Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Giới thiệu về quần thể Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc

  

11:00 06/07/2023

55 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc, sự hy sinh anh dũng của 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong, chiến tích Làng K130 vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Đó là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường, tinh thần dũng cảm của quân và dân ta, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta.

Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 1995, Đảng và Nhà nước giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác các hạng mục công trình tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Ngày 09/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bao thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Ngã ba Đồng Lộc được xem là địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân và thế hệ trẻ cả nước, hằng năm có hàng ngàn triệu lượt du khách đến dâng hương tưởng niệm, tri ân, tưởng nhớ.

Đến Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, chúng ta không chỉ cảm nhận được sự thay da đổi thịt của một vùng đất được mệnh danh là “vùng đất chết”, mà còn được tham quan quần thể di tích với nhiều công trình ý nghĩa, tiêu biểu là 12 hạng mục sau:

Cổng vào Khu di tích


3 cổng vào Khu di tích ngã ba Đồng Lộc được bố trí trên 3 tuyến đường hướng về khu vực di tích, bố cục theo kiến trúc truyền thống tam quan bao gồm: Cửa chính và 2 cửa phụ, các cột trụ được khắc họa hình tượng là những chùm bom, khói lửa xuyên qua các cung đường tạo đường cong mái vòm. Một số mảng phù điêu được bố cục hợp lý, khắc họa hình tượng Thanh niên xung phong tham gia bảo vệ tuyến đường này. Toàn bộ bố cục mỹ thuật công trình tạo ấn tượng cho khách tham quan trước khi bước vào Khu di tích.

Tượng đài Chiến thắng

Tượng đài Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng bất hủ của sức mạnh, ý chí quyết thắng, tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian nan nguy hiểm của lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội, công nhân giao thông, công an, dân quân... Xung quanh chân tượng đài là biểu tượng của khói lửa, đạn bom và các vầng mây biểu trưng hòa bình, hy vọng và màu xanh bất diệt của bầu trời Đồng Lộc. Quanh chân tượng đài xếp hình cánh cung là những bức phù điêu miêu tả không khí sôi nổi khẩn trương của lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội, công nhân giao thông, dân quân, lái xe, nhân dân Đồng Lộc và các xã lân cận san đường, lấp hố bom, bắn máy bay địch, phá bom... dẫn đường cho xe qua.

Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong toàn quốc


Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong toàn quốc

Nhà bia tưởng niệm ghi danh gần 4.000 các Anh hùng liệt sĩ chính là trang sử hào hùng và bi tráng của lịch sử, là hiện thân của lực lượng “Vai trăm cân, chân vạn dặm”, không tiếc tuổi xuân và xương máu vì độc lập tư do của dân tộc. Tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong và các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc sẽ được lưu danh muôn đời, để lớp lớp con cháu ngưỡng vọng, tôn kính, tự hào.

 Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc

Để lại nhiều xúc động nhất là tại Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong, các chị là một phần của nơi này, một phần của lịch sử. 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã cùng với những người con trai, con gái dựng lên tượng đài chiến thắng vĩ đại không chỉ cho vùng đất Hà Tĩnh mà cho cả dân tộc Việt Nam. Giờ đây 10 chị cùng nằm lại nơi mảnh đất mà họ đã từng chiến đấu. 10 ngôi mộ trắng như hàng quân năm xưa, 10 ngôi mộ không khi nào ngớt hương hoa, luôn rung lên những cảm xúc thiêng liêng, làm dâng chảy những hàng nước mắt của lòng xót thương và cảm phục của những người đồng đội, những người chưa từng trải qua chiến tranh, những người khách du lịch, cả những chiến binh Mỹ đã từng ném bom hủy diệt Ngã ba Đồng Lộc.

Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ngành Giao thông vận tải hy sinh tại Hà Tĩnh

Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng nhằm ghi danh và tưởng niệm 842 Anh hùng, liệt sĩ ngành Giao thông vận tải hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn Hà Tĩnh; đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cho cán bộ nghành Giao thông vận tải nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung về sự cống hiến, hy sinh to lớn của nghành Giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Cột biểu tượng ngành Giao thông vận tải


Cột biểu tượng ngành Giao thông vận tải được đặt ngay chính giữa ngã ba đường, nơi giao nhau giữa ba tuyến đường: Lạc Thiện - Đồng Lộc, Khe Giao - Đồng Lộc, Ba Giang - Đồng Lộc. Cột biểu tượng ngành Giao thông vận tải nhằm tôn vinh những chiến công oanh liệt của những người chiến sĩ trên mặt trận Giao thông vận tải; ghi dấu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc - Một trong những địa danh huyền thoại của những chiến công oanh liệt, gương hy sinh anh dũng của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã góp phần tô thắm những trang sử truyền thống vẻ vang của ngành Giao thông vận tải trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc


Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc 

Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc có kiến trúc uy nghi, lung linh ánh sáng, tọa lạc trên đồi Mũi Mác, được xếp là một trong những Tháp chuông đẹp nhất của Việt Nam hiện nay. Du khách có thể theo cầu thang hình xoắn ốc để lên đỉnh tháp ngắm chuông, chụp ảnh và nhìn toàn cảnh Ngã ba Đồng Lộc. Tháp cao sừng sững, vững chãi, là biểu tượng công đức cao dày của tổ tiên, tinh thần chiến đấu hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh và cũng là biểu tượng cho tinh thần ý chí quyết tâm vươn lên để xây dựng quê hương đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

 Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc


Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc tọa lạc trên núi Mũi Mác (bên cạnh Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc). Là nơi thờ các Chư vị thần linh, Chân linh các Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, 10 cô gái, cán bộ và nhân dân tử nạn tại chiến trường Đồng Lộc. Công trình có diện tích hơn 2.000 m2, được huy động 100% từ nguồn vốn xã hội hóa.

Cụm tượng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc


Cụm tượng mô tả sự ác liệt của chiến tranh, giàu ý nghĩa về biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, khắc họa tinh thần lạc quan cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam, nhằm tái hiện lại một khoảnh khắc tả thực của 10 cô gái TNXP đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom, dẫn đường thông xe ra tiền tuyến, các chị được bố cục trong các tư thế khác nhau.

 Đồi La Thị Tám (núi Mòi)


Đồi La Thị Tám (trước đây gọi là núi Mòi) chứng kiến sự khốc liệt của chiến trường Đồng Lộc, chứng kiến những dấu chân, gắn liền với tên tuổi của người con gái Sông La, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân La Thị Tám. Suốt 200 ngày đêm ròng rã trong năn 1968, Anh hùng La Thị Tám đã cắm tiêu được 1.205 quả bom cho công binh đến phát nổ. Hình ảnh người con gái 18 tuổi nhỏ nhắn khoác chiếc áo dù, khóe miệng tinh nghịch, tay cầm ống nhòm luôn đứng trên đồi đếm bom rồi chạy như con thoi đi cắm tiêu đã lọt vào ống kính của nhiều phóng viên chiến trường, trở thành biểu tượng đẹp đẽ của người con gái thời chiến.

Nhà truyền thống Lực lượng TNXP Việt Nam

Một hạng mục mà du khách không thể bỏ qua đó là nhà truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam, nơi mà lịch sử TNXP hiện lên tráng liệt nhất, rõ nét nhất. Nhà truyền thống phản ánh quá trình hình thành và phát triển của lực lượng TNXP Việt Nam, với những đóng góp to lớn của lực lượng TNXP trong hai cuộc kháng chiến giữ nước và xây dựng đất nước ở cả hai miền Nam - Bắc, đến công cuộc xây dựng đất nước sau năm 1975. Nhà truyền thống gồm những tư liệu, hiện vật, ghi chép vô cùng quý báu, không chỉ nêu lên thành tích công lao của TNXP Việt Nam, mà còn nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm, nghĩa tình của thế hệ mai sau đối với những người đã cống hiến cả cuộc đời hoặc hy sinh một phần xương máu của mình cho Tổ quốc.

Nhà truyền thống Ngã ba Đồng Lộc

Nhà truyền thống Ngã ba Đồng Lộc nằm cạnh nhà truyền thống Lực lượng TNXP Việt Nam tạo thành một khối liên hoàn. Tại đây có sa bàn được lập trình bằng hệ thống điện tử, tái hiện lại toàn cảnh chiến trường khốc liệt, điêu tàn của Ngã ba Đồng Lộc trong những năm tháng chiến tranh, cũng như ý chí quyết tâm thông đường, thông xe, tinh thần dũng cảm, can trường của quân và dân ta tại “tọa độ chết” này. Du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy những hiện vật đáng quý như bức thư của chị Võ Thị Tần gửi mẹ 5 ngày trước khi hy sinh; hình ảnh 10 cô gái phục chế, các loại bom, mìn, vũ khí, phương tiện còn sót lại sau chiến tranh…

DHA



Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện