Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Hà Tĩnh có 7 ca mắc sốt xuất huyết tại chỗ, người dân cần nêu cao cảnh giác

  

00:27 22/06/2022

Với việc phát hiện thêm 2 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại phường Kỳ Liên (TX Kỳ Anh), tính từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh đã có 7 ca mắc SXH tại chỗ. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động phối hợp với các cơ sở y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Từ ngày 16/6 đến 18/6, tại TDP Hoành Nam (phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh) phát hiện thêm 2 trường hợp dương tính với SXH. Theo điều tra của cán bộ y tế, đây là 2 trường hợp trong thời gian gần đây không đi khỏi địa phương. Qua giám sát véc-tơ, lực lượng chuyên môn phát hiện, quanh khu vực sinh sống của bệnh nhân có lăng quăng, bọ gậy.

Bác sỹ BVĐK TX Kỳ Anh thăm khám cho bệnh nhân mắc SXH tại tổ dân phố Hoành Nam.

Bác sỹ Lê Văn Luyện - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Kỳ Liên cho biết: "Sau khi nắm bắt trên địa bàn có 2 ca bệnh SXH, trạm đã phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã tiến hành điều tra, giám sát mật độ muỗi và lăng quăng, bọ gậy quanh khu vực bệnh nhân sinh sống. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trong bán kính hơn 100m. Chính quyền phường cũng phát động bà con trong tổ dân phố ra quân vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Từ sau ngày 18/6 đến nay, chưa phát hiện thêm ca mắc mới. Hiện nay, cán bộ trạm đang tiếp tục giám sát chặt chẽ tại TDP Hoành Nam”.

Trạm y tế phường Kỳ Liên tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại nhà 2 bệnh nhân.

Trước đó, từ ngày 15/6-17/6, tại huyện Lộc Hà, ngành y tế phát hiện 1 ổ bệnh sốt xuất huyết tại thôn Vĩnh Phú (xã Hộ Độ) với 3 ca mắc, 1 ổ bệnh tại thôn Đại Lự (xã Hồng Lộc) với 2 ca mắc. Sau khi phát hiện các ổ bệnh, ngành y tế địa phương đã phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành với bán kính 300m; vận động người dân tham dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý các dụng cụ phế thải, các vật dụng chứa nước không cần thiết.

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: “Qua kiểm tra, nơi sinh sống của các ca bệnh đều có điểm chung là vẫn còn tập quán sử dụng các bể, chum vại chứa nước, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển. Thêm vào đó, người dân chưa nhận thức, nắm bắt được các giải pháp phòng, chống dịch do cán bộ y tế tuyên truyền, hướng dẫn nên các hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, xử lý ao tù, nước đọng, diệt lăng quăng, bọ gậy còn hạn chế. Nhìn chung, qua giám sát cho thấy, người dân vẫn còn tâm lý rất chủ quan”.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát mật độ lăng quăng, bọ gậy tại thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà.

Tổng hợp từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 17 ca mắc sốt xuất huyết tại các địa phương: Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Hương Sơn, Thạch Hà, Kỳ Anh, TX Kỳ Anh, Lộc Hà; trong đó, 10 ca vãng lai và 7 ca tại địa bàn.

Theo nhận định của ngành y tế, ngay từ tháng 6 đã xuất hiện các ca bệnh SXH cho thấy dịch năm nay đến sớm; thời kỳ cao điểm của dịch sẽ diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11.

Kiểm tra công tác phòng, chống SXH ở huyện Lộc Hà mới đây, Tiến sỹ Đường Công Lự - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh nhấn mạnh: Dịch SXH đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành. Trong bối cảnh “bình thường mới” hậu COVID-19, mật độ đi lại của người dân tăng cao, hơn nữa, ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là nên thời gian tới sẽ có nguy cơ còn lan rộng và kéo dài.

Tiến sỹ Đường Công Lự - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH tại Lộc Hà. Ảnh Tuấn Dũng.

Vì vậy, các cơ sở y tế trên toàn tỉnh cần tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là chuẩn bị về nhân lực, vật tư; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nắm bắt tình hình, diễn biến phức tạp của dịch và vận động người dân tự giác thực hiện vệ sinh môi trường, tiêu diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy với phương châm “không có lăng quăng, bọ gậy - không có sốt xuất huyết”.

Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố cần tăng cường tập huấn, hỗ trợ công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt loăng quăng, bọ gậy, xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế các xã, phường, thị trấn.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 16/6, cả nước đã có hơn 60.000 ca mắc SXH. Con số này tăng thêm khoảng 8.000 ca so với 1 tuần trước đó. Đáng lưu ý, năm nay, số ca SXH nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước.

Người mắc sốt xuất huyết thường có các triệu chứng phổ biến như: sốt đột ngột và sốt cao từ 39 - 40 độ C; chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài phân đen; xuất hiện các nốt xuất huyết trên cơ thể; đau đầu, đau bụng; đau xương và đau khớp; sau khi hết sốt là biểu hiện tím môi, tay chân lạnh, người bứt rứt, tiểu tiện ít… Nếu không điều trị kịp thời, sốt xuất huyết có thể gây ra suy tim, suy thận, xuất huyết não, sốc do mất máu, tràn dịch màng phổi, hôn mê và dẫn đến tử vong.

Theo BHT

Link gốc: https://baohatinh.vn/y-te/ha-tinh-co-7-ca-mac-sot-xuat-huyet-tai-cho-nguoi-dan-can-neu-cao-canh-giac/233508.htm


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện