Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến về sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và tên gọi của Luật; bố cục của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ.
Sửa đổi Luật đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu đã tích cực, thẳng thắn đưa ra ý kiến về các nội dung trọng tâm của dự thảo Luật và các vấn đề đáng quan tâm.
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi Luật này với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đặc biệt, việc sửa đổi này còn kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về một số chính sách chủ động phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH Đắk Nông
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhất trí với bố cục của dự thảo Luật gồm 8 Chương, 57 Điều, vừa có kế thừa các quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005, đồng thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn.
“Do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát trong tất cả các lĩnh vực. Phương thức giao dịch có nhiều thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp, đáp ứng với nhu cầu thực tế. Do đó, việc Quốc hội xem xét sửa đổi toàn diện luật để khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của luật hiện hành là yêu cầu cấp thiết và phù hợp với thực tiễn.” đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Trần Chí Cường (Tp Đà Nẵng) bày tỏ sự đồng thuận với việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu về việc kiểm soát dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp. Mặt khác, cần có quy định về các hành vi bị cấm như làm làm lộ, lọt thông tin của cá nhân trong giao dịch điện tử.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) nhấn mạnh về sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử khi công nghệ thông tin, công nghệ số phát triển như hiện nay. Dự án Luật cần phải đảm bảo về dữ liệu trong giao dịch điện tử, đặc biệt là trong công chứng các giấy tờ.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP HCM) đề nghị bổ sung đầy đủ các loại hình xác nhận điện tử đang được sử dụng phổ biến trong thực tế, quy định cụ thể, rõ ràng hơn về cấp độ chữ ký điện tử, giá trị pháp lý theo từng cấp độ; bổ sung quy định về các loại công nghệ mới được sử dụng trong định danh nhân thân.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về xác thực, định danh điện tử theo hướng áp dụng 3 yêu cầu đảm bảo đối với định danh điện tử, bao gồm: Cơ bản, tiên tiến và cao. Đảm bảo ba mức độ này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn của quốc tế.
Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến giá trị cho dự thảo Luật
Tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các ý kiến là xác đáng, phong phú, đa chiều, nhiều ví dụ tình huống, có giá trị để hoàn thiện dự án Luật để Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu.
Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc căn bản của môi trường số thì sẽ không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, thậm chí có thể là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam.
Ban soạn thảo đã cân nhắc hết sức thấu đáo, mọi khía cạnh trong quá trình xây dựng Luật trên nguyên tắc ngành nào quản lý lĩnh vực nào thì sẽ quản lý lĩnh vực đó trên môi trường số. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số, không làm thay công việc của các bộ ngành và địa phương. Các bộ, ngành, địa phương sẽ quy định chi tiết về thực hiện các giao dịch điện tử trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy” và “số phải phong phú hơn thực”. Trong đời thực có những loại giao dịch gì về độ tin cậy khác nhau, chi phí khác nhau, độ phức tạp khác nhau đã được luật pháp quy định thì cũng sẽ được ánh xạ vào môi trường số. Do đo, Luật sửa đổi phải đảm bảo có độ phủ rộng và đảm bảo chi phí phải thấp hơn trong môi trường thực, làm phong phú hơn các loại giao dịch, tránh việc lên môi trường số thì phức tạp hơn, đắt hơn. Đồng thời, phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng tính đồng bộ với các luật khác, tính thống nhất, xuyên suốt trong Luật này.
Về phạm vi áp dụng Luật là dựa trên cơ sở hiện nay công nghệ số đã sẵn sàng, phổ biến, an toàn, tin cậy, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định pháp lý về một số dịch vụ đảm bảo tin cậy cho các giao dịch trên môi trường số. Ngoài ra, Ban soạn thảo đã đặt mục tiêu là ngôn từ trong sáng, đơn giản và dễ hiểu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ các nội dung tiếp thu đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan để nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của đại biểu tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật giao dịch điện tử
Phát biểu kết luận nội dung Phiên thảo luận sáng 11/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận có 15 đại biểu phát biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã giải trình, làm rõ một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận.
Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật giao dịch điện tử để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành. Phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đại biểu tham gia nhiều ý kiến vào các điều khoản cụ thể như: phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, các nguyên tắc; tính thống nhất của dự thảo luật với các luật có liên quan, sự tương thích với các điều ước quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước; trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, các địa phương, trách nhiệm chủ quản của hệ thống thông tin; trách nhiệm giám sát của các cơ quan nhà nước, biện pháp bảo vệ giao dịch điện tử; chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển và sử dụng các nền tảng số; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; gửi, nhận và phân loại thông điệp dữ liệu; chứng thư điện tử, giá trị pháp lý của chứng thư điện tử, chữ ký điện tử; điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy, giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; điều khoản thi hành, tính khả thi và điều kiện đảm bảo để luật sớm đi vào cuộc sống…
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5./.
Theo https://mic.gov.vn
Link gốc: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/156072/Quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-Luat-Giao-dich-dien-tu--sua-doi-.html
Thêm ý kiến góp ý