Sau cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh, các cơ sở Đảng từ Trung ương đến địa phương bị tan rã, chia cắt, nhiều cán bộ chủ chốt bị thực dân Pháp giết hại, tù đày. Khi đó khôi phục lại các tổ chức đảng là một trong những nhiệm vụ đặt lên hàng đầu và đồng chí Lê Hồng Phong đã có nhiều đóng góp quan trọng.
Các hiện vật trong hoạt động Cách mạng của Tổng bí thư Lê Hồng Phong tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1990. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN
Cuối năm 1934, hệ thống tổ chức Đảng đã được khôi phục trên khắp cả nước. Cùng với Trung ương Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong quyết định chuyển "Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương" thành "Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương".
Năm 1939, bị thực dân Pháp bắt giam, không khuất phục trước đòn roi của kẻ thù, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn luôn sát cánh cùng các chiến sĩ cộng sản kiên cường, bí mật tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chính trị, giữ vững niềm tin son sắt "một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng".
Sự đóng góp vô giá của các vị cách mạng tiền bối, trong đó có đồng chí Lê Hồng Phong sẽ mãi là những tấm gương tiêu biểu của ý chí kiên cường và tinh thần, đạo đức cách mạng sáng ngời hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Các đại biểu tham quan những hình ảnh về cuộc đời sự nghiệp của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại Hội thảo khoa học tôn vinh những đóng góp của Đồng chí Lê Hồng Phong đối với cách mạng Việt Nam.. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Chiều 5/9, tại TP Vinh, nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh nguyên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học tôn vinh những đóng góp của Đồng chí Lê Hồng Phong đối với cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, đồng chí Lê Hồng Phong nêu tấm gương sáng về một nhà lãnh đạo chủ chốt xuất sắc của Đảng, người chiến sĩ cộng sản trung kiên, bất khuất của cách mạng Việt Nam.
Đồng chí là người được Quốc tế Cộng sản cử về chủ trì tái lập hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng sau khi Cao trào cách mạng 1930-1931 bị địch khủng bố trắng, hệ thống tổ chức Đảng bị tan vỡ, cách mạng Việt Nam lâm vào thoái trào.
Vượt qua nhiều khó khăn, đồng chí Lê Hồng Phong đã gây dựng cơ sở, mở lớp huấn luyện cán bộ và chỉ đạo từng bước, đến cuối năm 1934, hệ thống tổ chức của Đảng trong cả nước đã được khôi phục, lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng.
Theo VTV News
Link gốc: https://vtv.vn/chinh-tri/dong-chi-le-hong-phong-nguoi-cong-san-kien-cuong-20220905204229746.htm
Thêm ý kiến góp ý