Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Tháng thứ tư liên tiếp, giá lương thực thế giới tiếp tục giảm

  

00:17 09/08/2022

Chỉ số giá lương thực thế giới tiếp tục giảm trong tháng Bảy vừa qua. Thông tin từ báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO).

Như vậy, tháng 7 là tháng thứ tư liên tiếp thế giới chứng kiến chỉ số giá lương thực giảm. Chỉ số này trong tháng 7 là 140,9 điểm, giảm tới 8,6% so với tháng 6. Có được tín hiệu tích cực này là nhờ tất cả các chỉ số giá dầu thực vật, đường, sữa, thịt và ngũ cốc đều giảm. Trong số đó, giá dầu thực vật và giá ngũ cốc lần lượt giảm hơn 19% và hơn 11%. Theo FAO, thị trường ngũ cốc toàn cầu đã phản ứng tích cực trước thỏa thuận về vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine và các điều chỉnh đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Maximo Torero - Nhà kinh tế trưởng, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) nói: "Giá lương thực giảm là điều đáng mừng, song khó khăn vẫn còn ở phía trước. Giá phân bón vẫn cao, ảnh hưởng tới sản lượng của năm tới. Triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm và sự biến động của tiền tệ đều gây ra những tác động nghiêm trọng tới an ninh lương thực toàn cầu".

Nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine

Một trong những nguyên nhân hàng đầu giúp thị trường lương thực thế giới hạ nhiệt, đó là thỏa thuận không cản trở hoạt động xuất khẩu bằng đường biển của Ukraine được ký vào cuối tháng trước. Thỏa thuận này đã giúp những chuyến tàu đưa ngũ cốc từ Ukraine nối lại hoạt động ngay từ đầu tháng 8. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp tái ổn định an ninh lương thực toàn cầu.

Có thêm 2 chuyến tàu chở ngũ cốc đã xuất phát ngày 8/8 từ các cảng của Ukraine trên Biển Đen. Như vậy, tổng cộng đã có 10 chuyến tàu chở ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine đi nhiều quốc gia trên thế giới, kể từ chuyến đầu tiên xuất phát hồi tuần trước.


Riêng chiếc Polarnet khởi hành vào thứ Sáu tuần trước đã đến điểm đến cuối cùng ở Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng 8/8 và chờ được dỡ hàng. Sự kiện này đánh dấu việc hoàn thành chuyến hàng đầu tiên kể từ khi hoạt động xuất khẩu được nối lại.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết: "Chúng tôi đã tìm cách tiếp tục xuất khẩu bằng đường biển các sản phẩm nông nghiệp của mình qua các cảng trên Biển Đen. Mặc dù còn quá sớm để đưa ra những đánh giá, chúng tôi vẫn có thể nói rằng điều này là tích cực đối với đất nước chúng tôi và cho tất cả các đối tác. Nếu các đối tác của chúng tôi thực hiện đúng phần cam kết và đảm bảo về nguồn cung thì điều này sẽ giúp giải quyết được vấn đề an ninh lương thực toàn cầu".

Hiện vẫn còn khoảng hơn 20 triệu tấn ngũ cốc trong các kho chứa ở Ukraine. Nước này đang lên kế hoạch liên kết thêm với nhiều cảng tại Biển Đen để thực hiện mục tiêu xuất khẩu ngũ cốc ít nhất 3 triệu tấn hàng hóa mỗi tháng.

Giá lúa mì đã hạ xuống gần mức đầu năm

Tại châu Âu, giá lúa mì cũng tiếp tục giảm gần về với mức giá của thời điểm đầu năm nay. Nhưng theo dự báo, giá lúa mì sẽ còn nhiều biến động do không còn chỉ phụ thuộc vào quy luật cung cầu hay tình hình thời tiết, mà còn chịu tác động của các yếu tố địa chính trị. Người nông dân cũng không được hưởng lợi từ đợt tăng giá vài tháng trước vì đúng vào vụ thu hoạch thì giá lại giảm.


Czech

Theo một biểu đồ trên tờ Lidové noviny ra tại Cộng hòa Czech, giá một đơn vị giao dịch lúa mì trên thị trường thế giới, tương đương 2.720 kg, đầu năm nay 760 USD, đã bật tăng gần gấp đôi ngay sau khi chiến sự bùng nổ tại Ukraine, lên tới 1.300 vào ngày đầu tháng Ba, sau đó giảm dần và tới cuối tháng Bảy vừa rồi xuống lại mức 800 USD, chỉ cao giá hồi đầu năm nay khoảng 5%.

Bài báo viết: "Giá ngũ cốc thông thường vẫn giảm vào thời điểm thu hoạch do nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên năm nay, thời kỳ giá hạ có thể sẽ ngắn hơn, một mặt do chưa rõ Ukraine có thể xuất khẩu đến đâu, mặt khác lúa mì cũng như nông sản nói chung vẫn bị đầu cơ trên các sàn giao dịch tài chính".

Romania

Trên thực tế, cơn sốt giá lúa mì hồi tháng Ba tháng Tư vừa rồi đã không giúp nông dân châu Âu một chút nào, bởi vì tới lúc thu hoạch thì giá lại xuống. Tờ Romania Libera viết: "Giá năng lượng, nguyên vật liệu, phân bón tăng cao đang làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhiều trang trại ở một số thị trường châu Âu". "Tình hình trầm trọng hơn do nóng nực và hạn hán trên diện rộng vì thiếu mưa hồi đầu hè".

Đức

Thị trường lúa mì năm nay không chỉ do quy luật cung cầu hay do thời tiết chi phối, mà còn lệ thuộc vào các quyết định chính trị. Tờ Rheinische Post của Đức cho rằng, thật khó mà dự đoán được gì về giá lúa mì trong bối cảnh đặc biệt ấy. Kể cả khi Nga và Ukraine đã thỏa thuận cho phép Ukraine được bán lúa mì, thì "Trên thực tế, nhiều hãng tàu biển Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ không muốn đưa tàu cập cảng Ukraine, vì lo lắng cho an toàn của thủy thủ và con tàu". Mặt khác, theo bài báo, "Các công ty bảo hiểm vận tải đã tăng phí bảo hiểm rủi ro lên mức rất cao" đối với tàu biển đi vào vùng biển này. Những yếu tố đó tác động lên giá lúa mì.

Croatia

Nhiều chủ trang trại lúa mì tại Croatia không vội bán ngay lượng lúa mì vừa thu hoạch, theo tờ Glas Slavonije tại nước này. Chưa thể dự đoán giá lúa sẽ biến động ra sao, nhưng tình hình Ukraine cứ thế này thì không chừng có lúc giá lúa lại vọt lên. Tờ báo Croatia viết: "Một phần lúa mì vừa thu hoạch đã được xuất khẩu sang Hungary, Bosnia và Herzegovina. Nhưng rất nhiều nông dân, những trang trại có đủ nhà kho chứa lúa mì đã găm lúa lại để chờ lúc giá tốt hơn".

Theo VTV News

Link gốc: https://vtv.vn/the-gioi/thang-thu-tu-lien-tiep-gia-luong-thuc-the-gioi-tiep-tuc-giam-20220809005726889.htm


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện