Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Nguyễn Du và nỗi lòng với quê hương Hà Tĩnh

  

23:29 24/09/2020

Với hầu hết chúng ta, bắt đầu nhận biết về phong cảnh quê hương từ trong ra: nhà mình, ngõ mình, rồi lan ra làng xã. Ngược lại, Nguyễn Du lại cảm nhận hình ảnh quê hương bắt đầu từ ngoài vào bởi dù quê Tiên Điền nhưng ông sinh ra ở Thăng Long, đến năm lên sáu mới lần đầu về thăm quê.


Bến Giang Đình nơi năm xưa Nguyễn Du cùng gia đình cập bến về lại quê nhà. Ảnh Internet

Đó là năm 1771, khi Nguyễn Nghiễm được triều đình cho hưu trí, Nguyễn Du cùng gia đình theo võng lọng, ngựa xe về Tiên Điền, cập bến Giang Đình. Và với Nguyễn Du, Giang Đình là phong cảnh đầu tiên của quê hương Tiên Điền mà ông ghi nhận.

Hơn 20 năm sau, từ “mười năm gió bụi” trên quê vợ Thái Bình, sau khi bà vợ họ Đoàn qua đời, với cậu con trai mới vài tuổi, Nguyễn Du về sống những năm “Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên”. Chí khí và kế sinh nhai đều mờ mịt, buồn thương trên quê nhà, đã bao lần ông ra ngồi trên bến Giang Đình mà nhớ về quá khứ vàng son:

Về hưu ngày ấy, cha ta

Xe bồ ngựa tứ đã qua bến này

Thuyền kích nước tựa rồng quây

Lọng như hạc báo điềm hay giữa trời

Từ khi xiêm áo qua thời

Khói trên ngọn cỏ ngậm ngùi bờ sông

Trăm năm bao chuyện đau lòng

Tràng An ngày trước, nay không còn gì.

(Giang Đình hữu cảm)

Đó là tâm trạng của Nguyễn Du trong 6 năm sống ở Tiên Điền từ năm 1796-1802. Ông là người đa sầu, đa cảm, mỗi lần phải xa quê là ngoái đầu nhìn lại, vừa rời khỏi quê hương là có cảm giác bơ vơ. Mỗi lần ông phải rời bến Giang Đình, đặt chân lên bờ bắc đã có cảm giác sống nơi đất khách:

Cố quốc hồi đầu lệ

Tây phong nhất lộ trần

Tài qua Long Vĩ thủy

Tiện thị dị hương nhân

(Độ Long Vĩ giang)

(Ngoái nhìn quê, lệ chảy/ Gió tây cuốn bụi đường/ Vừa qua sông Long Vĩ/ Đã thành người tha hương).


Góc “hồn quê” trong khuôn viên gia tộc họ Nguyễn - Tiên Điền ở thị trấn Tiên Điền - Nghi Xuân. Ảnh Internet

Trở lại chuyến hồi hương năm 1796, mặc dù khi ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, ông đã biết tình hình quê nhà “Hồng Lĩnh vô gia, huynh đệ tán” nhưng tin quê hương vẫn có thể cưu mang mình, nên ông đã trở về với hai bàn tay trắng và một đứa con nhỏ. Lúc đầu chắc phải tá túc đâu đó, về sau rồi bà con, họ hàng chung tay dựng cho một ngôi nhà để ông còn cưới bà vợ kế.

Rất tiếc là trong quần thể Khu lưu niệm Đại thi hào ngày nay, ngôi nhà ấy chưa được dựng lại, để khách tham quan hiểu thêm nhiều điều về Nguyễn Du. Ngôi nhà đó nằm trong khu vườn sát với trường tiểu học ngày nay và trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du đã nhiều lần nói đến, kể cả việc giới thiệu cho bạn bè:

Viễn lai chí thủ tương tầm lộ

Gia tại Hồng Sơn, đệ nhất thôn

(Ký Huyền Hư tử)

(Từ xa bạn tìm đường đến thăm thì nhà tôi ở thôn thứ nhất dưới chân núi Hồng Lĩnh).

Như vậy là thời ấy vùng này có nhiều thôn và nhà cụ Nguyễn Du nằm ở thôn đầu tiên. Trong bài thơ này, nhà thơ còn cho biết ngọn núi sau nhà có tên là Thiên Thai.

Như chúng ta đã biết, sau khi về quê một thời gian, Nguyễn Du cưới bà vợ kế và sinh được mấy người con, rồi người vợ kế đó cũng qua đời. Một thời gian sau, Nguyễn Du cưới bà vợ thứ ba. Hai bà vợ ở quê hương đã sinh hạ cho nhà thơ 14 người con, đó là chưa kể 4 người con của bà vợ đầu tiên sinh ra ở Thái Bình. Bởi vậy, ngôi nhà này gắn bó mật thiết, lâu dài với Đại thi hào không chỉ 6 năm “ở ẩn” mà cả 18 năm làm quan từ năm 1802 đến ngày tạ thế. Và, tất cả những chi tiết về ngôi nhà này trong thơ chữ Hán của cụ đều thể hiện hoàn cảnh nghèo khổ của nhà thơ:

Táo đầu chung nhật vô yên hỏa

Song ngoại hoàng hoa tú khả xan

(Tạp ngâm II)

(Suốt ngày bếp không lửa khói, nhìn bông cúc vàng phía ngoài cửa sổ đẹp nghĩ có thể ăn được).

Trong thơ chữ Hán, cụ Nguyễn Du còn nhắc đến gian nhà ở đầu sông Long Vĩ (tức sông Lam): “Long Vĩ giang đầu ốc nhất gian”, không biết là nhà thơ còn có một căn nhà khác gần sông Lam hơn, hay là vẫn ngôi nhà này nhưng khi làm thơ thì cho xích lại gần sông vì cái tứ của bài thơ.

Nhưng, dù là ngôi nhà ở đâu, thì vẫn nghèo, vẫn bệnh, có dịp ông ốm suốt 10 tuần nằm xem chuột gầy gặm sách! Cũng may mà non Hồng còn có phường săn cho nhà thơ giải sầu và có lẽ nhà thơ của chúng ta đi theo phường săn thôi, tôi không tin Nguyễn Du có thể giết được thú rừng, vì tình thương và lòng đa cảm của ông chi phối hành động của mình!

Tình quê hương của Nguyễn Du thể hiện rõ nhất những ngày xa quê. Điều rất lạ là Nguyễn Du sinh ra và lớn lên ở Thăng Long, nhưng ông không coi Thăng Long là quê và không có thơ nói về nỗi nhớ nơi ấy. Với ông, chỉ có một quê Tiên Điền và khi đi xa, nỗi nhớ dồn về. Không thấy câu thơ nào ông nhắc lại kỷ niệm hay nỗi nhớ Thăng Long mà chỉ thấy nhớ về Tiên Điền, mặc dù ở thời điểm đó, Nguyễn Du sống ở Tiên Điền quá ít so với ở Thăng Long.


Tượng Nguyễn Du trong khuôn viên khu lưu niệm

Phải sống xa quê, ngay cả mùa xuân, ông vẫn buồn, đêm nhìn vầng trăng quê người mà tưởng như gặp lại vầng trăng quê mình, bởi “gia hương thiên lý nguyệt trung tâm”, vầng trăng quê nhà xa ngàn dặm chứa sẵn trong tim mình.

Thời làm quan ở Phú Xuân, nỗi nhớ quê nhà thường trực, không chỉ khi một thân nằm bệnh nghĩ về 10 miệng ăn đang kêu đói ở Tiên Điền. Khi làm Cai Bạ ở Quảng Bình, có một lần ông đứng trước cửa sông Nễ Giang (tức sông Ròn) nhìn về quê, buồn thương:

Vọng vọng gia hương tự nhật biên

Hoành Sơn chỉ cách nhất sơn điên

Khả liên quy lộ tài tam nhật

Độc bão hương tâm dĩ tứ niên

(Nễ Giang khẩu hương vọng)

(Trông quê xa tựa mặt trời/ Hoành Sơn chỉ cách một thôi núi này/ Đoạn đường đi bộ ba ngày/ Lòng quê đã bốn năm nay mơ hoài).

14 tháng trời đi sứ Trung Quốc từ tháng 2/1813 đến tháng 4/1814, không biết bao lần ông ngoái đầu trông về cố hương:

Vạn lý hương tâm hồi thủ xứ

Bạch vân nam hạ bất thăng đa

(Ngẫu hứng)

(Lòng quê ngàn dặm ngoái đầu/ Phương nam mây trắng theo nhau kéo về), thật giống như tâm trạng của nàng Kiều: Bốn phương mây trắng một mầu/ Trông vời cố quốc biết đâu là nhà!

Nguyễn Du là người nặng tình với quê, nếu không vì kế sinh nhai chắc ông sẽ không ra làm quan. Khi đã ra làm quan, ông thường nghĩ ra lý do để về quê. Năm 1804, khi đang làm tri phủ Thường Tín, ông cáo bệnh trở về quê, trước sự ngạc nhiên của bao người, nhất là người cháu Nguyễn Hành.

Năm 1808, khi đang giữ chức “Đông các học sĩ” ở Phú Xuân, ông lại xin về quê nghỉ 8 tháng. Năm 1812, với lý do xây mộ người anh là Nguyễn Nễ, ông lại xin về quê 2 tháng. Chung quy là nỗi nhớ nhà, nhớ quê!

Quê hương Tiên Điền gắn bó với Đại thi hào còn ở chỗ: Năm 1820, ông mất ở Phú Xuân thì năm 1824, con cháu đã vào mang hài cốt về cải táng trong vườn nhà và ngôi mộ của Đại thi hào đã ở trong vườn 104 năm (từ năm 1824-1928) rồi mới di chuyển ra vị trí hiện tại.

Được nằm lại mãi mãi ở quê hương Tiên Điền, có lẽ, đó chính là ước nguyện của ông lúc sinh thời. Để trong dòng chảy của thời gian, nỗi lòng gắn bó với quê hương của ông mãi mãi không bao giờ phai nhạt.

Theo Vương Trọng/ Baohatinh.vn

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện