Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Trừ điểm giấy phép lái xe: Đồng tình và đề nghị tăng nặng những tình huống nguy hiểm

  

07:49 13/08/2024

Cơ bản các ý kiến đồng tình với trừ điểm giấy phép lái xe nhưng còn băn khoăn ở các điểm trừ cụ thể cho từng tình huống.

Mỗi lần bị trừ điểm như là tiếng chuông cảnh báo người lái xe

Mới đây, Bộ Công an đưa ra dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Nội dung này nhằm thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025. Theo đó, dự thảo Nghị định quy định 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ từ 2 - 12 điểm giấy phép lái xe; trong đó, có 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm.


Trao đổi với phóng viên, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông cho biết: "Việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vi phạm đã bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Việc này, vừa có tính chất răn đe nhưng lại vừa động viên, giáo dục người tham gia giao thông chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Người lái xe chỉ vi phạm những lỗi nghiêm trọng, có tính chất cố tình và gây nguy hiểm thì mới bị trừ một lần hết 12 điểm. Khi đã bị trừ hết điểm thì phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về an toàn giao thông mới được phục hồi điểm, đây là biện pháp để người vi phạm có nhận thức đầy đủ về hành vi vi phạm của mình. Mỗi lần bị trừ điểm như là "tiếng chuông" cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn nhưng đảm bảo nhân văn.

Tôi lấy ví dụ như vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng tối thiểu, trước đây, tài xế sẽ bị tước bằng từ 11 - 12 tháng thì nay sẽ bị trừ 2 điểm. Sau khi bị trừ điểm, tài xế sẽ tự ý thức được hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn được quyền điều khiển xe, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân, qua đó bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp".

Đại tá Nguyễn Quang Nhật lấy ví dụ: Trường hợp anh A vi phạm, bị trừ 2 điểm vào ngày 1/1/2024; đến ngày 31/12/2024 người này tiếp tục bị trừ 2 điểm thì phải đến ngày 31/12/2025 anh A mới được phục hồi điểm giấy phép lái xe về 12 điểm. Dữ liệu về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và trừ điểm giấy phép lái xe; việc trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe được tự động thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu.

"Quy định này đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới. Thông qua đó, có thể quản lý tài xế trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cho đến quá trình chấp hành pháp luật, việc tái phạm lỗi. Và trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước, nó có tính chất răn đe, nhưng nó lại vừa có tính chất giáo dục, động viên người tham gia giao thông chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở mức độ nghiêm trọng như tôi đã nói trên thì mới bị trừ tuyệt đối, hoặc là bị trừ cộng dồn lại, nếu muốn có quyền điều khiển phương tiện thì phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Giấy phép lái xe mà chưa bị trừ hết điểm thì người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông và nó cũng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến đời sống và bảo đảm được tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật và quyền của công dân quy định trong Hiến pháp", Đại tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT (Bộ Công an)

Đề cập về cách phục hồi điểm, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng: "Điều 58 quy định là giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. 12 tháng ở đây không phải cứ 1 năm đến mùng 1/1 năm mới là phục hồi điểm cho anh đâu, mà phải tính từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Việc này rất hay và nhân văn, ở góc độ là không phải cứ chạy trốn cho hết năm rồi để bù đâu, mà lúc nào cũng có thể thường trực bị trừ đối với anh. Chính cái đấy mới là khuyến cáo cho ý thức chấp hành giao thông tốt lên, tức là anh phải có cái ý thức, phải có trách nhiệm".

Nhóm hành vi bị trừ điểm cần rõ ràng, không có vùng cấm

Liên quan đến vấn đề này, TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, đồng tình với dự thảo nghị định về đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe. Tuy nhiên, TS Khương Kim Tạo bày tỏ băn khoăn với hành vi điều khiển ô tô, xe máy đi ngược chiều cao tốc đang đề xuất trừ 6 điểm với tài xế: "Nên điều chỉnh theo hướng tăng nặng vì đây là hành vi rất nguy hiểm, thể hiện thái độ coi thường tính mạng bản thân và người tham gia giao thông. Thời gian qua, cả nước ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khi tài xế đi ngược chiều và lùi trên cao tốc. Hành vi này cần phải bị trừ kịch khung là 12 điểm. Đối với hành vi quay người về phía sau hoặc bịt mắt lái xe máy đều rất nguy hiểm nên trừ điểm GPLX 12 điểm thay vì trừ 4 điểm như Dự thảo đề xuất".

TS Khương Kim Tạo

Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, việc trừ điểm GPLX như thế nào rất khó, đòi hỏi cơ quan soạn thảo phải làm việc một cách nghiêm túc, khoa học, chính xác và nhân văn. Nếu không hội tụ các yếu tố trên thì rất dễ phát sinh tiêu cực, dẫn đến đánh giá sai hành vi, xử phạt tùy tiện và áp đặt.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: "Với việc trừ điểm GPLX, tài xế sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm hơn, thường xuyên theo dõi thông tin trên cơ sở dữ liệu, luôn chú ý và chấp hành nghiêm quy định khi điều khiển xe trên đường để không bị trừ hoặc trừ hết điểm. Ngoài giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đánh giá được việc chấp hành pháp luật của tài xế, quy định này cũng giúp doanh nghiệp vận tải có căn cứ xem xét việc ký hợp đồng, giám sát được tài xế trong suốt thời gian làm việc".

Theo Bộ Công an, dữ liệu về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm GPLX được lưu trữ trong Hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, ATGT và trừ điểm GPLX; việc trừ điểm, phục hồi điểm GPLX được tự động thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu. GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân.

Người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ theo quy định. Ngay sau khi có xác nhận của cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra đạt yêu cầu thì hệ thống cơ sở dữ liệu kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ sẽ kết nối đồng bộ dữ liệu sang hệ thống cơ sở dữ liệu trừ điểm giấy phép lái xe để phục hồi đủ 12 điểm cho giấy phép lái xe đó và cập nhật trạng thái phục hồi điểm trên cơ sở dữ liệu, tài khoản định danh điện tử theo quy định.

Trên thực tế, trừ điểm GPLX là quy định mới, cũng không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Các chuyên gia giao thông góp ý thêm, để việc áp dụng Nghị định vào thực tiễn đạt hiệu quả, lực lượng chức năng cần tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới; xử phạt trực tiếp kết hợp giám sát xử phạt thông qua tin báo của người dân, camera phạt nguội…; quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm, tái phạm, chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

Đồng thời cần có hướng dẫn rõ ràng đối với cả người tham gia giao thông lẫn lực lượng chức năng để việc thực hiện và xử phạt diễn ra công bằng, minh bạch. Như vậy, mỗi lần bị trừ điểm như là "tiếng chuông" cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn.

Theo VOV

Link: https://vov.vn/xa-hoi/tru-diem-giay-phep-lai-xe-dong-tinh-va-de-nghi-tang-nang-nhung-tinh-huong-nguy-hiem-post1113903.vov


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện