Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Chương trình OCOP 2023 ở Hà Tĩnh chú trọng sản phẩm chế biến sâu

  

14:12 18/10/2023

Trong đợt 1 năm 2023, Hà Tĩnh có 41 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, trong đó phần lớn là các sản phẩm được chế biến từ nông sản.

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 12 địa phương tổ chức đánh giá, phân hạng OCOP đợt 1 (trừ thị xã Hồng Lĩnh) với 48 sản phẩm đưa vào đánh giá và có 41 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Qua đánh giá chung, nhiều chủ thể OCOP trong thời gian gần đây chọn sản xuất theo hướng chế biến, chế biến sâu thay vì bán nông sản, nguyên liệu thô. Kết quả này đang đi đúng theo lộ trình, định hướng của chương trình OCOP Hà Tĩnh.


Anh Nguyễn Thiện Hoàn (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) mạnh dạn đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng mua sắm công nghệ, thiết bị chưng cất rượu.

Huyện Can Lộc là một trong những vùng trồng lúa nếp lớn nhất ở Hà Tĩnh và địa phương cũng gắn liền với thương hiệu “rượu Can Lộc” trứ danh. Với ý nghĩ táo bạo là đưa thương hiệu rượu Can Lộc vươn ra thế giới, sánh vai với thương hiệu lớn của các nước, anh Nguyễn Thiện Hoàn (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) đã mạnh dạn đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng mua sắm công nghệ, thiết bị chưng cất rượu (chưa tính các chi phí khác).

Anh Hoàn chia sẻ: "Để hiện thực hóa ước mơ đó, tôi đã thành lập Công ty cổ phần Rượu Whisky Can Lộc. Sản phẩm với tên gọi Rượu Tình Can Lộc là một loại rượu mới, được chọn lọc từ nguồn nguyên liệu gạo, men, nước địa phương, sản xuất theo phương pháp nấu rượu truyền thống Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi sử dụng tháp chưng cất bằng đồng để tạo ra sản phẩm chất lượng, mang tiêu chuẩn quốc tế. Điều này tạo nên sự khác biệt lớn nhất cho thương hiệu nhưng vẫn đảm bảo trọn vẹn giá trị thuần Việt trong mỗi sản phẩm. Khi đưa sản phẩm ra thử nghiệm, người dùng đều cảm thấy ngạc nhiên bởi rượu nếp được sản xuất ngon hơn, thơm hơn mà không để lại cảm giác nôn nao, khó chịu.


Sản phẩm OCOP Rượu Tình Can Lộc mang tiêu chuẩn quốc tế nhưng được chọn lọc từ nguồn nguyên liệu gạo, men, nước địa phương nên vẫn đảm bảo trọn vẹn giá trị thuần Việt.

Tháng 5/2023, sản phẩm Rượu Tình Can Lộc đã được UBND huyện Can Lộc thẩm định, đánh giá và công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đến nay, với việc chế biến sâu hạt lúa nếp, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp sản xuất khoảng 150 lít rượu, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường cả nước. Đồng thời góp phần tiêu thụ số lượng lớn lúa gạo của bà con nông dân địa phương.

Còn tại thành phố Hà Tĩnh, từ những bông hoa sen và lá chè bình dị, qua các công đoạn chế biến đã được HTX Sen Hào Thành nâng cấp thành sản phẩm trà sen cao cấp, mang đậm dấu ấn quê hương Hà Tĩnh.


Hoa sen bình dị được HTX Sen Hào Thành chế biến, nâng cấp thành sản phẩm OCOP.

Anh Trần Tiến Sĩ - Giám đốc HTX Sen Hào Thành cho biết, mục tiêu của HTX là chế biến các sản phẩm từ sen nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực địa phương. Trải qua nhiều lần thử nghiệm, lựa chọn phương pháp sản xuất phù hợp, chúng tôi tự hào đã tạo ra sản phẩm “Trà sen Hào Thành” - dòng sản phẩm chất lượng cao, mang nét hương vị độc đáo, đậm đà và sắc nét. Tháng 6/2022, sản phẩm Trà sen Hào Thành đã được UBND thành phố Hà Tĩnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. HTX vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để sản xuất ra thêm các sản phẩm chế biến, chế biến sâu từ cây sen và hướng tới những chuẩn OCOP cao hơn trong thời gian tới.

Ông Lê Xuân Tùng - Trưởng bộ phận OCOP, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, năm 2023, các chủ thể OCOP đã khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa, tạo ra sinh kế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao thu nhập. Đáng nói, chương trình OCOP trong giai đoạn này ưu tiên các sản phẩm chế biến sâu. Thực tế các sản phẩm tươi, sống đạt chuẩn OCOP chủ yếu nhằm quảng bá quy trình sản xuất, gây dựng mẫu mã, thương hiệu. Mức độ tác động của chương trình OCOP đối với sản phẩm thô cũng không cao nên các cơ sở ưu tiên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu nhiều hơn.


Từ khi được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm Trà sen Hào Thành đã mở rộng thị trường và tăng doanh thu.

Qua theo dõi tại các địa phương, phần lớn các sản phẩm đăng ký đánh giá, phân hạng OCOP đợt 2 năm 2023 cũng là các sản phẩm chế biến. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đang chỉ đạo các địa phương lựa chọn một số sản phẩm tốt, ưu tiên các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương (làng xã), có khối lượng lớn, tổ chức sản xuất mang tính cộng đồng, tập thể; nhất là các ý tưởng khởi nghiệp mang tính sáng tạo để tập trung hỗ trợ phát triển thành sản phẩm OCOP. Đặc biệt, khơi dậy sự sáng tạo trong nhân dân để tiếp tục phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chế biến, chế biến sâu. Hỗ trợ một số sản phẩm tiềm năng để xây dựng, phát triển nâng cấp thành sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao.

Đồng thời, triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành, sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thương mại điện tử trong thực hiện chương trình.

 Theo BHT 

Link gốc: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/chuong-trinh-ocop-2023-o-ha-tinh-chu-trong-san-pham-che-bien-sau/255873.htm


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện