Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh năm 2024
Theo đó, Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, triển khai sớm, kịp thời, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 trên địa bàn; chỉ đạo thường xuyên, kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên cơ sở theo dõi chặt chẽ, bám sát diễn biến tình hình dịch trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh với quan điểm phòng bệnh từ xa, từ sớm, ngay từ cơ sở; chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa lễ hội đầu năm và tại các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội; phòng, chống dịch trong và sau thiên tai, bão lụt và các chương trình cộng đồng chung tay phòng, chống dịch. Đảm bảo sẵn sàng các phương án ứng phó với mọi tình huống về dịch bệnh có thể xảy ra; củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch các tuyến, đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, huy động các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và người dân và cùng với cơ quan quản lý nhằm phát huy hiệu quả cao nhất; Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
Sở Y tế hướng dẫn cụ thể về chuyên môn kỹ thuật theo đúng quy trình, quy định để triển khai thực hiện trong toàn tỉnh. Chủ động cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm và các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống truyền thông cơ sở và các kênh truyền thông phù hợp như thông điệp, infographic, video, audio... trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, internet...
Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng; khuyến khích thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) tại các địa điểm tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...
Truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về tiêm chủng mở rộng và lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; khuyến khích, vận động người dân chủ động tham gia tiêm chủng và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông đặc thù với từng dịch bệnh truyền nhiễm; tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa, các kỳ lễ hội, các sự kiện lớn; các chiến dịch truyền thông tuyên truyền phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân và các chiến dịch truyền thông hưởng ứng các ngày phòng, chống dịch bệnh như: Ngày thế giới phòng, chống sốt rét (25/4), Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (15/6), Ngày thế giới phòng, chống viêm gan (28/7), Ngày thế giới phòng chống dại (28/9), Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12)…
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đơn vị, địa phương để tăng cường triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tăng cường phối hợp giữa Sở Y tế với Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, các trường học; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; giữa Sở Y tế với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; giữa Sở Y tế với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên người, bệnh lây truyền từ động vật sang người, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật; giữa Sở Y tế với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch tại cửa khẩu, cảng biển.
Trong đó, UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban, ngành và các địa phương.
Sở Y tế: Làm nhiệm vụ cơ quan thường trực của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên người; Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Tham mưu, đề xuất kinh phí, nguồn lực triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu theo Kế hoạch đề ra. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn tăng cường triển khai giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; chủ động theo dõi, giám sát tại cửa khẩu, cảng biển, tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng, bùng phát kéo dài tại cộng đồng; tiếp tục tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ phòng, chống dịch bệnh động vật; phối hợp kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; đặc biệt là các bệnh có nguy cơ lây truyền từ động vật sang người.
Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với ngành Y tế củng cố, kiện toàn đội ngũ nhân viên y tế trường học; làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, truyền thông nguy cơ, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh, giáo dục vệ sinh cho trẻ em, học sinh các bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa, do tiếp xúc; phối hợp xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trong trường học. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, thị xã và các trường học phối hợp với cơ sở y tế trên địa bàn thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh để xử lý triệt để, không để dịch lây lan trong trường học và cộng đồng.
Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm trên người và trên các đàn gia cầm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phối hợp với các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí, lồng ghép kinh phí thực hiện hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 theo Kế hoạch này.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Sẵn sàng phương án triển khai khu vực cách ly và bệnh viện dã chiến chi viện cho ngành y tế trong tình huống khẩn cấp vượt quá khả năng đáp ứng của ngành y tế.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các lực lượng chức năng có liên quan thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch tại cửa khẩu, cảng biển, các đường mòn, lối mở; thông báo kịp thời về tình hình nhập cảnh liên quan đến dịch bệnh cho ngành Y tế phối hợp xử lý.
Cục Hải quan tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế xử lý hàng hóa bị ô nhiễm có nguy cơ phát tán mầm bệnh gây dịch.
Các sở, ngành cấp tỉnh: Trên cơ sở Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm của tỉnh, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình để triển khai các hoạt động thực hiện phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 đảm bảo phù hợp, hiệu quả.
UBND các huyện, thành phố, thị xã: Kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp huyện, tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên địa bàn quản lý, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh dựa trên cơ sở đề xuất của Y tế địa phương. Chỉ đạo thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại thôn, xóm, khối phố, xã, phường và hộ gia đình để khoanh vùng và xử lý kịp thời. Triển khai hoạt động xử lý triệt để ổ dịch theo đúng Hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế. Chỉ đạo tăng cường công tác vệ sinh môi trường; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tập trung vào các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi hoặc bệnh lưu hành có số mắc, tử vong cao tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm. Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Y tế để được hướng dẫn, giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền, Sở Y tế báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Xem toàn văn Kế hoạch tại đây.
BBT
Thêm ý kiến góp ý