Tháng tư âm lịch được coi là tháng của Phật giáo, với nghi lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật. Đây là ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sinh ra ở thế kỷ thứ 7 trước công nguyên gắn với hình tượng của một nhân vật lịch sử. Đối với mỗi tín đồ phật tử, ngoài ý nghĩa tưởng nhớ, tôn vinh Đức Phật, ngày này còn mang một ý nghĩa thiêng liêng, nhắc nhở mỗi người không ngừng nỗ lực tu tâm, hướng thiện noi theo lời dạy và cuộc đời của Đức Phật.
Theo truyền thống Đại lễ Phật đản được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Ở nước ta, Phật Đản được tổ chức trong 1 tuần, bắt đầu từ ngày 8/4 cho đến rằm tháng tư âm lịch, dân gian vẫn quen gọi là mùa Phật đản. Cùng với quá trình du nhập và phát triển của đạo Phật từ xa xưa, ngày lễ Phật Đản đã gắn kết với nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian của dân tộc, mang màu sắc bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước, hòa quyện với đời sống tâm linh của cộng đồng.
Cùng với ngày lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn, lễ Phật Đản là một trong ba đại lễ hợp thành Lễ Tam hợp, được Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (Vơ Sắc). Với tinh thần “nhập thế”, hộ quốc, an dân, Phật giáo từ lâu đã trở thành một tôn giáo quen thuộc, hòa đồng trong đời sống của dân tộc ta. Đại Lễ Phật Đản thông qua các sinh hoạt chung là dịp để mỗi Phật tử nhận diện về vai trò, trách nhiệm của bản thân với gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước, thực hành lời dạy và giáo lý của phật tổ.
Hành trình 80 năm nơi trần thế của Đức Phật, với những bài học mang tính nhân văn sâu sắc của đạo Phật, Ngày Đức Phật ra đời đã được Liên hợp quốc tổ chức kỷ niệm hàng năm với tên gọi Ngày Quốc tế Phật đản, một lần nữa khẳng định những giá trị to lớn mà đạo phật mang lại cho con người. Giờ đây ngày lễ Phật Đản không chỉ là một trong những lễ lớn của Phật giáo mà đã trở thành ngày hội văn hóa, tâm linh của toàn thế giới./.
Theo HTTV
Thêm ý kiến góp ý