Hà Tĩnh ban hành kế hoạch phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025
Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra cho lợn ở mọi lứa tuổi. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Tuy nhiên, bệnh rất nguy hiểm trên đàn lợn gây tỷ lệ chết cao, có thể lên đến 100%. Vì vậy cần nâng cao công tác phòng bệnh và phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Trước tình hình trên, UBND Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 496/KH-UBND ngày 24/12/2020 về thông tin, tuyên truyền phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Kế hoạch được ban hành nhằm chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP); bảo đảm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Nguồn gốc bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Theo đó, các cấp các ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhằm nâng cao nhận thức, hành vi đối với người chăn nuôi, cơ sở giết mổ và doanh nghiệp trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, giảm số lượng lợn bệnh phải tiêu hủy và giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tổn thất về kinh tế…; Tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh, nguy cơ tái phát dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh trên diện rộng đến các đối tượng cụ thể. Qua đó, để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, các biện pháp xử lý, mức và thời gian hỗ trợ của nhà nước đối với động vật nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan theo nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh; Tuyên truyền về nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, an toàn dịch bệnh, tác hại đối với nền kinh tế, ngành chăn nuôi…do hoạt động buôn bán, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm lợn đã bị nhiễm dịch bệnh gây ra.
Thường xuyên vệ sinh, phun khử khuẩn, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi
Đồng thời, thông tin hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, vệ sinh, tiêu độc khử trùng….; Phê phán, lên án các hành vi vận chuyển, buôn bán, nhập lậu lợn, sản phẩm lợn trái phép; Thông tin việc nghiên cứu tạo giống vi rút, vắc xin, các kít chẩn đoán, chế phẩm sinh học để xét nghiệm và trị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Kế hoạch cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan, doanh nghiệp, người chăn nuôi, người vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, đơn vị để tham gia thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo, đề nghị của cơ quan Trung ương và địa phương được giao chủ trì, tổ chức thực hiện; thực hiện các quy định hiện hành của pháp luật về chăn nuôi, thú y, phòng, chống dịch bệnh; phối hợp tốt với cơ quan chức năng, thông báo kịp thời khi phát hiện tình trạng dấu dịch của địa phương, của hộ khác, tình trạng vứt xác lợn ốm chết ra môi trường, hiện tượng bán chạy lợn bệnh, không tuân thủ các biện pháp chống dịch của người chăn nuôi.
Theo kế hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường tuyên truyền phòng chống bệnh DTLCP trên các phương tiện thông tin đại chúng; đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời để người dân hiểu rõ, tránh gây hoang mang xã hội về phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
BBT
Thêm ý kiến góp ý