Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2024

  

08:29 25/04/2024

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 cũng như 4 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu và trong nước tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức; nhiều mặt hàng đang phải đối mặt với việc tìm kiếm thị trường mới; một số sản phẩm sản lượng thấp do nhà máy sửa chữa, thay mới dây chuyền. Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ cả các sản phẩm thép nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ đã ảnh hưởng đến việc ổn định sản xuất của doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Thị phần bán nội địa giảm, thị trường quốc tế gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp Formosa Hà Tĩnh trong thời gian qua. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển ngành công nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế tỉnh nhà nói chung.

Mặc dù nền kinh tế của tỉnh nhà gặp khó khăn, song với sự tập trung cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và thi công các công trình dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm của Hà Tĩnh đạt kết quả ấn tượng. Hoạt động bán lẻ hàng hóa ghi nhận sự khởi sắc; doanh số bán hàng của những đơn vị tăng trưởng tốt; dịch vụ Hà Tĩnh đang đi những bước vững chắc; các đơn vị sản xuất kinh doanh, bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu hàng hóa ổn định trở lại đã làm tăng nhu cầu vận chuyển trên địa bàn tỉnh; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm; đời sống người dân được bảo đảm; Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

I. LĨNH VỰC KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Tháng 4 năm 2024, sản xuất trồng trọt chủ yếu tập trung vào chăm sóc cây trồng vụ Xuân. Hiện nay lúa đang trong thời kỳ trổ bông và dự kiến lúa sẽ trổ tập trung vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2024. Tổng đàn vật nuôi vẫn ổn định và có mức tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, xu hướng phát triển chăn nuôi chủ yếu tập trung ở đàn lợn và đàn gia cầm. Hoạt động lâm nghiệp trong tháng vẫn tiếp tục tiến hành trồng rừng sản xuất, sản lượng gỗ khai thác tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước do diện tích rừng đến tuổi khai thác trên địa bàn vẫn còn khá lớn. Khai thác thủy sản duy trì mức tăng ổn định, hiện nay vào mùa du lịch nên nhu cầu tăng, giá cả ổn định khuyến khích người dân ra khơi bám biển; sản lượng đánh bắt cao hơn mức bình quân chung các tháng trước.

1.1 Sản xuất nông nghiệp

*Trồng trọt

Thời gian này là giai đoạn phát triển quan trọng của lúa, quyết định cơ bản đến năng suất cuối vụ trong khi diễn biến thời tiết bất lợi, dịch bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục có nguy cơ gây hại vì vậy các địa phương cần chỉ đạo bộ phận chuyên môn theo sát, kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt là đối với các trà lúa trổ sớm. Cùng với cây lúa thì các loại cây trồng vụ Xuân khác cũng đang được chăm sóc và sinh trưởng, phát triển tốt. Cây lạc đang trong giai đoạn đâm tỉa, phát triển củ; cây ăn quả như cam, bưởi…đang giai đoạn phát triển quả non.

         Kết quả gieo trồng các loại cây vụ Xuân 2024:

 *Cây lúa: Tổng diện tích gieo, cấy toàn tỉnh 59.022 ha/59.107 ha đạt 99,9% KH, trong đó: Diện tích gieo thẳng 53.874 ha, diện tích cấy 5.148 ha.

*Cây trồng cạn: Đến ngày 15/4/2024, diện tích gieo trồng các cây trồng cạn vụ Xuân đạt 21.410 ha/21.835 ha đạt 98,05% KH, cụ thể như sau: Cây lạc 6.702 ha/7.599 ha đạt 88,2% KH; ngô lấy hạt 7.024 ha/6.479 ha đạt 108,4% KH; khoai lang 1.528 ha/1.557 ha đạt 98,2% KH; đậu các loại: 269 ha/355 ha đạt 76% KH; rau các loại 5.887 ha/5.845 ha đạt 100,7% KH.

*Tình hình sâu bệnh:

Trên cây lúa xuất hiện ở hầu hết các địa phương có bệnh khô vằn gây hại trên những diện tích gieo cấy giày, bón thừa đạm, tỷ lệ trung bình 7-10%, nơi cao 20-30% diện tích nhiễm 1.420 ha, chuột gây hại trên diện tích 325 ha, còn lại các bệnh đạo ôn, bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ... xuất hiện rải rác ở một số địa phương nhưng diện tích gây hại không lớn; trên cây ngô có sâu keo mùa thu, rệp ngô, khô vằn gây hại trên các trà ngô diện tích gây hại từ khoảng 10-15 ha; cây lạc xuất hiện bệnh lở cổ rễ, chết ẻo cây con; cây rau có bệnh sương mai, giả sương mai...tuy nhiên diện tích gây hại các loại bệnh không lớn; trên cây ăn quả có múi chịu nạn sâu vẽ bùa, sâu nhớt, diện tích nhiễm 75 ha, sâu non bướm phượng 25 ha, nhện nhỏ, Rệp muội gây hại với diện tích nhiễm 55 ha phân bố chủ yếu tại các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê,…

*Chăn nuôi

Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 chưa có tín hiệu thực sự tích cực, mặc dù vẫn có có mức tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng chủ yếu tập trung ở đàn lợn và đàn gia cầm. Giá lợn hơi có tăng hơn so với tháng trước nhưng chi phí về thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao nên người dân vẫn đang gặp khó khăn, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Riêng đàn trâu, bò có xu hướng ngày càng giảm vì chăn nuôi không hiệu quả, người dân không mở rộng đầu tư chăn nuôi.

       Kết quả sản xuất chăn nuôi trong tháng 4 so với cùng kỳ cụ thể như sau: Đàn trâu hiện có 65.947 con, bằng 97,28%; đàn bò hiện có 163.890 con, bằng 97,24%; đàn lợn hiện có 394.050 con, bằng 102,78%; đàn gia cầm hiện có 9.380 nghìn con, bằng 104,69%, trong đó đàn gà hiện có 7.850 nghìn con, bằng 103,56% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Hiện nay đang xảy ra dịch Viêm da nổi cục trên đàn trâu bò và dịch tả lợn Châu Phi, cụ thể: Bệnh Viêm da nổi cục xẩy ra tại 2 huyện (Lộc Hà, Cẩm Xuyên) làm 51 con gia súc mắc bệnh trong đó làm chết, buộc tiêu huỷ 9 con, trọng lượng 1.697kg. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại xã An Dũng huyện Đức Thọ làm 11 con lợn mắc bệnh, chết, buộc tiêu huỷ với trọng lượng 1.091kg. Thời gian tới, để phát triển chăn nuôi bên cạnh các chính sách nhằm phát triển đàn thì công tác phòng, chống dịch bệnh phải tiếp tục được quan tâm thực hiện để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi phát triển.

1.2 Lâm nghiệp

Những tháng đầu năm, với điều kiện thời tiết mát mẻ, nhiệt độ thấp, có mưa nên người dân vẫn tiếp tục tiến hành trồng rừng sản xuất. Sản lượng gỗ khai thác tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước do diện tích rừng đến tuổi khai thác trên địa bàn vẫn còn khá lớn. Bên cạnh đó, do nhu cầu ngày càng giảm nên sản lượng củi khai thác tiếp tục giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất lâm chủ yếu tập trung ở các địa phương như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, huyện Kỳ Anh....

      Kết quả sản xuất: Diện tích rừng trồng mới tháng 4/2024 ước đạt 778 ha, bằng 105,99%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 32.764 m3, bằng 106,05%; sản lượng củi khai thác ước đạt 17.438 ste, bằng 95,97%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 40 nghìn cây, bằng 105,26% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới ước đạt 2.060 ha, bằng 113%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 97.881 m3, bằng 106,49%; sản lượng củi khai thác ước đạt 72.106 ste, bằng 96,05%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 1.464 nghìn cây, bằng 101,81% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tính từ đầu năm đến ngày 15/4/2024, trên địa bàn Hà Tĩnh không xẩy ra cháy rừng nhưng đã xẩy ra 11 vụ phá rừng (giảm 24 vụ), với diện tích rừng bị phá là 1,64 ha (giảm 6,90 ha) so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay đang chuẩn bị bước vào mùa nắng nóng nên các cơ quan chức năng cần phải tăng cường tuần tra kiểm soát và người dân khi vào rừng cần phải nâng cao ý thức để phòng chống cháy rừng.

1.3 Thủy sản

Kết quả hoạt động thủy sản: Tổng sản lượng thủy sản tháng 4/2024 ước đạt 4.201 tấn, bằng 102,22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 3.557 tấn, bằng 102,16%, sản lượng nuôi trồng ước đạt 644 tấn, bằng 102,55% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 17.441 tấn, bằng 102,12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 13.485 tấn, bằng 101,91%, sản lượng nuôi trồng ước đạt 3.956 tấn, bằng 102,83% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 4 điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc đánh bắt, nguồn thủy hải sản dồi dào cộng với việc hiện nay, các hoạt động dịch vụ du lịch, ăn uống trên địa bàn đang ngày càng phát triển, nhất là ở các khu du lịch biển nên nhu cầu sử dụng hải sản tăng cao, với giá cả tương đối ổn định nên người dân tích cực ra khơi bám biển. Tuy nhiên, do chi phí về nhiên liệu vẫn mức cao nên ngư dân vẫn còn gặp khó khăn trong việc đánh bắt xa bờ. Thời gian tới, với điều kiện thời tiết thuận lợi cho hoạt động đánh bắt và nhu cầu tiêu dùng hải sản tăng trong mùa du lịch biển thì hy vọng hoạt động khai thác hải sản sẽ đạt được kết quả khá hơn.

Về hoạt động nuôi trồng, trong tháng các hộ nuôi trồng đã tập trung xuống giống thả nuôi vụ tôm Xuân Hè năm 2024. Theo khung lịch thời vụ năm 2024 của Sở NN&PTNT, vụ nuôi tôm Xuân Hè sẽ xuống giống trong tháng 3 và tháng 4 dương lịch. Toàn tỉnh dự kiến sẽ sản xuất trên diện tích hơn 2.250 ha với hơn 900 triệu con giống. Nuôi tôm vẫn tiếp tục được xem là hoạt động tạo ra sản phẩm thủy sản chủ lực và có lợi thế của tỉnh..

Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Trong tháng một số hộ nuôi ốc hương bị chết hàng loạt gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, nguyên nhân được xác định không phải do dịch mà do tổng hòa của nhiều yếu tố như: nguồn nước không đảm bảo tiêu chuẩn, môi trường ao nuôi chưa được xử lý đúng quy định, mật độ thả giống cao hơn nhiều so với khuyến cáo... Cùng với đó, tình hình thời tiết khá thất thường khiến sức đề kháng của ốc hương bị giảm sút. Dịch bệnh đốm trắng xẩy ra tại một hộ nuôi tôm giống diện tích nhiễm 0,9ha, 30 vạn con tôm nuôi 155 ngày.

2. Sản xuất công nghiệp

Tháng 4/2024, một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp tạm ngừng hoạt động do sữa chữa, bão dưỡng, thay mới máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất. Vì vậy chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) dự ước giảm 21,22% so với tháng trước và giảm 20,79% so với cùng kỳ năm trước.

2.1. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)

- Ước tháng 4/2024: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) dự ước giảm 21,22% so với tháng trước và giảm 20,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước giảm 1,39% so với tháng trước và tăng 13,07% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước giảm 27,08% so với tháng trước và giảm 32,33% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện dự tính giảm 2,24% so với tháng trước và tăng 44,77% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải dự ước tăng 9,54% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 16,46%. Nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 giảm so với tháng trước cũng như so với cùng kỳ chủ yếu do chịu tác động từ ngành sản xuất kim loại (giảm 33,69% so với tháng trước và giảm 41,04% so với cùng kỳ). Từ đầu tháng 4, máy móc của xưởng cán nóng phải đại tu sửa chữa nên dừng toàn bộ dây chuyền cán thép. Đến ngày 15, dây chuyền bắt đầu hoạt động lại, sản lượng thép thành phẩm dự tính sản xuất tháng 4/2024 giảm 46,11% so với cùng kỳ.


- Tính chung 4 tháng đầu năm 2024: Chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giảm 2,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng tăng 12,23%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 9,03%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 38,62%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 18,19%. Mặc dù các doanh nghiệp công nghiệp tiếp tục duy trì ổn định chuỗi sản xuất. Trong đó: (1) Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I tiếp tục là động lực tăng trưởng của tỉnh, với việc vận hành ổn định song song 2 tổ máy theo thị trường mua bán điện của EVN (cùng kỳ năm trước Tổ máy số 1 gặp sự cố), sản lượng điện ước đạt 3.798 triệu Kwh tăng 40,45% so với cùng kỳ; (2) Sản xuất bia tăng trưởng khá, 2 nhà máy sản xuất bia đóng lon trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn duy trì ổn định sản xuất (sản lượng ước đạt 23,77 triệu lít tăng 38,31%); (3) Nhà máy sản xuất Pin VinES đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 8 năm 2023 (sản lượng Ắc quy bằng ion lithi 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 88.000 Kwh); (4) Kể từ tháng 12/2023, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh mở rộng mặt bằng khai thác, mỏ mới được cấp phép nên sản lượng quặng khai thác tăng cao so cùng kỳ. Với sản lượng sản xuất ổn định và nâng công suất không chỉ tăng doanh thu cho doanh nghiệp mà còn góp phần phát triển chỉ số sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do chịu tác động từ sự suy giảm sản lượng thép do yếu tố thị trường cũng như đại tu sữa chữa dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Vì vậy, Chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh 4 tháng đầu năm 2024 đã không đạt như kỳ vọng.

2.2. Một số sản phẩm chủ yếu

Trong số 20 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 12 nhóm sản phẩm cộng dồn 4 tháng đầu năm 2024 tăng so cùng kỳ và có 7 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm trong tổng số sản phẩm công nghiệp chủ yếu.

- Số sản phẩm công nghiệp tăng bao gồm: Quặng zircon và tinh quặng zircon tăng 147,21%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 71,4%; bia đóng lon tăng 38,31%; điện sản xuất tăng 40,45%; nước không uống được tăng 19,54%; ...

- Một số sản phẩm công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 giảm so với cùng kỳ năm trước bao gồm: Mực đông lạnh giảm 87,29%, nguyên ngân do khách hàng Nhật Bản ngừng đơn hàng, hiện tại doanh nghiệp chưa tìm kiếm được khách hàng mới, do đó lượng sản xuất đang giảm mạnh so với cùng kỳ; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 45,51%, nguyên nhân do một số doanh nghiệp đang tạm ngừng để đầu tư lại máy móc, đồng thời nhu cầu tiêu thụ những tháng đầu năm thấp nên chủ yếu là bán khối lượng tồn kho, sản lượng sản xuất gạch 4 tháng đầu năm giảm mạnh; thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm giảm 16,15%, do từ đầu tháng 4, máy móc của xưởng cán nóng phải đại tu sửa chữa nên dừng toàn bộ dây chuyền cán thép; chè (trà) nguyên chất (như: chè (trà) xanh, chè (trà) đen) giảm 14,03%, nguyên nhân do 2 tháng đầu năm chè chưa vào vụ thu hoạch, chưa có nguyên liệu sản xuất.

2.3 Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 4/2024 giảm 0,72% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 14,34%.

Khi các dự án, nhà máy mới đi vào hoạt động sản xuất đã góp phần tăng số lượng lao động trên địa bàn so với năm trước. Cộng dồn đến cuối năm tháng 4 năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tăng 14,38% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động tháng 4 tháng đầu năm 2024 của ngành khai khoáng tăng 9,7% so với năm trước. Hiện nay, một số doanh nghiệp khai khoáng mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm vì vậy nguồn nhân lực tăng so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động 4 tháng đầu năm 2024 đối với ngành này tăng 18,26%. Chỉ số sử dụng lao động ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,17%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 1,09% so với cùng kỳ năm 2023.

3. Vốn đầu tư

Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT-XH, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương vào cuộc triển khai quyết liệt, linh hoạt tháo gỡ vướng nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

 Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 4/2024 đạt 334,10 tỷ đồng, tăng 6,82% so với tháng trước, giảm 6,26% so với cùng kỳ năm nước. Nguyên nhân giảm là do kế hoạch thực hiện nguồn ngân sách cấp tỉnh năm 2024 chiếm (66,10% tổng vốn) giảm mạnh (giảm 44,54%), đây là nguyên nhân chính làm cho nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý tháng 4/2024 giảm so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 220,84 tỷ đồng, tăng 5,81% so với tháng trước và giảm 16,56% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 80,12 tỷ đồng, tăng 9,25% so với tháng trước và tăng 24,86% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 33,14 tỷ đồng, tăng 7,87% so với tháng trước và tăng 20,11% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.062,85 tỷ đồng, giảm 11,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 721,6 tỷ đồng, giảm 18,89% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 259,86 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 81,76 tỷ đồng, tăng 12,99% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu do vốn kế hoạch tỉnh Hà Tĩnh được giao năm 2024 giảm 27,65% so với năm trước. Các công trình lớn thuộc nguồn vốn Trung ương và vốn ODA thực hiện chậm do còn vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng cũng như quy trình thủ tục đầu tư, hồ sơ thi công dẫn đến giá trị thực hiện các tháng đầu năm còn đạt thấp. Mặc dù trải qua 1/3 chặng đường năm 2024 tuy nhiên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ mới đạt 23,71% kế hoạch năm.

4. Thương mại, dịch vụ


4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Trong 4 tháng đầu năm 2024 hoạt động bán lẻ hàng hóa ghi nhận sự khởi sắc, doanh số bán hàng tăng trưởng tốt. Tháng Tư bắt đầu bước vào mùa sôi động của ngành du lịch, nhu cầu ăn uống, mua sắm tăng cao, sau phần khởi động chạy đà những tháng đầu năm, dịch vụ Hà Tĩnh đang từng bước đi những bước vững chắc trong tháng cũng trùng các dịp Nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch), ngày Giải phóng Miền Nam 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 01/5 các địa phương trong tỉnh gấp rút chuẩn bị khai trương du lịch biển.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa: Tháng 4/2024 ước đạt 5.644,89 tỷ đồng, tăng 2,37% so với tháng trước và tăng 21,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hầu hết các nhóm hàng đều có doanh thu tăng so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu do: Thứ nhất, do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, thời tiết chuyển sang mùa nắng tác động đến các nhóm hàng hóa thực phẩm, đồ uống, điện lạnh, vật liệu xây dựng, hàng may mặc; Thứ hai, do căng thẳng chính trị đã và đang là một nhân tố gây bất ổn cho kinh tế, chính trị thế giới trong những năm gần đây, tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu. Sự leo thang của cuộc xung đột Israel-Hamas đang khiến người dân và doanh nghiệp ở mọi nơi trên thế giới trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu và đầu tư; Thứ ba, do ảnh hưởng của các chính sách điều hành từ Chính phủ về giá nhiên liệu xăng, dầu các loại.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 22.858,72 tỷ đồng, tăng 21,87% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh các nhóm hàng có doanh thu lớn và tăng mạnh như nhóm lương thực, thực phẩm tăng 26,88%; hàng may mặc tăng 54,08%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 55,86%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 13,10%; xăng dầu các loại tăng 1,72%; nhiên liệu khác tăng 17,23%; đá quý, kim loại quý các loại tăng 61,82% thì một số nhóm hàng dù 4 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng nhưng chưa đạt mức năm trước, cụ thể: nhóm ô tô con giảm 33,97%; phương tiện đi lại giảm 30,03%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 6,36%. Có thể thấy tốc độ tiêu dùng nội địa đã dần dần tăng trưởng trở lại, dự báo, dịp 30/4 và 1/5, khi cả nước có kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ tiếp tục có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.

Dịch vụ l¬ưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành: Tháng Tư là tháng bước vào mùa hè cũng là cao điểm du lịch, đặc biệt trùng vào các dịp Nghỉ lễ (10/3, 30/4, 1/5...) nhu cầu sử dụng các dịch vụ ăn uống, lưu trú sẽ tăng mạnh, đặc biệt khi ngày nghỉ lễ kéo dài 5 ngày liên tục. Để chuẩn bị đón khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trong mùa du lịch, hiện nay, các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống, các Doanh nghiệp kinh doanh khách sạn đã và đang khẩn trương hoàn thiện khâu sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 4 ước đạt 724,97 tỷ đồng, tăng 11,86% so với tháng trước, tăng 20,84% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ lưu trú ước đạt 21,32 tỷ đồng, tăng 55,91% so với tháng trước, giảm 6,72% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống ước đạt 691,81 tỷ đồng, tăng 10,76% so với tháng trước, tăng 20,81% so với cùng kỳ năm trước; Hoạt động kinh doanh lữ hành ước đạt 11,83 tỷ đồng tăng 20,59% so với tháng trước và tăng 165,60% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng, tình hình thời tiết khá thuận lợi, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung cao cho hoạt động khai trương du lịch biển: Tại Thiên Cầm dự kiến từ 21/4 đến hết tháng 5/2024 sẽ diễn ra Tuần lễ văn hoá khai trương Du Lịch biển Hà Tĩnh; Chương trình khai trương du lịch Biển Xuân Thành dự kiến diễn ra tối 20/4; Chương trình chào mừng biển Thạch Hải (26-28/4) và giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sản địa phương Thạch Hà diễn ra suốt chuỗi ngày khai trương tại Khu du lịch biển Thạch Hải; du lịch biển Thị xã Kỳ Anh diễn ra hoạt động văn hoá, thể thao ngày 11-27/4 … Việc chuẩn bị đầy đủ cơ vật chất hạ tầng với nhiều cơ sở lưu trú mới đạt chuẩn, gia tăng nhiều sản phẩm chất lượng, không ngừng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực… đã giúp du lịch tỉnh Hà Tĩnh từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách trong bối cảnh mới.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024 doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 2.634,95 tỷ đồng, tăng 19,69% so với cùng kỳ, trong đó: Lưu trú đạt ước 56,30 tỷ đồng, giảm 28,9%; lượt khách phục vụ 357.015 lượt, giảm 28,3%; ngày khách phục vụ 317.452 ngày, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm trước; ăn uống ước đạt 2.550,43 tỷ đồng, tăng 21,59% so với cùng kỳ năm trước; Hoạt động kinh doanh lữ hành ước đạt 28,23 tỷ đồng tăng 114,20% so với cùng kỳ. Có thể nói, hoạt động dịch vụ 4 tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc. Bên cạnh, những mặt đạt được khi tỉnh nhà thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch du lịch tại các vùng có tiềm năng, địa phương kêu gọi thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch vui chơi giải trí, dịch vụ thể thao kết hợp nghỉ dưỡng để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với các di tích lịch sử văn hóa. Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch, số hóa các điểm đến di tích lịch sử văn hóa gắn với du lịch. Tuy nhiên nhìn một cách tổng thể, sản phẩm du lịch ở Hà Tĩnh còn thiếu tính độc đáo, chưa có nhiều khu vui chơi, giải trí cao cấp. Một số bãi biển đẹp chưa được quy hoạch tổng thể, tính liên kết giữa các vùng, công tác quảng bá chưa căn cơ, thường xuyên….

Dịch vụ khác: Doanh thu kinh doanh dịch vụ tháng 4/2024 ước tính đạt 379,45 tỷ đồng, tăng 2,73% so với tháng trước và tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.521,56 tỷ đồng, tăng 5,91% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung các nhóm dịch vụ khác như hành chính hỗ trợ, dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, dịch vụ vui chơi giải trí và dịch vụ làm đẹp tăng trưởng khá ổn định bên cạnh đó có thể thấy thị trường bất động sản bắt đầu khôi phục trở lại, sau thời gian dài im ắng, tuy chưa rõ nét nhưng cũng là dấu hiệu đáng mừng. Những tín hiệu tích cực một phần nhờ tạo điều kiện của chính quyền địa phương trong việc kịp thời phê duyệt đưa vào đấu giá các vùng quy hoạch đất phù hợp, đẩy nhanh các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

4.2. Hoạt động vận tải

Tháng 4 năm 2024, yếu tố thời tiết chuyển mùa rõ rệt, nhìn chung thuận lợi cho việc lưu thông của các phương tiện vận tải. Các đơn vị sản xuất kinh doanh, bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu hàng hóa ổn định trở lại dẫn đến làm tăng nhu cầu vận chuyển trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các kỳ nghỉ lễ dài ngày cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng lượt khách đi lại, du lịch tham quan nghỉ mát, về quê. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải hàng hóa nhu cầu vận chuyển hàng điện tử, điện lạnh, hàng hóa thiết bị máy móc được nhập khẩu từ các nước nhằm phục vụ các dự án, công trình xây dựng nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng tăng.

         Kết quả vận tải, kho bãi tháng 4/2024 doanh thu ước đạt 699,95 tỷ đồng, tăng 3,91% so tháng trước và tăng 22,07% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 121,46 tỷ đồng, tăng 2,67% so với tháng trước và tăng 53,39% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 438,57 tỷ đồng, tăng 8,57% so với tháng trước và tăng 14,88% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 134,94 tỷ đồng, giảm 7,88% so với tháng trước và tăng 40,45% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu vận tải dự tính đạt 2.622,50 tỷ đồng, tăng 21,13% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Vận tải hành khách dự tính đạt 528,53 tỷ đồng, tăng 65,08% với số lượng vận chuyển đạt 4.918 nghìn HK, tăng 21,94% và luân chuyển đạt 916.777 nghìn HK.km, tăng 19,35%; vận tải hàng hóa dự tính đạt 1.525,29 tỷ đồng, tăng 7,59% với khối lượng vận chuyển ước đạt 16.366,9 nghìn tấn, tăng 5,43% và luân chuyển ước đạt 506.523,7 nghìn tấn.km, tăng 5,49%. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 548,42 tỷ đồng, tăng 49,36% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, kết quả kinh doanh vận tải tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 có sự phát triển mạnh chủ yếu do những nguyên nhân sau: Vận tải hành khách tăng do yếu tố thời vụ, thời tiết chuyển sang mùa nắng, nhu cầu đi lại bằng các phương tiện vận tải hành khách công cộng xe buýt, taxi tăng. Bên cạnh đó, thời điểm trong tháng rơi vào dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch và dịp lễ 30/4 - 01/5 lượng người du lịch, về thăm quê ở mức cao hơn so với thông thường. Về vận tải hàng hóa các công trình xây dựng đi vào hoạt động mạnh, nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng tăng, cộng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa đồ dùng, dụng cụ gia đình, nước giải khát, đồ uống có cồn, hàng may mặc, sản phẩm chế biến phục vụ chăn nuôi tăng....đã làm khối lượng vận chuyển, luân chuyển tăng. Trong khi đó dịch vụ hỗ trợ vận tải có giảm hơn các tháng trước do lượng hàng hoá thông qua 2 cảng Sơn Dương và Vũng Áng giảm hơn những tháng Tết nhưng tính chung 4 tháng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ.

4.3. Xuất nhập khẩu hàng hóa

Tiếp tục đà chững lại từ tháng trước, tình hình xuất khẩu và nhập khẩu tháng Tư diễn ra khá ảm đạm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong tháng Tư ước đạt 476,3 triệu USD, giảm 14,93% so với tháng trước và giảm 25,15% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2.129,01 triệu USD tăng nhẹ 2,54% so với cùng kỳ chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu ở các tháng trước do nhập khẩu hàng hoá phục vụ dịp Tết.

- Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 4/2024 ước đạt 175,8 triệu USD, giảm 4,14% so với tháng trước và so với cùng kỳ giảm đến 25,39%. Nguyên nhân chủ yếu ở việc giảm mặt hàng Xuất khẩu thép, phôi thép ước đạt 153,5 triệu USD, giảm 7,32% so với tháng trước và giảm đến 30,14% so với cùng kỳ nguyên nhân khách quan do giảm sức mua giảm chung của thị trường thế giới, bên cạnh đó giá thép đang ở mức khá thấp và được dự báo sẽ tiếp tục giảm. Bên cạnh mặt hàng thép thì ở các mặt hàng khác mặc dù thị trường dăm gỗ, xơ sợi và hàng dệt, may mặc đã có dấu hiệu tích cực khi thời tiết chuyển mùa lượng hàng xuất khẩu tăng so với tháng trước, tuy nhiên so với cùng kỳ vẫn đang ở mức giảm khá sâu, cụ thể: Dăm gỗ giảm 9,26% (giảm 0,51 triệu USD); hàng dệt và may mặc giảm 67,74% (giảm gần 1,5 triệu USD); xơ, sợi giảm 58,68% (giảm 0,71 triệu USD).

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 810,01 triệu USD, giảm 9,93% so với cùng kỳ. Trong đó: Xuất khẩu thép, phôi thép ước đạt 725,52 triệu USD (chiếm 89,57% tổng kim ngạch) giảm 12,84% so với cùng kỳ, các nhóm hàng xuất khẩu khác cũng giảm khá sâu. Bên cạnh các nhóm hàng giảm mạnh chỉ có duy nhất nhóm ngành Chè có tăng trưởng trong xuất khẩu, giá trị xuất khẩu 4 tháng ước đạt 1,16 triệu USD tăng 27,47% so với cùng kỳ năm trước.

- Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 4 ước đạt 300,5 triệu USD, giảm 20,19% so với tháng trước và giảm 25,01% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do việc Formosa hạn chế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất một phần do bảo trì, bảo dưỡng dây chuyền sản xuất, bên cạnh đó là tâm lý chờ giá nguyên liệu thấp nhập vào lượng lớn. Tính chung 4 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.319 triệu USD, tăng 12,07% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD. Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất khẩu, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết một số chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2025. Với nhiều chính sách hấp dẫn như: hỗ trợ phương tiện vận tải biển bằng container qua cảng Vũng Áng; hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, các đoàn xúc tiến thương mại, khảo sát tìm hiểu thị trường xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng gian hàng hóa để quảng bá, xuất khẩu trên sàn thương mại điện tử. Kỳ vọng những tín hiệu tích cực trong năm 2024 đối với hoạt động này.

5. Chỉ số giá tiêu dùng

Trong tháng 4, thị trường giá cả hàng hoá tiêu dùng khá ổn định, giá cả có tăng nhẹ so với tháng trước, nhóm giao thông có biến động lớn nhất tăng 1,05% so với tháng trước do giá xăng dầu tăng sau các kỳ điều chỉnh giá bán lẻ vừa qua. Đáng chú ý trong tháng là thị trường giá vàng, trang sức và ngoại tệ biến động tăng mạnh theo xu hướng của thị trường thế giới.

Tháng 4 năm 2024, chỉ số CPI chung tăng 0,24% so với tháng trước và tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính thì ngoài nhóm Bưu chính viễn thông ổn định về giá so với tháng trước thì các nhóm hàng còn lại đều có chỉ số giá tăng nhẹ so với tháng trước. Đáng lưu ý trong tháng tình hình thị trường giá vàng và ngoại tệ trong tháng bình quân tăng mạnh: Chỉ số giá vàng tăng 9,16% so với tháng trước, tăng 33,89% so với cùng tháng năm trước; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,03% so với tháng trước và tăng 8,22% so với cùng tháng năm trước. Giá vàng bình quân trong tháng ở mức 7.460 nghìn đồng/chỉ 9999, giá đô la Mỹ bình quân 2.548.496 đồng/100 USD.

Một số yếu tố chính tác động đến giá cả thị trường tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ trong tháng Tư: Thứ nhất, do yếu tố mùa vụ là thời điểm đầu mùa hè khắc nghiệt khi thời tiết nắng nóng, tác động đến nhu cầu thực phẩm, nước giải khát, hàng dệt may, hàng điện máy. Trong tháng cũng là thời điểm khai trương mùa du lịch biển tỉnh Hà Tĩnh; Thứ hai, do ảnh hưởng của các chính sách điều hành từ Chính phủ về giá nhiên liệu xăng, dầu các loại khiến giá xăng dầu bình quân tăng so tháng trước; Thứ ba, giá vật liệu xây dựng tăng trở lại, giá và khối lượng tiêu dùng nước sinh hoạt tăng bên cạnh đó giá gạo trên thị trường thế giới giảm tác động đến giá gạo trong nước giảm nhẹ.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá bình quân tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị tăng 1,95%, nông thôn tăng 2,65%. Phân theo nhóm ngành hàng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,97%; đồ uống và thuốc lá tăng 4,56%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,77%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 3,39%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,58%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,45%; giao thông tăng 1,51%; bưu chính viễn thông giảm 1,91%; giáo dục tăng 2,21%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 4,46%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,67% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường tiêu dùng từ đầu năm đến nay các mặt hàng có mức biến động mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước. Những yếu tố mùa vụ, thời tiết là những điểm cơ bản ảnh hưởng lớn đến sự biến động giá cả hàng hoá dịch vụ. Bên cạnh đó là sự điều hành của các cơ quan quản lý đối với các nhóm nhiên liệu.

Dự kiến CPI tháng 5/2024 sẽ tăng hơn và tăng chủ yếu ở các nhóm hàng hóa, dịch vụ, du lịch, ăn uống, thuỷ hải sản, giá phòng lưu trú, dịch vụ lữ hành. Giá điện và nước sinh hoạt tiếp tục tăng cao khi lượng tiêu thụ khả năng đạt ở mức cao trong điều kiện tình hình thời tiết nắng nóng tiệm cận mức 400C trên địa bàn tỉnh.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Tình hình đời sống các tầng lớp dân cư nhìn chung ổn định, có phần khởi sắc hơn. Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các chương trình, đề án giảm nghèo với mục tiêu là giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, an ninh lương thực, an toàn nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh. Tăng cường kết nối về hạ tầng, đào tạo nghề và hỗ trợ giải quyết việc làm, đời sống nhân dân ổn định, toàn tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu đói trong dân cư.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời; các cấp, các ngành đã làm tốt công tác huy động nguồn lực, tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công với các mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chu đáo, kịp thời.

2. Giáo dục

Tình hình giáo dục trong tháng 4 trên địa bàn tập trung vào việc chuẩn bị cho các kỳ thi cuối năm học 2023-2024. Trong hai ngày 16/4 và 17/4, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây là kỳ thi thử duy nhất được tổ chức với hình thức trực tiếp trong năm học, mỗi trường THPT là một điểm thi. Đăng ký tham gia kỳ thi này có gần 17.000 học sinh lớp 12 (bao gồm học sinh các trường THPT công lập, tư thục và trung tâm GDNN-GDTX). Đây cũng là dịp các cơ sở giáo dục khảo sát kết quả của học sinh khối 12, từ đó có kế hoạch dạy học, ôn tập cho học sinh trong thời gian tới, đồng thời tập dượt cho việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định số 407/QĐ-SGDĐT ngày 23/4/2024 về việc giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025. Theo đó, năm học 2024 - 2025, Hà Tĩnh sẽ tuyển sinh 15.075 chỉ tiêu vào lớp 10 THPT cho 36 trường THPT công lập trên địa bàn toàn tỉnh, riêng trường THPT Chuyên Hà Tĩnh sẽ tuyển 455 chỉ tiêu, tăng 35 chỉ tiêu so với năm học trước vì có sự điều chỉnh thêm một lớp chuyên tiếng Trung Quốc.

3. Hoạt động y tế

- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Để hạn chế nhiễm HIV/AIDS, Hà Tĩnh đang tập trung tăng cường các hoạt động truyền thông và dự phòng chống lây nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, nhất là đối tượng thanh niên.

Trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh đã phát hiện 2 người nhiễm mới HIV, 2 người chuyển thành AIDS và không có người chết vì AIDS. So tháng trước: giảm 3 người nhiễm mới HIV (giảm 60%), tăng 1 người chuyển thành AIDS (tăng 2 lần) và giảm 1 người chết vì AIDS (tháng 3 chết 1 người). So cùng kỳ năm trước: giảm 3 người nhiểm mới HIV (giảm 60%); giảm 2 người chuyển thành AIDS (giảm 50%) và giảm 1 người chết vì AIDS (cùng kỳ chết 1 người).

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, đã phát hiện 14 người nhiễm mới HIV, 10 người chuyển thành AIDS, 3 người chết vì AIDS. So cùng kỳ năm trước: giảm 7 người nhiểm mới HIV (giảm 33,33%); giảm 6 người chuyển thành AIDS (giảm 37,50%); số người chết vì AIDS không thay đổi (cùng kỳ chết 3 người).

- Công tác an toàn thực phẩm: Nhằm đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong mùa du lịch, các dịp nghĩ lễ, đặc biệt trên địa bàn tỉnh thời tiết nắng nóng với nền nhiệt độ cao là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi. Các đơn vị cơ quan chức năng liên ngành tăng cường công tác kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm có thể xẩy ra. Công tác giám sát phát hiện nguy cơ được duy trì, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn và tử vong do ngộ độc thực phẩm. Đồng thời khuyến cáo người dân cần nắm được những kiến thức cơ bản, trong bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh ăn uống.

Trong tháng, xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể làm 2 người bị ngộ độc, không có trường hợp nào tử vong (tháng trước và cùng kỳ năm trước đều không có người chết vì các vụ ngộ độc thực phẩm). Ngoài ra còn có 61 ca ngộ độc đơn lẻ; so với tháng trước giảm 13 ca (giảm 17,57%) và giảm 12 ca so với cùng kỳ năm trước (giảm 15,28%); không có người chết vì các ca ngộ độc đơn lẻ (tháng trước và cùng kỳ năm trước đều không có người chết vì các ca ngộ độc đơn lẻ).

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, xẩy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm làm 2 người bị ngộ độc; số vụ ngộ độc tập thể không thay đổi so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước xẩy ra 1 vụ) và giảm 5 người bị ngộ độc (giảm 71,42%). Có 231 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, so với cùng kỳ năm trước giảm 41 ca (giảm 15,07%); không có người chết vì các ca ngộ độc đơn lẻ (cùng kỳ năm trước không có người chết vì các ca ngộ độc đơn lẻ).

- Tình hình dịch bệnh khác: Trong tháng, không có bệnh nào tạo thành dịch, trên địa bàn chỉ có một số ca mắc các bệnh đơn lẻ, gồm: 3 ca sốt rét (giảm 2 ca so với cùng kỳ), 1 ca quai bị (giảm 21 ca so với cùng kỳ), 4 ca lỵ trực trùng (giảm 23 ca so với cùng kỳ), 5 ca lỵ amip (giảm 24 ca so với cùng kỳ), 59 ca thủy đậu (tăng 42 ca so với cùng kỳ), 1.445 ca mắc bệnh cúm (tăng 300 ca so với cùng kỳ), 153 ca tiêu chảy đơn lẻ (giảm 159 ca so với cùng kỳ), 8 ca viêm gan vi rút khác (tăng 1 ca so với cùng kỳ). Tất cả các ca bệnh trên không tạo thành dịch, chỉ là các ca bệnh đơn lẻ và không có người chết do các bệnh trên.

4. Hoạt động văn hoá, thể thao

Về văn hóa: Sáng 17/4/2024, tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1.5.1904 - 1.5.2024). Cũng trong tháng này, đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL, cấp ủy, chính quyền địa phương và đông đảo bà con cùng dự lễ nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh đền Bàu Ông tại xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang và đền Ngư Ông tại Xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đang gấp rút chuẩn bị khai trương du lịch biển.

Về thể dục thể thao: Trong tháng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao tạo nên không khí vui tươi, đoàn kết. Vòng 1 Giải Bóng chuyền VĐQG năm 2024 (từ 30/3-6/4) tại Hà Tĩnh đã thực sự trở thành ngày hội, dịp để người hâm mộ “cháy” hết mình với những trận cầu cảm xúc, mãn nhãn.

Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động văn hóa: Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra văn hóa trên địa bàn, nhất là các dịch vụ vui chơi giải trí karaoke, dịch vụ kinh doanh văn hóa tranh ảnh, băng đĩa nhạc,… nhằm đảm bảo việc tiếp cận các giá trị văn hóa của người dân lành mạnh, loại trừ các văn hóa phẩm đi lệch với các thuần phong mỹ tục của quê hương, đất nước.

5. Tình hình trật tự và toàn giao thông


Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) cho Nhân dân, UBND tỉnh và cơ quan, lực lượng chuyên môn đã ban hành các văn bản chỉ đạo, thắt chặt các nút giao thông trọng điểm trên địa bàn nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong tháng (tính từ ngày 15/3/2024-14/4/2024) xảy ra 28 vụ tai nạn đường bộ, làm 10 người chết, 22 người bị thương (tăng 4 vụ; giảm 2 người chết và tăng 7 người bị thương so với tháng trước); tai nạn đường sắt không xảy ra (so tháng trước giảm 1 vụ và giảm 1 người chết). So với cùng kỳ năm trước: Số vụ tai nạn đường bộ không thay đổi (cùng kỳ xảy ra 28 vụ), giảm 7 người chết (giảm 41,76%) và tăng 4 người bị thương (tăng 29,41%); số vụ tai nạn đường sắt không thay đổi (cùng kỳ không xảy ra). Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 150 triệu đồng.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024 (từ 15/12/2023-14/4/2024), xảy ra 145 vụ tai nạn đường bộ, làm 59 người chết, 119 người bị thương; 3 vụ tai nạn đường sắt, làm 1 người bị thương, 1 người chết; tai nạn đường thủy không xẩy ra. So với cùng kỳ năm trước: Số vụ tai nạn đường bộ tăng 45 vụ (tăng 45,0%), giảm 4 người chết (giảm 6,35%) và giảm 62 người bị thương (giảm 2,1 lần); tai nạn đường sắt tăng 3 vụ và tăng 1 người bị thương (cùng kỳ không xẩy ra). Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 890 triệu đồng.

 6. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ


- Tình hình cháy: Trong tháng (từ ngày 15/3/2024-14/4/2024) trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy 2 vụ cháy, không làm thiệt hại về người, ước tính giá trị thiệt hại tài sản 35 triệu đồng; so với tháng trước: giảm 6 vụ cháy (giảm75,0%), thiệt hại về người không thay đổi (không xảy ra). So với cùng kỳ năm trước giảm 7 vụ cháy (giảm 77,78%), thiệt hại về người không thay đổi (không xảy ra).

Tính chung 4 tháng đầu năm (từ ngày, từ ngày 15/12/2023-14/4/2024) trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy 19 vụ cháy, không làm thiệt hại về người, ước tính giá trị thiệt hại tài sản 249 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước giảm 11 vụ cháy (giảm 36,67%), thiệt hại về người không thay đổi (không xẩy ra).

- Tình hình nổ: Trong tháng và 4 tháng đều không xảy ra vụ nổ nào (cùng kỳ năm trước không xảy ra).

- Vi phạm môi trường: Địa phương thường xuyên triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao công tác kiểm soát ô nhiễm nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng như: Quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động xã thải từ hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của các hộ gia đình, ngăn chặn thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.… đồng thời tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức như băng rôn, đài, báo….

Trong tháng, phát hiện 8 vụ vi phạm môi trường và đã xử lý 6 vụ, với tổng số tiền xử phạt 35,5 triệu đồng; giảm 5 vụ phát hiện (giảm 38,46 %), giảm 15 vụ đã xử lý (giảm 71,43%), giảm 13,15 triệu đồng (giảm 27,03%) tiền xử phạt so với tháng trước và giảm 35 vụ phát hiện (giảm 81,40 %), giảm 29 vụ đã xử lý (giảm 82,86%), giảm 103,77 triệu đồng (giảm 74,51%) tiền xử phạt so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, phát hiện 163 vụ vi phạm môi trường, giảm 95 vụ (giảm 36,82%) và đã xử phạt 149 vụ, giảm 205 vụ (giảm 57,91%) với tổng số tiền xử phạt 261,91 triệu đồng; giảm 636,86 triệu đồng số tiền xử phạt (giảm 70,86%) so với cùng kỳ năm trước.

7. Tình hình thiên tai

Trong tháng, không xảy ra thiên tai. So với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước không thay đổi (không xẩy ra).

Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Chi tiết xem tại đây./.

BBT


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện

Vùng quản trị | Cổng TTĐT tỉnh Hà Tĩnh

500

OOPS!

Xin lỗi! Bạn không có quyền xem trang này.

Trở lại
Vùng quản trị | Cổng TTĐT tỉnh Hà Tĩnh

500

OOPS!

Xin lỗi! Bạn không có quyền xem trang này.

Trở lại