Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024

  

07:55 01/10/2024

Năm 2024 là năm gần cuối nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong quý III cũng như 9 tháng vừa qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn thách thức. Tuy nhiên, nền kinh tế tỉnh Hà Tĩnh vẫn đạt mức tăng khá. Các dự án công nghiệp lớn trên địa bàn được đảm bảo tiến độ. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, vụ Xuân, vụ Hè Thu được mùa toàn diện. Du lịch, dịch vụ đạt mức tăng khá, các hoạt động quảng bá du lịch, hoạt động vui chơi giải trí diễn ra sôi nổi. Giải ngân đầu tư công, các dự án hạ tầng đô thị, giao thông chiến lược theo định hướng Quy hoạch tỉnh được đẩy mạnh triển khai. Bên cạnh những điểm nổi trội thì nền kinh tế công nghiệp tỉnh nhà vẫn chưa phục hồi rõ nét, tăng trưởng chưa đạt theo kế hoạch đề ra, tạo áp lực cho những tháng cuối năm 2024.

Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển.

I. LĨNH VỰC KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Sản xuất nông nghiệp

1.1.1.Trồng trọt

a. Cây hàng năm:

Trong 9 tháng năm 2024, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt cho năng suất thu hoạch đạt cao, đặc biệt trên cây lúa thắng lợi ở cả 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu. Việc thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người dân, tạo bước đệm cho việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện được 11.609 ha, đạt 77,4% kế hoạch Nghị quyết HĐND tỉnh đưa ra đến năm 2025. Một số huyện có diện tích tập trung, tích tụ lớn đó là huyện Can Lộc 3.866 ha, huyện Thạch Hà 2.718 ha, huyện Cẩm Xuyên 1.528 ha,…


Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 9 tháng năm 2024 ước đạt 156.209 ha, bằng 99,22%, giảm 1.226 ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó:

Cây lúa: Diện tích gieo trồng 9 tháng ước tính đạt 104.190 ha, bằng 100,21% (tăng 215 ha) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích lúa tăng chủ yếu tăng ở vụ Hè Thu do năm trước hạn hán, người dân bỏ hoang nhiều, năm nay thời tiết thuận lợi, thu hoạch vụ đông xuân sớm, các điều kiện sản xuất được đảm bảo, đặc biệt giá lúa tăng, thương lái thu mua tại chỗ nên khuyến khích người dân khai hoang sản xuất. Sản xuất lúa vụ Đông Xuân và Hè Thu đều thắng lợi, năng suất bình quân chung đạt cao nhất từ trước đến nay ước đạt 57,21 tạ/ha, bằng 102,89% (tăng 1,61 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng lúa 9 tháng năm 2024 ước tính đạt 595.993 tấn, bằng 103,09% (tăng 17.885 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Cây ngô: Diện tích gieo trồng ước tính đạt 14.383 ha, bằng 100,07% (tăng 10 ha) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất ngô 9 tháng ước đạt 50,39 tạ/ha, bằng 107,34% (tăng 3,45 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng ngô 9 tháng ước tính đạt 72.474 tấn, bằng 107,42% (tăng 5.005 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Cây khoai lang: Diện tích gieo trồng 9 tháng ước đạt 3.335 ha, bằng 98,06% (giảm 66 ha) so với năm trước. Nguyên nhân diện tích giảm chủ yếu là do một số xã chuyển từ một số đất trồng khoai không hiệu quả sang trồng ngô, ngoài ra một số huyện diện tích đất do nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án. Năng suất khoai lang 9 tháng ước đạt 74,48 tạ/ha, bằng 99,14% (giảm 0,65 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khoai lang 9 tháng ước đạt 24.840 tấn, bằng 97,21% (giảm 712 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Cây lạc: Diện tích gieo trồng 9 tháng ước đạt 6.981 ha, bằng 88,2% (giảm 934 ha) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân diện tích lạc giảm là do một số xã chủ động được nước tưới nên chuyển diện tích trồng lạc sang trồng lúa hoặc trồng rau cho kinh tế cao hơn. Năng suất thu hoạch lạc 9 tháng ước đạt 27,81 tạ/ha, bằng 98,53% (giảm 0,41 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng lạc 9 tháng ước đạt 19.413 tấn, bằng 86,9% (giảm 2.926 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Rau các loại: Trong 9 tháng năm 2024, diện tích gieo trồng rau ước đạt 13.854 ha, bằng 98,57% (giảm 201 ha) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất rau ước tính đạt 72,67 tạ/ha, bằng 102,77% (tăng 1,96 tạ/ha) so với cùng kỳ. Sản lượng rau ước đạt 100.699 tấn, bằng 101,3% (tăng 1.294 tấn) so với cùng kỳ năm trước..

Cây đậu: Diện tích đậu các loại ước đạt 2.472 ha, bằng 100,96% (tăng 23 ha) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất đậu các loại ước đạt 10,18 tạ/ha, bằng 98,10% (giảm 0,2 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng đậu các loại ước đạt 2.516 tấn, bằng 99,04% (giảm 24 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

b. Cây lâu năm


Những năm gần đây, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích nên các loại cây ăn quả có giá trị cao được đầu tư, chăm sóc để nâng cao chất lượng hướng tới sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, liên kết trong bao tiêu sản phẩm; bên cạnh đó khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, tập trung đầu tư thâm canh trên diện tích hiện có đồng thời rà soát diện tích các cây trông già cỗi, sâu bệnh, thoái hóa để thay thế các loại cây có năng suất, chất lượng cao.

Về diện tích: Tổng diện tích hiện có cây lâu năm 9 tháng năm 2024 ước đạt 31.170 ha, bằng 98,72%, giảm 403 ha so với cùng kỳ năm 2023, diện tích giảm chủ yếu là diện tích cam, chanh, chuối.

Diện tích cây ăn quả ước đạt 19.438 ha, bằng 100,40%, tăng 78 ha so với cùng kỳ năm 2023. Cây ăn quả nhiệt đới, cận nhiệt đới ước đạt 5.699 ha, bằng 102,17%, tăng 121 ha. Tăng chủ yếu diện tích dứa tăng 118 ha (thời gian qua, huyện Cẩm Xuyên đã khởi động mô hình sản xuất vùng nguyên liệu dứa). Các loại quả có múi thuộc họ cam, quýt ước đạt 13.118 ha, bằng 99,66%, giảm 45 ha so với cùng kỳ năm 2023. Diện tích cam ước đạt 7.297 ha, bằng 99,82%, giảm 13 ha. Diện tích bưởi ước đạt 4.423 ha, bằng 100,05%, tăng 2 ha. Diện tích trồng bưởi tương đối ổn định người dân tập trung chăm sóc diện tích hiện có tỉa cành, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh, bón phân, tưới nước, giống, quy trình sản xuất, công nghệ bảo quản, chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Diện tích cây cao su ước đạt 8.030 ha, bằng 94,91%, giảm 431 ha so với cùng kỳ năm 2023. Giảm chủ yếu ở huyện Hương Khê giảm 422 ha. Nguyên nhân giảm là do một số diện tích của các hộ dân không mang lại giá trị kinh tế nên người dân chuyển đổi sang mục đích khác ở xã Hương Đô, Hương Trà, Điền Mỹ và diện tích của Công ty cao su Hà Tĩnh giảm do nhà nước thu hồi đất để xây dựng đường dây 500KW mạch 3. Bên cạnh đó, khí hậu khắc nghiệt nắng nóng, mưa bão triền miên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến diện tích cây cao su bị sụt giảm, cây phát triển kém.

Diện tích chè búp ước đạt 1.225 ha, bằng 97,07%, giảm 37 ha; chè xanh (chè hái lá) ước đạt 1.745 ha, bằng 99,04%, giảm 17 ha so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân giảm là do diện tích đất trồng bị thu hồi để phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng đường giao thông nông thôn.

Về sản lượng: Sản lượng cây ăn quả ước đạt 80.885 tấn, bằng 102,78%, tăng 2.186 tấn so với cùng kỳ năm 2023. Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Sản lượng các loại quả nhiệt đới và cận nhiệt đới ước đạt 37.003 tấn, bằng 101,78%, tăng 648 tấn so với cùng kỳ năm 2023. Do không ngừng đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như phòng trừ sâu bệnh, các biện pháp chăm sóc, bảo vệ, mức độ đầu tư được tăng lên, công tác chọn giống từng bước được coi trọng nên kết quả đạt khá.

Sản lượng các loại quả có múi thuộc họ cam, quýt ước đạt 42.198 tấn, bằng 104,03%, tăng 1.634 tấn so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, sản lượng bưởi ước đạt 23.126 tấn, bằng 107,09%, tăng 1.531 tấn (năm nay theo đánh giá của các hộ dân, thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ đậu quả nhiều, quả đều và chất lượng bưởi tốt, giá cả cao hơn từ 15 đến 20% so với những năm trước nên người dân rất phấn khởi).

Sản lượng cao su ước đạt 3.550 tấn, bằng 105,44%, tăng 183 tấn so với cùng kỳ năm 2023. Cây đến kỳ khai thác cho mủ khá tốt, chất lượng mủ cũng đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật. Sản lượng chè búp ước đạt 8.129 tấn, bằng 102,33%, tăng 185 tấn; chè xanh (chè hái lá) ước đạt 15.828 tấn, bằng 101,02%, tăng 160 tấn so với cùng kỳ năm 2023.

c. Tình hình sâu bệnh, thiệt hại

Trong 9 tháng năm 2024 các đối tượng sâu bệnh vẫn phát sinh gây hại trên các loại cây trồng nhưng mức độ thiệt hại không lớn. Đối với lúa vụ Đông Xuân bệnh khô vằn gây hại trên những diện tích gieo cấy giày, bón thừa đạm, diện tích nhiễm 3.385 ha, trong đó có 135 ha nhiễm nặng, phân bố hầu hết các địa phương; 328 ha bị chuột gây hại, bên cạnh có nạn ốc bươu vàng, bệnh đao ôn lá, rầy nâu có xuất hiện cục bộ nhưng diện tích gây hại không đáng kể...Vụ Hè Thu bệnh khô vằn gây hại trên 3.340 ha, có nạn chuột gây hại ở các vùng cao cưỡng, gần làng ở các địa phương, diện tích nhiễm 272ha. Đối với các loại cây hàng năm khác tuy sâu bệnh có phát sinh gây hại nhưng không ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng

Đối với các cây lâu năm sâu bệnh chủ yếu xuất hiện trên các cây ăn quả có múi trong các vườn hộ lâu năm, ở vụ Đông xuân xuất hiện sâu vẽ bùa, sâu nhớt, diện tích nhiễm 75ha, sâu non bướm phượng 25 ha, nhện nhỏ, rệp muội 50 ha. Ở Vụ He Thu xuất hiện sâu đục thân, đục cành, diện tích nhiễm 15 ha; nhện nhỏ diện tích nhiễm 35 ha; ruồi đục quả diện tích nhiễm 63ha; bệnh chảy gôm diện tích nhiễm 10 ha. Dịch bệnh chủ yếu xuất hiện trên các cây loại cây cam, bưởi ở các huyện trồng tập trung như Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn…

1.1.2. Chăn nuôi


Kết quả sản xuất chăn nuôi: Hoạt động sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong tháng 9/2024 duy trì ổn định và tiếp tục có bước phát triển ở đàn lợn và gia cầm, tổng đàn lợn ước đạt 408.000 con, tăng 2,45%; đàn gia cầm ước đạt 10.314 ngàn con, tăng 1,18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên tổng đàn trâu, bò lại có xu hướng giảm do chăn nuôi kém hiệu quả, đàn trâu ước đạt 66.802 con, giảm 0,30%; đàn bò ước đạt 164.100 con, giảm 2,09% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng xuất chuồng 9 tháng năm 2024: Thịt trâu ước đạt 2.730 tấn, giảm 1,66%; thịt bò ước đạt 7.886 tấn, giảm 0,30%; thịt lợn ước đạt 52.765 tấn, tăng 3,32%; thịt gia cầm ước đạt 21.923 tấn, tăng 9,86%, trong đó thịt gà ước đạt 18.356 tấn, tăng 11,93%.

Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Trong 9 tháng năm 2024, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, kéo theo đó là giá cả tăng cao. Trong tỉnh dịch bệnh đối với chăn nuôi vẫn xẩy ra nhưng cơ bản được kiểm soát; sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân trên địa bàn, tuy nhiên tổng đàn chăn nuôi vẫn chưa có chuyển biến tích cực khi người dân vẫn còn e ngại việc tăng đàn và tái đàn. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, thủy sản như: Dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng trên trâu, bò, bệnh đốm trắng, cụ thể như sau:

Dịch Viêm da nổi cục trên trâu bò xảy ra tại 17 xã thuộc 05 huyện (Can Lộc, Lộc Hà, Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên) làm cho 156 con bò mắc bệnh, trong đó có 20 con chết, tiêu hủy, với khối lượng 3.411 kg. Đến nay, các ổ dịch đã qua 21 ngày; Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 17 xã thuộc 05 huyện, thị xã (Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Kỳ Anh) làm cho 182 con lợn mắc bệnh, chết, tiêu hủy, khối lượng 12.472 kg. Hiện nay dịch tại xã Thạch Lạc thuộc huyện Thạch Hà chưa qua 21 ngày; Lở mồm long móng xảy ra tại 03 xã (Kỳ Bắc, Kỳ Giang, Kỳ Đồng) thuộc huyện Kỳ Anh làm cho 39 con trâu, bò bị mắc bệnh, trong đó làm 04 con chết với khối lượng 830 kg. Hiện nay dịch tại 03 xã trên chưa qua 21 ngày.

1.2. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp: Diện tích rừng trồng mới tháng 9 năm 2024 ước đạt 1.783 ha, tăng 1,42%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 75.176 m3, tăng 9,67%; sản lượng củi khai thác ước đạt 6.048 ste, giảm 4,09%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 107 ngàn cây, tăng 1,90% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng trồng mới 9 tháng năm 2024 ước đạt 4.968 ha, tăng 3,46%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 353.682 m3, tăng 12,11%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 2.045 ngàn cây, tăng 15,86% so với cùng kỳ năm trước.

Trồng rừng, bảo vệ rừng là một trong những việc làm hết sức thiết thực để phát triển bền vững. Phát triển rừng vừa tạo ra thu nhập từ rừng, vừa để bảo vệ môi trường vì vậy các cấp, các ngành và người dân đặc biệt quan tâm. 9 tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới, hoạt động khai thác gỗ và cây trồng phân tán tăng so với cùng kỳ năm trước. Diện tích trồng rừng chủ yếu tập trung ở các địa phương như huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Hương sơn, Cẩm Xuyên, Thạch Hà.


Thiệt hại về rừng: Trong tháng không xảy ra cháy rừng, nhưng xảy ra 11 vụ phá rừng. Tính từ đầu năm đến ngày 25/9/2024, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xẩy ra 4 vụ cháy rừng (giảm 2 vụ so với cùng kỳ), với diện tích rừng bị cháy là 1,74 ha (giảm 3,11 ha) và 45 vụ phá rừng (giảm 61 vụ), với diện tích rừng bị phá là 12,25 ha (giảm 26,87 ha) so với cùng kỳ năm trước.

1.3. Thủy sản


Sản xuất thủy sản: Tháng 9, sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt sản lượng tăng so với các tháng khác khi đây là mùa thu hoạch các loại hải sản biển đa dạng và đối với nuôi trồng vẫn đang thu hoạch vụ tôm Xuân Hè nên sản lượng đạt khá cao.

Tổng sản lượng thủy sản tháng 9 ước đạt 7.710 tấn, bằng 101,29%, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 4.142 tấn, bằng 101,03%, sản lượng nuôi trồng ước đạt 3.568 tấn, bằng 101,59% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng ước đạt 47.638 tấn, bằng 103,51%, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 33.432 tấn, bằng 103,42%, sản lượng nuôi trồng ước đạt 14.206 tấn, bằng 103,73% so với cùng kỳ năm trước.

Khai thác thủy sản trên địa bàn 9 tháng năm 2024 cơ bản vẫn ổn định và tiếp tục có sự tăng nhẹ với mức tăng là 1.616 tấn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác chiếm 70% tổng sản lượng thủy hải sản, tăng 1.105 tấn và sản lượng nuôi trồng 9 tháng ước tính tăng 511 tấn so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá bán sản phẩm tương đối ổn định nhưng giá nhiên liệu và các chi phí khác vẫn ở mức cao nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế có giảm. Cùng với đó là điều kiện, phương tiện, tiềm lực khai thác biển đầu tư phát triển chậm nên khó để tạo ra bước đột phá trong khai thác hải sản. Những tháng cuối năm, dự báo điều kiện thời tiết xấu, mưa bão, lũ lụt xẩy ra bất thường nên hoạt động khai thác biển và nuôi trồng sẽ gặp khó khăn hơn.

Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính xảy ra với diện tích 4.29 ha tại 4 xã thuộc 3 huyện (Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà); Bệnh Vi bào tử trùng xảy ra với diện tích 0,85 ha tại xã Kỳ Hải huyện Kỳ Anh, xã Thạch Long huyện Thạch Hà. Trong tháng 9 xảy ra bệnh Vi bào tử trùng (EHP) trên tôm tại 01 hộ nuôi xã Thạch Long huyện Thạch Hà với diện tích 0,2 ha; hiện chưa qua 15 ngày; Bệnh Đốm trắng xảy ra với diện tích 8,25 ha tại 5 xã thuộc 4 huyện (Lộc Hà, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh);

2. Sản xuất công nghiệp

Trong 9 tháng năm 2024 ngành công nghiệp có nhiều điểm thuận lợi như: Bia đóng lon mở rộng thị trường tăng sản lượng sản xuất; vỏ bào, dăm gỗ cũng đang được đẩy mạnh xuất khẩu; ngành may mặc có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, ngành công nghiệp vẫn còn những khó khăn, thách thức như: Sản phẩm mới pack pin còn phụ thuộc vào thị trường; nhà máy thép Formosa đại tu sửa trong 15 ngày trong tháng 4, sản lượng thép ảnh hưởng bởi thép nhập khẩu. Đặc biệt Tổ máy số 2 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 bảo dưỡng 65 ngày từ 15/8/2024. Do đó, thách thức, áp lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là rất nặng nề; đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

2.1. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)

Ước tính tháng 9/2024, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 1,73% so với tháng trước và giảm 0,62% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 2,24% so với tháng trước và tăng 47,39% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước giảm 0,41% so với tháng trước và giảm 1,33% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện dự tính tăng 18,19% so với tháng trước và giảm 2,35% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xả lý rác thải dự ước giảm 1,37% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 11,25%.


Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước giảm 0,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 31,75% đóng góp 0,39 điểm vào mức tăng chung toàn ngành; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,91% làm giảm 3,27 điểm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 20,60% đóng góp 2,71 điểm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,94% đóng góp 0,32 điểm vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp Hà Tĩnh.

Nguyên nhân dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp chung trong 9 tháng năm 2024 giảm là do: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng lớn nhất từ ngành sản xuất kim loại, ngoài yếu tố thị trường bất lợi thì sản lượng thép giảm do tạm dừng bảo dưỡng dây chuyền cán nóng của Formosa từ ngày 1/4 - 14/4 dẫn đến tăng trưởng ngành chế biến chế tạo cũng như toàn ngành công nghiệp chưa đạt như kỳ vọng. Cùng với đó là ngành sản xuất và phân phối điện cũng giảm mạnh khi mà tổ máy số 2 của nhà máy nhiệt nhiệt điện 1 trong tháng 8 và tháng 9 đang tạm ngừng để bảo dưỡng.

2.2. Một số sản phẩm chủ yếu

Trong số 20 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 13 nhóm sản phẩm cộng dồn 9 tháng năm 2024 tăng so cùng kỳ và có 7 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm trong tổng số sản phẩm công nghiệp chủ yếu. Kết quả trên cho thấy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đầu tư, nâng cấp máy móc thiết bị để tăng công suất hoạt động, đáp ứng nhu cầu của các dự án lớn đang triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh. Các doanh nghiệp trên địa bàn đang đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, mở rộng mạng lưới khách hàng để tăng tốc sản xuất - kinh doanh trong chặng giữa năm, sớm hoàn thành mục tiêu sản xuất - kinh doanh năm nay.

Một số sản phẩm công nghiệp 9 tháng năm 2024 tăng so với năm trước: Quặng inmenit và tinh quặng inmenit tăng 94,67%; Đá xây dựng khác tăng 30,45%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 22,35%; bia đóng lon tăng 19,98%; điện sản xuất tăng 19,94%; bê tông trộn sẵn tăng 17,06%; ...


Một số sản phẩm công nghiệp 9 tháng năm 2024 giảm so với cùng kỳ năm trước: Mực đông lạnh giảm 76,05%; chè (trà) nguyên chất (như: chè (trà) xanh, chè (trà) đen) giảm 6,12%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 39,36%; thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm giảm 8,37%;...

2.3. Chỉ số ngành công nghiệp

Chỉ số tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự tính tháng 9/2024 giảm 5,37% so với tháng trước, so với tháng 9/2023 tăng 19,99%. Tính chung 9 tháng năm 2024 chỉ số tiêu thụ giảm 2,5% so với năm trước. Nhiều mặt hàng trong tổng số các nhóm sản phẩm trên địa bàn có chỉ số tiêu thu tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 như: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 65,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 63,55%; sản xuất trang phục tăng 55,09%;… 9 tháng năm 2024, mặc dù chỉ số tiêu thu giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên, số nhóm sản phẩm có chỉ số tiêu thụ tăng chiếm tỷ trọng cao, cho thấy đa số các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh dần phục hồi sau nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong những năm qua.

Chỉ số tồn kho: Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 9/2024 giảm 1,4% so với tháng trước và giảm 11,69% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho giảm do một số ngành như: Dệt giảm 47,52%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 45,19%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 52,62%.... Hoạt động sản xuất ngành chế biến, chế tạo đang phục hồi, thị trường trong và ngoài nước rộng mở. Bên cạnh sản xuất các sản phẩm mới, các doanh nghiệp cũng ưu tiên tiêu thị hàng tồn kho từ năm trước.

2.4. Tình hình sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 9/2024 tăng 0,67% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước giảm 3,99%. Cộng dồn đến cuối năm tháng 9 năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tăng 3,26% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động 9 tháng năm 2024 của ngành khai khoáng giảm 3,29% so với năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, một số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm vì vậy nguồn nhân lực tăng so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,04%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 0,55% so với cùng kỳ năm 2023.

3. Tình hình hoạt động doanh nghiệp


Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong 9 tháng năm 2024 vẫn đang còn tồn tại nhiều khó khăn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh triển khai kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương; địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

3.1. Tình hình đăng ký kinh doanh

Tính từ đầu năm đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh thành lập mới 1.038 doanh nghiệp, tăng 11,25% với số vốn đăng ký hơn 5.341,2 tỷ đồng, tăng 41,18% so cùng kỳ năm trước. Song song với việc các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thì số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động 538 doanh nghiệp, tăng 11,85% so cùng kỳ; doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể 173 doanh nghiệp, tăng 613% so cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, từ kết quả đăng ký thành lập mới, tự giải thể, tạm ngừng hoạt động của các doanh nghiệp cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua vẫn đang còn gặp khó khăn nhất là thiếu nguồn vốn đã ảnh hưởng đến phát triển của doanh nghiệp nói riêng và tình hình phát triển chung của toàn nền kinh tế tỉnh nhà.

3.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo

Qua tổng hợp kết quả điều tra trên địa bàn tỉnh, nhìn chung đa số các doanh nghiệp đánh giá quý III/2024 và dự báo quý IV/2024 về tình hình sản xuất kinh doanh, biến động về khối lượng sản xuất, số lượng đơn đặt hàng có xu hướng tăng lên và giữ nguyên. Điều này cho thấy tình hình sản xuất ngành công nghiệp đang có những chuyển biến tích cực và thuận lợi hơn trước.

Tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2024 có 95,83% doanh nghiệp đánh giá SXKD của họ tốt lên và giữ ổn định so với quý trước (trong đó các doanh nghiệp đánh giá SXKD của họ tốt lên 39,58%; có 56,25% doanh nghiệp đánh giá SXKD của họ vẫn giữ nguyên như quý II/2024). Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD của họ khó khăn chiếm 4,17% trong tổng số các doanh nghiệp toàn tỉnh. Kinh tế thị trường sôi động trở lại, thị trường trong và ngoài nước mở rộng tạo điều điện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau thời gian dài khó khăn.

Các doanh nghiệp dự báo xu hướng về tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2024 tăng hơn so quý III/2024 khi có tới 41,67% doanh nghiệp nhận định SXKD quý IV/2024 sẽ tốt hơn và 43,75% giữ ổn định so với quý III/2024. Tuy nhiên, số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất vẫn tiếp tục gặp khó khăn hơn quý trước là 14,58% tổng số các doanh nghiệp trong toàn tỉnh, tăng hơn so với quý trước. Thời tiết không thuận lợi, thị trường bão hòa ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh một số ngành như sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác...

4. Hoạt động thương mại, dịch vụ

4.1.Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng:

Hoạt động thương mại và dịch vụ 9 tháng năm 2024 nhìn chung phát triển khá với gam màu sáng, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 61,3 nghìn tỷ đồng tăng 17,56% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân, thị trường bán lẻ càng về cuối năm càng sôi động, hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành phát triển mạnh, các dịch vụ khác cũng tăng khả quan.


Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng 9/2024 ước đạt 5.824,66 tỷ đồng, tăng 2,76% so với tháng trước, tăng 15,57% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo quý thì quý III/2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 17.394,05 tỷ đồng, tăng 2,57% so với quý trước và tăng đến 16,88% so với cùng kỳ. Trong 3 quý thì mức tăng quý III so với cùng kỳ đạt mức khá cao nhưng không tăng mạnh bằng hai quý trước. Nguyên nhân do tình hình kinh tế, chính trị thế giới và những điều chỉnh về giá của các nhà sản xuất tác động đến giá nhiều nhóm hàng hóa như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vật liệu xây dựng, vàng và kim loại quý... Bên cạnh việc giá cả tăng cao thì các yếu tố mùa vụ trong quý cũng ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu các nhóm hàng như vật phẩm giáo dục, may mặc... khi cầu mua sắm bước vào năm học mới.

Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 51.565,46 tỷ đồng, tăng 18,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nhóm Lương thực, thực phẩm chiếm 48,37% tổng mức, tăng 25,76% trong đó quý I tăng 25,83%; quý II tăng 27,29%; quý III tăng 24,24%, đây là nhóm hàng thiết yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức bán lẻ, vì vậy sự tăng trưởng của nhóm hàng hóa này đã làm cho tổng mức bán lẻ tăng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó các nhóm hàng có doanh thu khá cũng biến động tăng cao như: Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 30,99%, trong đó quý I tăng 57,44%; quý II tăng 29,59%; quý III tăng 10,31%; may mặc tăng 35,68%%, trong đó quý I tăng 52,73%; quý II tăng 34,91%; quý III tăng 22,02%. Nhóm xăng dầu các loại do giá cả trong năm ở mức khá ổn định nên mức doanh thu chỉ tăng ở mức 7,06%, trong đó quý I tăng 0,98%; quý II tăng 7,68%; quý III tăng đến 12,47%. Các nhóm hàng khác cũng có mức tăng doanh thu khá so với cùng kỳ, bên cạnh các nhóm hàng tăng doanh thu thì có 3 nhóm hàng có doanh thu giảm sâu là nhóm phương tiện đi lại (giảm 29,99%), ô tô con (giảm 24,90%) và nhóm Gỗ, vật liệu xây dựng (giảm 10,71%) mặc dù đã có Nghị định 109/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 01/9/2024 đến 30/11/2024 về “việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước” tuy nhiên do đây là các mặt hàng xa xỉ có giá trị cao, khi thu nhập người đang phải gồng gánh các chi phí hàng hóa do giá ở mức cao thì việc mua sắm các mặt hàng có giá trị lớn dường như cũng hạn chế, bên cạnh đó do việc giá vật liệu đang ở mức thấp hơn so với các năm trước.

Nhìn chung, tình hình thương mai chịu nhiều tác động bởi tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Bên cạnh chi phí đầu vào như: giá điện, chi phí nhân công, chi phí thuê mặt bằng tăng. Cộng thêm những thị trường xuất khẩu chủ yếu như Trung Quốc, Nhật Bản đang gặp khó khăn về cầu tiêu dùng. Tuy vậy, môi trường kinh doanh trong tỉnh nhìn chung ổn định, lãi suất tín dụng đang giảm dần tác động tích cực đến sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, hoạt động bán lẻ hàng hóa tăng mạnh. Đặc biệt khi sử dụng các chính sách kích cầu như tăng vốn đầu tư công, tăng lương cơ bản cho cán bộ công chức và người nghỉ hưu, giảm thuế VAT 2%, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với sản xuất xe trong nước đã là “bệ trụ” để cho Tổng mức bán lẻ tỉnh nhà tăng so với năm trước.

Dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành: Doanh thu tháng 9/2024 ước đạt 776,88 tỷ đồng, tăng 2,62% so với tháng trước và tăng 12,52% so với cùng kỳ năm trước. Tuy trong 3 ngành chỉ có doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 3,35% (hai ngành lưu trú và du lịch tăng trưởng âm) nhưng với tỷ lệ chiếm 96,73% nên doanh thu lưu trú, ăn uống và du lịch vẫn tăng so với tháng trước. Cụ thể: Dịch vụ lưu trú ước đạt 21,79 tỷ đồng, giảm 10,41% so với tháng trước nhưng tăng 18,02% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống ước đạt 751,47 tỷ đồng, tăng 3,35% so với tháng trước và tăng 12,33% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 3,62 tỷ đồng, giảm 12,04% so với tháng trước những vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 năm 2024, doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 6.335,93 tỷ đồng, tăng 12,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đây ta thấy được sự tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch, lữ hành (tăng 53,56%) tạo nên điểm sáng trong ngành dịch vụ trong thời gian vừa qua. Nếu tính riêng từng ngành cụ thể thì Dịch vụ lưu trú 9 tháng năm 2024 ước đạt 217,83 tỷ đồng, giảm 3,96%, trong đó mức giảm chủ yếu ở quý I/2024 khi các cơ sở tiến hành đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng, còn quý II và III vẫn tăng khá so với cùng kỳ. Riêng quý III doanh thu Lưu trú vẫn đạt 93,88 tỷ đồng, cao nhất trong 3 quý và tăng 6,13% so với cùng kỳ; Dịch vụ Ăn uống 9 tháng ước đạt 6.062,68 tỷ đồng, tăng 12,74% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý III/2024 đạt 2.206,24 tỷ đồng, tăng 10,43% so với quý trước và tăng 10,21% so với cùng kỳ; Du lịch lữ hành và dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt 55,42 tỷ đồng, tăng 53,56% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu phát triển mạnh và vượt bậc ở quý I và quý II, bước sang quý III khi hết mùa du lịch mức doanh thu chỉ đạt 13,54 tỷ đồng, giảm đến 46,89% so với quý trước nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng ở mức 9,04%. Nhìn chung hoạt động ăn uống ngoài gia đình vẫn là nhóm chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất và tăng trưởng ổn định ở cả 3 quý, quyết định trực tiếp đến doanh thu cả khu vực dịch vụ này. Bên cạnh đó mặc dù đã gần như kết thúc mùa du lịch nhưng hoạt động dịch vụ vẫn tăng trưởng khá. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ngày càng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng, các địa điểm du lịch cũng được đầu tư và đa dạng hóa các loại hình du lịch trải nghiệm. Vì vậy đóng góp của ngành dịch vụ cũng đang là hướng tăng trưởng xanh của kinh tế tỉnh nhà.

Dịch vụ khác: Doanh thu dịch vụ khác tháng 9/2024 ước đạt 387,63 tỷ đồng, tăng 3,01% so với tháng trước, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, tính cả quý III/2024 doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.157,3 tỷ đồng, tăng 3,49% so với quý trước và tăng 10,97% so với cùng kỳ, tăng chủ yếu ở các nhóm ngành dịch vụ hành chính, hỗ trợ, y tế, giáo dục, giải trí...do trong quý các công trình đang cố gắng tận dụng những ngày thời tiết thuận lợi để hoàn thiện công trình trước mùa mưa bão, nhóm thuốc và dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế và nhu cầu dịch vụ giáo dục cho các kỳ thi.

Tính chung 9 tháng năm 2024 doanh thu dịch vụ khác ước đạt 3.418,32 tỷ đồng, tăng 7,82% so với cùng kỳ năm trước, trong 6 nhóm hàng dịch vụ khác chỉ có nhóm hàng bất động sản là tăng trưởng âm, còn lại 05 nhóm hàng đều có tăng trưởng dương, cụ thể: Nhóm kinh doanh bất động sản giảm 10,02%; nhóm ngành hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 3,61%; nhóm ngành giáo dục đào tạo tăng 11,28%; nhóm hàng y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 20,67%; nhóm ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 43,85% và dịch vụ khác tăng 13,39% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tình hình thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn tác động đến thị trường cũng như giá cả các loại hàng hoá tăng lên, song việc doanh thu dịch vụ khác tăng trưởng khá ở cả 3 quý trong 9 tháng năm 2024 vẫn cho thấy đời sống người dân đang ngày càng được cải thiện, nhu cầu ngày càng cao về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đời sống.

4.2. Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải trong tháng 9 năm 2024 mặc dù có chững lại so với các tháng trước do yếu tố mùa vụ khi bắt đầu bước vào mùa mưa lũ, nhưng nhìn so với cùng kỳ và tính chung 9 tháng năm 2024 vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, các đơn vị kinh doanh vận tải chú trọng cả về chất lượng lẫn số lượng xe, càng giúp cho hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, sức hút từ sự phát triển của ngành du lịch lữ hành cũng là yếu tố quan trọng góp phần trong sự phát triển của vận tải trên địa bàn.


Kết quả vận tải, kho bãi tháng 9/2024 doanh thu ước đạt 721,36 tỷ đồng, giảm 4,18% so với tháng trước, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tháng 9 doanh thu có giảm hơn so với các tháng trước do yếu tố mùa vụ, nhưng tính cả quý III/2024 doanh thu vẫn đạt 2.269,31 tỷ đồng, tăng 1,13% so quý trước và tăng 18,90% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 358,79 tỷ đồng, tăng 1,74% so với quý trước và tăng 23,17% so với cùng kỳ; Vận tải hàng hóa ước đạt 1.476,07 tỷ đồng, tăng 1,93% so với quý trước và tăng 21,42% so với cùng kỳ; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 418,76 tỷ đồng, giảm 2,20% so với quý trước và tăng 16,85% so với cùng kỳ năm trước. Các yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu vận tải trong tháng và quý III chủ yếu do tác động của yếu tố mùa vụ khi diễn biến thời tiết phức tạp khiến giảm nhu cầu đi lại, vận chuyển, bên cạnh đó do thời tiết trên biển Đông diễn biến xấu kéo dài, gây khó khăn cho các tàu bè cập cảng và di chuyển cũng khiến doanh thu dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải giảm. Tuy nhiên so với cùng kỳ mức doanh thu này vẫn đạt khá so với kỳ vọng khi tăng mạnh so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng năm 2024 doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt 6.435,83 tỷ đồng, tăng 21,45% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Trong đó, vận tải hành khách ước đạt 1.118,53 tỷ đồng, tăng 43,14%; hàng hoá ước đạt 4.010,89 tỷ đồng, tăng 17,27%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.260,42 tỷ đồng, tăng 31,15% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, hoạt động vận tải kho bãi ở tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua đang có nhiều biến chuyển tích cực. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa tiếp tục tăng cao nhờ vào sự phục hồi kinh tế và các hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp vận tải đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ số như hệ thống quản lý kho thông minh và theo dõi lộ trình xe tải qua GPS giúp nâng cao hiệu quả hoạt động; các dự án của Chính phủ đã và đang đầu tư vào nâng cấp đường bộ, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động vận tải và kho bãi; xu hướng sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường ngày càng gia tăng, với nhiều doanh nghiệp chuyển sang sử dụng xe điện hoặc xe hybrid. Tuy vậy, ngành vận tải, kho bãi tỉnh vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt như giá nhiên liệu biến động, cạnh tranh gay gắt và yêu cầu về chất lượng dịch vụ ngày càng cao từ khách hàng.

5. Tài chính, ngân hàng

5.1. Hoạt động tài chính

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2024 đạt cao hơn so với cùng kỳ (tăng 4,89%). Hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp chủ lực tăng, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Chi ngân sách Nhà nước cơ bản đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi thường xuyên bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục hồi nền kinh tế.


Thu ngân sách Nhà nước: Tổng thu ngân sách nhà nước sơ bộ tính đến ngày 20/9/2024 đạt 13.656,82 tỷ đồng (tăng 4,89% so cùng kỳ). Trong đó, thu nội địa đạt 6.920,77 tỷ đồng (chiếm 50,68 % trong tổng thu) tăng 6,08% so với cùng kỳ. Cụ thể một số sắc thuế tăng mạnh so cùng kỳ như: Các khoản thu về nhà đất đạt 2.186,64 tỷ đồng (tăng 50,38%); thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 1.128,28 tỷ đồng (tăng 34,25%); ... Tuy nhiên, 9 tháng năm 2024 thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ đạt 759,37 tỷ đổng, giảm 63,02% so với cùng kỳ. Bên cạnh thu nội địa, tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 6.262,64 tỷ đồng, giảm 1,87% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn trong SXKD những tháng đầu năm dẫn đến nguồn thu ngân sách của Hà Tĩnh bị ảnh hưởng.

Chi ngân sách Nhà nước: Việc điều hành và thực hiện dự toán chi ngân sách địa phương cơ bản đảm bảo triển khai kịp thời các nhiệm vụ phát sinh cũng như các nhiệm vụ bổ sung từ nguồn ngân sách Trung ương. Tổng chi ngân sách nhà nước tính đến ngày 20/9/2024 đạt 17.634,28 tỷ đồng tăng 4,49% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu nguồn chi thì chi đầu tư phát triển đạt 7.634,39 tỷ đồng chiếm 43,29% tổng chi, giảm 5,53% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 9.982,47 tỷ đồng chiếm 56,61% tổng chi, tăng 14,93% so với cùng kỳ năm 2023.

5.2. Hoạt động ngân hàng

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2024 tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ chế, chính sách của ngành đã được triển khai đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm giúp khách hàng biết đến và sớm tiếp cận được các chính sách, qua đó góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nguồn vốn huy động trên địa bàn có sự tăng trưởng tốt (tăng 11,41% so với cuối năm 2023). Tăng trưởng tín dụng tăng 15,64% so với cùng kỳ năm 2023.


Công tác huy động vốn trên địa bàn tiếp tục được đẩy mạnh, với việc triển khai nhiều chính sách hiệu quả, nhờ đó, nguồn vốn huy động trên địa bàn có sự tăng trưởng tốt. Tổng nguồn vốn huy động ước đến 30/9/2024 đạt 112.000 tỷ đồng, tăng 11,41% so với cuối năm 2023 và tăng 19,50% so với cùng kỳ năm 2023.

Dư nợ cho vay ước đến 30/9/2024 đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 9,32% so với cuối năm 2023 và tăng 15,64% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 78.368 tỷ đồng (chiếm 74,64% tổng dư nợ), tăng 13,3% so với cuối năm 2023; dư nợ trung dài hạn ước đạt 26.632 tỷ đồng (chiếm 25,36% tổng dư nợ), giảm 0,94% so với đầu năm.

6. Vốn đầu tư

Trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh tập trung triển khai kế hoạch đầu tư công, tỉnh đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 40.802 tỷ đồng, tăng 14,36% so với cùng kỳ năm trước, đây là nguồn lực lớn nhất nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho 9 tháng và cả năm 2024.


Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh quý III/2024 dự ước đạt 15.509 tỷ đồng, tăng 7,3% so với quý trước, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn nhà nước trên địa bàn ước 6.487 tỷ đồng, tăng 31,74% so với quý trước và tăng 80,55% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước ước đạt 4.893 tỷ đồng, tăng 14,03% so với quý trước và giảm 11,67% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ước đạt 4.128 tỷ đồng, giảm 21,20% so với quý trước và tăng 4,84% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh 9 tháng năm 2024 ước đạt 40.801,63 tỷ đồng, tăng 14,36% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 14.396,9 tỷ đồng, chiếm 35,28% tổng vốn tăng 84,04%; vốn đầu tư ngoài nhà nước ước đạt 12.293,02 tỷ đồng, chiếm 30,13% tổng vốn, giảm 15,78%; vốn đầu tư thực hiện khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 14.111,71 tỷ đồng, chiếm 34,59% tổng vốn giảm 0,87% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước là do:: (1) Dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Hà Tĩnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công vốn đầu tư thực hiện tăng cao dự ước vốn đầu tư 9 tháng 6.186 tỷ đồng gấp 2,46 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu giải phóng mặt bằng. (2) Trên địa bàn tỉnh tiến hành khởi công xây dựng các dự án mới, đặc biệt dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 2.109 tỷ đồng hiện nay dự án đã hoàn thành. (3) Hiện nay một số dự án lớn có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng đang gấp rút thi công. Đáng kể như, Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2 đẩy nhanh lắp đặt tổ máy và nhiều hạng mục khác, qua đó, giải ngân khoảng 10.939 tỷ đồng tương đương với cùng kỳ năm trước và đang phấn đấu hoàn thành vào năm 2025 để đi vào vận hành; Nhà máy Liên doanh sản xuất Pin Lithium VinES-Gotion đẩy nhanh tiến độ thi công, vốn đầu tư ước đạt 1.143 tỷ đồng, dự kiến cuối năm nay hoàn thành. Bên cạnh đó, các dự án đang đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng thi công theo tiến độ đề ra ban đầu. (4) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (VSIP) cơ bản đã hoàn thành giải phóng mặt bằng sẵn sàng khởi công dự án dự ước đạt 230 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái chưa triển khai dự án. (5) Ngoài ra, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh ghi nhận những chuyển biến tốt sau những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, tạo điều kiện phục hồi cho hoạt động đầu tư xây dưng.

7. Hoạt động xuất nhập khẩu

Tình hình xuất - nhập khẩu tháng 9 ghi nhận những tín hiệu khá tích cực từ thị trường xuất khẩu so với các tháng trước. Trị giá xuất - nhập khẩu trong tháng 9/2024 ước đạt 521,0 triệu USD tăng 1,10% so với tháng trước và tăng 6,68% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2024 hoạt động xuất - nhập khẩu đang gặp khó khăn khi trị giá xuất khẩu mặt hàng chủ lực thép vẫn đang giảm khá sâu. Tổng trị giá xuất, nhập khẩu 9 tháng ước đạt 4.593,82 triệu USD giảm 5,36% so với cùng kỳ (giảm 260,10 triệu USD).


Về xuất khẩu: Trị giá xuất khẩu tháng 9 ước đạt 210,5 triệu USD, tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 20,40% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do trị giá xuất khẩu mặt hàng thép, phôi thép trong tháng 9/2024 ước đạt 183,6 triệu USD (chiếm 87,22% trị giá xuất khẩu toàn tỉnh), tăng 53,09% so với tháng trước và tăng 15,11% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh mặt hàng thép, phôi thép thì các mặt hàng chủ lực khác cũng tăng so với cùng kỳ năm trước, ngoại trừ mặt hàng xơ, sợi dệt các loại còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường.

Tính chung 9 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu ước đạt 1.714,45 triệu USD, giảm 18,38% so với cùng kỳ năm trước (giảm 385,93 triệu USD). Nguyên nhân chủ yếu do từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế toàn cầu chịu tác động tiêu cực từ lạm phát và tăng lãi suất, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thép trên thế giới giảm sút, nên mặt hàng thép và phôi thép của Formosa Hà Tĩnh gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu; ngoài ra, trị giá xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi dệt các cũng giảm đến 34,87% so với cùng kỳ. Mặc dù trị giá xuất khẩu của mặt hàng chè, dệt và may mặc tăng, tuy nhiên do tỷ trọng của những mặt hàng này chỉ chiếm 1,53% trong tổng trị giá xuất khẩu của hàng hóa trong tỉnh nên không tác động nhiều đến kết quả xuất khẩu của 9 tháng đầu năm 2024.

Về nhập khẩu: Trị giá nhập khẩu tháng 9/2024 ước đạt 310,5 triệu USD, tăng 1,29% so với tháng trước nhưng giảm 0,96% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, trị giá nhập khẩu ước đạt 2.879,37 triệu USD triệu USD đạt 77,82% so với kế hoạch cả năm, tăng 4,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: trị giá nhập khẩu của Formosa Hà Tĩnh ước đạt 2.123,09 triệu USD (chiếm 73,73% tổng trị giá nhập khẩu toàn tỉnh) tăng 4,97%. Dự ước trong quý IV tới những tháng cuối năm việc sản xuất phục vụ những đơn hàng cuối năm tăng khiến nhu cầu nguyên liệu đầu vào tăng theo, nhu cầu tiêu dùng hàng ngoại ngày càng cao khiến trị giá nhập khẩu sẽ tăng mạnh.

8. Giá cả, lạm phát

Diễn biến thị trường giá cả các mặt hàng trong tháng 9/2024 không có biến động lớn, chỉ số giá chung tăng nhẹ so với tháng trước. CPI bình quân quý III/2024 tăng 4,53% so với quý III/2024, bình quân chín tháng năm 2024, CPI tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước mức tăng khá cao nhưng vẫn đang phù hợp xu thế và nằm trong tầm kiểm soát. Thị trường vàng và ngoại tệ giá vẫn đang ở mức cao và ngày càng tăng mạnh vào những ngày cuối tháng.

Tháng 9 năm 2024, chỉ số CPI chung tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 4,30% so với cùng kỳ năm trước, hầu hết các nhóm hàng trong tháng đều không biến động quá lớn so với tháng trước, mặc dù trong tháng giá các loại hoa, quả, lương thực, thực phẩm tăng do thời tiết mưa lớn kéo dài ảnh hưởng đến khâu sinh trưởng, chăm sóc, thu hoạch các loại rau, quả…tuy nhiên mức tăng không quá lớn công với việc các mặt hàng khác đang có giá cả bình ổn và hạ nhiệt hơn. Thị trường vàng và ngoại tệ đang có biến động lớn khi chỉ số giá vàng tháng 9 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng đến 38,02% so với cùng kỳ do các biến động từ thị trường thế giới.


CPI bình quân quý III năm 2024 tăng đến 4,53% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong 3 quý (quý I và quý II năm 2024 lần lượt tăng ở mức 2,31% và 3,15%) trong đó chủ yếu tăng ở các nhóm hàng thiết yếu như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 8,19%; đồ uống và thuốc lá tăng 7,04%; may mặc, giày dép và mũ nón tăng 5,26%..., chỉ có 2 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước là giao thông giảm 1,90% và bưu chính viễn thông giảm 1,55%.

CPI bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo địa bàn thì khu vực thành thị tăng 3,69%, nông thôn tăng 3,17%. Xét theo các nhóm ngành hàng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,52%; đồ uống và thuốc lá tăng 5,73%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 3,25%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,21%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,59%; giao thông tăng 0,54%; bưu chính viễn thông giảm 1,69%; giáo dục tăng 2,55%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 2,57%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, thị trường tiêu dùng, từ đầu năm đến nay các mặt hàng có mức biến động mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm lương thực, thực phẩm, đồ uống thuốc lá, điện nước sinh hoạt. Mức tăng mạnh chủ yếu tập trung ở quý III khi chính sách cải cách tiền lương bắt đầu được áp dụng từ tháng 7/2024, các loại phí dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông..cũng tăng theo các lộ trình, chính sách trong khi đó giá gạo và các loại lương thực cũng đang ở mức cao nhất từ trước tới nay và chứ có dấu hiệu giảm. Trong năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 3-4%. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng đang được theo dõi chặt chẽ. Dự báo CPI có thể chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như giá nguyên liệu toàn cầu, chính sách tiền tệ và tình hình sản xuất trong nước, các biện pháp điều hành giá, quản lý cung cầu và hỗ trợ sản xuất được thực hiện để đảm bảo sự ổn định cho thị trường.

Dự kiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2024 sẽ còn tiếp tục tăng. Giá các loại lương thực thực, thực phẩm, đồ uống dự kiến tăng trở lại về cuối năm khi thời tiết chuyển mùa, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn hơn. Thời tiết chuyển dần sang mùa lạnh cũng khiến nhu cầu các nhóm mặt hàng như may mặc, thực phẩm, đồ dùng gia đình, điện, nước sinh hoạt có sự thay đổi.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động việc làm

Nhìn chung, nhu cầu tuyển dụng lao động tại Hà Tĩnh đang tăng khá, có dấu hiệu khởi sắc hơn so với những năm trước, tình hình lao động việc làm quý III/2024 trên địa bàn có tăng nhẹ so với quý trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của tỉnh vẫn còn khá cao. Để hỗ trợ giải quyết việc làm các cấp, ngành tiếp tục tập trung tăng cường tổ chức phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến kết nối cung-cầu lao động; gửi thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đến các địa phương để thông tin rộng rãi tới người dân. Đồng thời, tiếp tục khảo sát, thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu của người lao động cần việc làm để tiến hành hoạt động kết nối với doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động.


Lực lượng lao động: Theo kết quả điều tra lao động việc làm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh Hà Tĩnh ước quý III năm 2024 là 513.385 người, tăng 0,58% so với quý trước và tăng 1,07% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lực lượng lao động là nam giới chiếm tỷ trọng 50,1%, cao hơn 0,19 điểm phần trăm so với nữ giới (chiếm 49,9%); lực lượng lao động thuộc khu vực thành thị chỉ chiếm 25,67%, chủ yếu vẫn đang tập trung ở khu vực nông thôn chiếm đến 74,33%.

Quý III năm 2024, có đến 53,72% dân số 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động, tăng 0,28 điểm phần trăm so với quý II/2024 và tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cũng có sự chênh lệch giữa nam và nữ (lần lượt là 54,64% và 52,83%); tỷ lệ này cũng không đồng đều giữa các vùng, ở thành thị là 61,75%, cao hơn nông thôn là 10,34 điểm phần trăm.

Tính chung 9 tháng năm 2024, lực lượng lao động 15 tuổi trở lên ước tính là 509.498 người, tăng 0,55% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lực lượng lao động nam là 256.323 người, chiếm 50,31% trong tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên; lực lượng lao động thuộc khu vực thành thị là 130.298 người, chiếm 25,57%.

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm: Quý III/2024 dân số lao động không có việc làm (thất nghiệp) là 13.931 người, chiếm 2,71% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên, tăng 0,19 điểm phần trăm so quý trước và 0,79 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; có đến 89,4% lao động thất nghiệp cư trú ở nông thôn (tương đương 12.455 người) và ở nam giới chiếm 51,72% (tương đương 7.205 người). Xét riêng trong độ tuổi lao động thì tỷ lệ thất nghiệp quý III/2024 ước tính là 5,37%, tăng 0,09 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2024, số người không có việc làm (thất nghiệp) ước tính là 11.834 người, chiếm 2,32% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên và giảm 0,89 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; lao động thất nghiệp chủ yếu là ở khu vực nông thôn chiếm đến 91,21% (tương đương 10.794 người) và nam giới chiếm 63,64% (tương đương 7.532 người). Xét riêng trong độ tuổi lao động thì tỷ lệ thất nghiệp 9 tháng năm 2024 ước tính là 5,32%, giảm 0,22 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình giải quyết việc làm: Theo số liệu báo cáo sở ngành số người được giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động quý III năm 2024 là 7.103 người, tăng 16,65% so với quý trước và 12,41% so cùng kỳ năm 2023; so với tháng trước đều tăng ở cả ba nhóm lĩnh vực, trong đó tập trung chủ yếu ở lĩnh vực giải việc làm trong tỉnh (tăng 38,4%) và đi làm ngoài tỉnh (tăng 26,4%).

Tính chung 9 tháng năm 2024, số người được giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động là 18.321 người, đạt 79,66% so với kế hoạch và giảm 3,99% so cùng kỳ năm 2023, chủ yếu giảm ở lĩnh vực giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh (giảm 2,12%) và xuất khẩu lao động (giảm 11,64%). Chứng tỏ những nỗ lực của các cơ quan, chức năng cũng như sự đồng hành của các doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm vệc làm nhằm ổn định đời sống người dân.

Tình hình Trợ cấp thất nghiệp: Đã giải quyết kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm góp phần tích cực hỗ trợ người lao động trong thời gian mất việc, giúp họ ổn định cuộc sống. Số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp phát sinh mới trong quý III/2024 là 632 người, giảm 1.073 người so với quý trước; tính từ đầu năm đến tháng 9 năm 2024 có 2.643 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, so với thời điểm tháng 6/2024 đã có 474 người dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

2. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội

Đời sống dân cư: Nhìn chung 9 tháng năm 2024, đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang ổn định. Quý III/2024 là thời gian trùng vào dịp Tết Trung thu, khác với cảnh tập nập, đông khách của những năm trước, trong ngày chính lễ tết Trung thu với việc chia sẻ nỗi đau cũng các tỉnh phía Bắc nên các hoạt động tổ chức đều hoãn lại vì vậy các quầy bánh và đồ chơi tại Hà Tĩnh khá thưa vắng người mua. Bên cạnh đó, sau những ngày ảnh hưởng của mưa lũ, giá rau xanh tại các chợ dân sinh ở Hà Tĩnh tăng so với các năm. Tuy nhiên, với chính sách tiền lương mới áp dụng từ đầu quý và những việc làm cụ thể, thiết thực của các cấp chính quyền trong chính sách giải quyết việc làm cũng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, các đối tượng chính sách và người có công ở trên địa bàn.

Công tác an sinh xã hội: Về hỗ trợ cho người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc Nghị định 20/2021/NĐ-CP và các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong quý III/2024 toàn tỉnh đã chi trả trợ cấp hàng tháng và hỗ trợ đột xuất với tổng số tiền hơn 483,49 tỷ đồng, tăng 22,06% so với quý trước và tăng 15,40% so với cùng kỳ. Trong đó, toàn tỉnh đã tổ chức trao tặng hơn 430 mô hình sinh kế giảm nghèo với giá trị 2,66 tỷ đồng; trao tặng 138.147 suất quà, trị giá gần 36,18 tỷ đồng nhân ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7; hỗ trợ chi phí học đại học cho 29 bạn là con của người có công, hỗ trợ tiền học phí và tiền ăn các khóa học nghề ngắn hạn cho 705 con em hộ nghèo và các trao hơn 740 suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Do trùng dịp tết Trung thu khắp mọi nơi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã dành tặng hàng nghìn suất quà đến các trẻ nhỏ với giá trị 2,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cũng trong quý III/2024 trên địa bàn đã tiến hành hỗ trợ đột xuất 99,6 triệu đồng đến các địa chỉ nhân đạo, hỗ trợ 2 triệu đồng cho 1 hộ ngư dân bị cháy thuyền, hỗ trợ 10 triệu đồng cho 1 gia đình bị cháy xưởng gỗ và tổ chức nấu 210 suất cơm, 1470 suất cháo miễn phí cho các bệnh nhân tại các trung tâm y tế với số tiền 35,7 triệu đồng.

Tính chung 9 tháng năm 2024 tổng số tiền toàn tỉnh đã chi trả lên đến hơn 1.382,21 tỷ đồng, tăng 17,26% so với cùng kỳ. Ngoài ra, Hà Tĩnh đã cấp phát miễn phí khoảng 402.898 thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh miễn phí. Trong đó, cấp 13.783 thẻ bảo hiểm hộ nghèo; 28.347 thẻ hộ cận nghèo; 143.395 thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi; 43.206 thẻ cho người có công và 174.167 thẻ cho các đối tượng khác.

3. Giáo dục

Tình hình giáo dục trong tháng 9 tập trung cho Khai giảng và bước vào năm học mới 2024-2025, sáng ngày 5/9 cùng với hàng triệu giáo viên, học sinh cả nước, sáng hơn 374.000 cán bộ, giáo viên, học sinh Hà Tĩnh bước vào năm học mới. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã về các địa phương chia sẻ niềm vui với giáo viên, học sinh trong ngày khai trường. Ngoài ra, sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã có Văn bản số 5028/SGDĐT-GDPT về việc cho ý kiến dạy học 5 ngày trong tuần, nghỉ ngày thứ 7 cho học sinh bậc THCS của thành phố Hà Tĩnh, nhằm giảm áp lực cho giáo viên và học sinh.

Nhìn chung quý III và 9 tháng năm 2024 ngành giáo dục Hà Tĩnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2023-2024 với nhiều kết quả vượt bậc, thể hiện vị thế của giáo dục tỉnh nhà ở trong khu vực và toàn quốc. Cũng trong quý III/2024 HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 126/2024/NQ-HĐND về mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập cho năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo, mức thu cơ bản giữ mức cũ, không tăng và phân thu theo các vùng cụ thể nên có một số địa bàn mức thu học phí giảm so với các năm học trước. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Tĩnh cũng đang tiến hành các lớp tập huấn cho cán bộ, giáo viên chuẩn bị cho các kỳ thi theo chương trình GDPT 2018 khi năm học mới 2024-2025 đã dần đi vào ổn định.

4. Hoạt động y tế

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng 9/2024 không phát hiện ca nhiêm mới HIV/AIDS nào nhưng tính cả quý III năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện 2 ca nhiễm mới HIV, 2 ca chuyển sang AIDS và 1 ca chết do AIDS (Giảm 10 ca nhiễm mới, giảm 8 ca chuyển sang AIDS và số chết do AIDS không thay đổi so với quý trước). Tính chung 9 tháng năm 2024, trên địa bàn đã phát hiện 26 ca nhiễm mới HIV/AIDS, 20 ca chuyển sang AIDS và 5 ca chết vì AIDS (giảm 12 ca nhiễm mới, giảm 10 ca chuyển sang AIDS và số ca chết vì AIDS không thay đổi so với cùng kỳ năm trước).

Công tác an toàn thực phẩm: Tháng 9/2024 trên địa bàn đã xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 5 người bị ngộ độc, số ca ngộ độc đơn lẻ là 89 ca, khiến chung trong quý III/2024 đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 11 người bị ngộ độc (tăng 1 vụ, tăng 9 người bị ngộ độc so với quý trước), 263 người mắc ngô độc ca đơn lẻ . Tính chung 9 tháng năm 2024 đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 13 người bị ngộ độc và 681 người bị ngộ độc đơn lẻ (số vụ ngộ độc tập thể không thay đổi nhưng giảm 12 người bị ngộ độc; Giảm 33 ca ngộ độc đơn lẻ và số người chết không thay đổi so với cùng kỳ năm trước).

Tình hình dịch bệnh khác: Trong 9 tháng năm 2024 ghi nhận rải rác 69 ca sốt xuất huyết, 80 ca mắc sởi trên địa bàn. Đặc biệt, khống chế thành công ổ dịch Sốt xuất huyết tại 01 thôn ở TX Kỳ Anh với 35 ca mắc, 01 ổ dịch sởi tại huyện Đức Thọ với 66 ca. Các bệnh truyền nhiễm như ho gà, thuỷ đậu, tay chân miệng, quai bị... diễn ra rải rác không thành dịch.

Theo trung tâm CDC Hà Tĩnh, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ đạt trên 90%; 99% phụ nữ mang thai được khám thai >3 lần trong thời kỳ; 99,7% phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế. Các chỉ số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em được đảm bảo. Triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao cho trẻ từ 6-59 tháng tuổi đạt 99,5%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 7,8%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi là 13,7%, công tác quản lý bệnh không lây nhiễm được triển khai hiệu quả.

5. Hoạt động văn hoá, thể thao

Hoạt động văn hóa: Trong tháng 9/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 1946/QĐ-UBND về việc phân bổ kinh phí chính sách hỗ trợ xây dựng các công trình văn hoá, thể thao cơ sở năm 2024, trong đó trích ngân sách số tiền 3,46 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí các đề án, chính sách lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch cấp cho các địa phương để hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình văn hoá, thể thao cơ sở nhằm góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và khai thác, phát huy hiệu quả các hoạt động của các công trình nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân. Cũng trong tháng này UBND xã Mai Phụ đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho nhà thờ Nguyễn Xuân Trùm và Nguyễn Xuân Kiều, thuộc thôn Đồng Sơn; UBND xã Thạch Hải tổ chức lễ đón nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Tam Tòa Tứ Vợi; tổ chức lễ giỗ lần thứ 93 đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú tại khu mộ và Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư...

Nhìn chung đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Hà Tĩnh 9 tháng năm 2024 luôn được chú trọng, Hà Tĩnh đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, góp phần tuyên truyền các sự kiện chính trị, văn hóa, các ngày lễ kỷ niệm của quê hương, đất nước.

Hoạt động thể dục thể thao: Phong trào thể dục thể thao luôn được người dân Hà Tĩnh quan tâm, chú trọng. Về thể thao quần chúng Sở VHTT&DL thường xuyên có những chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tốt các giải thể thao, các trò chơi dân gian. Sở cũng đa Tổ chức và phối hợp tổ chức thành công 09 giải thể thao cấp tỉnh và Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh lần thứ XIV như: Giải Việt dã - Marathon toàn tỉnh và Ngày chạy Olimpic vì sức khỏe toàn dân; giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng toàn tỉnh; giải Quần vợt Cúp Truyền hình Hà Tĩnh lần thứ VIII; giải Bóng chuyền nam Thanh niên toàn tỉnh lần thứ XXII; giải bóng đá thiếu niên - Nhi đồng; giải Vô địch Karate toàn tỉnh; giải Pickleball tỉnh Hà Tĩnh lần I, năm 2024; giải Vô địch Karate toàn tỉnh; giải Bóng đá nam Vô địch toàn tỉnh. Ngoài ra các giải tự tổ chức của các cấp, ngành địa phương cũng được tổ chức thường xuyên, liên tục.

Về thể thao thành tích cao: Tháng 9/2024 đoàn Hà Tĩnh đã tham gia các giải đấu và gặt hái một số thành tích đáng kể như: VĐV Hoàng Thị Mỹ Tâm (Hà Tĩnh) đã xuất sắc giành 2 HCV tại Giải Vô địch Karate châu Á năm 2024, góp sức cùng đội tuyển Việt Nam lần đầu giành vị trí thứ 2 toàn đoàn; tại Giải vô địch Điền kinh quốc gia 2024 - Đội tuyển Điền kinh Hà Tĩnh vừa giành 8 huy chương (5HCV, 3 HCB) các nội dung tiếp sức, qua đó xuất sắc giành vị trí thứ 2 toàn đoàn; tại giải Đua thuyền buồm vô địch quốc gia và vô địch trẻ quốc gia năm 2024 Hà Tĩnh có 3 VĐV tham gia và giành được 8 huy chương (2 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ),... Tính chung 9 tháng năm 2024, đoàn thể thao Hà Tĩnh đã tham gia 40 giải thi đấu thành tích cao và giành được 208 huy chương các loại (85 HCV – 45 HCB – 78 HVĐ).

Công tác quản lý nhà nước: Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa được thực hiện thường xuyên và theokế hoạch, đặc biệt là trong các dịp lễ, hội. Từ đầu năm đến nay đã thực hiện 05 cuộc kiểm tra tại 98 cơ sở kinh doanh các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch; xử phạt vi phạm hành chính 02 tổ chức, 02 cá nhân. Tiếp nhận 02 đơn thư khiếu nại; đã phối hợp các cơ quan liên quan tiếp nhận và xử lý đúng quy định.

6. Tình hình trật tự an toàn xã hội tại địa phương


Tình hình an toàn giao thông: Tháng 9/2024 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ tai nạn đường bộ, làm 17 người chết, 9 người bị thương, tính cả quý III năm 2024, đã xảy ra 88 vụ tai nạn đường bộ, làm 56 người chết, 45 người bị thương (giảm 24 vụ, giảm 4 người chết, giảm 17 người bị thương so với quý trước). Trong tháng 9 và cả quý III không xảy ra vụ tai nạn đường sắt nào (giữ nguyên so với quý trước).

Tính chung 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra 318 vụ tai nạn đường bộ, làm 169 người chết, 201 người bị thương (tăng 66 vụ, tăng 23 người chết, tăng 46 người bị thương so với cùng kỳ năm trước); 3 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 1 người, 1 người bị thương (tăng 1 vụ, tăng 1 người bị thương và số người chết không thay đổi so với cùng kỳ năm trước).

Tình hình cháy, nổ: Chỉ tính riêng tháng 9/2024 trên địa bàn đã xảy ra đến 10 vụ cháy, mặc dù không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản ở mức 84,28 triệu đồng, khiến chung cả quý III xảy ra 29 vụ cháy, không có thiệt hại về người nhưng giá trị thiệt hại ước tính 186,63 triệu đồng (tăng 10 vụ, không làm thiệt hài về người như với quý trước). Tính chung 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra 65 vụ cháy, giá trị thiệt hại ước tính 596,83 triệu đồng (giảm 12 vụ, không làm thiệt hại về người như cùng kỳ năm trước). Trong cả quý III và 9 tháng năm 2024 trên địa bàn không xảy ra vụ nổ nào (giảm 1 vụ, giảm 1 người bị thương so với cùng kỳ năm trước).

Vi phạm môi trường: Trong tháng 9/2024, Hà Tĩnh phát hiện 13 vụ vi phạm môi trường và đã xử lý 16 vụ, với tổng số tiền xử phạt 509,46 triệu đồng; tăng 3 vụ phát hiện (tăng 30,0 %), tăng 9 vụ đã xử lý (tăng 128,57%), tăng 426,89 triệu đồng (tăng 517,0%) số tiền xử phạt so với tháng trước và giảm 5 vụ phát hiện (giảm 27,78 %), tăng 2 vụ đã xử lý (tăng 14,29%), tăng 482,20 triệu đồng (tăng 18,69 lần) số tiền xử phạt so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2024, phát hiện 232 vụ vi phạm môi trường, giảm 143 vụ (giảm 38,13%); đã xử phạt 214 vụ, giảm 220 vụ (giảm 50,69%); tổng số tiền xử phạt là 1.283,50 triệu đồng, giảm 119,11 triệu đồng (giảm 8,49%) so với cùng kỳ năm trước.

7. Tình hình thiên tai

Trong tháng (từ ngày 25/8-24/9/2024) xảy ra 2 vụ thiên tai làm 94 nhà bị hư hại, 17 ha hoa màu bị thiệt hại, 50 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 30,2 ha thủy sản bị cuốn trôi; gẫy đổ 2 cột điện....tổng ước tính 1.614,5 triệu đồng. Cụ thể: vụ thứ nhất ảnh hưởng của bão số 4 từ ngày 18/9-20/9 đã gây ra giông, lốc xoáy tại huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc... làm 59 nhà ở (54 nhà bị tốc mái, 5 nhà bị nước vào) bị tốc mái, gãy đổ 2 cột điện... tổng ước tính thiệt hại 1.083 triệu đồng; vụ thứ 2 do mưa lớn từ tối ngày 22-23/9 gây ngập lụt làm 35 nhà bị ngập, 17 ha hoa màu bị thiệt hại, 30,2 ha thủy sản bị cuốn trôi, chết; 50 con gia cầm bị chết, cuốn trôi gây thiệt hại ước tính 531,5 triệu đồng.

Tính từ đầu năm đến nay (từ ngày 19/12/2023-24/9/2024), xảy ra 3 vụ thiên tai làm 1 người chết, 94 nhà bị hư hại (54 nhà tốc mái và 5 nhà nước ngập), gãy đổ 2 cột điện,17 ha hoa màu bị thiệt hại, 50 con gia cầm chết, cuốn trôi, 30,2 ha thủy sản bị cuốn trôi... với tổng giá trị thiệt hại ước tính 1.614,5 triệu đồng (Bao gồm: 1 vụ sét đánh tại thôn 6, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên làm 01 người chết; 1 vụ do bão số 4 và 1 vụ do mưa lớn).

Thông tin chi tiết xem tại đây./.

BBT



Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện