Quản trị rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Bưu điện Việt Nam
Trong bối cảnh hội nhập, dù là đơn vị lớn hay nhỏ thì quản trị rủi ro tốt đồng nghĩa với việc đơn vị kiểm soát tốt các tác động và khả năng xảy ra của các rủi ro, ít bị ảnh hưởng bởi các tác động không lường trước và có khả năng triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rủi ro gây ra. Mục tiêu của quản trị rủi ro không chỉ dừng ở việc giảm thiểu rủi ro, mà quản trị rủi ro còn giúp cấp quản lý đưa ra các quyết định chính xác, hiệu quả; giảm thiểu thiệt hại trong quá trình vận hành đơn vị.
Được sự đồng thuận, tâm huyết, trách nhiệm và kỷ cương của Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Lãnh đạo Tổng công ty, Chi bộ Ban Kiểm toán nội bộ luôn tuân thủ các quy định của Pháp luật, quản trị rủi ro theo từng cấp quản lý.
Từ những bước quản trị sơ khai tạm thời như chủ yếu dựa vào các cá nhân riêng lẻ, dựa vào kinh nghiệm, hay rời rạc giữa các bộ phận/các nhóm rủi ro; thiếu sự gắn kết giữa hoạt động quản trị rủi ro; các hình thức theo dõi, báo cáo khác nhau. Đến nay, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã có những bước tiến vượt bật trong việc hệ thống hóa toàn bộ công tác quản trị rủi ro như: có mục tiêu, chính sách quản trị rủi ro chung, quản trị theo từng cấp quản lý, từ Bưu cục, Bưu điện Huyện/Trung tâm đến Bưu điện tỉnh, thành phố và Tổng công ty. Quản trị rủi ro được thực hiện hàng ngày trong hoạt động kinh doanh và bao gồm các loại rủi ro; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và ngăn ngừa rủi ro. Liên tục đổi mới và có đầy đủ các hoạt động mang tính toàn diện. Có cách tiếp cận chủ động đối với việc quản lý các rủi ro hiện hữu tại tất cả các cấp độ của đơn vị, các rủi ro được nhận diện, liên kết và tổng hợp để kiểm soát.
Cùng với đó, Bưu điện Việt Nam đã thành lập Ban Kiểm toán nội bộ với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là nhận diện, xây dựng, phòng ngừa rủi ro, chịu trách nhiệm thực hiện các công đoạn cuối cùng trong các lớp quản trị, phòng ngừa nguy cơ rủi ro; phụ trách xây dựng các văn bản, quy trình, thiết kế các mẫu biểu báo cáo rủi ro cho việc tổng hợp và tích hợp rủi ro và giám sát rủi ro các đơn vị. Trong đó, tập trung vào 5 bước như sau: Một là, dự đoán rủi ro có thể xảy đến. Hai là, xác định các mức độ và biện pháp phòng ngừa. Ba là, xác định vai trò của từng thành viên trong chiến lược quản trị rủi ro của Tổng công ty. Bốn là, tuyên truyền, truyền thông quản trị rủi ro. Năm là, đầu tư thông minh một công cụ hỗ trợ quản trị rủi ro tại Tổng công ty theo từng dịch vụ, từng đơn vị, từng cấp quản lý.
Mỗi đơn vị trực thuộc sẽ tự giao nhiệm vụ cho cá nhân/bộ phận quản lý để kiểm soát và phòng ngừa rủi ro. Quản trị rủi ro được truyền thông phổ biết tới các cấp, tới từng cán bộ công nhân viên. Các chuyên viên, nhân viên, những người trực tiếp tham gia các khâu trong hoạt động sản xuất của Tổng công ty nhận định được tầm quan trọng của quản trị rủi ro. Nhận định được vị trí, sự tác động của bản thân với những rủi ro, nguy cơ có thể xảy ra rủi ro để tránh, không muốn, không dám làm sai, thường xuyên sửa đổi lề lối làm việc. Từ đó tránh được các nguy cơ những sai phạm có thể xảy ra với chính bản thân cán bộ, giữ cho tổ chức, giữ được cán bộ, góp phần đảm bảo kỷ cương trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Theo BBT