Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Hà Tĩnh tháng 7 và 7 tháng năm 2023

  

16:30 23/08/2023

LĨNH VỰC KINH TẾ

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

1.1 Sản xuất nông nghiệp

Tháng 7 năm 2023, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc lúa và gieo trồng một số cây hoa màu vụ Hè Thu 2023, đến thời điểm hiện nay, các loại cây trồng đang phát triển tốt, cây lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh phát triển thân lá mạnh việc cần thiết lúc này là tuân thủ quy trình kỷ thuật chăm sóc lúa và thường xuyên thăm đồng để phát hiện và kịp thời phòng trừ các loại dịch bệnh gây hại. Hoạt động chăn nuôi trong tháng vẫn tiếp tục duy trì ở mức ổn định và có mức tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, việc chi phí chăn nuôi ngày càng tăng gây khó khăn không nhỏ đối với các hộ chăn nuôi, nhưng do giá lợn hơi tăng trở lại khiến tổng đàn lợn tăng lên khá đáng kể so với cùng kỳ.

*Trồng trọt

Công tác chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu năm 2023: Căn cứ Quyết định số 2309/QĐ-UBND ngày 10/11/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2023 và đề xuất của các huyện, thành phố, thị xã. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh đã xây dựng Đề án số 152/ĐA-SNN ngày 26/4/2023 về sản xuất vụ Hè Thu năm 2023. Chỉ tiêu định hướng sản xuất vụ Hè Thu năm 2023 như sau: Lúa Hè thu: Diện tích 44.891 ha; năng suất 51 tạ/ha; sản lượng 228.763 tấn. Lúa Mùa: Diện tích 430 ha, năng suất 23,5 tạ/ha, sản lượng 1010 tấn. Đậu: Diện tích 2.640 ha, năng suất 10,8 tạ/ha, sản lượng 2.850 tấn. Ngô lấy hạt: Diện tích 2.240 ha, năng suất 43,9 tạ/ha, sản lượng 9.840 tấn. Ngô sinh khối: Diện tích 750 ha, năng suất 29,3 tấn/ha, sản lượng 22.000 tấn. Lạc: Diện tích 397 ha, năng suất 21,91 tạ/ha, sản lượng 870 tấn. Khoai lang: Diện tích 556 ha, năng suất 63,92 tạ/ha, sản lượng 3.554 tấn. Rau: Diện tích 2.975ha, năng suất 75,6 tạ/ha, sản lượng 22.479 tấn. Vừng: Diện tích 737 ha, năng suất 7,7 tạ/ha, sản lượng 567 tấn.

Để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương và bà con nông dân tập trung sản xuất vụ Hè Thu năm 2023 dành được kết quả thắng lợi. UBND tỉnh đã ban hành 04/CĐ-UBND ngày 22/5/2023 về việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ Hè thu 2023.

Tiến độ sản xuất vụ Hè Thu năm 2023, tổng diện tích gieo cấy lúa vụ Hè Thu năm 2023 toàn tỉnh ước đạt 44.468 ha bằng 99,78% (giảm 58 ha) so với cùng kỳ năm trước và bằng 99,06% (giảm 423 ha) so với kế hoạch. Nguyên nhân diện tích gieo cấy lúa vụ Hè Thu 2023 giảm so với kế hoạch cũng như cùng kỳ năm trước là do ảnh hưởng một số hộ vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất để triển khai thực hiện các dự án và xây dựng đường cao tốc Bắc Nam nên diện tích lúa Hè Thu của một số địa phương bị giảm so với cùng kỳ năm trước.


Cùng với cây lúa, các loại cây trồng cạn vụ Hè Thu năm 2023 cũng được các địa phương tích cực gieo trồng. Tính đến ngày 20/7/2023, diện tích gieo trồng các loại cây trồng cạn đạt được như sau: Ngô lấy hạt 2.388 ha, đạt 106,6% kế hoạch; khoai lang 510 ha, đạt 91,7% kế hoạch; lạc 238 ha, đạt 60,0% kế hoạch; rau các loại 3.043 ha, đạt 102,3% kế hoạch, vừng 714 ha, đạt 96,9% kế hoạch; đậu các loại 2.040 ha, đạt 77,3% kế hoạch. Nhìn chung so với tiến độ gieo trồng cùng kỳ năm trước, năm nay kết quả gieo trồng các loại cây trồng đạt kế hoạch cao hơn so với cùng kỳ và đảm bảo kế hoạch đề ra.

Với nhiệm vụ, giải pháp chống hạn cho các loại cây trồng vụ Hè Thu trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn xảy ra: huy động tối đa mọi nguồn lực để tổ chức rà soát nguồn nước tại các hồ đập, bằng các giải pháp tập trung cấp đủ nước tưới cho lúa, cây trồng cạn kịp thời với phương châm tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của các dịch bệnh gây hại trên cây trồng.

Tình hình sâu bệnh, thiệt hại: Trên cây lúa, hiện nay sâu cuốn lá nhỏ tuổi 1, tuổi 2 đã xuất hiện ở các địa phương, mật độ trung bình 3-5con/m2, nơi cao 10-15con/m2, cục bộ ở xã Lâm Trung Thuỷ (Đức Thọ) mật độ 50-100con/m2, diện tích 2ha; Chuột gây hại tỉ lệ trung bình 1-3%, nơi cao 5-7%, diện tích 45ha. Trên cây ngô: Sâu keo mùa thu, sâu cắn lá diện tích nhiễm 14ha, bệnh đốm lá lớn, bệnh khô vằn 12ha, sâu đục thân, đục bắp 7ha. Cây ăn quả có múi: Sâu đục thân, đục cành 15ha; nhện nhỏ 50ha, phân bố tại Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê,…các đối tượng như rệp muội, bọ xít, gây hại rải rác trên những vườn hộ lâu năm.

Trước tình hình diễn biến của sâu bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, dự báo chính xác các đối tượng sâu, bệnh. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức phòng trừ sâu, bệnh đạt hiệu quả, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra đối với sản xuất vụ Hè Thu và cây ăn quả năm 2023.

*Chăn nuôi

Nhìn chung hoạt động chăn nuôi tháng 7 năm 2023 vẫn tiếp tục duy trì ở mức ổn định và có mức tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, việc tái đàn và phục hồi chăn nuôi tiếp tục được thực hiện, mặc dù gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng lên nhưng việc giá lợn hơi tăng trở lại khiến tống đàn lợn tăng khá đáng kể so với cùng kỳ.


Kết quả chăn nuôi, đàn trâu hiện có 67.790 con, bằng 99,43% (giảm 390 con); đàn bò hiện có 167.750 con, bằng 100,04% (tăng 70 con); đàn lợn hiện có 393.600 con, bằng 105,36% (tăng 20.040 con); đàn gia cầm hiện có 9.880 nghìn con, bằng 101,25% (tăng 122 nghìn con) so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh truyền nhiễm như Viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn Châu Phi, Dịch Lở mồm long móng gia súc phát sinh với mức độ cục bộ, nhỏ lẻ, được khoanh vùng, khống chế ở diện hẹp. (Viêm da nổi cụcxảy ra tại 30 hộ chăn nuôi của 06 xã, phường thuộc huyện Thạch Hà, Thị xã Hồng Lĩnh và Thành phố Hà Tĩnh, làm cho 35 con bò mắc bệnh, trong đó có 04 con bị chết, tiêu hủy, khối lượng 324 kg; Lở mồm long móng: xảy ra tại 09 hộ chăn nuôi của 02 xã, phường thuộc huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh, làm cho 22 con trâu bò mắc bệnh; Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 13 hộ chăn nuôi của 02 xã thuộc huyện Cẩm Xuyên và Đức Thọ, làm cho 65 con lợn mắc bệnh, tiêu hủy với khối lượng 1.789 kg.

Đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm.

1.2 Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tháng 7 đạt thấp 181 ha (chiếm 6,8% so với tổng diện tích rừng trồng từ đầu năm đến nay) do thời tiết nắng nóng kéo dài không thuận lợi cho việc trồng rừng. Tuy nhiên thời điểm này thuận lợi cho việc khai thác rừng trồng nên nhiều hộ dân tranh thủ thu hoạch gỗ để chuẩn bị trồng rừng trong các tháng tới khi nhiệt độ giảm dần.


Mặc dù diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 7 đạt thấp so với những tháng trước do diều kiện thời tiết, nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng 4,62%, tính chung 7 tháng đạt 2.652 ha, tăng 1,22%. Sản lượng gỗ khai thác tháng 7 ước đạt 31.570 m3 bằng 105,93% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 211.956 m3 bằng 105,74% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác có xu hướng giảm dần khi nhu cầu về tiêu dùng củi giảm, sản lượng tháng 7 ước đạt 20.098 ste, bằng 95,56%; tính chung 7 tháng năm 2023 ước đạt 161.386 ste, bằng 93,71%. Số cây trồng phân tán đạt thấp (đạt 7 nghìn cây, chiếm 0,43% so với tổng số cây phân tán từ đầu năm đến nay), tính chung 7 tháng đạt 1.612 nghìn cây giảm 13,66% so với cùng kỳ.

Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tuy nhiên do ý thức của người dân trong việc khai thác và làm sạch đất chuẩn bị trồng cây mới còn nhiều bất cẩn, cộng với thời tiết nắng nóng kèo dài trong tháng đã xẩy ra 5 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị cháy 4,09 ha, cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15/7/2023, số vụ cháy rừng là 6 vụ, diện tích rừng bị cháy là 4,88 ha (cùng kỳ năm trước không xảy ra cháy rừng); số vụ phá rừng trong tháng 7 là 19 vụ (tăng 13 vụ so với cùng kỳ năm trước) với diện tích rừng bị phá là 10,8 ha, cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15/7/2023, số vụ phá rừng là 64 vụ (tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm trước) với tổng diện tích rừng bị phá là 25,92 ha). Với việc thời tiết vẫn còn trong cao điểm nắng nóng kéo dài, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường tuần tra kiểm soát và người dân khi vào rừng cần phải nâng cao ý thức để phòng chống cháy rừng.

1.3 Thủy sản

Hoạt động thủy sản tháng 7 và 7 tháng vẫn giứ được sự ổn định và tăng trưởng khá, điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc khai thác hải sản cộng với vào mùa du lịch, thủy hải sản đang ở giai đoạn ngon nhất nhu cầu thị trường tăng, cũng vào mùa thu hoạch khiến sản lượng thủy hải sản tăng ở cả nuôi trồng và khai thác.


Sản lượng thủy sản tháng 7 đạt khá khi có mức tăng 6,02% so với cùng kỳ (chiếm 15,7% tổng sản lượng khai thác từ đầu năm) tính chung 7 tháng năm 2023 sản lượng thủy sản ước đạt 32.036 tấn, tăng 3,75% so với cùng kỳ. Những tháng này điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc đánh bắt, thủy hải sản sinh sôi phát triển đa dạng, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, giá cả tương đối ổn định nên khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển. Tuy nhiên hiện nay chi phí nhiên liệu, nhân công cao, năng lực khai thác biển không có nhiều thay đổi, số lượng tàu nằm bờ do khai thác không hiệu quả vẫn ở mức cao nên hoạt động khai thác thủy hải sản vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Về tình hình dịch bệnh trên thủy sản, tính chung từ đầu năm đến nay, đối với nuôi trồng thủy sản thì dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính xảy ra tại 5 xã thuộc 3 huyện (Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh) với diện tích 6,83 ha; dịch bệnh đốm trắng xảy ra tại 9 xã thuộc 6 huyện (Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thị xã Kỳ Anh, Lộc Hà, thành phố Hà Tĩnh, Nghi Xuân) với tổng diện tích 86,8 ha. Khi bệnh xảy ra, các ngành chức năng đã cùng với người nuôi tôm xác định tác nhân gây bệnh, dùng hóa chất Chlorine dập dịch nhằm không để dịch bệnh lây lan và gây thiệt hại cho các hộ nuôi tôm.

2. Sản xuất công nghiệp

Hoạt động sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực khi các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương vẫn đang sản xuất cầm chừng, sản xuất điện có mức tăng khá (8,34%) nhưng sản lượng vẫn đạt thấp do tổ máy số 1 của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1đến thời điểm hiện nay vẫn chưa hoạt động trở lại; ngành khai khoáng khác có xu hướng tăng do nhu cầu về vật liệu xây dựng phục vụ thi công đường cao tốc Bắc- Nam. Bên cạnh đó, các ngành sản xuất khác vẫn còn chịu ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới khi nhu cầu thị trường chưa phục hồi dẫn đến các đơn hàng xuất khẩu giảm kéo theo sản xuất trong nước giảm.

2.1. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)


Tháng 7/2023 ước chỉ số sản xuất ngành công nghiệp so với tháng 6/2023 giảm 24,22% và tăng 9,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,69% so với tháng trước và tăng 35,46% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 27,60% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước chỉ số sản xuất của ngành này tăng 7,73%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 10,20% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 14,12%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,36% so với tháng 6/2023 và tăng 10,18% so với cùng kỳ năm trước.


Tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp dự ước tăng nhẹ (0,3%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,89%, làm tăng 0,01 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,76% làm giảm 0,64 điểm phần trăm (là ngành đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,34%, làm tăng 1,08 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 6,36%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành.

Trong 18 nhóm ngành công nghiệp cấp 2, chỉ có 5 ngành có chỉ số sản xuất tăng là ngành khai khoáng khác tăng 6,97%, chế biến gỗ tăng 1,83%, sản xuất kim loại tăng 0,23%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 8,52%, sản xuất và phân phối điện tăng 8,34%, các nhóm còn lại đều có chỉ số sản xuất giảm.

2.2. Một số sản phẩm chủ yếu


Trong số 19 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, chỉ có 8 nhóm sản phẩm cộng dồn 7 tháng tăng so cùng kỳ (chiếm 36,8% trong tổng số sản phẩm) còn lại 11 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm (chiếm 63,2%) trong tổng số sản phẩm công nghiệp chủ yếu.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước: mực đông lạnh tăng 27,25%; chè xanh tăng 15,87%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 11,67%; thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm tăng 0,91%; điện sản xuất tăng 8,22%; điện thương phẩm tăng 13,87%; nước uống được tăng 4,03%; rác thải không độc hại đã thu gom không tái chế tăng 5,49%.

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước: quặng inmenit và tinh quặng inmenit giảm 61,67%; quặng zicon và tinh quặng zicon giảm 49,38%; thức ăn gia súc giảm 13,69%; than cốc giảm 8,63%; gạch xây dựng giảm 44,15%; bê tông trộn sẵn giảm 3,44%...

2.3. Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 7/2023 giảm 0,33% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 7,87%. Chỉ số sử dụng lao động cộng dồn đến cuối tháng 7/2023 giảm 7,76% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp 7 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ chủ yếu là do giảm số lượng lao động của ngành khai khoáng và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể chỉ sốsử dụng lao động của ngành khai khoáng giảm 18,77%, chỉ sốsử dụng lao động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước.Nguyên nhân chỉ số sử dụng lao động ngành khai khoáng giảm do hiện nay nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt nên sản lượng khai khoáng giảm. Chỉ số sử dụng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm do khó khăn chung của nền kinh tế nên một số doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ thu hẹp sản xuất, giảm lao động. Cùng với đó, việc đưa các máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cũng đã tiết giảm được nguồn nhân lực. Chỉ số sử dụng lao động tính đến tháng 7/2023 đối vớingành sản xuất và phân phối điện giảm 0,6%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,41% so với cùng kỳ năm 2022.

3. Vốn đầu tư


Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 7/2023 tăng khá so với tháng trước. Hiện nay các công trình lớn đang được triển khai trên toàn tỉnh, công tác giải phóng mặt bằng đang được UBND các cấp và các đơn vị liên quan tập trung rà soát, đôn đốc. Nguồn vốn thực thực hiện bổ sung vốn kịp thời, đẩy nhanh công tác thanh quyết toán vốn đầu tư các dự án lớn trên địa bàn, tạo nguồn lực cho đơn vị thi công.

Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 7/2023 ước đạt 521,78 tỷ đồng, tăng 17,53% so với tháng trước, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 381,01 tỷ đồng, tăng 16,68% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 92,73 tỷ đồng, tăng 24,61% so với tháng trước và giảm 14,64% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 48,04 tỷ đồng, tăng 11,73% so với tháng trước và tăng 63,27% so với cùng kỳ năm trước.

Thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho các công trình tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ thi công. Bên cạnh đó, một số công trình được khởi công mới góp phần vào kết quả thực hiện được cao hơn (tăng 17,53% so với tháng trước). Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì tình hình thực hiện vốn đầu tư trong tháng 7 vẫn còn một số khó khăn như một số công trình thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh có tổng vốn đầu tư lớn chưa khởi công xây dựng hoặc tiến độ còn chậm. Nguyên nhân do vướng công tác giải phóng mặt bằng chưa bàn giao ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình hoặc do thủ tục hồ sơ liên quan đến dự án chưa hoàn tất. Do đó vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý 7 tháng năm 2023 ước đạt 2.575,33 tỷ đồng, giảm 10,74% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,04% kế hoạch năm. Mặc dù nguồn vốn đã được bàn giao tới từng công trình hơn 90% kế hoạch vốn, tuy nhiên do nguồn ngân sách năm 2023 giảm mạnh so với năm trước (giảm 20,12%). Do đó, vốn đầu tư thực hiện 7 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tình hình thương mại dịch vụ tháng 7 và 7 tháng năm 2023 hoạt động ổn định và có mức tăng trưởng khá. Mặc dù với tình hình khó khăn chung của nền kinh tế trong nước khiến thu nhập của người dân nhìn chung gặp hạn chế, tác động đến nhu cầu tiêu dùng. Nhưng với việc chính sách thuế VAT được giảm từ ngày 01/7/2023 và các mặt hàng thiết yếu gồm điện tăng giá và xăng dầu giảm giá, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng doanh thu nhóm ngành này trong thời gian tới.


Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng 7/2023 doanh thu ước đạt 4.973,75 tỷ đồng, tăng 1,62% so với tháng trước và tăng 10,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị ước đạt 32,15 tỷ đồng, tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 93,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong các nhóm hàng hóa đều có mức tăng nhẹ so với tháng trước, chỉ có nhóm đồ dùng, trang thiết bị gia đình, xăng, dầu các loại và ô tô con có doanh thu giảm so với tháng trước nguyên nhân chủ yếu do: Thứ nhất, do yếu tố mùa vụ khi thời tiết nắng nóng kéo dài, các mặt hàng điện lạnh, hàng may mặc, thực phẩm, đồ uống tăng cầu tiêu dùng cùng với đó là nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ các công trình đang thi công. Thứ hai, tình hình khó khăn chung của nền kinh tế trong nước khiến thu nhập của người dân nhìn chung gặp hạn chế, tác động đến nhu cầu tiêu dùng nhiều nhóm thực phẩm, đồ dùng gia đình. Thứ ba, chính sách của Nhà nước về chính sách thuế VAT, giá điện và xăng dầu tác động trực tiếp đến giá cả các loại hàng hóa và giá cả quyết định nhu cầu người tiêu dùng và tổng mức doanh thu của nhóm bán lẻ.

Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 33.441,49 tỷ đồng, tăng 16,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ có 2 nhóm hàng có doanh thu giảm so với cùng kỳ đó là nhóm ô tô giảm 25,08%; phương tiện đi lại giảm 38,02%, nhưng 2 nhóm hàng này chiếm tỷ trọng doanh thu bán lẻ không cao, nên không ảnh hưởng quá lớn tới mức tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa mà chủ yếu phục thuộc vào các nhóm hàng thiết yếu tăng mạnh và chiếm tỷ trọng cao như: Lương thực, thực phẩm đạt 15.314,08 tỷ đồng, tăng 23,47%; xăng dầu các loại đạt 4.203,65 tỷ đồng, tăng 35,23%; đồ dùng, thiết bị gia đình ước đạt 3.585,69 tỷ đồng, tăng 24,57%; gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 1.943,4 tỷ đồng, tăng 36,27%;....

Có thể thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2023 tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hàng hóa có nhiều thuận lợi, tuy vậy, hoạt động của các cơ sở bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn nhất định như: Giá cả hàng hóa, dịch vụ đang có xu hướng tăng cao do ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất và vận chuyển nên đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Trong khi đó, một lượng lớn vốn tín dụng đang bị mắc kẹt tại thị trường bất động sản, lượng tiền trong dân không nhiều cộng với những khó khăn trong đợt dịch khiến tâm lý người dân tích lũy nhiều hơn, hạn chế chi tiêu cho những hàng hóa dịch vụ không thiết yếu cũng là những yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng.

Bên cạnh đó, hoạt động bán lẻ truyền thống của các đơn vị trong tỉnh đang phải cạnh tranh khốc liệt với các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện tích, hệ thống siêu thị mini và hình thức bán lẻ hàng trực tuyến; chuỗi cung ứng hàng hóa còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc dẫn đến nguồn cung một số hàng hóa hạn chế do tình hình nhập khẩu gặp khó khăn khiến giá bán lẻ tăng cao

Hoạt động dịch vụ l­ưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 7/2023 doanh thu ước đạt 729,58 tỷ đồng, tăng 5,95% so với tháng trước, tăng 27,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ l­ưu trú ước đạt 37,89 tỷ đồng, tăng 14,51% so với tháng trước, tăng 24,65% so với cùng kỳ năm trước. Lượt khách phục vụ 212.808 lượt, tăng 13,73% so với tháng trước và tăng 15,81% so với cùng kỳ năm trước. Ngày khách phục vụ 173.344 ngày, tăng 10,29% so với tháng trước, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống ước đạt 686,01 tỷ đồng, tăng 5,53% so với tháng trước, tăng 27,58% so với cùng kỳ năm trước; Du lịch lữ hành ước đạt 5,68 tỷ đồng, tăng 3,93% so với tháng trước tăng 81,99% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 7, là thời điểm nghỉ hè của các cấp học sinh, sinh viên và cũng là thời điểm kết thúc mùa thi cử cộng với thời tiết nắng nóng nên nhu cầu du lịch biển, các khu sinh thái nghỉ dưỡng tăng cao. Các điểm du lịch thu hút lượng lớn khách du lịch, các dịch vụ vui chơi, giải trí đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng khá. Lượng khách đến tham quan nghỉ mát tại các khu du lịch biển tăng mạnh. Với vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển những năm gần đây có nhiều bãi tắm đẹp đang được đầu tư khai thác như Biển Thiên Cầm, Hoành Sơn, Xuân Hải, Xuân Thành, Thạch Bằng, Kỳ Xuân, Kỳ Ninh, các resort, điểm cắm trại, homestay đã thu hút được lượng du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ mát.

Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 4.267,39 tỷ đồng tăng 25,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành l­ưu trú ước đạt 176,24 tỷ đồng, tăng 23,53%; lượt khách phục vụ hơn 1.058 nghìn lượt, tăng 16,21% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ 873.696 ngày, tăng 15,73% so với cùng kỳ năm trước; Ăn uống ước đạt 4.061,79 tỷ đồng, tăng 25,04% so với cùng kỳ năm trước; Du lịch lữ hành ước đạt 29,36 tỷ đồng, tăng 161,46% so với cùng kỳ năm trước; lượt khách du lịch theo tour ước đạt 8.477 lượt tăng 110,14% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách du lịch theo tour ước đạt 23.659 ngày tăng 130,41% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động dịch vụ du lịch, lữ hành vẫn đảm bảo sự tăng trưởng cao tiếp nói sự tăng trưởng của 6 tháng đầu năm, do tác động của yếu tố mùa vụ và thời tiết thuận lợi cho hoạt động tham quan, nghỉ mát và du lịch. Không chỉ lượng khách nội tỉnh mà cả lương khách ngoại tỉnh đến tham quan du lịch nghỉ mát trên địa bàn tỉnh tăng lên. Hà Tĩnh có vị trí địa lý thuận lợi, là tỉnh trung tâm của Bắc Trung Bộ, khoảng cách nối với các tỉnh như Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng… không quá dài, cung đường phù hợp để có những tour du lịch từ 2 đến 3 ngày (trùng kỳ nghỉ làm việc cuối tuần). Cùng với đó là sự thuận lợi về đường giao thông, phương tiện đi lại; Chất lượng của các cơ sở lưu trú ngày càng được chú trọng, nên du lịch đã lựa chọn các tour du lịch đến tham quan, nghỉ mát trên địa bàn tỉnh, theo đó các hoạt động ăn uống ngoài gia đình cũng sôi động hơn.

Hoạt động dịch vụ khác: Doanh thu dịch vụ khác tháng 7/2023 ước tính đạt 364,87 tỷ đồng, tăng 2,95% so với tháng trước và tăng 4,11% so với cùng kỳ năm trước, nhìn chung, ngoại trừ nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản vẫn đang trong giai đoạn trầm lắng theo nhu cầu thị trường thì các nhóm ngành đều có xu hướng tăng hơn so với các tháng trước.

Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.499,32 tỷ đồng, tăng 17,96% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm kinh doanh bất động sản tăng 15,25%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 34,83%; giáo dục đào tạo tăng 8,35%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 6,13%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 105,77%; dịch vụ khác tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung các nhóm dịch vụ đều được các thành phần kinh tế tập trung đầu tư phát triển, nhất là các hoạt động dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, nghỉ dưỡng, nghệ thuật vui chơi giải trí, dịch vụ chăm sóc cá nhân. Thu nhập của người dân ngày càng tăng cũng đòi hỏi các dịch vụ y tế, giáo dục phải nâng cao chất lượng. Mặt khác, khi các hoạt động sản xuất ngành chế biến công nghiệp, xây dựng tăng trưởng trở lại, thúc đẩy các dịch vụ hành chính, hỗ trợ cho thuê máy móc thiết bị tăng mạnh.

4.2. Hoạt động vận tải

Kết quả hoạt động kinh doanh vận tải tháng 7/2023 tăng hơn so với tháng trước và tăng mạnh so với cùng kỳ. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu lượt người sử dụng các phương tiện vận tải công cộng như xe buýt, taxi và nhu cầu sử dụng xe khách tăng mạnh, các hoạt động xây dựng đang tiếp tục phát triển mạnh, nhiều dự án mới được triển khai thi công, công trình xây dựng trong dân nhiều hơn.


Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 7 năm 2023 ước đạt 630,66 tỷ đồng, tăng 2,22% so tháng trước và tăng 22,24% so cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 88,41 tỷ đồng, tăng 3,20% so với tháng trước và tăng 26,41% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hành khách vận chuyển ước đạt 1.056,7 nghìn HK, tăng 1,26% so với tháng trước và tăng 11,92% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 204,01 triệu HK.km, tăng 2,11% so với tháng trước, tăng 19,98% so với cùng kỳ năm trước. Điều kiện thời tiết nắng nóng là lý do người dân chủ yếu sử dụng phương tiện công cộng để đi lại, khiến cho nhu cầu về vận tải hành khách tăng; đây cũng là giai đoạn cao điểm của mùa du lịch nên nhu cầu về vận tải hành khách tăng.

Vận tải hàng hóa: Doanh thu ước đạt ước đạt 402,67 tỷ đồng, tăng 2,07% so với tháng trước và tăng 15,55% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước tính đạt 4.452,73 nghìn tấn, tăng 1,91% so với tháng trước và tăng 18,26% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 136,98 triệu tấn.km, tăng 2,65% so với tháng trước và tăng 11,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng là thời điểm hoàn thiện các công trình xây dựng, các dự án thi công công trình xây dựng trên địa bàn đang tiếp tục phát triển mạnh, nhiều dự án mới được đưa vào triển khai thi công, công trình xây dựng trong dân nhiều hơn, các công trình chú trọng đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa bão nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa vật liệu xây dựng cũng tăng hơn. Ngoài ra thời tiết nắng nóng cũng là lúc nhu cầu mua sắm mặt hàng điện tử, điện lạnh tăng cao, điều này làm cho vận tải hàng hóa tăng, cũng như vận chuyển mặt hàng thực phẩm phục vụ cho ngành ăn uống cũng tăng lên theo mùa vụ du lịch.

Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 122,70 tỷ đồng, tăng 2,18% so với tháng trước và tăng 27,11% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang chuyển biến tích cực nên các tàu cập cảng chở hàng hóa sẽ nhiều hơn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động hỗ trợ vận tải ổn định và có doanh thu cao hơn. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 725,39 tỷ đồng, giảm 6,64% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, Tình hình kinh doanh vận tải, kho bãi trên địa bàn từ đầu năm đến nay có sự tăng trưởng mạnh mẽ so với các năm gần đây. Các đơn vị kinh doanh vận tải chú trọng việc đầu tư chất lượng xe đời mới, chất lượng cao đối với loại phương tiện hành khách, mở thêm các tuyến vận chuyển; đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa chú trọng việc bảo đảm chứa đựng hàng hóa, đúng tiêu chuẩn. Hạ tầng đường bộ giao thông hóa, nâng cấp mở rộng các tuyến đường góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Bên cạnh đó, dự kiến các tàu cập cảng chở hàng hóa sẽ nhiều hơn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động hỗ trợ vận tải ổn định và có doanh thu cao hơn.

4.3. Xuất nhập khẩu hàng hóa


Hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 7 năm 2023 có dấu hiệu chững lại so với tháng trước, nhưng so với cùng tháng năm trước vẫn tăng khá cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 7 ước đạt 566 triệu USD giảm 9,21% so với tháng trước nhưng tăng 40,88% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 3.807,4 triệu USD tăng 10,79% so với cùng kỳ, nhập siêu ở mức 401,8 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 7/2023 ước đạt 265,5 triệu USD, giảm 13,97% so với tháng trước nhưng tăng đến 145,99% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do mặt hàng chủ lực thép, phôi thép ước đạt 245,5 triệu USD giảm khá sâu 14,35% so với tháng trước nhưng cùng thời điểm này năm trước thì xuất khẩu thép vẫn tăng 183,68% so với cùng kỳ, mặt hàng dăm gỗ cũng đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu khi giảm sâu 34,73% (tương ứng giảm gần 2,7 triệu USD) so với tháng trước. Nhưng bù lại đó, các mặt hàng khác lại tăng khá khả quan như mặt hàng chè và thủy sản… có kim ngạch xuất khẩu tăng cả so với tháng trước và so với cùng kỳ do đang vào vụ thu hoạch và cũng là thời điểm mặt hàng thủy sản ngon trong năm, nhưng do giá trị xuất khẩu mang lại không cao nên không thể kéo lại tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, việc tăng các mặt hàng xuất khẩu chứng tỏ hướng đi phù hợp, đáng khích lệ trong hoạt động xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào sản phẩm thép.

Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1.702,8 triệu USD, tăng 59,65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mặt hàng thép và phôi thép ước đạt 1.580,2 triệu USD và là mặt hàng có kim ngạch tăng lớn nhất 67,64% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu của công ty Formosa đạt gần 1.617,9 triệu USD (chiếm 95,01% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh) tăng 63,93% so với cùng kỳ. Theo dự báo Hiệp hội Thép thế giới (WSA) nhu cầu thép toàn sẽ tiếp tục tăng, mặc dù tốc độ tăng sẽ chậm lại thì vẫn là tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu thép và phôi thép trong thời gian sắp tới.

Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 7 ước đạt 300,5 triệu USD, giảm 4,55% so với tháng trước nhưng vẫn tăng nhẹ 2,27% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do Formosa giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất khi việc tiêu thụ đầu ra thép gặp khó khăn. Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.557,47 triệu USD, giảm 2,75% so với cùng kỳ năm trước, dự ước kim ngạch nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm khi trước đây nhập khẩu thép hưởng thuế 0% và không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào thì hiện nay Hiệp hội thép Việt Nam VSA kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam.

5. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 năm 2023 tăng nhẹ so với tháng trước mức tăng của chỉ số giá chủ yếu nằm ở mặt hàng lương thực và hàng hóa khác. Nhưng nhìn chung mặt bằng giá thị trường vẫn ở mức khá cao, so với kỳ gốc 2019 đã tăng ở mức 9,04%. Bình quân 7 tháng 2023 chỉ số giá vẫn ở mức kiểm soát được khi tăng 1,69% so với cùng kỳ.


Tháng 7 năm 2023, chỉ số CPI chung tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước. Xét trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 7 nhóm hàng biến động tăng so với tháng trước, trong đó tăng mạnh nhất ở nhóm hàng hóa khác (tăng 2,31%) do trong tháng áp dụng hệ số lương cơ bản mới trong việc tính lương khiến giá bảo hiểm y tế tăng theo; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống dù chỉ tăng 0,72% so với với tháng trước nhưng tính riêng nhóm lương thực đã tăng đến 1,01% nguyên nhân do giá gạo Việt Nam đang tiếp tục duy trì đà tăng trong bối cảnh nhu cầu Thế giới đối với gạo Việt Nam ở mức cao. Nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực thu mua gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp toàn cầu, kéo theo giá gạo trong nước cũng ở mức cao. Còn lại có 5 nhóm hàng tăng không đáng kể so với tháng trước, giá xăng dầu cũng không biến động quá lớn khi ở kỳ điều chỉnh tháng trước giảm thì tháng này điều chỉnh tăng. Hai nhóm hàng hóa ổn định giá không thay đổi so với tháng trước là Bưu chính viễn thông và Thuốc, dịch vụ y tế.

Bên cạnh các nhóm hàng tăng, trong tháng có 2 nhóm hàng có chỉ số giảm so với tháng trước là nhóm hàng văn hóa, giải trí và du lịch có biến động giảm so tháng trước do giá một số mẫu mã tivi được các điểm bán lẻ giảm giá nhằm giảm hàng tồn kho do nhu cầu tiêu dùng tiếp tục đạt thấp; nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm nhẹ so tháng trước, nhưng so cùng tháng năm trước đang ở mức tăng 3,22%.

Một số yếu tố chính tác động đến giá cả thị trường tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ trong tháng 7/2023: Thứ nhất, yếu tố mùa vụ với thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng đến nhu cầu thực phẩm, nước giải khát, hàng dệt may, hàng điện máy đồ dùng. Thứ hai, giá nhiên liệu xăng dầu bình quân chung trong tháng qua các kỳ điều chỉnh đang có xu hướng giảm nhưng mức giảm mới chỉ tác động trực tiếp đến nhóm nhiên liệu, chưa có nhiều ảnh hưởng đến các nhóm hàng hóa, dịch vụ khác. Thứ ba, mức lương cơ bản được điều chỉnh tăng, tác động đến giá dịch vụ bảo hiểm y tế.

Tính chung 7 tháng năm 2023 chỉ số giá bình quân tăng 1,69% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực thành thị tăng 1,5%; nông thôn tăng 1,77%. Tăng rõ nét nhất là nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 4,69%) do thị trường xây dựng hoạt động mạnh trong thời gian qua, mặc dù giá vật liệu đang có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng tính chung bình quân 7 tháng vẫn đang ở mức giá cao, giá điện, nước sinh hoạt ở mức cao do lượng tiêu thụ trong mùa nắng nóng lớn. Đối với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,89% do hiện tại giá gạo vẫn đang ở mức cao khi nhu cầu của thị trường xuất khẩu đang lớn và mặt hàng văn hóa, giải trí và du lịch cũng tăng ở mức cao do nhu cầu và giá các loại dịch vụ giải trí, du lịch tăng trong mùa cao điểm du lịch. Chỉ có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, giảm mạnh nhất ở nhóm giao thông (giảm 4,11%) còn nhóm bưu chính chuyển phát giảm nhẹ 0,67% nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu nhiện liệu đã có xu hướng hạ nhiệt hơn.

Thị trường tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từ đầu năm đến nay các mặt hàng, dịch vụ có mức biến động mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vật liệu xây dựng, điện, nước sinh hoạt, dịch vụ cho thuê nhà ở. Những yếu tố mùa vụ, tình hình khó khăn tại các khu kinh tế lớn trong nước và thời tiết là những điểm cơ bản ảnh hưởng lớn đến sự biến động giá cả hàng hoá dịch vụ. Bên cạnh đó là sự điều hành của các cơ quan quản lý đối với nhóm nhiên liệu, điện sinh hoạt. Việc điều chỉnh lương tối thiểu trước mắt chỉ tác động đến nhóm bảo hiểm y tế, chưa tác động đến các nhóm hàng hóa dịch vụ khác.

Chỉ số giá vàng tháng 7/2023 hạ nhiệt hơn khi giảm 1,08% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ vẫn ở mức tăng 4,36%; giá vàng bình quân trong tháng ở mức 5.550 nghìn đồng/chỉ 9999. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,51% so với tháng trước và giảm 2,08% so với cùng tháng năm trước; giá đô la Mỹ bình quân 2.360.485 đồng/100 USD.

Dự kiến chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ dự kiến trong tháng 8/2023 dự kiến tiếp tục tăng. Giá thịt lợn đang tăng trở lại và dự báo tiếp tục tăng trong tháng tới. Giá đồ dùng học tập, văn phòng phẩm, hàng may mặc tăng trong thời điểm cận kề năm học mới. Trong khi thói quen hạn chế mua sắm tài sản lớn trong tháng 7 âm lịch có thể khiến nhu cầu và giá cả nhóm đồ dùng gia đình, phương tiện đi lại, điện, nước vật liệu xây dựng cũng sẽ hạ nhiệt hơn.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI.

1. Giáo dục

Trong tháng này, chủ yếu tập trung cho kỳ thi THPT năm 2023. Trong tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm nay, có 14.175 thí sinh hệ THPT và 3.074 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp là 2.608; thí sinh đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp và lấy kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng là 14.146; có 495 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Toàn tỉnh có 35 điểm thi, với 751 phòng thi chính thức, 106 phòng chờ; mỗi điểm thi bố trí ít nhất 01 phòng thi dự phòng để tổ chức thi cho đối tượng thí sinh sốt, ho… cùng với hơn 2.700 cán bộ giáo viên, nhân viên, các lực lượng công an, y tế, bảo vệ… làm nhiệm vụ tại các điểm thi.

Các trường THPT nơi được lựa chọn làm hội đồng thi đã chủ động chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và nghiêm túc, vấn đề đảm bảo sức khỏe cho thí sinh được chuẩn bị chu đáo. Vì vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đảm bảo mục tiêu: an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không có giám thị coi thi, thí sinh vi phạm quy chế.

2. Hoạt động y tế

Tình hình dịch bệnh Covid-19: Mặc dù hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, nhưng ngành Y tế Hà Tĩnh luôn khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là, cần chủ động tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tiêm vắc xin phòng COVID-19; tổ chức triển khai hiệu quả các chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với thông điệp “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”.

Tổng số ca mắc từ ngày 04/6/2021 đến nay là 59.762 ca mắc, còn tính từ ngày 01/01/2022 đến nay là 58.803 ca mắc.

Tình hình dịch bệnh khác: Trong tháng 7, trên địa bàn chỉ có một số ca bệnh đơn lẻ, cụ thể: 05 ca sốt xuất huyết, 01 ca sốt rét, 02 ca viêm não vi rút, 01 ca mắc bệnh quai bị, 03 ca mắc lỵ trực trùng, 07 ca mắc lỵ a míp, 14 ca mắc bệnh thủy đậu, 1.270 ca mắc bệnh cúm, 203 ca tiêu chảy, 07 ca viêm gan vi rút khác và không có người chết do các bệnh trên.

Tính chung 7 tháng năm 2023, trên địa bàn cũng chỉ có một số ca bệnh đơn lẻ, không tạo thành dịch, cụ thể: 31 ca sốt xuất huyết (tăng 11 ca so với cùng kỳ năm trước), 4 ca sốt rét (tăng 3 ca), 2 ca viêm não vi rút (cùng kỳ năm trước không xảy ra), 102 ca mắc bệnh quai bị (tăng 29 ca), 169 ca mắc lỵ trực trùng (tăng 37 ca), 164 ca mắc lỵ a míp (giảm 25 ca), 164 ca mắc bệnh thủy đậu (tăng 42 ca), 8.522 ca mắc bệnh cúm (giảm 411 ca), 9 ca mắc bệnh do adeno (cùng kỳ năm trước không xảy ra), 124 ca chân tay miệng (cùng kỳ năm trước có 11 ca), 1.542 ca tiêu chảy (tăng 73 ca), 54 ca viêm gan vi rút khác (tăng 11 ca) và không có người chết do các bệnh trên.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Để hạn chế nhiễm HIV/AIDS, cần tiếp tục tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao.

Trong tháng 7, có 02 người nhiễm mới HIV, 01 người chuyển thành AIDS và 01 người chết vì AIDS; giảm 02 người nhiễm HIV, tăng 01 người chết vì AIDS, số người chuyển thành AIDS không thay đổi so với tháng trước và tăng 02 người nhiễm HIV, 01 người chyển thành AIDS, 01 người chết vì AIDS so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2023, có 34 người nhiễm mới HIV, 26 người chuyển thành AIDS và 04 người chết vì AIDS; tăng 22 người nhiễm HIV, 20 người chuyển thành AIDS và 02 người chết vì AIDS so với cùng kỳ năm trước.

Công tác an toàn thực phẩm: Bảo đảm an toàn thực phẩm, sự phối hợp liên ngành đã được tăng cường và có hiệu quả; các văn bản chỉ đạo điều hành đã được ban hành kịp thời, sát thực tế; các hoạt động được triển khai đồng bộ. Công tác kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn được triển khai đồng bộ và quyết liệt; công tác giám sát phát hiện nguy cơ được duy trì, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn và tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Trong tháng 7, không có vụ ngộ độc tập thể nào xảy ra, chỉ có 114 ca ngộ độc đơn lẻ và không có người chết vì ngộ độc thực phẩm; chỉ tăng 12 ca ngộ độc đơn lẻ (tăng 11,76%) so với tháng trước và so cùng kỳ năm trước giảm 22 ca ngộ độc đơn lẻ (giảm 16,18%).

Tính chung 7 tháng năm 2023, có 01 vụ ngộ độc tập thể (làm 07 người bị ngộ độc), 554 ca ngộ độc đơn lẻ và không có người chết vì ngộ độc; số vụ ngộ độc tập thể không thay đổi (nhưng tăng 03 người bị ngộ độc), tăng 73 ca ngộ độc đơn lẻ (tăng 15,18%) và số người chết không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

3. Hoạt động văn hoá, thể thao

Hoạt động văn hóa: Tổ chức liên hoan dân ca ví, giặm toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2023 với sự tham gia của hơn 400 nghệ nhân, diễn viên của 13 câu lạc bộ đến từ các địa phương trên toàn tỉnh; được thể hiện dưới nhiều hình thức diễn xướng, tái hiện không gian làng quê, làng nghề, tập quán sinh hoạt các địa phương, vùng miền... Trong đó, tập trung vào chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tinh thần lao động, tình yêu cuộc sống; ca ngợi truyền thống đấu tranh bảo vệ đất nước; tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng nông thôn mới; phản ánh những đặc trưng văn hoá tiêu biểu của quê hương.

Tập trung chuẩn bị tốt cho việc tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc; tưởng niệm 55 năm Ngày hy sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc và kỷ niệm 55 năm Chiến tích làng K130 (13/8/1968 - 13/8/2023), bao gồm 2 nội dung chính: Tuần văn hóa “Linh thiêng Đồng Lộc” và các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”.

Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động văn hóa: Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa được thực hiện thường xuyên và theo kế hoạch, đặc biệt là trong các dịp lễ, hội. Công tác kiểm tra, thanh tra nhằm tập trung quản lý, chấn chỉnh các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, các hoạt động thuộc lĩnh vực Thông tin - truyền thông trên địa bàn tỉnh như chấn chỉnh bảng hiệu, quảng cáo tại các khu du lịch bãi biển....nhằm tạo môi trường cảnh quang văn minh, lịch sự tạo thiện cảm cho du khách khi đến với du lịch Hà Tĩnh.

Hoạt động thể thao:

Thể thao thành tích cao: Trong tháng 7, đoàn thể thao Hà Tĩnh đã tham gia 03 giải, giành 34 huy chương các loại (gồm: 16 HCV, 07 HCB, 11 HCĐ). Cụ thể: tại giải Pencak silat trẻ quốc gia năm 2023 ở Tuyên Quang, giành được 09 huy chương (gồm 02 HCV, 03 HCB, 04 HCĐ); giải vô địch điền kinh các nhóm tuổi trẻ quốc gia năm 2023 tại Bến Tre, giành được 12 huy chương (gồm 06 HCV, 02 HCB, 04 HCĐ); giải vô địch karate quốc gia năm 2023 tại thành phố Nha Trang - Khánh Hòa, giành được 13 huy chương (gồm 08 HCV, 02 HCB, 03 HCĐ).

Thể thao quần chúng: Phối hợp tổ chức thành công các giải thể thao quần chúng như: giải Bóng bàn các Câu lạc bộ mở rộng Báo Hà Tĩnh lần thứ IV năm 2023; giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng toàn tỉnh năm 2023.

4. Tình hình an toàn giao thông


Tình hình tai nạn giao thông (TNGT): Công an trên địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy, như: người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn, ma túy, chở quá tải trọng, quá số người quy định; phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; cương quyết xử lý, trấn áp những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ.

Tính từ ngày 15/6-14/7/2023 xảy ra 20 vụ tai nạn đường bộ, làm 18 người chết, 05 người bị thương, thiệt hại 280 triệu đồng; tăng 01 vụ, 04 người chết, giảm 04 người bị thương so với tháng trước và tăng 13 vụ, 11 người chết, 02 người bị thương so với cùng kỳ năm trước.

Tính từ ngày 15/12/2022-14/7/2023 đã xảy ra 107 vụ tai nạn đường bộ, làm 86 người chết, 39 người bị thương, thiệt hại 1.460 triệu đồng; tăng 54 vụ, 40 người chết, 17 người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân xảy ra tai nạn là không làm chủ tốc độ và đi sai phần đường do lái xe sử dụng rượu bia quá mức quy định.

Trong tháng 7, tai nạn đường sắt, đường thủy không xảy ra và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

5. Môi trường

Tình hình cháy, nổ:

Tình hình cháy: Từ ngày 15/6-14/7/2023 đã xảy 04 vụ cháy, không làm thiệt hại về người, ước tính giá trị thiệt hại tài sản 95 triệu đồng; số vụ không thay đổi so với tháng trước và giảm 04 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Tính từ 15/12/2022-14/7/2023 xảy ra 44 vụ, không làm thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản 480 triệu đồng; tăng 19 vụ, giảm 01 người chết, số người bị thương không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.


Vụ nổ: Từ ngày 15/12/2022-14/7/2023 không xảy ra vụ nổ nào và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

Vi phạm môi trường:

Tính từ ngày 15/6-14/7/2023 đã phát hiện 18 vụ và đã xử lý 15 vụ, với tổng số tiền xử phạt 151,24 triệu đồng; giảm 10 vụ đã phát hiện, 06 vụ đã xử lý, tăng 103,19 triệu đồng số tiền xử phạt so với tháng trước và giảm 16 vụ đã phát hiện, 08 vụ đã xử lý, 11,41 triệu đồng số tiền xử phạt so với cùng kỳ năm trước. Vi phạm môi trường đã phát hiện trong tháng chủ yếu là vận chuyển cát trái phép, sử dụng xung kích điện đánh bắt thủy sản trái phép... phát hiện 18 vụ (chiếm 100%), đã xử lý 12 vụ với số tiền xử phạt 17,99 triệu đồng. Trong 15 vụ vi phạm đã xử lý, có 02 vụ vi phạm về vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải chất rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, có mức xử phạt cao 120,5 triệu đồng, chiếm 79,67% tổng số tiền xử phạt.


Tính chung 7 tháng năm 2023 (từ 15/12/2022-14/7/2023) đã phát hiện 436 vụ, xử lý 354 vụ, tổng số tiền xử phạt 1.360,95 triệu đồng; giảm 106 vụ đã phát hiện (giảm 19,56%), giảm 22 vụ đã xử lý (giảm 5,85%), số tiền xử phạt giảm 114,56 triệu đồng (giảm 7,76%) so với cùng kỳ năm trước.

6. Tình hình thiên tai

Trong tháng (tính từ 19/6-18/7/2023) không xảy ra vụ thiên tai nào, so với tháng trước giảm 01 vụ, 01 người chết và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, xảy ra 01 vụ thiên tai, làm 01 người chết; giảm 04 vụ, giảm 01 người chết, giảm 512 ha lúa, 153 ha hoa màu bị thiệt hại, giảm 17 ngôi nhà bị hư hỏng, giá trị thiệt giảm 7.968 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.

Theo Cục Thống kê Hà Tĩnh

Link nguồn: http://thongkehatinh.gov.vn/ChiTietTin.aspx?id=488


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện