Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Hà Tĩnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

  

16:52 22/01/2024

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 và trên cơ sở tổng hợp, tham mưu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 18/01/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch Số 23/KH-UBND thực hiện một số nội dung quan trọng.

Năm 2023, trong điều kiện nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch COVID-19 còn nhiều khó khăn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Tỉnh ủy kịp thời; đã ban hành các Văn bản chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Và trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo lộ trình, mục tiêu đề ra và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: Năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Hà Tĩnh đạt vị trí thứ 18 với 67,18/100 điểm, thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong năm 2022 và xếp thứ 2 trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. PCI Hà Tĩnh năm 2022 đã có sự cải thiện vượt bậc về thứ hạng (tăng 9 hạng) và điểm số (tăng 2,31 điểm) so với năm 2021, đồng thời là năm có điểm số và thứ hạng cao nhất của Hà Tĩnh trong 08 năm gần đây (từ năm 2015 - 2022).

Mặc dù, bối cảnh chung kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình thu hút đầu tư năm 2023 của tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được kết quả khá. Chấp thuận chủ trương đầu tư 23 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 2.365 tỷ đồng; 02 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 70 triệu USD, trong đó Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà của Tập đoàn VSIP có vốn đăng ký gần 65 triệu USD. Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh có gần 1.480 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư hơn 144.888 tỷ đồng và 71 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 16,1 tỷ USD.

Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được tổ chức vào tháng 05 năm 2023, trong đó 14 dự án đã được trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư 9.631 tỷ đồng; 25 Biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã được ký kết với tổng vốn đăng ký hơn 219.000 tỷ đồng.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư khác được tỉnh tiếp tục kêu gọi, kết nối, làm việc, xúc tiến dự án đầu tư với các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu như: Tổ chức Đoàn công tác tham dự Diễn đàn doanh nghiệp kiều bào Châu Âu lần thứ 12 và Xúc tiến đầu tư tại Châu Âu, tại chuyến đi, UBND tỉnh đã ký kết Biên bản ghi nhớ với nhà đầu tư VFT Industry (CHLB Đức) về thực hiện dự án Nhà máy thép không gỉ xanh tại Khu kinh tế Vũng Áng; Tổ chức các cuộc làm việc với các nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án tại tỉnh như: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP và Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP với đề xuất đầu tư Nhà máy điện LNG và Trung tâm kho cảng LNG tại Khu kinh tế Vũng Áng; Công ty Cổ phần phát triển Fuji Đức Giang với đề xuất đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh; Công ty Cổ phần Erex (Nhật Bản) với đề xuất nhà máy điện sinh khối tại Cum công nghiệp Kỳ Hưng, phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh…

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh còn một số tồn tại, hạn chế.

Vì vậy, mục tiêu chung của toàn tỉnh đưa ra là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 02 của Chính phủ với tinh thần tiên phong về cải thiện môi trường kinh doanh, duy trì và nâng cao xếp hạng của tỉnh Hà Tĩnh trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế và CCHC tốt nhất cả nước; Xây dựng môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, thân thiện, thông thoáng; tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp phát triển xanh, chuyển đổi số; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.

Trong đó, mục tiêu cụ thể năm 2024, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục nằm trong nhóm khá của cả nước, phấn đấu tăng 01 - 02 bậc so với năm 2023; các chỉ số CCHC của tỉnh được cải thiện và nâng cao về thứ hạng: Chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) phấn đấu tăng 01-02 bậc so với năm 2023; Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) được cải thiện thứ hạng và tăng 02 - 05 bậc so với năm 2023.

Đảm bảo 100% thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh được cập nhật công bố, công khai; 100% TTHC được công bố quy trình nội bộ, quy trình điện tử; tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá TTHC để kiến nghị đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai ứng dụng đồng bộ và hiệu quả Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã và nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện, Bộ phận một cửa cấp xã. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trong việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC cho tổ chức và cá nhân; thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và xử lý các TTHC trên môi trường mạng, đảm bảo 100% các TTHC được kiểm soát chặt chẽ trong toàn bộ quá trình thực hiện tại các cơ quan có liên quan.

Phấn đấu năm 2024 thành lập mới trên trên 1.100 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc; thu hút được 30 dự án với tổng mức đầu tư trong nước khoảng 3.000 tỷ đồng và thu hút FDI khoảng 150 triệu USD.

Rút ngắn khoảng 10% thời gian thẩm định được quy định tại quy trình thủ tục hành chính về: (i) lĩnh vực doanh nghiệp - đầu tư, bao gồm: thời gian đăng ký doanh nghiệp; thời gian thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; (ii) lĩnh vực đất đai, bao gồm: thủ tục giao đất, cho thuê đất; chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản khác gắn liền với đất; (iii) lĩnh vực xây dựng, bao gồm: thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng.

Đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số; phát triển thương mại điện tử, khuyến khích người dân, doanh nghiệp áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

Giải quyết việc làm 23.000 người, xuất khẩu lao động 7.500 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 36,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 3,0%.

Kế hoạch cũng nêu ra 07 nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể như: Tháo gỡ bất cấp pháp lý trong việc thực hiện dự án đầu tư; Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng, quy định thủ tục hành chính và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững; Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ và các nội dung tại Kế hoạch, Phụ lục kèm theo; chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan thanh tra, kiểm tra đối các nội dung liên quan về thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đôn đốc các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

Chế độ báo cáo: Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo kết quả thực hiện 06 tháng và 01 năm các nội dung nêu trên gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 05/6/2024 và ngày 05/12/2024 để tổng hợp, báo cáo.

Chi tiết Kế hoạch xem file đính kèm./.

BBT

 Tải xuống tệp đính kèm

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện