UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023 – 2025
(Nguồn ảnh: internet)
Theo đó, Kế hoạch bao gồm các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đồng bộ, nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên bản địa; khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn; phát huy giá trị truyền thống, văn hoá của mỗi vùng miền; đào tạo, bồi dưỡng các chủ thể nhằm tạo ra đội ngũ doanh nhân OCOP làm trụ cột cho phát triển kinh tế nông thôn, để liên kết, dẫn dắt nông dân sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng với yêu cầu của thị trường, từ đó tạo sinh kế, thu nhập bền vững cho người dân; góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn và thực hiện thành công tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
2. Yêu cầu
Các Sở, ngành, địa phương bám sát quan điểm, mục tiêu của Chương trình OCOP và thực tế tại địa phương, đơn vị, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp để triển khai thực hiện. Chủ động và phối hợp, thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện; ưu tiên đưa nội dung Chương trình OCOP vào chương trình công tác trọng tâm hàng năm của địa phương, đơn vị để thực hiện có hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát triển sản phẩm OCOP để khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp,
ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng cộng đồng với sự tự nguyện tham gia của người dân để khai thác các tiềm năng, lợi thế thành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường; phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn, thương mại hóa sản phẩm, phát triển nông thôn bền vững, thực hiện thành công tỉnh nông thôn mới.
2. Chỉ tiêu cụ thể
- Đến năm 2025, có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao.
- Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
- Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, website, facebook, zalo,...); phấn đấu mỗi huyện, thành phố, thị xã có tối thiểu 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đảm bảo Quy chế quản lý Điểm giới thiệu, bán sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hà Tĩnh được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 4086/QĐ-UBND ngày 01/12/2020.
III. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN
1. Phạm vi thực hiện
a) Phạm vi về không gian: Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, bao gồm cả khu vực nông thôn và đô thị.
b) Phạm vi về thời gian: Chương trình OCOP được triển khai thực hiện đến hết năm 2025.
2. Đối tượng thực hiện
a) Chủ thể thực hiện: Các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, chủ thể, bao gồm: Các đối tượng trên và các hội/hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương.
b) Sản phẩm: Gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.
Sản phẩm được phân theo 6 nhóm, gồm:
- Nhóm thực phẩm, gồm: Nông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác.
- Nhóm đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn; đồ uống không cồn.
- Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, gồm: Sản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác.
- Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi tự nhiên, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren,... làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng.
- Nhóm sinh vật cảnh, gồm: Hoa, cây cảnh, động vật cảnh.
- Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
(Nguồn ảnh: Internet)
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy, tạo cảm hứng cho các chủ thể tham gia khởi nghiệp từ Chương trình OCOP
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền thông qua các loại hình truyền thông để làm rõ và sâu sắc hơn mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP về phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hoá địa phương,...); chú trọng tuyên truyền về hiệu quả kinh tế và gia tăng giá trị của sản phẩm OCOP; tập trung phản ánh sự tham gia của cộng đồng vào sản xuất sản phẩm OCOP; giới thiệu những mô hình sản xuất tiêu biểu, những sản phẩm OCOP đặc sản mang đạm bản sắc văn hoá địa phương, nhằm góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu sản phẩm OCOP, tạo cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp.
- Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh và các cơ quan báo chí trên địa bàn xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP và tăng cường đưa tin, giới thiệu các mô hình hay, cách làm tốt, sản phẩm nổi bật để tuyên truyền, quảng bá giới thiệu nhằm tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, xã hội; mở các chuyên trang, chuyên mục quảng bá, giới thiệu Chương trình OCOP; nghiên cứu cải tiến, xây dựng các chương trình mới để tuyên truyền mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thường xuyên tuyên truyền Chương trình OCOP trên website, bản tin nông thôn mới tỉnh và biên tập in ấn, phát hành bộ nhận diện thương hiệu, pano, sổ tay, ấn phẩm, tờ rơi, câu chuyện các sản phẩm OCOP đạt chuẩn,... Tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, khởi nghiệp sáng tạo, kết nối đối tác, liên kết sản xuất,... trong thực hiện Chương trình OCOP.
- Các Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan tuyên truyền về sản phẩm OCOP để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động biết, hiểu và sử dụng; đồng thời vận động, tuyên truyền các nhà hàng, khách sạn sử dụng các sản phẩm OCOP để làm thực đơn của nhà hàng.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới từng thôn, xóm để làm thay đổi nhận thức của cán bộ các cấp, cộng đồng về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP; phổ biến các nội
dung, chính sách liên quan đến Chương trình để mọi tầng lớp Nhân dân biết, hiểu và đăng ký ý tưởng tham gia; ưu tiên lồng ghép nội dung Chương trình vào các cuộc họp, hội nghị, hội thảo.
- Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh và các tổ chức thành viên tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên, cán bộ công chức, người dân sử dụng sản phẩm OCOP Hà Tĩnh gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người Hà Tĩnh ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất trong tỉnh.
2. Tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình OCOP các cấp và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP
2.1. Tổ chức bộ máy
Tổ chức triển khai Chương trình OCOP theo tổ chức bộ máy của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025.
2.2. Nâng cao năng lực
a) Đào tạo, tập huấn
- Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ triển khai Chương trình OCOP và các chủ thể về nội dung, kiến thức của Chương trình để nâng cao nhận thức và năng lực; tập huấn về xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường; vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng sản phẩm; kỹ năng thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng phục vụ khách du lịch cho cán bộ quản lý và các hộ dân làm du lịch cộng đồng; đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cho các hộ sản xuất nông nghiệp; .
- Tổ chức các diễn đàn về khởi nghiệp, hướng dẫn phong trào khởi nghiệp phát triển kinh tế trong đoàn viên, hội viên nhằm thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo phát triển thành sản phẩm OCOP.
- Trường Đại học Hà Tĩnh và các Trường dạy nghề thực hiện vai trò đối tác cùng tham gia đào tạo các ngành nghề liên quan, quản trị kinh doanh, tiếp thị, bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử, website, facebook, zalo, youtube,... cho các cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia Chương trình.
b) Tham quan học tập kinh nghiệm
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tham mưu tổ chức các đợt tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước về tổ chức, quản lý thực hiện Chương trình; các mô hình tốt, cách làm hay trong thực hiện Chương trình cho đội ngũ cán bộ OCOP các cấp và một số cơ sở sản xuất tham gia Chương trình.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chủ động tổ chức các cuộc tham quan học tập kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, các chủ cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP.
c) Tổ chức các hoạt động chuyên đề
- Tổ chức triển khai các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo về phát triển sản phẩm OCOP gắn với đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì và các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.
- Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm kết nối đối tác nhằm hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh từ các sản phẩm OCOP, liên kết tiêu thụ sản phẩm,...
3. Phát triển sản phẩm
3.1. Tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng
- Ưu tiên đầu tư hợp lý cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.
3.2. Tổ chức triển khai chu trình OCOP hàng năm linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đặc điểm từng sản phẩm
Chu trình OCOP hàng năm được thực hiện theo 6 bước1 trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” (đề xuất theo nhu cầu và khả năng của các doanh nghiêp, hợp tác xã và cơ sở/hộ sản xuất) và phải đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đặc điểm của từng sản phẩm, phát huy các điều kiện về nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, lợi thế về chất lượng sản phẩm; khuyến khích các chủ đề ưu tiên gắn với kế hoạch, nhiệm vụ hàng năm. Quá trình tổ chức triển khai chu trình OCOP hàng năm, tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
a) Xét chọn ý tưởng phát triển sản phẩm
- Tổ chức xét chọn các ý tưởng tốt (chủ thể là người có khát vọng, có khả năng vươn lên; ý tưởng sản phẩm phải có khả thi, sản phẩm có khả năng phát triển lâu dài, bền vững; khuyến khích phát triển các sản phẩm chế biến, chế biến sâu; ưu tiên các chủ thể là thanh niên, phụ nữ) đủ điều kiện tham gia Chương trình và chịu trách nhiệm về đối tượng tham gia Chương trình.
- Hướng dẫn, tập huấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cho các chủ cơ sở và tổ chức xét chọn, ban hành Quyết định chấp thuận các phương án sản xuất kinh doanh đủ điều kiện tham gia Chương trình. Yêu cầu các Phương án sản xuất kinh doanh phải đánh giá thực trạng sát đúng thực tế, xây dựng phương án phát triển sản phẩm khả thi và xác định nguồn lực đảm bảo để thực hiện, trong đó nêu rõ các nội dung đề xuất hỗ trợ kinh phí theo chính sách Chương trình Mỗi xã
một sản phẩm quy định tại Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
b) Hỗ trợ phát triển sản phẩm
- Tiếp tục khảo sát lựa chọn một số sản phẩm tốt, nhất là các ý tưởng khởi nghiệp mang tính sáng tạo, phát huy được tiềm năng, lợi thế tại địa phương để tập trung hỗ trợ phát triển thành sản phẩm OCOP. Đối với các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP và bước đầu đã khẳng định được thương hiệu, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện bố trí mặt bằng, đất đai mở rộng quy mô sản xuất. Tuyển chọn một số sản phẩm tiềm năng để xây dựng, phát triển nâng cấp thành sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
- Chỉ đạo phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng:
+ Hướng dẫn, hỗ trợ đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP.
+ Hướng dẫn sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng và an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường; xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị.
+ Xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo vùng, miền.
- Tổ chức liên kết sản xuất giữa các cơ sở OCOP có cùng loại sản phẩm để từng bước xây dựng và hình thành các sản phẩm mang thương hiệu quy mô lớn, thương hiệu sản phẩm, dịch vụ gắn với địa danh. Hướng dẫn các cơ sở OCOP phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với việc phát triển các thương hiệu cộng đồng đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như: Chỉ dẫn địa lý (Nhung hươu Hương Sơn, Bưởi Phúc Trạch), nhãn hiệu chứng nhận (Cu đơ Hà Tĩnh, Cam Sơn Mai, Cam Khe Mây, Cam Thượng Lộc, nước mắm Kỳ Ninh, mật Ong Hương Sơn, Cam Bù Hương Sơn, Mực Thạch Kim), nhãn hiệu tập thể (Mộc Thái Yên, Chè Hồng Lộc, Rau củ quả Tượng Sơn, Cam Vũ Quang, mật ong Vũ Quang). Ưu tiên phát triển sản phẩm liên kết tổ chức sản xuất mang tính cộng đồng, tập thể; quy mô giá trị sản phẩm đủ lớn, doanh thu năm đầu tối thiểu 500 triệu đồng, có kế hoạch sản xuất kinh doanh đến năm thứ 3 có doanh thu tối thiếu 2 tỷ đồng.
- Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình nhất là các vấn đề về quy hoạch, bố trí mặt bằng, đất đai. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường,... Giới thiệu, kết nối, chỉ đạo các đơn vị tư vấn, các chuyên gia thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ về phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
c) Phát triển các tổ chức sản xuất
- Tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới và củng cố, tái cấu trúc, nâng cao năng lực cho các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng, ban liên quan xuống tận từng cơ sở hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới và củng cố, tái cấu trúc, nâng cao năng lực cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP.
d) Đánh giá, phân hạng sản phẩm
- Trình tự đánh giá, phân hạng; thành phần Hội đồng; yêu cầu về hồ sơ,...: Thực hiện theo quy định của của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 148/QĐ- TTg ngày 24/02/2023 về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
- Đối với sản phẩm đặc thù theo mùa vụ, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức đánh giá, chẩm điểm và phân hạng sản phẩm theo tình hình thực tế của địa phương và đảm bảo đúng quy định.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm theo đúng quy định.
4. Kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh môi trường
- Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đối với sản phẩm OCOP, lấy mẫu kiểm nghiệm độc lập các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; xử lý nghiêm các tổ chức sản xuất có sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
- Các Sở chuyên ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa gắn với vệ sinh môi trường tham gia Chương trình OCOP theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 843/QĐ- UBND ngày 04/02/2021 về việc ban hành Quy chế quản lý sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Chủ động xây dựng kế hoạch gửi Cơ quan thường trực Chương trình OCOP tỉnh thống nhất và phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm OCOP; việc kiểm tra thông qua Đoàn liên ngành của tỉnh và theo kế hoạch để tránh chồng chéo, gây phiền hà cho cơ sở.
- Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Khoa học Công nghệ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức hướng dẫn, tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm, hồ sơ công bố tiêu chuẩn cơ sở, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh: Số 58/2015/QĐ-UBND ngày 23/11/2015 ban hành quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; số 32/2019/QĐ- UBND ngày 14/6/2019 ban hành quy định quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát về công tác quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh môi trường. Yêu cầu các chủ thể tham gia Chương trình OCOP thực hiện đúng quy trình sản xuất, tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm và các quy định của pháp luật liên quan khác; sản phẩm OCOP đưa ra tiêu thụ phải dán tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Hà Tĩnh; cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin liên quan về sản phẩm.
5. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại
- Tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại các thị trường trọng điểm, có tiềm năng để giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực Hà Tĩnh.
- Tổ chức gian hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề hoặc hướng dẫn các địa phương và cơ sở OCOP của tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm, du lịch trong và ngoài nước
- Tổ chức phiên chợ quảng bá sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP Hà Tĩnh tại thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh và một số địa phương khác; ưu tiên lồng ghép vào các Lễ hội, khai trương mùa du lịch biển,...
- Tổ chức kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP Hà Tĩnh vào hệ thống kênh phân phối lớn, sàn thương mại điện tử. Tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về thương mại điện tử cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.
- Tăng cường quản lý các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP đảm bảo theo yêu cầu tại Quyết định 920/QĐ-BCT ngày 16/4/2019 của Bộ Công thương và Quyết định 4086/QĐ-UBND ngày 01/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy chế quản lý Điểm giới thiệu, bán sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hà Tĩnh.
6. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong thực hiện Chương trình
- Ứng dụng công nghệ thiết bị mới, tiên tiến phù hợp với năng lực cho các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, trong đó chú trọng các công nghệ bảo quản và chế biến sâu đa dạng sản phẩm cho các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.
- Hướng dẫn các địa phương, các cơ sở tham gia Chương trình OCOP phát triển các sản phẩm OCOP gắn với việc phát huy lợi thế của các sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện hỗ trợ đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm có lợi thế của địa phương, góp phần hình thành các sản phẩm OCOP có thương hiệu, quy mô sản xuất kinh doanh lớn.
7. Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số
- Triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành, sản xuất trong thực hiện Chương trình nhất là tại các cơ sở sản xuất, cửa hàng bán sản
phẩm OCOP. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống số hoá Chương trình Mỗi xã một sản phẩm Hà Tĩnh, gồm: Số hoá hoạt động quản lý chương trình OCOP; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; quảng bá, thương mại sản phẩm trên sàn thương mại điện tử,...
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã triển khai xây dựng các mô hình điểm về ứng dụng chuyển đổi số để rút kinh nghiệm, nhân rộng.
8. Củng cố, hình thành, phát triển các Hội OCOP
- Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục vận động các cơ sở OCOP hình thành Hội OCOP cấp huyện, từ đó hình thành Hội OCOP Hà Tĩnh.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã vận động hình thành Hội OCOP Hà Tĩnh, là nơi để tổ chức cho các cơ sở OCOP kết nối, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ thành lập, duy trì, phát triển các Hội OCOP tại các địa phương.
9. Xây dựng và phát triển hệ thống đối tác OCOP
- Xây dựng hệ thống đối tác OCOP là các tổ chức/cá nhân có quan hệ với các chủ thể OCOP theo phương thức hợp tác cùng có lợi, bao gồm:
+ Các doanh nghiệp, hợp tác xã trong chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, gồm: (i) Cung ứng dịch vụ/vật tư đầu vào, nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, dịch vụ hỗ trợ (thiết kế bao bì, nhãn hàng hóa, đăng ký/công bố sản phẩm, tư vấn luật, tư vấn quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, quản lý sản xuất bằng hệ thống tem điện tử thông minh,…); (ii) chế biến nông, lâm, thủy sản; (iii) các nhà bán lẻ; (iv) các nhà đầu tư hệ thống Trung tâm OCOP. Các doanh nghiệp, hợp tác xã này liên kết với các chủ thể OCOP theo hợp đồng nhằm cung ứng vật tư/dịch vụ đầu vào và kéo dài chuỗi giá trị các sản phẩm OCOP đến thị trường đích.
+ Trường Đại học Hà Tĩnh, nhà khoa học, chuyên gia liên kết với các chủ thể OCOP để nghiên cứu ứng dụng, triển khai phát triển sản phẩm mới hoặc nâng cấp sản phẩm đang có, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất,… theo hình thức hợp đồng trực tiếp với các chủ thể OCOP hoặc thông qua các đề tài/dự án khoa học công nghệ.
+ Các tổ chức/doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương: Tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP theo hợp đồng.
+ Các ngân hàng, quy đầu tư: Cho vay vốn theo thỏa thuận với các chủ thể OCOP.
+ Các tổ chức quốc tế: Tham gia vào các lĩnh vực quan tâm của mình dưới các dạng tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật, nhân lực, kết nối thị trường, nguồn chuyên gia,... đối với các chủ thể OCOP, cơ quan triển khai Chương trình OCOP.
+ Các nhà báo: Tuyên truyền về OCOP đến cộng đồng; đưa tin, chia sẻ các điển hình thành công, bài học kinh nghiệm thành công và thất bại để cộng đồng học hỏi.
- Tổ chức Hội nghị kết nối (chia sẻ thông tin, gặp gỡ, đàm phán, ký kết thỏa thuận, hợp đồng…).
- Định kỳ hàng năm tổng hợp, đánh giá năng lực đối tác, xây dựng dữ liệu đối tác OCOP, những thông tin này sẽ được công khai trên Trang thông tin điện tử Chương trình OCOP Hà Tĩnh và các hình thức phù hợp khác để các chủ thể tham gia Chương trình OCOP có thể tiếp cận.
10. Phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP
- Nâng cao vai trò của các hội/hiệp hội trong triển khai Chương trình OCOP, khai thác và phát triển sản phẩm của địa phương gắn với bảo tồn sản phẩm, kỹ năng truyền thống, danh tiếng của cộng đồng.
- Đẩy mạnh giám sát của cộng đồng về sản phẩm, chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu; duy trì sự đặc sắc, nét văn hóa của các sản phẩm địa phương; thúc đẩy sự tham gia và có cơ chế chia sẻ lợi ích phù hợp của cộng đồng vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP; phát triển vùng sản xuất nguyên liệu, sử dụng lao động địa phương.
11. Xây dựng và triển khai các dự án, mô hình ưu tiên
- Dự án vùng dược liệu tây Hà Tĩnh: Khảo sát quy hoạch vùng dược liệu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê; xây dựng vườn giống, bảo tồn loài; kêu gọi, khuyến khích đầu tư hình thành các trang trại nông dược gắn với chế biến dược liệu phục vụ du lịch gắn với khu du lịch Ngàn trươi Cẩm Trang, nước sốt Sơn Kim, phát triển các dịch vụ Spa, ngâm tắm dược liệu.
- Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại chuyên về sản phẩm OCOP và nông sản của tỉnh (dự án đã đưa vào Đề án thí điểm tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2020).
- Mô hình thí điểm xây dựng các mô hình phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.
- Mô hình thí điểm phát triển OCOP xanh gắn với tiêu chuẩn xuất khẩu, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học.
- Mô hình thí điểm phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
- Mô hình phát triển sản phẩm OCOP 5 sao.
12. Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP, đảm bảo Chương trình hoạt động hiệu quả, phù hợp với thực tiễn; khuyến khích phát triển các sản phẩm có chất lượng và tiềm năng; ưu tiên khuyến khích đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ nâng hạng sao, nhất là phát triển các sản phẩm đạt hạng 5 sao.
13. Huy động nguồn lực
- Ưu tiên huy động nguồn lực về vốn, đất đai, lao động, nguyên vật liệu, máy móc, công nghệ của các chủ thể OCOP.
- Lồng ghép hiệu quả các chương trình/đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và chương trình, dự án khoa học công nghệ và các cơ chế, chính sách khác có liên quan.
- Nhà nước hỗ trợ chủ thể OCOP tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng thông qua các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và chính sách hỗ trợ riêng của từng địa phương.
- Lồng ghép hiệu quả nguồn kinh phí từ các chương trình khuyến nông, khuyến công và các chương trình, dự án khác có liên quan.
14. Sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện Chương trình
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và các Sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Đô thị văn minh, Giảm nghèo bền vững và Mỗi xã một sản phẩm tỉnh tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết cả giai đoạn để đánh giá tình hình triển khai Chương trình OCOP, các tồn tại, hạn chế, giải pháp tháo gỡ, kịp thời tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình.
V. NGUỒN VỐN VÀ CƠ CẤU HUY ĐỘNG VỐN
1. Nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP, bao gồm:
- Vốn ngân sách trung ương: Được bố trí trong kế hoạch vốn ngân sách trung ương của chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025.
- Vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã.
- Vốn tín dụng (bao gồm: vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn vay từ các tổ chức tín dụng khác, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã,...).
- Vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động.
- Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác.
- Vốn huy động hợp pháp khác.
2. Kinh phí quản lý, giám sát thực hiện Chương trình ở các cấp: Được trích từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các cấp được giao hàng năm.
3. Cơ chế tài chính của Chương trình: Thực hiện theo cơ chế tài chính của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và các quy định của pháp luật liên quan.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý tham mưu thực hiện Chương trình OCOP các cấp và các chủ thể tham gia Chương trình về các nội dung, kiến thức về Chương trình OCOP.
- Chủ trì triển khai kế hoạch Chương trình OCOP; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn theo chu trình OCOP hàng năm; hướng dẫn và
thực hiện công tác quản lý nhà nước về sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực, ngành mình phụ trách.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh, Tổ giúp việc cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm được cấp huyện chấm đạt từ 70 đến 100 điểm.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan rà soát, đề xuất các cơ chế chính sách; triển khai, thực hiện các cơ sở chính sách thuộc Chương trình; tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí, huy động nguồn lực thực hiện Chương trình.
- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá công tác tổ chức thực hiện Chương trình để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, các Bộ, ngành Trung ương theo định kỳ hàng quý, 6 tháng, cả năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đối với sản phẩm OCOP, lấy mẫu kiểm nghiệm độc lập các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; xử lý nghiêm các tổ chức sản xuất có sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi Giấy chứng nhận đạt chuẩn OCOP đối với các cơ sở không chấp hành Quy chế quản lý sản phẩm OCOP và các quy định hiện hành khác.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng Đô thị văn minh tỉnh tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết cả giai đoạn để đánh giá tình hình triển khai Chương trình và thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh
- Phối hợp với cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Kế hoạch;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức; tổ chức đào tạo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách Chương trình OCOP các cấp và các chủ thể OCOP; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Đô thị văn minh, Giảm nghèo bền vững và Mỗi xã một sản phẩm tỉnh theo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
3. Sở Công thương
- Chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện công tác quản lý nhà nước về sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực, ngành mình phụ trách.
- Tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại các thị trường trọng điểm, có tiềm năng để giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực Hà Tĩnh.
- Tổ chức phiên chợ quảng bá sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP Hà Tĩnh tại thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh và một số địa phương khác; ưu tiên lồng ghép vào các Lễ hội, khai trương mùa du lịch biển,...
- Tổ chức kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP Hà Tĩnh vào hệ thống kênh phân phối lớn, sàn thương mại điện tử. Tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về thương mại điện tử cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.
- Tăng cường quản lý các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP đảm bảo theo yêu cầu tại Quyết định 920/QĐ-BCT ngày 16/4/2019 của Bộ Công thương và Quyết định 4086/QĐ-UBND ngày 01/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy chế quản lý Điểm giới thiệu, bán sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hà Tĩnh.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện công tác quản lý nhà nước về sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực, ngành mình phụ trách.
- Chủ trì tổ chức tập huấn khai thác quyền sở hữu trí tuệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; ghi nhãn hàng hoá, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Tổng hợp nhu cầu đề xuất của các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP trong Danh mục nghiên cứu triển khai khoa học và công nghệ hàng năm; tư vấn, giới thiệu các công nghệ thiết bị mới, tiên tiến phù hợp với năng lực cho các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, trong đó chú trọng các công nghệ bảo quản và chế biến sâu đa dạng sản phẩm cho các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.
- Hướng dẫn các địa phương, các cơ sở tham gia Chương trình OCOP phát triển các sản phẩm OCOP gắn với việc phát huy lợi thế của các sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý; xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến; đăng ký, sử dụng mã số, mã vạch; xây dựng hệ thống và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc đảm bảo kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh, quốc gia; ghi nhãn sản phẩm, hàng hóa đúng quy định.
- Tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện hỗ trợ đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm có lợi thế của địa phương, góp phần hình thành các sản phẩm OCOP có thương hiệu, quy mô sản xuất kinh doanh lớn.
5. Sở Y tế
- Chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện công tác quản lý nhà nước về sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực, ngành mình phụ trách.
- Hướng dẫn áp dụng chỉ tiêu chất lượng đối với các sản phẩm, hàng hóa không có Quy chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn cơ sở tương ứng; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; xây dựng quy trình sản xuất gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường các sản phẩm thuộc ngành quản lý.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động của các chủ thể OCOP; hướng dẫn thực hiện các nội dung về môi trường trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
- Hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình nhất là các vấn đề về quy hoạch, bố trí mặt bằng, đất đai.
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và các địa phương có sản phẩm dịch vụ du lịch, du lịch cộng đồng tập huấn về kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ phát triển dịch vụ du lịch, du lịch cộng đồng cho các đối tượng tham gia. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ phát triển từ 3 - 5 mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch tham gia Chương trình OCOP.
- Chủ trì xây dựng các Video clip giới thiệu và đưa các sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, hội thảo, hội nghị, các sự kiện về du lịch mà ngành du lịch Hà Tĩnh tham gia; hướng dẫn, hỗ trợ các Công ty lữ hành, Công ty du lịch xây dựng các tour tuyến, kết nối khách du lịch đến các điểm, trung tâm giới thiệu và tại các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP (có tiềm năng du lịch) để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP Hà Tĩnh.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, Sở Công Thương và các địa phương tổ chức đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cho hộ sản xuất nông nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại, bán hàng OCOP trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
9. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác (nếu có) để thực hiện kế hoạch này.
10. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; giai đoạn 2023-2025; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác (nếu có) để thực hiện kế hoạch này.
11. UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh và các tổ chức thành viên
- Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh và các tổ chức thành viên tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên, cán bộ công chức, người dân Hà Tĩnh sử dụng sản phẩm OCOP Hà Tĩnh gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người Hà Tĩnh ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất trong tỉnh.
- Liên minh Hợp tác xã, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn tổ chức các lớp tập huấn phổ biến các kiến thức, chính sách triển khai Chương trình OCOP; tổ chức các diễn đàn về khởi nghiệp, hướng dẫn phong trào khởi nghiệp phát triển kinh tế trong đoàn viên, hội viên nhằm thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo trong phát triển thành sản phẩm OCOP.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
- Kiện toàn bộ máy chỉ đạo, quản lý, điều hành, ban hành các văn bản quản lý, điều hành, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn.
- Bố trí nguồn lực từ ngân sách huyện, lồng ghép các Chương trình, dự án để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn.
- Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP hàng năm và giai đoạn trên địa bàn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên phát triển, tiêu chuẩn hóa, nâng hạng sản phẩm chủ lực; thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, các sản phẩm ngành nghề nông thôn.
- Tổ chức xét chọn ý tưởng, thẩm định và ban hành Quyết định chấp thuận các phương án sản xuất kinh doanh đủ điều kiện tham gia Chương trình. Yêu cầu các Phương án sản xuất kinh doanh phải đánh giá thực trạng sát đúng thực tế, xây dựng phương án phát triển sản phẩm khả thi và xác định nguồn lực đảm bảo để thực hiện, trong đó nêu rõ các nội dung đề xuất hỗ trợ kinh phí theo chính sách Chương trình Mỗi xã một sản phẩm quy định tại Nghị quyết số 51/2021/NQ- HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh
- Hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể đăng ký và chuẩn bị hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hàng năm theo đúng quy định.
- Tổ chức chấm điểm, đánh giá, phân hạng các sản phẩm có đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng trên địa bàn; ban hành Quyết định công nhận kết quả đánh giá, cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt 3 sao; hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ và đề xuất cấp tỉnh đánh giá phân hạng các sản phẩm được chấm đạt từ 70 đến 100 điểm.
- Thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, quản lý chứng nhận sản phẩm OCOP, sử dụng logo, biểu trưng theo quy định, đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm OCOP; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất về cơ quan thường trực Chương trình OCOP của tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương; đối với các địa phương chưa xây dựng được cửa hàng (điểm) giới thiệu và bán các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thì tiếp tục thực hiện đạt tối thiểu 01 cửa hàng (điểm)/địa phương.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã vào cuộc tích cực, sâu sát; soát xét những tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm đặc trưng để tuyên truyền, khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký ý tưởng tham gia Chương trình; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP đến toàn thể người dân, các tổ chức kinh tế thấy được lợi ích, giá trị kinh tế khi thực hiện Chương trình OCOP tại địa phương.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị hàng hóa bền vững.
- Hàng năm và cả giai đoạn, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Chương trình OCOP tại địa phương, các tồn tại, hạn chế, giải pháp tháo gỡ; kịp thời tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình.
13. Ủy ban nhân dân cấp xã
- Phân công cán bộ theo dõi Chương trình OCOP cấp xã.
- Tham gia vào các hoạt động triển khai Chương trình OCOP cấp xã theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện, tỉnh và quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023; chủ động rà soát các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP phát triển sản phẩm.
- Chủ động tuyên truyền cho các tổ chức kinh tế, người dân về ý nghĩa, các chính sách hỗ trợ của Chương trình OCOP, tích cực hỗ trợ, tư vấn cho các tổ chức kinh tế chuẩn bị hồ sơ, tài liệu tham gia Chương trình OCOP.
- Tổ chức đánh giá một số nội dung của Hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP, bao gồm các tiêu chí sau: Nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc/trí tuệ địa phương. Căn cứ vào điều kiện và đặc điểm thực tế của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức họp với các bộ phận liên quan để lấy ý kiến về các nội dung đánh giá, sau đó ban hành Báo cáo đánh giá về các tiêu chí trên gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện (theo Biểu mẫu số 3, Phụ lục II kèm theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ).
14. Về chế độ báo cáo, kiểm tra, đôn đốc
- Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan báo cáo đột xuất, báo cáo quý (trước ngày 25 của tháng cuối quý), 6 tháng (trước ngày 20/6), hàng năm (trước ngày 15/12) và giai đoạn thực hiện Kế hoạch này gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023-2025, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, tích cực triển khai, thực hiện kế hoạch này, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để kịp thời xử lý./.
BBT
Thêm nhận xét mới