỷ đồng, tăng 39,82%; vận tải hàng hóa ước đạt 4.243,79 tỷ đồng, tăng 15,54%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.178,46 tỷ đồng, tăng 4,30% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù hoạt động vận tải có chững lại và dự ước quý IV/2023 sẽ giảm hơn so với các quý trước, nhưng so với cùng kỳ vẫn ở mức tăng cao. Kết quả hoạt động kinh doanh vận tải, kho bãi năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, các tuyến xe liên tỉnh, xe buýt hoạt động ổn định. Số lượt hành khách, hàng hóa lưu chuyển cũng như giá vé nhìn chung đều tăng. Hạ tầng giao thông hoàn thiện, các đơn vị kinh doanh vận tải tập trung đầu tư mạnh cả về chất lượng lẫn số lượng xe, càng giúp cho hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa thuận lợi hơn.

4.3. Xuất nhập khẩu hàng hóa


Tháng 11 việc nhập khẩu hàng hóa vẫn tiếp tục tăng mạnh tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại và giảm khá sâu so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 11 ước đạt 443 triệu USD tăng 1,59% so với tháng trước và tăng 29,46% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 5.658 triệu USD tăng 883,3 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 11/2023 ước đạt 150,5 triệu USD, giảm 11,41% so với tháng trước nhưng vẫn tăng đến 2,12% so với cùng kỳ năm trước. Việc xuất khẩu thép, phôi thép chỉ đạt 133,9 triệu USD giảm 12,44% so với tháng trước là nguyên nhân chính tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu trong tháng. Do việc giá than luyện cốc đang ở mức cao trong khi người mua vẫn đang đặt giá thầu phôi thép đường biển ở mức thấp nên dẫn đến hạn chế trong việc xuất khẩu. Cộng với việc hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn đang chịu nhiều ảnh hưởng, tác động do tuyến Quốc lộ 8 phía nước bạn Lào bị sạt lở nghiêm trọng từ đầu tháng 8 đến nay vẫn chưa khắc phục hoàn thành. Tuy nhiên, trong tháng vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực từ mặt hàng dăm gỗ và những tín hiệu phục hồi của ngành xơ, sợi, hàng dệt và may mặc.

Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2.345,8 triệu USD, tăng 49,17% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ngành thép và phôi thép chung toàn tỉnh 11 tháng tăng 58,08% so với cùng kỳ, xuất khẩu chè tăng 19,39%. Mặc dù trong tháng 11 đã có những tín hiệu phục hồi từ các nhóm dăm gỗ và hàng sợi dệt, may mặc tuy nhiên tính chung 11 tháng nhóm hàng xơ, sợi dệt (giảm 19,56%); dăm gỗ (giảm 13,30%); dệt và may mặc (giảm 5,27%). Nguyên nhân do nhu cầu từ thị trường đối tác giảm, dẫn đến đơn hàng sụt giảm, hoạt động xuất khẩu xơ, sợi dệt đã phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ năm 2022 tới nay. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần tập trung hơn nữa vào việc nắm bắt tình hình thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất, sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường phục hồi và tìm những hướng đi mới phù hợp.

Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 11 ước đạt 292,5 triệu USD, tăng 9,89% so với tháng trước và tăng 50,14% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do Formosa trong tháng bắt đầu trở lại tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất (tăng 41,16% so với tháng trước và tăng 24,35% so với cùng kỳ) nhưng tính chung 11 tháng mức nhập khẩu nguyên liệu giảm 14,33% so với cùng kỳ. Cộng với việc nhu cầu nhập khẩu các loại hàng ngoại phục vụ dịp Tết và việc thị trường ô tô có sự phục hồi trong những tháng cuối năm. Tính chung 11 tháng ước đạt 3.312,2 triệu USD tăng 3,44% so với cùng kỳ. Dự báo hoạt động nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng tới do nhu cầu chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết.

5. Chỉ số giá tiêu dùng

Tình hình giá cả tháng 11 cơ bản diễn biến ổn định, chỉ số giá giảm 0,59% so với tháng trước khi giá cả xăng, dầu đang có dấu hiệu giảm nhiệt dần, bên cạnh đó giá gạo lại tiếp tục tăng mạnh trở lại. Thời tiết trong tháng cũng dần chuyển lạnh tác động trực tiếp đến giá cả các mặt hàng thực phẩm, đồ dùng gia đình và hàng may mặc. Tháng tới là những tháng cuối năm nhu cầu mua sắm hàng hóa phục vụ cho Tết dương lịch và Tết âm lịch, vì vậy giá cả sẽ tiếp tục tăng.

Chỉ số CPI tháng 11 giảm 0,59% so với tháng trước và tăng 0,90% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 04 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng nhẹ so với tháng trước, trong đó: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13%, hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,28%, đồ uống và thuốc lá tăng 0,01%, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,62%. Nhưng có đến 05 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước, trong đó có các nhóm hàng giảm giá khá sâu như nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 3,31%, giao thông giảm 1,09%, bưu chính viễn thông giảm 0,22% nguyên nhân chính do việc giảm giá các loại nguyên liệu xăng dầu, điện.. và như cầu sử dụng điện, nước giảm trong tháng. Có 02 nhóm không có biến động về chỉ số so với tháng trước là nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục.

Chỉ số giá vàng tháng 11/2023 tăng 3,85% so với tháng trước, tăng 11,21% so với cùng tháng năm trước, giá vàng bình quân trong tháng đang ở mức 5.729 nghìn đồng/chỉ 9999. Chỉ số giá đô la Mỹ ổn định so với tháng trước và giảm 2,16% so với cùng tháng năm trước, giá đô la Mỹ bình quân ở mức 2.452.497 đồng/100 USD.


Tính chung 11 tháng năm 2023, CPI tăng 1,60% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị tăng 1,42%; nông thôn tăng 1,68%. Diễn biến tăng giảm các nhóm hàng 11 tháng được thể hiện như trên hình vẽ, Nhìn chung, thị trường tiêu dùng, từ đầu năm đến nay mức tăng giá cả cơ bản được kiểm soát, các mặt hàng có mức biến động mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước sinh hoạt và tăng tập trung ở các tháng đầu năm, về những tháng cuối năm mức giá các loại mặt hàng này đang dần ổn định lại. Những khó khăn chung của nền kinh tế khiến nhu cầu các loại đồ dùng xa xỉ, đắt tiền, giá trị cao hạn chế, vì vậy xu hướng các nhà thương mại, sản xuất sẽ giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng.

Dự kiến chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 12/2023 tăng mạnh khi những mặt hàng thiết yếu có thể tăng giá trong tháng. Giá dầu thô trên thị trường thế giới ở mức cao khiến giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng, giá gạo cũng tăng giá khi nguồn dự trữ lúa sản xuất từ hai vụ trong năm đạt thấp. Giá điện sinh hoạt được điều chỉnh tăng cùng với đó, nhu cầu đồ dùng gia đình, hàng may mặc, điện máy, phương tiện giao thông vào những tháng cuối năm thường ở mức cao, tác động đến thị trường giá các mặt hàng hóa tiêu dùng.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Tình hình đời sống dân cư

Tình hình đời sống dân cư Hà Tĩnh tháng 11 năm 2023 nhìn chung chưa được cải thiện so với tháng trước. Do chỉ số giá mặt hàng thiết yếu như điện, khí đốt tăng cao. Giá cả hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tăng, đã ảnh hưởng đến sức tiêu dùng của người dân…

Tháng 11 dương lịch hằng năm, trên các vườn đồi ở các địa phương như huyện Vũ Quang, Hương khê…người làm vườn lại bước vào mùa thu hoạch sản phẩm cây ăn quả có múi (cam), năm nay cam bán được giá nên bà con nông dân rất phấn khởi. Bên cạnh đó, nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thị trường hoa tươi, quà tặng trên các tuyến phố ở Hà Tĩnh trở nên sôi động, nhộn nhịp với các sản phẩm đa dạng về mẫu mã và giá cả.

2. Hoạt động y tế

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Tiếp tục tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao.

Trong tháng, có 3 người nhiễm mới HIV, 4 người chuyển thành AIDS, có 2 người chết vì AIDS; so cùng kỳ năm trước giảm 3 người nhiểm mới HIV, tăng 2 người chuyển thành AIDS và số người chết vì AIDS tăng 2 người.

Tính chung 11 tháng năm 2023, có 42 người nhiễm mới HIV, 33 người chuyển thành AIDS và 7 người chết vì AIDS; tăng 17 người nhiễm HIV, 21 người chuyển thành AIDS và 4 người chết vì AIDS so với cùng kỳ năm trước.

Công tác an toàn thực phẩm: Trong tháng, trên địa bàn không xẩy ra xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào; số ca ngộc độc đơn lẻ 76 ca, tăng 21 ca so với cùng kỳ năm trước, không có người chết vì ngộ độc.

Tính chung 11 tháng năm 2023, có 03 vụ ngộ độc tập thể (làm 36 người bị ngộ độc), 880 ca ngộ độc đơn lẻ và không có người chết vì ngộ độc; tăng 1 vụ ngộ độc tập thể (tăng 32 người bị ngộ độc), tăng 66 ca ngộ độc đơn lẻ (tăng 8,11%) và số người chết không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

Dịch bệnh khác: Trong tháng do thời tiết đổi mùa, mưa nắng thất thường dẫn đến một số dịch khác ở người xuất hiện: 1.221 người bị cúm, 58 người bị sốt huyết; không có người chết do các bệnh trên.

Tính chung 11 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh có một số ca bệnh đơn lẻ, gồm: 112 ca sốt xuất huyết, 4 ca sốt rét (cùng kỳ năm trước không xẩy ra), 2 ca viêm não vi rút (cùng kỳ năm trước không xảy ra), 108 ca mắc bệnh quai bị, 180 ca mắc lỵ trực trùng, 184 ca mắc lỵ a míp, 196 ca mắc bệnh thủy đậu, 13.439 ca mắc bệnh cúm, 09 ca mắc bệnh do adeno (cùng kỳ năm trước không xảy ra), 192 ca chân tay miệng, 2.159 ca tiêu chảy, 62 ca viêm gan vi rút khác; tất cả các ca bệnh trên không tạo thành dịch và không có ca bệnh nào bị tử vong vì các bệnh nói trên.

3. Hoạt động văn hoá, thể thao

 Văn hóa: Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930- 18/11/2023), trong những ngày qua, các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh đồng loạt tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023”.

Thể dục thể thao: Nhiều hoạt động thể thao trên địa bàn diễn ra sôi nổi như: Giải chạy “Vì sức khỏe cộng đồng UpRace 2023” do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh tổ chức; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã tổ chức Lễ tổng kết mùa giải bóng đá 2023 và lễ xuất quân CLB Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cho mùa giải mới. Ngoài ra, đoàn thể thao Hà Tĩnh đã tham gia và giành 01 HCV – 02 HCB - 03 HCĐ tại giải Vô địch Karatedo Quốc gia 2023.

Công tác quản lý nhà nước: Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa được thực hiện thường xuyên và theo kế hoạch, đặc biệt là trong các dịp lễ, hội.

4. Tình hình an toàn giao thông

Tính từ ngày 15/10-14/11/2023 xảy ra 38 vụ tai nạn đường bộ, làm 18 người chết, 22 người bị thương, thiệt hại 250 triệu đồng. Nguyên nhân xảy ra tai nạn là không làm chủ tốc độ và đi sai phần đường.

Trong tháng không xảy ra tai nạn đường sắt và đường thủy.


Tính chung 11 tháng năm 2023 (15/12/2022-14/11/2023) đã xẩy ra 229 vụ tai nạn đường bộ, làm 143 người chết, 126 người bị thương, thiệt hại 2.340 triệu đồng; tăng 137 vụ, 65 người chết, 87 người vị thương so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân xảy ra tai nạn là không làm chủ tốc độ và đi sai phần đường.

Tính từ ngày 15/12/2022-14/11/2023 xảy ra 03 vụ tai nạn đường sắt, làm 02 người chết, không có người bị thương; tăng 2 vụ, người chết, số người bị thương không thay đổi so cùng kỳ năm trước.

Tính từ ngày 15/12/2022-14/11/2023, tai nạn đường thủy không xảy ra và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

5. Môi trường


Vụ cháy: Từ ngày 15/10-14/11/2023 đã xảy 26 vụ cháy, không làm thiệt hại về người, ước tính giá trị thiệt hại tài sản 823,2 triệu đồng.

Tính từ 15/12/2022-14/11/2023 xảy ra 106 vụ, không làm thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản 4.396 triệu đồng; tăng 52 vụ, giảm 1 người chết, giảm 1 người bị thương so với cùng kỳ năm trước.

Vụ nổ: Từ ngày 15/10-14/11/2023 không xảy ra nổ, so với tháng trước và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023 (từ ngày 15/12/2022-14/11/2023) chỉ xảy ra 1 vụ nổ, 1 người bị thương; tăng 1 vụ, tăng 1 người bị thương so với cùng kỳ năm trước.

Vi phạm môi trường: Trong tháng, Hà Tĩnh đã phát hiện 14 vụ và xử lý 10 vụ, với tổng số tiền xử phạt 24,25 triệu đồng; giảm 25 vụ (giảm 64,10%) đã phát hiện, giảm 9 vụ (giảm 47,37%) đã xử lý; giảm 30,35 triệu đồng (giảm 55,59%) số tiền xử phạt so với tháng trước và giảm 75 vụ (giảm 84,27%) đã phát hiện, giảm 45 vụ (giảm 81,82%) đã xử lý, giảm 153,55 triệu đồng (giảm 86,36%) số tiền xử phạt so với cùng kỳ năm trước. Các vụ vi phạm môi trường trong tháng chủ yếu là khai thác, tàng trữ, vận chuyển đất, cát trái phép, sử dụng xung kích điện đánh bắt thủy sản trái phép…

Tính chung 11 tháng năm 2023, đã phát hiện 532 vụ, đã xử lý 411 vụ, tổng số tiền xử phạt 1.481,46 triệu đồng; giảm 344 vụ (giảm 39,27%) đã phát hiện, giảm 172 vụ (giảm 29,50%) đã xử lý, số tiền xử phạt giảm 1.216,96 triệu đồng (giảm 45,10%) so với cùng kỳ năm trước.

6. Tình hình thiên tai

Trong tháng xảy ra 2 đợt thiên tai (2 đợt mưa lớn) làm 3 người chết và 2 người bị thương làm 3.819 nhà bị hư hại; 289,5 ha hoa màu bị thiệt hại, 19 gia súc bị chết, cuốn trôi; 3.776 con gia cầm bị chết, cuốn trôi gây thiệt hại 163.989,67 triệu đồng (đợt 1 từ ngày 28-31/10 mưa lớn gây ngập lụt làm 3 người chết, 2 người bị thương, 3.802 nhà bị hư hại; 113 ha hoa màu bị hư hại; 19 con gia súc bị chết; 3.671 con gia cầm bị chết, cuốn trôi ước tính thiệt hại 153.934,7 triệu đồng; đợt 2 diễn ra từ ngày 12-14/11 làm 17 nhà bị hư hại; 176,5 ha hoa màu bị thiệt hại; 105 con gia cầm bị chết, cuốn trôi ước tính thiệt hại 10.054,97 triệu đồng), hỗ trợ mai táng phí cho người chết là 7,2 triệu đồng/ người, 2 người là 14,4 triệu.

Từ đầu năm 2023 đến nay, xảy ra 4 đợt thiên tai (1 vụ sét đánh, 3 đợt mưa lớn) làm 4 người chết; 2 người bị thương; làm 3.957 nhà bị hư hại; 106,6 ha lúa; 403,7 ha hoa màu bị hư hại; 19 con gia súc bị chết, cuốn trôi; 3.776 con gia cầm bị chết, cuốn trôi với tổng giá trị thiệt hại ước tính 175.919,67 triệu đồng .

Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Chi tiết xem tại đây ./.


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện